Du lịch Hà Nội cần bứt phá hơn nữa để xứng vai “đầu tàu”

0
186

Dù du lịch Hà Nội đã có nhiều bước tiến đáng kể trong năm 2017, tuy nhiên, so với vị thế một trong hai “đầu tàu” của cả nước thì kết quả đạt được vẫn còn “khiêm tốn”.

Quảng bá trên CNN đem lại hiệu quả tích cực

Năm 2017, ngành du lịch Thủ đô đã phục vụ 23,83 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế (khách quốc tế có lưu trú đạt hơn 3,5 triệu lượt, tăng 22%); tổng thu đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Đạt được thành công đó là nhờ những năm gần đây TP Hà Nội luôn quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng như có những bước tiến đột phá trong công tác quảng bá du lịch.

Để tạo sức hấp dẫn đối với du khách, Hà Nội đã duy trì tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, lùi “giờ giới nghiêm” các ngày cuối tuần trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; hoạt động phố Sách Hà Nội, Tháng khuyến mại du lịch… để thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Du khách quốc tế tham quan Hà Nội (ảnh: Hồ Hạ)

Bên cạnh những tour, tuyến, điểm đến du lịch đã có, TP đang triển khai hàng loạt sản phẩm mới hứa hẹn nhiều hấp dẫn như: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy đạt tiêu chuẩn quốc tế; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia; quy hoạch trục Nội Bài – Nhật Tân với Khu công viên, vui chơi giải trí, hồ điều hòa; Khu công viên thể thao thuộc dự án Khu Du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu; dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; đầu tư xây dựng 20 khách sạn cao cấp 4 – 5 sao…

Đặc biệt, Hà Nội mạnh tay chi 2 triệu USD để tạo đột phá trong công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh thủ đô trên Mạng tin tức truyền hình cáp CNN. Nội dung, chất lượng các chương trình, các phim quảng cáo về Hà Nội do CNN sản xuất, phát sóng, thu hút sự quan tâm, đánh giá tích cực từ khán giả, du khách, các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, chiến dịch quảng bá hình ảnh Hà Nội trên Mạng tin tức truyền hình cáp CNN đạt được tín hiệu tốt theo khảo sát do Công ty BDRC Continental thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 20252, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế được công nhận dành cho việc nghiên cứu thị trường. Công ty này thực hiện khảo sát những người xem CNN trên 2 lần/tuần và những người xem CNN dưới 2 lần/tuần. 62% người xem CNN được phỏng vấn biết về chiến dịch quảng bá du lịch Hà Nội, 43% người xem CNN được phỏng vấn nhớ được quảng cáo trên truyền hình và 43% nhớ được quảng cáo trên các kênh xã hội… 93% người xem CNN được phỏng vấn đồng ý rằng các quảng cáo cho họ biết “Hà Nội có rất nhiều di tích, di sản và các điểm tham quan thú vị”. 92% đồng ý rằng các quảng cáo cho thấy có nhiều hoạt động du lịch ở Hà Nội, khơi gợi hứng thú và thúc đẩy mong muốn tới thăm Hà Nội và coi Hà Nội như một điểm du lịch đáng đến trong các kỳ nghỉ.

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết năm 2017, Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai chương trình hợp tác với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN với tổng số 56 sản phẩm, trong đó hoàn thành sản xuất và phát sóng 3 phim quảng cáo 30 giây quảng bá thành phố Hà Nội phát sóng trên kênh CNN quốc tế tại 4 khu vực: châu Á-Thái Bình Dương, Nam Á, Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông.

Cũng trong năm 2017, Sở Du lịch đã tăng cường liên kết với các điểm đến, DN du lịch, hàng không và báo giới để tạo sức mạnh tổng hợp. Nhờ đó, hàng loạt sản phẩm đặc trưng, độc đáo, riêng có của du lịch Hà Nội đã ra đời như: “Tuyến Hop on Hop off”, “Tuyến du lịch vàng” của Hanoitourist; tour du lịch đi bộ miễn phí khám phá phố cổ Hà Nội và khu vực xung quanh Hồ Gươm của Công ty Du lịch Vienamtourism – Hà Nội…

Thành quả vẫn chưa tương xứng với vai trò “dẫn đầu”

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, năm 2017, Hà Nội đón 23,83 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 4,95 triệu lượt, tăng 23% so với năm 2016; tổng thu từ khách du lịch đạt 70.958 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% tổng thu của toàn ngành du lịch cả nước. Điều này cho thấy rõ Hà Nội có những bước tiến đột phá, trong đó, phải kể đến việc thí điểm phố đi bộ quanh Hồ Gươm đã trở thành một sản phẩm du lịch được du khách đón chào; công tác xúc tiến, quảng bá có bước tiến đột phá khi ký kết quảng bá trên CNN với nhiều quy mô, định hướng khác nhau. Những kết quả đó không chỉ đóng góp cho sự phát triển du lịch thủ đô mà còn đóng góp tích cực cho ngành du lịch cả nước.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận đó, du lịch  Hà Nội vẫn còn phải nỗ lực khắc phục những tồn tại để khẳng định vai trò “đầu tàu” của cả nước cùng với Tp HCM. Trong năm 2017, du lịch cả nước tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng du lịch thủ đô mới chỉ tăng 22%, trong khi lẽ ra du lịch Hà Nội và TPHCM với vai trò hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước cần có con số tăng trưởng cao hơn để “kéo” các địa phương khác.

Về cơ sở lưu trú, mấy năm gần đây, Hà Nội không có sự gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp. Trong khi đó, phân khúc cơ sở lưu trú cao cấp ở Phú Quốc phát triển rất mạnh, số phòng khách sạn tiêu chuẩn 5  sao ở Phú Quốc đã gấp 2 lần Hà Nội. Những thành phố du lịch lớn khác như Nha Trang (Khánh Hòa) và Đà Nẵng cũng đã có sự bứt phá trong việc tăng cường khách sạn cao cấp với con số lần lượt là 20 ngàn phòng khách sạn 5 sao, 11 ngàn phòng khách sạn 3-5 sao.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay, công tác quản lý điểm đến của Hà Nội còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Dù đại đa số du khách hài lòng, song đây đó vẫn còn những vụ chặt chém, đeo bám du khách. Những việc làm tốt thì ít được truyền thông, song một vụ du khách bị người bán bánh rán chặt chém thì được truyền thông với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến Hà Nội nói riêng và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam nói chung.

Để cùng ngành du lịch cả nước phấn đấu đạt mục tiêu đón 15-17 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 20% và đạt 78-80 khách nội địa trong năm 2018, ông Tuấn cho rằng, ngành du lịch thủ đô cần tập trung vào một số nhiệm vụ chính để phát huy vai trò “đầu tàu”, là tâm điểm bứt phá của du lịch Việt Nam trong năm 2018.

Theo đó, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong xây dựng sản phẩm và quảng bá xúc tiến, để làm sao kéo dài thời gian lưu trú và du khách tăng chi tiêu khi đến Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội cần tập trung khắc phục những “điểm nghẽn”, những vấn đề hạn chế mang tính nội tại của ngành du lịch như: nhân lực, quảng bá, quản lý điểm đến, sản phẩm du lịch… Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao đẳng cấp của các sản phẩm du lịch văn hóa vốn được xem là thế mạnh của Hà Nội như: làng nghề, đường sông, city  tour… Bên cạnh đó, Hà Nội cần có sự liên kết thực chất với các địa phương khác để phát triển du lịch, đặc biệt lưu ý cụm trung tâm phía Bắc: Hà Nội với Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình); tăng cường liên kết với TP HCM, Đà Nẵng và liên kết với các điểm đến phụ cận Hà Nội để du khách có nơi trải nghiệm, khám phá, song vẫn trở về nghỉ ngơi tại Hà Nội.

Đặc biệt, lãnh đạo ngành Du lịch cũng đề nghị Hà Nội thực hiện tốt 2 nhiệm vụ là: phát động và tổ chức tốt phong trào sinh viên làm tình nguyện viên du lịch hỗ trợ khách du lịch, đồng thời tận dụng cơ hội giao tiếp thực hành ngoại ngữ và làm tốt nhà vệ sinh dành cho du khách. “Hiện nay, công việc này đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Cần kiến nghị và tham khảo cách làm như Đà Nẵng, khuyến khích một số nhà mặt phố cho phép du khách sử dụng toilet thoải mái như ở nhà” – ông Tuấn cho hay.

Được biết, trong năm 2018, Hà Nội đặt ra mục tiêu đón 25,4 triệu lượt khách, tăng 7% so với năm 2017, trong đó, lượng khách quốc tế là 5,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt gần 76.000 tỉ đồng./.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn