Du lịch kết hợp với nuôi trồng thủy sản bền vững trên Vịnh Hạ Long: Một sản phẩm du lịch đặc sắc

0
198

Được triển khai cách đây gần 3 năm, mô hình thí điểm Nuôi trồng thuỷ sản bền vững kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng đã phát huy được hiệu quả, tạo nên một sản phẩm du lịch mới mẻ, đặc sắc đối với du khách tham quan Vịnh Hạ Long.

 

Khách du lịch tham quan khu vực nuôi trồng thủy sản Vung Viêng

Dự án nuôi trồng thủy sản bền vững kết hợp du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long được triển khai từ tháng 4/2016, nhằm tạo sinh kế bền vững cho ngư dân làng chài sau khi di chuyển lên bờ, hình thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn; góp phần gìn giữ, bảo tồn làng chài truyền thống trên Vịnh Hạ Long. Mô hình đã được thực hiện thí điểm với 7 hộ dân, 7 nhà bè nuôi trồng thủy sản kết hợp làm du lịch và bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng.

Theo đó, ngư dân ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long được di dời lên sinh sống trên bờ ở khu tái định cư phường Hà Phong, TP Hạ Long, nay được giao mặt nước để góp vốn làm ăn với doanh nghiệp – Hợp tác xã dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long. Số ngư dân này là thành viên của Hợp tác xã, chỉ được phép lao động sản xuất trên Vịnh chứ không được định cư trên Vịnh Hạ Long.

Đây là dự án nằm trong khuôn khổ “Sáng kiến liên minh Hạ Long – Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, địa phương và cộng đồng” do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và một số đối tác thực hiện bằng nguồn tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện, mô hình bước đầu đã đảm bảo cho việc phát triển, nuôi trồng thủy sản một cách bền vững tại khu vực vùng lõi của Vịnh Hạ Long. Đồng thời tạo nên một sản phẩm du lịch trải nghiệm mới mẻ đối với du khách khi tham quan, tìm hiểu về những phương thức mưu sinh truyền thống của ngư dân Hạ Long sinh sống trên Vịnh.

Để đảm bảo quy mô nuôi trồng thủy sản không vượt quá sức tải môi trường tại khu vực triển khai, dự án được chia thành 5 cụm bè nuôi với khoảng 30 bè, đáp ứng cho khoảng 30 hộ nuôi trồng thủy sản. Đến nay, TP Hạ Long đã lựa chọn được 27 hộ dân đủ điều kiện tham gia thực hiện mô hình. Cùng với 7 bè nuôi trồng thí điểm, thành phố cũng đã tiếp tục tiến hành bàn giao mặt nước, ký kết hợp đồng khai thác, sử dụng nhà bè cho các hộ dân của làng chài Vung Viêng phục vụ dự án nuôi trồng thủy sản bền vững kết hợp du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long. 

Đây là mô hình kết hợp ba bên: Chính quyền địa phương cùng các tổ chức tài trợ, doanh nghiệp và ngư dân. Chính quyền và các tổ chức tài trợ xây dựng mô hình, quản lý mô hình và giao mặt nước cho người dân. Doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng các nhà bè theo tiêu chuẩn chất lượng cao và quản lý dự án. Người dân sử dụng mặt nước được giao để làm và tổ chức nuôi trồng thủy sản theo kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

Ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long cho hay, Hợp tác xã được xác định là doanh nghiệp xã hội, tạo ra các sản phẩm du lịch dựa trên các trụ cột là tập quán, thói quen trong sinh hoạt và lao động cũng như nét văn hóa của cộng đồng ngư dân làng chài. Tính đến thời điểm này, 20 bè nuôi trồng thủy sản tiếp theo tại khu vực Vung Viêng đang được hoàn thiện. Các bè nuôi trồng còn lại sẽ được hoàn thành trong tháng 9. Khu bè nuôi trồng thủy sản này sẽ tạo ra một diện mạo mới cho làng chài Vung Viêng, thu hút khách đến tham quan nhiều hơn. Từ đầu năm đến nay, Vung Viêng đã đón 170.000 lượt khách.

Anh Trần Đức Hữu, Khu tái định cư, phường Hà Phong, TP Hạ Long, một người dân tham gia dự án nuôi trồng thủy sản ở Vung Viêng chia sẻ, gia đình anh rất vui khi được tham gia mô hình này. Đây là mô hình thiết thực góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn trên Vịnh Hạ Long. Các bè nuôi trồng thủy sản được làm theo đúng quy chuẩn, bằng các vật liệu bền vững không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo tính thống nhất và thẩm mỹ cao. Gia đình anh nuôi hải sản theo quy chuẩn sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tươi sống, sử dụng giống thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, chọn loài nuôi phù hợp với hệ sinh thái để tạo ra hải sản có chất lượng cao.

Trong buổi ký kết hợp đồng khai thác và sử dụng nhà bè, bàn giao mặt nước cho hơn 10 hộ ngư dân của làng chài Vung Viêng phục vụ dự án nuôi trồng thủy sản bền vững kết hợp du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long mới đây, ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Dự án không chỉ đem lại một sản phẩm du lịch đặc sắc, duy trì và phát huy giá trị văn hóa làng chài trên Vịnh Hạ Long mà còn giúp người dân tăng thu nhập từ hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng như dịch vụ chèo đò đưa khách tham quan Vung Viêng. Nhờ đó, người dân vùng Vịnh có thể tự huy động, đầu tư cho sản xuất, từng bước nâng cao mức sống. Các doanh nghiệp du lịch có thể gắn kết mô hình nâng cao hiệu quả đầu tư, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững kết hợp du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định gắn với nghề truyền thống nuôi trồng thủy sản của bà con ngư dân kết hợp với phát triển du lịch, chèo đò đưa khách du lịch tham quan, ngắm cảnh khu vực Vung Viêng. Ngoài thu nhập từ nuôi trồng thủy sản, bà con còn có thu nhập từ dịch vụ chèo đò tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản, tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc.

Sản phẩm du lịch dịch vụ chèo đò, tham quan ngắm cảnh mô hình nuôi trồng thủy sản ở Vung Viêng đã được tham gia chương trình OCOP Quảng Ninh và được gắn 5 sao. Đây là một trong những điểm dịch vụ du lịch có gắn sao cao nhất trong hơn 300 sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn