Nằm ở vùng hạ lưu Châu thổ, An Giang được hưởng thụ hương phù sa ngọt ngào từ sông mẹ Mê Công. Thông lệ hằng năm, cứ tháng 7 âm lịch, nước từ thượng nguồn tràn về sông rạch, đồng ruộng An Giang chở theo bao quà tặng thiên nhiên là phù sa, tôm cá. Và đó cũng là tiềm năng khai thác du lịch độc đáo ở địa phương này.
Hoàng hôn trên cánh đồng nước Bảy Núi luôn đẹp nao lòng.
Mùa lũ An Giang kéo dài ba tháng nhưng không dữ dằn, phá hại như ở vùng miền khác, con nước cứ dâng lên nhè nhẹ mỗi ngày. Nước tràn vào đồng ruộng, vào các lòng hồ, vào các kinh rạch hòa hợp với những rặng cây, rặng núi tạo nên một góc trời thơ mộng yên bình. Tận dụng đặc thế thiên nhiên này, những năm gần đây, An Giang đã tìm tòi khai thác thế mạnh mùa nước nổi để phục vụ du lịch tạo nên thương hiệu độc đáo. Những chuyến đi đưa du khách lướt trên đồng nước mênh mông, hứng cơn gió sông mát rượi đưa con người về lại với tự nhiên, vơi đi bao nổi ưu phiền.
Năm nay, tuy có bất thường, nước nổi về muộn nhưng cũng làm ấm lòng người dân vùng châu thổ Cửu Long mong nhớ. Với cư dân nghèo vùng sông nước miền Tây, con nước nổi đã trở nên thân thiết và không thể vắng xa. Cho nên, khi con nước đỏng đảnh, lang thang miệt đầu nguồn tận hơn hai tháng mới chịu lần dò về “thăm” các cánh đồng biên giới, khiến ngư dân thấp thỏm. Bây giờ, nước nổi đã tràn về các huyện Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu… Đây là thời khắc đẹp nhất để đưa du khách rong chơi trải nghiệm để hiểu rõ hơn mùa nước nổi. Khách yêu sơn thủy có thể du ngoạn về vùng Bảy Núi trải nghiệm trên các cánh đồng ngập nước, xa xa là dãy núi soi bóng nhìn thật bình yên, thư thả, đây đó trên đồng nước thấp thoáng bóng ngư dân thả lưới, giăng câu… Nếu có điều kiện, ngắm hoàng hôn khuất sau rặng núi hay ánh nắng tắt dần trên đồng nước để cảm nhận thời khắc chuyển ngày của thiên nhiên.
Mùa nước nổi, những căn nhà sàn trở thành nhà nổi là nét riêng ở An Giang.
Rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Bảy Núi bởi đây là khoảng khắc đẹp nhất trong năm. Mùa này, rừng tràm đầy bèo xanh trên mặt nước tạo nên thảm cỏ xanh mịn màng thỏa sức cho du khách check-in, chụp ảnh. Ngồi trên con thuyền, lướt qua các mảng bèo xanh ngắt, ngắm các loài chim trời bay vần vũ với đủ âm sắc của chim muông tạo nên một bản hòa ca giữa trời xanh mây trắng. Khi len lách giữa không gian xanh này, du khách tận hưởng nhịp sống của thiên nhiên, thả mình lạc trôi giữa không gian tĩnh lặng của cánh rừng hay lên tháp ngắm không gian rừng núi bao la, đồng nước bạt ngàn, thưởng thức các món ăn đặc sản mùa nước nổi.
Từ rừng núi ngược ra sông Vàm Nao, con sông dữ từng gây sạt lở nhưng nó cũng là con sông có nhiều cá tôm với những nét duyên ngầm. Và gần đây người dân xã Tân Trung, huyện Phú Tân đã tận dụng nét duyên dáng của sông để kết hợp các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác du lịch. Lòng hồ Tân Trung ngày thường là nơi trồng rau thủy sinh, nhưng trong mùa nước nổi, nước sông Vàm Nao tràn vào dâng ngập lòng hồ, tạo nên hồ nước yên ả, lòng hồ không có sóng to gió lớn nên cá tôm vào đây trú ẩn, sinh sản. Đối với những ai yêu thiên nhiên, yêu sóng nước, nơi đây chính là điểm đến lý tưởng. Khách có thể ngồi trên nhà sàn hay trên xuồng câu cá hay tháp tùng đi theo ngư dân dỡ chà bắt cá cua, đặt lợp, tận tay hái bông điên điển để thấm thía câu “nghiêng mình nhớ đất quê”, bơi xuồng, chụp ảnh… trên những căn nhà sàn như nổi trên mặt nước. Và những món ăn dân dã đánh bắt tại lòng hồ như cua đồng, cá linh, cá lóc sẽ để lại dư vị ngọt ngào khó quên.
Du lịch trong rừng Tràm Trà Sư mùa nước nổi.
Từ Vàm Nao, du khách có thể tạt ngã ba sông Châu Đốc nổi tiếng với các làng bè được mệnh danh là Làng nổi Châu Đốc. Đây là địa điểm mang đậm nét văn hóa đặc trưng với những ngôi làng trên ngã ba sông thuộc TP Châu Đốc và huyện An Phú, thị xã Tân Châu. Mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông, du khách lên bè tham quan, cho cá ăn, mua sắm các đặc sản hay đến làng Chăm, thánh đường để trải nghiệm phong tục tập quán của làng quê thanh bình.
Ngược về Búng Bình Thiên, hồ nước trời lớn nhất ở miền Tây, là địa danh hút khách du lịch bậc nhất ở An Giang những năm gần đây. Búng nằm cặp với sông Bình Di – một nhánh của sông Hậu thuộc huyện An Phú. Búng Bình Thiên bốn mùa mang dòng nước xanh trong, là nét đặc biệt của bức tranh thủy mặc với cảnh quan sông nước và bốn dân tộc cùng chung sống nơi đây. Trong đó, cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi (Chăm Islam) có nhiều nét riêng độc đáo nhất khi vẫn giữ nguyên bản sắc, nếp sống văn hóa của mình. Không khó để bắt gặp những hình ảnh cụ già người Chăm ngồi lặng lẽ bên cầu thang nhà sàn. Chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn nằm san sát nhau, du khách còn có cơ hội ghé thăm thánh đường Mas Jid Khay Ri Yah rộng lớn, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Chăm quanh Búng, thưởng thức canh cá linh, cá lóc, bông điên điển. Đây là món ăn từng đi vào thơ ca, tiềm thức của người miền Tây.
Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái sông nước, phối hợp Sở, ngành, huyện, thị, thành phố và các hộ dân sinh sống trên làng bè ngã ba sông Châu đốc để sơn mới khoảng 200 m các bè cá đoạn ngã ba sông Châu Đốc phục vụ du lịch. Sắp xếp lại Chợ nổi Long xuyên, bố trí cầu tàu, ghe xuồng đưa rước khách và các thương thuyền trên chợ nổi Long Xuyên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến du lịch cộng đồng homesay cho các hộ dân tại các huyện Phú Tân, Chợ Mới, An Phú…
Làng bè ngã ba sông Châu Đốc.
Ngoài ra, các công ty du lịch lữ hành và các hộ du lịch nông dân tại An Giang cũng đang khai thác và phát triển thêm, địa phương đang từng bước tăng cường khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch mùa nước nổi, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú nhằm phục vụ nhu cầu du lịch sinh thái của du khách trong ngoài nước. Với nhiều du khách và cả nhiếp ảnh gia, mùa nước nổi là cơ hội để họ trải nghiệm, tiếp cận, quan sát và tìm hiểu các giá trị văn hóa sông nước.
Mùa nước nổi không chỉ phục vụ du lịch của An Giang mà còn là mùa mang lại nguồn thủy sản dồi dào để chế biến những món ăn đặc sản, tuy dân dã nhưng đậm đà hương vị bản sắc miền Tây. Đó là món cá linh nấu bông súng, tép xào điên điển, cá lóc nướng chui, cua đồng luộc… mang đậm nét văn hóa truyền thống Nam Bộ. Những thứ bình dị ấy khi hòa quyện lại đã tạo nên một bức tranh sống động để ai đã một lần đến mùa nước nổi An Giang sẽ tìm lại trong ký ức một chút gì để nhớ về tuổi thơ, làng quê cũng như hiểu rõ hơn thế nào là mùa nước nổi.
Quốc Dũng – Thanh Dũng
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn