VTV.vn – Với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025, Trà Vinh đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực.
Trà Vinh nằm giữa hai nhánh sông Mê Kông và tiếp giáp biển Đông, từ đó hình thành nên nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh, tạo lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, là vùng đất này còn mang nét đặc trưng cho sự giao thoa, chuyển từ đồng bằng sang vùng biển, Trà Vinh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa dân tộc, phát huy mối liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre.
Khu du lịch Cồn Hô
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tập trung xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch văn hóa – lễ hội, du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái miệt vườn. Sở cũng chú trọng xây dựng loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa dân tộc thành sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách đến tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm kết nối tuyến điểm du lịch trong tỉnh Trà Vinh cũng như với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trà Vinh cũng xây dựng các tuyến đường hành lang ven biển để phát triển kinh tế biển gắn với du lịch, tạo quỹ đất mời gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các điểm tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp tại đô thị du lịch xanh – thành phố Trà Vinh, đô thị du lịch biển – thị xã Duyên Hải. Ngành du lịch đã áp dụng các tiện ích của công nghệ gắn với việc cung cấp thông tin và đáp ứng nhu cầu kết nối dịch vụ du lịch của du khách.
Du khách trải nghiệm văn hóa Khmer
Để khai thác yếu tố văn hóa Khmer và tạo điểm nhấn cho ngành Du lịch, Trà Vinh đã triển khai “Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh” gắn với quần thể di tích danh thắng Ao Bà Om và di tích khảo cổ Bờ Luỹ – chùa Lò Gạch. Tỉnh cũng đã xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch tự thân tại các cồn, cù lao ven sông, ven biển, điển hình như cồn Chim (huyện Châu Thành), cồn Hô (huyện Càng Long), cù lao Tân Quy (huyện Cầu Kè), cù lao Long Trị (TP Trà Vinh) những nơi còn giữ được nhiều nét văn hóa của vùng quê Nam Bộ với cảnh quan môi trường thân thiện, không khí trong lành, trái cây quanh năm, phương thức nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp sạch. Đặc biệt, du lịch cộng đồng cồn Chim và cồn Hô theo xu hướng “du lịch chậm”, “du lịch thuận thiên” phù hợp với mọi du khách, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Nguồn: vtv.vn