Du lịch trách nhiệm vì sự phát triển bền vững

0
Du lịch trách nhiệm vì sự phát triển bền vững

Ngày nay, khái niệm “Du lịch có trách nhiệm” không là một loại hình du lịch mới, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Bản chất của loại hình du lịch này chứa đựng những đặc trưng của phát triển du lịch bền vững, tuy nhiên nó mang tính phổ quát, định hướng cao hơn và thậm chí điều chỉnh tất cả các loại hình du lịch khác nhằm hướng mục tiêu phát triển ngành du lịch đạt tới sự hài hòa, đem lại lợi ích bình đẳng cho tất cả chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch. Đồng thời, nó góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ cho việc tạo dựng nên một môi trường lành mạnh vì lợi ích kinh tế-xã hội.

Du lịch có trách nhiệm gồm một số đặc trưng cơ bản: Giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường; mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân địa phương và tăng thu nhập cho các cộng đồng dân cư điểm đến, cải thiện điều kiện làm việc và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho ngành du lịch; khuyến khích người dân tham gia vào quá trình quyết định những vấn đề có thể ảnh hưởng tới cơ hội mưu sinh của họ; góp phần tích cực vào việc bảo tồn các di sản tự nhiên và văn hóa, duy trì tính da dạng; mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch thông qua giao tiếp với cộng đồng địa phương, qua đó giúp họ hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, xã hội và môi trường bản địa; tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ du lịch; tăng cường sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau giữa khách du lịch và cộng đồng điểm đến, tạo dựng niềm tin và tự hào của người dân tại các điểm du lịch. Theo đó, phát triển du lịch có trách nhiệm cần tuân thủ những nguyên tắc chủ yếu sau:

Trách nhiệm về kinh tế:

– Khi phát triển các dự án du lịch, cần phải đánh giá tác động kinh tế, xác định rõ ưu tiên loại hình nào phát triển phù hợp, sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới đời sống của họ, ví dụ: phát triển dự án du lịch có dẫn tới hậu quả  làm tổn hại và cạn kiệt các nguồn lực, tài nguyên? Đồng thời, cũng cần phải xác định rõ phát triển du lịch có phải là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương mình hay không?

– Tăng cường liên kết nhằm khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của các cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch; giảm thiểu sự thiệt hại trong quá trình khai thác và sử dụng các nguồn lực; phát triển du lịch gắn chặt với mục tiêu vì người nghèo và hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo.

– Chất lượng sản phẩm du lịch của điểm đến cần phải nêu bật được nét hấp dẫn đặc thù và chú trọng tới giá trị gia tăng.

– Xúc tiến quảng bá du lịch phải đảm bảo tôn trọng tính nguyên vẹn về văn hóa, kinh tế, tự nhiên và xã hội; khuyến khích phát triển các loại hình du lịch phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

– Tôn trọng phong tục, tập quán của cư dân bản địa, kinh doanh bình đẳng, xây dựng giá cả hợp lý và xây dựng mối quan hệ kinh doanh chia sẻ trách nhiệm cả trong rủi ro và thành công. Tuyển dụng và đào tạo nhân viên làm việc có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế.

– Dành hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và cực nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tới du lịch phát triển theo hướng bền vững.

Trách nhiệm về xã hội:

– Tích cực thu hút cộng đồng dân cư địa phương tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, nâng cao năng lực để cho họ hiện thực hóa các sáng kiến đề ra.

– Đánh giá tác động xã hội thông qua các chu kỳ vận động dự án, ngay từ khâu lập kế hoạch, thiết kế dự án nhằm giảm thiểu các tác động xã hội và tối đa hóa yếu tố tích cực.

– Biến du lịch là nhu cầu trải nghiệm chung của toàn xã hội, nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả mọi người, đặc biệt la những nhóm người và cá nhân dễ bị tổn thương và thiệt thòi.

– Ngăn chặn lạm dụng tình dục trong du lịch, đặc biệt đối với trẻ em.

– Tôn trọng văn hóa bản địa, bảo tồn và phát huy tính đa dạng về văn hóa và xã hôi.

– Đảm bảo du lịch đóng góp đáng kể vào cải thiện y tế và giáo dục.

Trách nhiệm về môi trường:

– Cần đánh giá tác động môi trường trong quá trình hoạch định và thiết kế dự án du lịch.

– Sử dụng tài nguyên hợp lý và bền vững, giảm chất thải và tiêu thụ quá mức tài nguyên và năng lượng.

– Quản lý đa dạng tự nhiên, sinh thái theo hướng bền vững; phục hồi những khu vực tài nguyên tự nhiên bi xâm hại và xác định rõ các loại hình du lịch gắn với môi trường để có hướng bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái dễ bị phá hủy và các khu phòng hộ.

– Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức cho mọi chủ thể về phát triển bền vững.

– Nâng cao năng lực về du lịch cho mọi chủ thể và cần phải tuân thủ những mô hình phát triển du lịch lành mạnh và hiệu quả nhất. Để đạt được mục tiêu trên, cần phải thường xuyên tham vấn các chuyên gia môi trường và bảo tồn.

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thời đại. Du lịch không những không nằm ngoài tiến trình trên mà còn đóng góp vai trò to lớn và quan trọng vào thực hiện mục tiêu đó. Hầu hết các quốc gia có ngành du lịch phát triển cũng như một số nước đang phát triển trên thế giới  đã và đang tập trung nhiều nỗ lực để phát triển mô hình du lịch này và gặt hái được nhiều thành công. Du lịch là một trong những ngành kinh tế có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, nó là nhân tố phát triển và cũng là hệ quả để đảm bảo sự phát triển bền vững. Để có thể hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch có trách nhiệm, đòi hỏi có tình thần trách nhiệm cao và sự phối hợp chặt chẽ từ mọi chủ thể, cả ngành du lịch lẫn các ngành liên quan. Trong đó, đặc biệt chú trọng mối quan hệ giữa 5 chủ thể chính đó là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cả trung ương và địa phương, cộng đồng dân cư địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp trong đó hiệp hội du lịch là chủ đạo, doanh nghiêp du lịch và cuối cùng người khách du lịch. Đồng thời, vì sự nghiệp phát triển du lịch chung, cần phải xây dựng cam kết tập thể ở cấp cao thông qua việc hình thành cơ chế hợp tác chung, trong đó cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đóng vai trò nòng cốt, với sự tham gia tích cực và thường xuyên của các cơ quan thẩm quyền liên quan, cần có trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng nhiệm vụ được phân công. Cần phải xây dựng một chiến lược quốc gia riêng về phát triển du lịch có trách nhiệm, từ đó làm cơ sở để thể chế hóa các sáng kiến, nội dung du lịch có trách nhiệm trong các chương trình xây dựng chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, quy hoạch du lịch. Bên cạnh đó, việc huy động mọi nguồn lực để triển khai các hoạt động cụ thể cũng không kém phần quan trọng, trong đó đặc biệt là nhân lực và tài lực. Với những định hướng cơ bản trên, vận dụng và thực thi tốt chắc chắn sẽ là những nền móng quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển theo hướng chất lượng, bền vững, có trách nhiệm.

Phương Linh RMIT

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn