Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Ghé thăm làng nghề xứ Quảng

Sau khi Quảng Nam sáp nhập vào TP Đà Nẵng, thành phố biển không chỉ được mở rộng về địa giới hành chính mà còn được bồi đắp thêm chiều sâu văn hóa và bản sắc truyền thống bởi Quảng Nam không chỉ là vùng đất di sản mà còn có rất nhiều làng nghề truyền thống tuổi đời cả trăm năm. Những tài sản vô giá này chắc chắn sẽ tạo đà cho du lịch phát triển…


Bà Lê Thị Kề ngồi đan võng ngô đồng.

Yêu sao chiếc võng ngô đồng

Bao đời nay, người dân sống trên đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP Đà Nẵng có nghề đan võng ngô đồng – nghề truyền thống được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo lời kể của các bậc cao niên ở xã Tân Hiệp, hàng trăm năm về trước, trong điều kiện sản phẩm gia dụng công nghiệp còn chưa phổ biến, nhất là đối với người dân xã đảo nằm cách xa đất liền, bà con nơi đây tự cung tự cấp nhiều mặt hàng. Nghề đan võng từ vỏ cây ngô đồng cũng bắt đầu từ đó, và qua năm tháng ngày càng gắn bó chặt chẽ với đời sống bà con trên đảo.

Giấc mơ trưa của bao đứa trẻ trên chiếc vòng ngô đồng cùng lời ru và tiếng sóng biển êm đềm.

Bà Lê Thị Kề, ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp là người gắn bó với nghề đan võng ngô đồng gần 60 năm cho biết: “Tôi quê gốc ở Hội An, năm 1962 theo chồng ra đảo Cù Lao Chàm, quanh quẩn bên bờ biển, làm bạn với thuyền ghe và nghề thủ công. Tôi được mẹ chồng truyền dạy nghề đan võng ngô đồng. Bây giờ thì đã quá quen và thấy gắn bó như hơi thở cuộc sống hàng ngày vậy”.

Để có nguyên liệu, bà con phải lên núi đốn cây ngô đồng nhánh dài, suôn, rồi bó lại mang xuống suối ngâm. Tùy mùa, thời gian ngâm kéo dài từ nửa tháng đến hơn 20 ngày. Khi thân cây rục mềm, người ta gọt sạch lớp bùn, vỏ ngoài, chỉ giữ lại phần vỏ có sợi bên trong để đập, giặt, phơi và tước thành sợi. Sợi càng mảnh, võng càng bền và chắc.

“Ngô đồng là loài cây sức sống mạnh, cứ chặt gốc là nứt ra nhiều chồi mới, chẳng những không hại mà còn giúp rừng thêm xanh” – bà Kề cho biết.

Cũng theo bà Kề, chiếc võng ngô đồng có độ bền khá cao, nếu bảo quản đúng cách tuổi đời sử dụng của võng từ 15 – 20 năm. Đặc biệt khi nằm trên chiếc võng ngô đồng được làm hoàn toàn bằng sợi thiên nhiên nên có tác dụng massage các huyệt đạo trên cơ thể và thấm hút mồ hôi vì vậy rất tốt cho những người bị bệnh phong, thấp khớp và nhiều công dụng khác.

Nói thì như vậy, nhưng nghề đan võng ngô đồng rất vất vả, ngoài việc lên núi tìm cây còn đòi hỏi người thợ phải chịu khó kiên trì ngồi một chỗ hàng giờ, tỉ mỉ, khéo léo từng công đoạn. Mới đầu đan được chiếc võng ngô đồng là khó khăn nhưng dần dần qua thời gian, người thợ sẽ có kinh nghiệm, khéo léo hơn.

Ông Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: “Chiếc võng ngô đồng không chỉ là sản phẩm thủ công đơn thuần, mà còn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này. Mỗi chiếc võng đều gửi gắm tâm tư, tình cảm của người làm. Đây là một nghề truyền thống đòi hỏi nhiều công đoạn, kỹ thuật tinh xảo để tạo nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm dấu ấn địa phương”.

Về thử nước mắm làng Cửa Khe

Sau khi ghé thăm đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp để tìm hiểu về đan võng ngô đồng, chúng tôi lại đến thăm một làng nghề truyền thống làm nước mắm. Đó là làng Cửa Khe, xã Thăng An, TP Đà Nẵng. Nhiều người lớn tuổi cũng không biết nghề chế biến nước mắm thủ công ở đây ra đời từ khi nào. Họ chỉ biết từ khi cha ông đi làm nghề biển thì từ đó ra đời nghề này. Thế rồi đời này qua đời khác, cũng lắm lúc thăng trầm nhưng người dân nơi đây vẫn giữ và yêu nghề như một phần máu thịt của cuộc sống ngư dân ven biển này.

Theo những người dân xã Thăng An, mắm được làm từ cá cơm, cá nục hoặc cá trích;…muối trong chum sành theo phương pháp truyền thống, ủ ròng rã từ 12 tháng trở lên để cho ra mẻ nước mắm cốt sánh đậm, màu nâu, vị mặn mòi và hương thơm mang đậm hương vị xứ Quảng.

Người trong xã kể, quy trình sản xuất nước mắm được bắt đầu ngay từ trên tàu, sau khi đánh bắt cá được rửa sạch bằng nước biển, loại bỏ tạp chất rồi trộn với muối theo tỉ lệ thích hợp để ướp bước đầu giữ chất lượng cá. Khi về đến biển Cửa Khe bắt đầu thực hiện các công đoạn vệ sinh và cho vào ghè ủ tiếp. Ướp, ủ cá khoảng 9 đến 18 tháng, bà con bắt đầu rút nước mắm nhĩ. Vì muối ngay từ lúc cá còn tươi sống nên giá trị dinh dưỡng trong mắm cao, hương vị thơm ngon đậm đà.

Hiện tại, làng nghề nước mắm này có khoảng 60 hộ dân làm nghề, trong đó có 10 cơ sở tham gia tổ hợp tác. Mỗi năm, làng nghề nước mắm Cửa Khe bán ra thị trường khoảng 200.000 lít, với giá bán từ 50.000 – 60.000 nghìn đồng/lít tùy loại.

Bà Lê Thị Lợi, chủ cơ sở nước mắm Bà Lợi chia sẻ: “Mặc dù, giá nước mắm của làng nghề cao hơn so với các loại nước mắm công nghiệp khác nhưng được nhiều người dân ưa chuộng. Nhiều khi nước mắm làm ra không có đủ để cung cấp cho thị trường, nhất vào dịp Tết hay lễ hội. Nhờ nghề chế biến nước mắm này mà nhiều gia đình khá lên, có tiền nuôi con ăn học thành tài”.

Hiện tại, cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình bà Lợi có 5 lao động thường xuyên, với mức lương trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, cơ sở sản xuất và cho ra lò khoảng hơn 7.000 – 8.000 lít/năm, doanh thu hơn 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Anh Võ Nguyên Tùng – Trưởng ban Làng nghề nước mắm Cửa Khe chia sẻ: “Có 3 phương thức chính để chúng tôi duy trì làng nghề, một là chế biến nước mắm theo các quy trình nghiêm ngặt để cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao, ngoài ra chúng tôi chủ động tìm đến khách hàng để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Dù thị trường có thế nào chúng tôi vẫn luôn lấy uy tín của làng nghề đặt lên hàng đầu

Ông Nguyễn Thanh Phong – Chủ tịch UBND xã Thăng An cho biết, làng nước mắm Cửa Khe là làng nghề truyền thống lâu đời và có nhiều điều kiện để tổ chức hoạt động sản xuất nước mắm gắn với phát triển du lịch. Người dân luôn chú trọng về chất lượng sản phẩm, đặt uy tín lên hàng đầu để giữ vững thương hiệu truyền thống của làng nghề. Hiện nay, sản phẩm nước mắm làng Cửa Khe đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.

Tấn Thành – Chí Đại

 

Nguồn: Dulichvn

Hà Nội: Quảng bá làng nghề ở quy mô quốc tế

Hà Nội có 1.350 làng nghề các loại, trong đó có những làng nghề nổi tiếng thế giới như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Hoạt động sản xuất ở các làng nghề đem lại giá trị kinh tế lớn. Do đó, thành phố tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị.


Các em học sinh trải nghiệm làm gốm ở Bát Tràng (xã Bát Tràng, Hà Nội).

Hà Nội không chỉ có số lượng làng nghề lớn, mà các làng nghề còn đem lại giá trị kinh tế cao. Trong 1.350 làng nghề và làng có nghề, có 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận.

Mỗi làng nghề đều có thế mạnh riêng, tạo ra những sản phẩm vừa thân thiện với môi trường, vừa đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong số 3.000 sản phẩm OCOP của thành phố, có khoảng 800 sản phẩm đến từ các làng nghề, làng có nghề. Tổng giá trị sản xuất của 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở Hà Nội đạt hơn 24.000 tỷ đồng/năm.

Mới đây, làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc đã trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Để tiếp tục quảng bá sản phẩm làng nghề, thúc đẩy bảo tồn giá trị văn hóa, tôn vinh nghệ nhân, thúc đẩy giao lưu quốc tế, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025.

Bên cạnh 11 sự kiện chính diễn ra trong 5 ngày từ 14-18/11 tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, còn có 6 sự kiện bên lề diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 với sự tham gia của các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu trong nước và quốc tế.

Nội dung chương trình Festival gồm: lễ dâng hương, lễ khai mạc, không gian trưng bày sản phẩm, tiếp đoàn quốc tế.

Ngoài ra còn có hội thảo, hội thi sản phẩm, hội chợ, xúc tiến đầu tư, lễ hội quốc tế Kokan-Uzbekistan, hoạt động tại các làng nghề…

Để chuẩn bị tốt cho Festival, ngày 14/7, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, hướng dẫn thủ tục theo quy định và phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường đón, tiếp các đoàn khách quốc tế.

Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan thường trực, tham mưu tổng thể và chủ trì tổ chức các hoạt động gồm: Xây dựng kịch bản tổng thể, thiết kế sân khấu chính và điều kiện hậu cần; chủ trì công tác trang trí, tuyên truyền trực quan tại các địa điểm tổ chức Festival và một số tuyến phố trọng điểm cũng như chủ trì tổ chức Lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, mời các làng nghề, nghệ nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài Hà Nội tham gia trưng bày, trình diễn sản phẩm.

Các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Thành phố cũng đề nghị các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các cơ quan tổ chức các hoạt động của Festival hiệu quả, chất lượng, an toàn.

Giang Nam

Nguồn: Dulichvn

Sắc màu văn hóa dân tộc Co ở Quảng Ngãi

Chỉ với khoảng 34 nghìn người cư trú chủ yếu ở phía tây tỉnh Quảng Ngãi, song cộng đồng người Co có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc với kiến trúc nhà ở, truyện kể dân gian, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật diễn xướng, tri thức dân gian.


Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co ở Quảng Ngãi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là những giá trị cốt lõi quý báu, góp phần làm cho bức tranh văn hóa của 54 dân tộc ở nước ta đa dạng và giàu hương sắc.

Tính đến thời điểm này, cộng đồng người Co ở Quảng Ngãi sở hữu bốn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật cồng chiêng; nghệ thuật trang trí cây nêu; nghệ thuật Cà Đáo (múa) và Tết Ngã rạ (Sa ní).

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trong kho tàng văn hóa của người Co ở Quảng Ngãi, trước hết phải kể đến nghệ thuật trang trí cây nêu (đồ vật thờ cúng và trang trí trong ngày hội) được xem là tuyệt tác nghệ thuật chạm khắc và trang trí độc đáo, tinh hoa văn hóa và là niềm tự hào của cộng đồng người Co.

Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An, ở xã Trà Bồng cho biết, người Co có tín ngưỡng vạn vật hữu linh, vì thế trong đời sống của đồng bào có nhiều lễ hội phong phú gắn với tín ngưỡng đa thần. Trong đó, lễ hội ăn trâu là một trong những lễ hội mang đậm tín ngưỡng thần linh quan trọng của người Co. Ở đó, hội tụ tri thức và phô bày bản sắc dân tộc Co một cách rõ ràng nhất thể hiện ở hai công trình điêu khắc tuyệt tác độc đáo là cây nêu và cây gubla. Điển hình, nêu phướn là một tổ hợp trang trí đặc sắc có chiều cao từ 13-15m, gồm ba phần: đế, thân và ngọn; khắp chiều cao cây nêu được trang trí với những dải hoa văn vẽ ôm quanh cây cột gỗ với ba màu truyền thống đỏ, đen, trắng kết hợp với tạo hình mâm thần, gu thần, đơm cá, lá phướn và sử dụng xơ vỏ cây, cọng đót, nan tre; ngọn nêu có lá phướn và hình tượng chim chèo bẻo tượng trưng cho tinh thần thượng võ là linh vật được thờ cúng.

“Cây nêu không chỉ mang giá trị nghệ thuật điêu khắc, mà còn có ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Vì thế, đồng bào dân tộc Co coi cây nêu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, là cầu nối giữa đất và trời, là sự kết nối vô hình giữa con người với thần linh, thể hiện khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp của dân làng”, Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Trọng, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nghệ nhân người Co có phẩm chất nghệ sĩ, có một tâm hồn bay bổng lãng mạn; đỉnh điểm sáng tạo là nghệ thuật chạm khắc, trang trí cây nêu và gubla được hội tụ và tỏa sáng để kết tinh thành các tác phẩm chạm khắc, trang trí đặc sắc dâng lên các vị thần linh, góp phần tô điểm, làm đẹp và sống động không gian lễ hội của cộng đồng người Co; đây là tài sản vô giá mà không nhiều dân tộc có được, cần được các thế hệ tiếp nối có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Không chỉ có tài năng sáng tạo nghệ thuật qua chế tác, trang trí đặc sắc, người Co còn là tộc người rất thích âm nhạc, múa hát, tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian vô cùng phong phú, giàu bản sắc, được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cùng với các điệu dân ca cà lu, xà ru, a giới, a lát, nghệ thuật tấu chiêng, di sản nghệ thuật Cà đáo (múa) của người Co ra đời trong quá trình hình thành, lao động và phát triển gắn liền với tư tưởng tín ngưỡng đa thần và nghề trồng lúa rẫy.

Già làng Hồ Văn Nam, ở xã Trà Bồng, người có uy tín, am hiểu về nghệ thuật trình diễn dân gian múa Cà đáo cho biết, tại mỗi địa bàn cư trú khác nhau, người Co phân thành hai dòng chính: Cà đáo Đường Nước và Cà đáo Đường Rừng. Về cơ bản, nghệ thuật trình diễn dân gian Cà đáo Đường Nước và Cà đáo Đường Rừng đều giống nhau, chủ yếu tập trung ba động tác chính. Tuy nhiên, vùng Đường Rừng, điệu Cà đáo dồn dập, động tác nhanh nhẹn, dứt khoát, nhịp chiêng mạnh mẽ, tiết tấu sôi nổi; vùng Đường Nước, động tác Cà đáo nhẹ nhàng, chậm rãi, khoan thai, tập trung sự mềm dẻo, tính tạo hình của các động tác cơ thể.

“Điều quan trọng của nghệ thuật trình diễn dân gian Cà đáo là múa nữ đông người, kết cấu múa đồng điệu cả đội hình, hình thể cơ thể thể hiện vẻ đẹp người phụ nữ. Động tác múa từ tay, chân, đầu đều trùng khớp với tiết tấu, tốc độ, cường độ của nhịp trống và chiêng. Việc sử dụng nhạc cụ trống, chiêng cùng điệu Cà đáo tạo nên không khí rộn ràng của lễ hội”, già làng Hồ Văn Nam thổ lộ.

Trải qua nhiều thế kỷ cùng với sự bảo tồn các lễ hội đặc trưng, nghệ thuật trình diễn dân gian Cà đáo của dân tộc Co vẫn kế thừa và phát huy đến ngày nay. Bên cạnh đó, điệu Cà đáo đã tạo nên những giá trị nhất định trong đời sống cộng đồng, nhất là thế giới quan, tính nhân văn của con người đối với con người, của con người đối với thần linh, của con người đối với thiên nhiên. Theo kết quả khảo sát của cơ quan chức năng, hiện tại dân tộc Co ở khu vực phía tây Quảng Ngãi có ba nghệ nhân nhân dân, 19 nghệ nhân ưu tú và gần 650 nghệ nhân dân gian, người hiểu biết, am tường, gìn giữ, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đây là lực lượng chủ đạo trong phát huy, bảo tồn, gìn giữ và trao truyền các di sản văn hóa của dân tộc Co.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Ngãi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, xuyên suốt, lâu dài. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: Hiển Cừ

Nguồn: Dulichvn

Ninh Bình: Đặc sắc gốm Gia Thủy

Làng nghề gốm Gia Thủy được hình thành và phát triển đến nay hơn 60 năm, trong suốt ngần ấy thời gian, gốm Gia Thuỷ đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật thủ công đặc sắc được hình thành từ đất.


Theo nhiều nghệ nhân tại làng nghề gốm Gia Thuỷ, xã Gia Thuỷ, huyện Nho Quan (nay là xã Gia Tường, tỉnh Ninh Bình), gốm Gia Thuỷ được khởi nguồn vào năm 1959 do một số thợ gốm ở Thanh Hoá đã di cư về đây và mở ra các lò gốm chuyên làm các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt cho bà con nhân dân như chum, vại, nồi, niêu… Sau đó, những người con ven sông Bôi đã không ngừng trau dồi, học hỏi và phát triển nghề đến ngày nay.

Đất làm gốm Gia Thủy được tuyển chọn và sàng lọc kỹ lưỡng qua nhiều công đoạn

Đặc trưng từ chất đất

Ông Trịnh Văn Dũng, thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống lâu đời gắn bó với gốm, hiện là Giám đốc HTX gốm Gia Thuỷ cho biết: “Nghề gốm Gia Thuỷ không phải nghề bản địa, tuy nhiên do nguồn nguyên liệu sẵn có và đặc biệt ở địa phương, kết hợp những bàn tay tài hoa, lòng yêu nghề của những người thợ đã tạo nên sức sống mãnh liệt của gốm Gia Thuỷ”.

Gốm Gia Thuỷ có nét riêng, độc đáo và khác lạ so với nhiều loại gốm nổi tiếng khác là do chất đất nơi đây vô cùng đặc biệt khi được pha trộn ba màu đất nâu, xanh, vàng, có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt.

Đất sau khi được tuyển chọn kỹ lưỡng sẽ được đem phơi khô, sau đó đập nhỏ và cho vào bể ngâm 5 – 7 giờ. Tiếp đó được người thợ nguấy đều, rồi lọc qua sàng để chọn lấy mộng đất, chất đất tốt nhất đem phơi ra sân hoặc dán lên tường.

Nhìn đơn giản là vậy, tuy nhiên công đoạn phơi đất này nếu khô quá hoặc ẩm quá đều rất khó làm gốm. Vì vậy, người thợ khi phơi phải thường xuyên quan sát độ ẩm của đất nhằm đảo bảo độ dẻo. Sau đó, đất được chuyển vào xưởng, khi đó người thợ đạp nhuyễn đất thêm ba lần nữa, lúc đó đất mới sẵn sàng để tạo hình.

Các nghệ nhân của làng nghề gốm Gia Thủy luôn miệt mài chăm chút cho từng sản phẩm

Tuỳ vào từng sản phẩm mà người thợ sẽ lăn đất tạo thành những hình khối khác nhau. Đối với chum, vại, người thợ sẽ nặn ra những thớ đất dài, tròn để khi đưa lên bày xoay sẽ được khớp lại một cách được dễ dàng. Những người thợ lành nghề của làng sẽ tạo hình được 20 sản phẩm cỡ lớn/ngày và khoảng 50 – 60 sản phẩm kích cỡ nhỏ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Mai cho biết: “Chị bén duyên với nghề gốm khi chỉ là một cô bé theo chân ông cha tới xưởng, đến nay trải qua 35 năm gắn bó, tình yêu với đất với gốm vẫn không ngừng chảy trong huyết quản của chị. Hiện chị phụ trách khâu tạo hình (trong nghề gọi là chuốt). Khi chuốt cần con mắt thẩm mỹ cao và độ khéo léo, uyển chuyển của đôi tay vừa tạo hình vừa tạo độ dầy, mỏng đồng nhất cho sản phẩm”.

Nghệ nhân Đinh Ngọc Hà, người chuyên trang trí hoạ tiết chia sẻ: “Gốm Gia Thuỷ chủ yếu dùng hoạ tiết phổ thông, mang đậm văn hoá của dân tộc như tranh tứ quý, hoa sen… Khi trang trí, ngoài bàn tay khéo léo, yêu nghề, kiên trì, nghệ nhân cần phải am hiểu nét văn hoá dân tộc Việt Nam nhằm tránh đưa những hình ảnh, văn hoá lai tạp lên sản phẩm gốm truyền thống”.

Hoạ tiết, hoa văn trên gốm Gia Thủy luôn mang đậm nét văn hoá của dân tộc

Sau khi tạo hình hoàn chỉnh, sản phẩm được phơi nắng để khô tự nhiên, sau đó đưa vào lò nung truyền thống bằng củi đến nhiệt độ 1.200 – 1.500 độ trong vòng 3 ngày 3 đêm. Gốm thành phẩm hoá sành có nước da nâu bóng (người dân thường gọi là men da lươn), chứa nước không bị thấm, đựng rượu thì thơm, êm.

“Giữ lửa” nghề truyền thống

Trước kia ở thời hoàng kim của nghề, cả làng có trên 40 xưởng sản xuất gốm, trong đó có nhiều xưởng có hàng trăm lao động thường xuyên. Tuy nhiên, do những biến động của thời gian và thị trường nên giờ đây hầu hết các nghệ nhân của làng nghề tập trung sản xuất tại HTX gốm Gia Thuỷ để cùng nhau phát triển làng nghề.

Hơn 60 năm trôi qua nhưng gốm Gia Thuỷ vẫn giữ được nét riêng có, đây là dòng gốm không tráng men mà để mộc đem nung. Các sản phẩm gốm Gia Thuỷ nhìn thô ráp, đơn sơ không nhiều hoạ tiết cầu kỳ, hay mạ vàng… như nhiều sản phẩm gốm khác, nhưng vẫn đảm bảo tính hài hoà, tinh tế, mộc mạc và giá trị sử dụng cao.

Gốm Gia Thủy được phơi khô tự nhiên dưới nắng trước khi đem nung

Để đáp ứng nhu cầu cao hơn nữa của thị trường, ngoài các dòng sản phẩm chính như chum, vò, vại, ấm trà…làng nghề hiện đã cho ra nhiều dòng sản phẩm mỹ nghệ được thị trường đón nhận.

Nghệ nhân Trịnh Văn Dũng cho biết: Trong HTX hiện có hơn 60 thợ lao động với 10 nghệ nhân, không ít người có thâm niên trong nghề hàng chục năm. Mỗi năm làng nghề cho ra lò hàng nghìn sản phẩm, hàng ra đến đâu hết đến đó. Đặc biệt là vào dịp cận Tết, khác thập phương đổ về khiến HTX làm việc không ngơi tay để cung ứng cho thị trường.

Hơn 60 năm qua, gốm Gia Thủy được thị trường trong và ngoài nước đón nhận và đánh giá cao nhớ nét riêng, đặc sắc của mình

“Tuy đầu ra cho sản phẩm tốt nhưng nguyên liệu lại đang dần khan hiếm từ nguồn đất sét tại chỗ, đến củi đốt. Thêm vào đó HTX cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Được biết, để đảm bảo sản xuất cho làng nghề, chính quyền địa phương đã quy hoạch vùng nguyên liệu rộng 2ha. Cùng với đó, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, HTX huy động vốn để tiến hành xây dựng. Đặc biệt là không ngừng hỗ trợ đào tạo nghề cho thế hệ trẻ để tiếp nối cha ông“giữ lửa” cho gốm Gia Thuỷ.

Anh Tú

 

Nguồn: Dulichvn

Phở chua vùng cao

Giữa những dãy núi đá tai mèo cheo leo, đồng bào dân tộc ở Đồng Văn, Mèo Vạc vẫn giữ gìn món phở chua như một phần ký ức và hương vị riêng của miền cao nguyên đá.


Không giống với phở bò miền xuôi, phở chua vùng cao không có nước dùng hầm xương mà được trộn khéo bằng nhiều nguyên liệu sẵn có trong bếp người miền núi. Đây là món ăn quen thuộc trong các phiên chợ, những ngày hè oi ả hoặc dịp sum họp gia đình.

Tô phở chua là sự hòa quyện giữa dẻo mềm của bánh phở, giòn béo của thịt quay, thanh mát của rau sống, bùi thơm của lạc rang và cái chua dịu nhẹ của nước sốt – một bản phối vị giác hài hòa, mộc mạc mà tinh tế.

Nguyên liệu để làm phở chua hầu hết được người dân tự tay chuẩn bị. Đó là bánh phở làm từ gạo tẻ hoặc gạo nếp trộn tẻ, tráng mỏng, bản to, dẻo dai. Thịt lợn quay, thường là ba chỉ, quay bằng lửa than cho da giòn, thịt ngọt. Món ngon này còn có thêm gan luộc, xúc xích, đôi khi thêm lòng non thái lát mỏng cùng các loại rau sống như: rau mùi, xà lách, mùi tàu, hành tây… trồng trong vườn nhà. Ngoài ra, để món ăn thêm trọn vị cần có lạc rang giã dập, hành phi, cà rốt và dưa chuột ngâm chua ngọt.

Đặc biệt, nước sốt chua ngọt là phần “linh hồn” được pha từ giấm gạo, nước luộc thịt, nước mận chua hoặc me, thêm đường, mắm, tỏi giã và một chút dầu phi. Người khéo tay pha nước trộn vừa đủ vị chua, ngọt, béo, cay nhẹ,  không át đi hương thơm tự nhiên của các nguyên liệu.

Khi chế biến, bánh phở được trần sơ cho nóng rồi xếp vào tô, lần lượt cho thịt quay, gan, rau sống, đậu phộng, hành phi lên trên. Nước sốt chua ngọt được chan đều, sau đó đảo nhẹ cho ngấm đều là có thể thưởng thức.

Món ăn không chỉ ngon mà còn dễ tiêu, hợp với khí hậu cao nguyên se lạnh về sáng, hanh khô buổi trưa. Vị chua thanh giúp kích thích vị giác, chống ngán, khiến thực khách vừa ăn vừa xuýt xoa.

Ngày nay, nhiều hàng quán ở Tuyên Quang đã đưa phở chua vào thực đơn du lịch. Nhưng để thực sự cảm nhận được trọn vẹn hương vị, không gì bằng được ngồi ở một bản nhỏ của đồng bào dân tộc thiểu số thưởng thức tô phở chua giản dị mà sâu sắc – hương vị sinh ra từ đá, từ sương, từ sự đôn hậu của người vùng cao.

 

Nguồn: Dulichvn

Kể chuyện kpan Êđê

Xưa lắm rồi, các buôn làng Êđê vùng núi rừng Đắk Lắk có những căn nhà dài bằng “một hơi ngựa chạy”, dài “hơn một tiếng chiêng ngân”.


Người ta bảo rằng nhà có bao nhiêu cửa sổ thì có bấy nhiêu cô con gái. Không biết có đúng thế không nhưng hình ảnh thấp thoáng những bóng váy áo thướt tha lại qua trên sàn nứa (thiếu nữ Êđê mặc váy áo dài tay phủ kín gót chân) hoặc chiều chiều có những người phụ nữ “da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hòa” cặm cụi ngồi dệt vải bên khung cửa sổ thật đẹp đến say lòng người. Mỗi khi gia đình có một người con gái cưới chồng thì căn nhà sẽ được nối thêm một gian nữa cho vợ chồng mới. Gọi nhà dài là thế.

Tập quán của người Êđê là mỗi khi có việc lớn, sẽ tấu chiêng knah trong nhà dài nên trong nhà sàn của gia đình nào cũng có một chiếc ghế kpan dài từ 5 – 10 m, thậm chí 15 m để dàn chiêng ngồi trình tấu. Và chỉ người Êđê mới có kpan. Voi, ghế kpan, trâu bò, chiêng, ché… là những hiện vật biểu hiện sự giàu có, hùng mạnh của một gia đình, một dòng tộc.

Không phải nhà nào trong buôn cũng đủ điều kiện để làm kpan, vì phải qua nhiều lần cúng lễ rất tốn kém. Và gia chủ phải qua 60 mùa rẫy, có tài sản kha khá chiêng, ché mới được làm kpan chứ không phải ai muốn, làm lúc nào cũng được.

Bởi rừng luôn được đồng bào xem là một thực thể linh thiêng cần được tôn trọng nên khi quyết định làm kpan, đầu tiên phải có một lễ nhỏ gồm một con gà, một ghè rượu xin phép các Yang cho vào rừng tìm gỗ. Đi hết cánh rừng này sang khoảnh rừng kia, tìm sao chọn được cây phải to từ 2 – 3 vòng tay người ôm, thẳng đuột, không có bất kỳ loại cây hay dây leo tầm gửi nào. Phải tìm cho được từ 1 – 2 cây kích thước giống nhau vì một bộ ghế kpan để trong nhà phải gồm 3 chiếc: một chiếc kpan lớn dành cho đội ching, hai chiếc jhưng ngắn là chỗ ngủ của chủ nhà và cho khách.

Kpan là nơi dàn chiêng ngồi diễn tấu. Ảnh: Hữu Hùng

Tìm được cây rồi, đánh dấu lại đó để người khác biết cây đã có người chọn. Đến ngày quyết định đi chặt cây cũng lại phải có một ghè rượu, con gà ở nhà để báo với các Yang việc sẽ làm ngày hôm ấy. Đoàn người vào đến khoảnh rừng nơi có cây gỗ được chọn, thầy cúng lại phải một lần nữa xin thần rừng cho chặt hạ cây với con gà, ché rượu.

Sau lời khấn của thầy cúng, 7 chàng trai mang theo kiếm và khil sẽ múa quanh gốc cây 7 vòng để xua đuổi các thế lực xấu ngăn chặn việc làm ghế. Xong thủ tục rồi việc chặt cây nhanh chóng được tiến hành. Khi chặt, người ta phải xem xét cây sẽ đổ vào hướng nào sao cho không làm gãy, hỏng các cây ở chung quanh.

Cây hạ xuống rồi, người thợ cả có kinh nghiệm nhất sẽ dùng gang tay và que nứa để tính toán độ dài rộng của ghế. Một cây gỗ có chiều dài hơn 10 m, đường kính 4 gang tay là đã có thể xẻ làm đôi, đủ làm được cả kpan lẫn jhưng rồi. Cây nhanh chóng được róc vỏ, chặt khúc vừa ý, rồi lại xẻ đôi. Sự giỏi giang của người thợ Êđê sẽ được thể hiện rất rõ ở đây: Chỉ với những chiếc rìu – xagat, chẳng có bào, đục gì mà biến hình hài những thân cây thành mặt phẳng lì, khéo léo bóc tách sao cho nguyên khối cả chân lẫn mặt ghế kpan. Phần còn lại cũng thành hình một hay hai chiếc jhưng, chỉ ngắn hơn, chứ bề rộng và bề dày lẫn chân vẫn phải nguyên khối. Gặp cây gỗ lớn, xẻ ra làm được cả bộ 3 chiếc. Thân và chân liền một khối, đấy chính là điều đặc biệt của những chiếc ghế kpan, jhưng Êđê.

Kpan làm xong, cần phải có một lễ báo với thần rừng là ghế sẽ được mang về làng. Sau lễ, 7 chàng trai lại múa khil và kiếm xua đuổi các thế lực xấu, rồi tất cả mới khởi ghế lên vai vác đưa về buôn. Về đến sân nhà chưa được đưa ngay lên sàn, phải có các thiếu nữ xinh đẹp múa điệu grứ phiơr – chim bay và một lần nữa các chàng trai múa kiếm, với sự phụ họa của các cô gái té nước để vừa đón ghế, vừa đề phòng có… ma xấu từ rừng theo về, cũng là khoe tài múa khil khéo, bị tạt nước mà không ướt áo khố. Xong thủ tục này rồi mới được khiêng ghế lên sàn. Đặt dọc theo chiều dài, phía Nam nhà sàn (dàn chiêng sẽ ngồi quay mặt ra hướng Bắc).

Kpan là nơi dàn chiêng ngồi trình tấu khi trong nhà có việc. Ảnh: Nguyễn Gia

Đây là lúc mừng vui nhất cho gia chủ. Lớn thì 1 – 2 con trâu hoặc bò, nhỏ cũng phải 1 con trâu, 2 con heo hiến dâng cho các Yang để đón nhận kpan hoặc kpan điêt. Sau đó, các cô gái múa điệu pah kngan rông yang vỗ tay mời các thần về uống rượu, rồi lễ khấn báo Yang, chúc mừng sức khỏe cho gia chủ và dòng họ.

Người làm chủ cuộc rượu (gai piê) sẽ mời khách quý theo hình thức thác rượu (7 cô gái nghiêng các ống nứa ngắn rót nước vào ché, khách phải uống hết), rồi lần lượt mời mọi người uống rượu mnhăm mring chia sẻ với gia đình theo thứ tự tuổi cao thấp, nữ trước, nam sau.

Cần rượu phải chuyền nhau không được rời tay cho đến hết dãy ché. Cuối cùng là đến phần vui chơi, người ta sẽ hát điệu k’ưt tự sự để tâm tình, điệu arei vui nhộn để đối đáp giao duyên hay đố vui… Rượu chảy tràn, ché này nhạt thay bằng ché khác. Lễ rước kpan là một trong những lễ lớn nhất của gia đình, cũng là niềm vui chung của cả cộng đồng.

Sau ngày đón kpan về nhà là đến công đoạn làm tiếp các jhưng, cũng sẽ phải tuần tự các bước như làm kpan.

Các lễ hội gắn bó với đời sống cộng đồng, cho dẫu theo nông lịch hay theo vòng đời, thường diễn ra vào mùa “ăn năm uống tháng” – mùa xuân – mùa Tết của người Tây Nguyên. Tiếng chiêng knah náo nức từ trên chiếc kpan bay lên vượt qua mái nhà sàn dài chấp chới cùng mây xanh và nắng vàng “cho con thỏ lắng nghe quên gặm cỏ, con khỉ quên leo trèo”… Cả buôn cùng mừng cho sự giàu có, lớn mạnh, no đủ của gia đình, của cộng đồng…

Linh Nga Niê Kđăm

Nguồn: Dulichvn

Thong dong ở Phú Quý

Phan Thị Hiền (TP Đà Nẵng) cùng nhóm bạn có mặt ở đặc khu Phú Quý (tỉnh Lâm Đồng) vào một ngày tràn ngập nắng. Vừa rời bến tàu, tất cả đã “wow” lên: “Vì sao không đến sớm hơn bởi đây là hòn đảo đáng khám phá nhất”.


Hiền kể, bất cứ ai đi Phú Quý cũng chuẩn bị sẵn cho tình huống say sóng khi đi tàu biển. Nhưng khi đi mới thấy, việc say nhiều hơn tưởng tượng. Vậy mà, sau khi đặt chân lên đảo, mọi cảm giác mệt mỏi dường như tan biến bởi vẻ đẹp rực rỡ, tràn ngập ánh sáng và những nét bình dị trong từng ngõ hẻm, con người nơi đây.

Đặc khu Phú Quý, tên gọi mới nhất của đảo Phú Quý là sự sáp nhập của xã Long Hải, xã Ngũ Phụng và xã Tam Thanh có diện tích tự nhiên 18,02 km² và quy mô dân số 32.268 người. Với 12 đảo lớn nhỏ, Phú Quý có tiềm năng lớn về kinh tế biển, đặc biệt là khai thác, nuôi trồng hải sản lồng bè, chế biến hải sản. Những năm gần đây, Phú Quý chuyển mình mạnh mẽ nhờ phát triển du lịch biển.

Phú Quý đang vào giai đoạn thời tiết đẹp nhất để đi du lịch với tiết trời nắng nhẹ, biển trong xanh và êm đềm. Thuê cho mình chiếc xe máy để vi vu khắp nơi, nhóm bạn của Hiền có nhiều địa điểm để tham quan và trải nghiệm như: Phú vịnh Triều Dương, cột cờ chủ quyền, Gành Hang, Đỉnh Cao Cát, Ngọn hải đăng Phú Quý trên Núi Cấm hay các đền thờ, dinh, cánh đồng điện gió, lặn ngắm san hô.

Về chỗ ở, nơi đây có những khách sạn, nhà nghỉ ngập tràn không khí biển và giá cả phù hợp. Mọi người có thể chọn những homestay nhỏ xinh trang trí chill chill nằm dọc theo các trục đường biển vừa tiết kiệm chi phí vừa để trải nghiệm văn hóa, nếp sống cùng với người dân vùng biển đảo.

Đến đây không thể bỏ qua trải nghiệm dậy sớm có mặt ở chợ Bãi Phủ, một bến cá tấp nập thuyền, ghe, người mua bán và đầy ắp hải sản tươi rói. Vì vậy, ngoài những lúc băng băng ở các điểm du lịch, nhóm bạn của Hiền cũng dành chút thời gian thong dong đi bộ ở con đường ven biển, khám phá các con ngõ xinh xắn và thu về những bức ảnh làng chài đẹp mê mẩn.

“Chính quyền địa phương đang phát triển du lịch xanh, bền vững và bảo vệ môi trường, tuy nhiên du lịch phát triển cũng tạo áp lực về rác thải nhựa. Vì vậy, du khách đến đây hãy tiết kiệm điện, nước và hạn chế rác thải”, Hiền đưa ra lời khuyên.

Bài và ảnh: Tuệ Tâm

Nguồn: Dulichvn

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy ở Bát Xát, cúng Then, làm Then là một nghi thức quan trọng nhằm hóa giải những điều không may mắn, cầu mong thần linh phù hộ cho con người luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ những người có duyên, am hiểu sâu sắc về văn hóa, thuộc nhiều bài cúng mới có thể làm Thầy Then và đi hành lễ.

Bao năm qua, chị Giàng Thị Nòn (sinh năm 1976) là người giữ “hồn” Then Giáy ở xã Bát Xát và trao truyền nét đẹp văn hóa này cho nhiều học trò. Những ngày đầu tháng 6 âm lịch, trong ngôi nhà xây khang trang ở thôn Làng Pẳn, xã Bát Xát, chị Nòn lại kính cẩn thắp nén hương thơm dâng lên bàn thờ tổ tiên và các vị thần linh, chuẩn bị chu đáo đồ dùng cần thiết khi hành lễ để sang làng bên cúng Then giúp bà con. Chiếc chuông đồng cùng bộ trang phục của Thầy Then đã theo chị hơn 30 năm trên hành trình đến với các bản làng, thôn xóm, thậm chí có những chuyến đi xa ra các tỉnh, thành phố như: Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nội…

Là người dân tộc Giáy, sinh ra và lớn lên ở thôn Làng Pẳn, từ nhỏ chị Nòn đã được sống trong không gian bản làng truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Giáy.

Đặc biệt, từ năm 12 tuổi, chị Nòn may mắn được mẹ nuôi là Nghệ nhân Ưu tú Phàn Thị Phổ truyền dạy thực hành nghi lễ cúng Then và những bài cúng Then – tài sản quý được bà sưu tầm qua hàng chục năm thực hành nghi lễ.

Sau nhiều chuyến đi cúng Then theo nghệ nhân Phàn Thị Phổ ở nhiều nơi, với niềm đam mê và sự kế thừa vốn văn hóa sâu sắc từ mẹ nuôi, năm 1995, chị Nòn đã có thể thực hành nghi lễ cúng Then cho các gia đình trong thôn.

Chị Nòn cho biết, cúng Then là một nghi lễ truyền thống và có ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào Giáy. Lễ cúng Then diễn ra nhiều nhất vào tháng Giêng âm lịch sau tết Nguyên đán nhưng cũng có thể tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 7 âm lịch hằng năm, tùy hoàn cảnh, điều kiện của các gia đình. Khi cúng Then, thầy cúng sẽ làm lễ cầu cho gia chủ luôn khỏe mạnh, bệnh tật tiêu trừ, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hơn 30 năm thực hành nghi lễ cúng Then, đến nay, chị Nòn nắm được các nghi thức cúng Then của dân tộc Giáy như: Then cầu tự, Then “thêm lương” cầu sức khỏe cho người già; Then “bắc cầu” gọi vía người ốm về để tinh thần lạc quan, nhanh khỏi bệnh… Mỗi bài Then khi thực hành lại kèm theo hình thức diễn xướng như hát, múa, kết hợp với một số nhạc cụ nghi lễ mang đậm bản sắc dân tộc.

Chị Nòn chia sẻ: “Là thầy Then nhưng tôi không tuyên truyền mê tín dị đoan, bày đặt cúng bái tốn kém. Tôi luôn giải thích cho bà con hiểu nghi lễ Then của người Giáy mang đến cho con người niềm tin vào cuộc sống, cầu mong sức khỏe, hạnh phúc, mang lại sự bình an cho con người.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều được hóa giải bằng những bài cúng. Chính vì thế, ai ốm đau, tôi luôn khuyên phải đến bệnh viện để chữa trị. Việc cúng Then chỉ giúp mọi người về mặt tinh thần thêm lạc quan, tin tưởng, chiến thắng bệnh tật”.

Tình yêu với nghệ thuật Then Giáy như “ngọn lửa” cháy mãi, trong 30 năm qua, chị Nòn đã nỗ lực bảo tồn, truyền dạy, đồng thời đưa nét đẹp Then Giáy đến nhiều nơi. Từ năm 2015 đến nay, chị Nòn đã truyền dạy nghi thức cúng Then cho không ít học trò như: Vùi Thị Mắn, Châu Thị Dúm, Liều Thị Phỉ, Lùng Thị La, Vàng Thị Dúm…

Bản thân là thầy Then, là người có uy tín với cộng đồng tại địa phương, ngoài việc tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc qua các nghi thức cúng lễ, chị Nòn còn sưu tầm và lưu giữ phong tục, tập quán trong việc cưới, việc tang, lễ hội và kinh nghiệm trong lao động, sản xuất để làm nguồn tư liệu truyền lại cho các thế hệ sau kế tục, phát huy truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Với những hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc Giáy và những cống hiến trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, trao truyền nghệ thuật Then Giáy cho thế hệ sau, năm 2024, chị Giàng Thị Nòn đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là Nghệ nhân Dân gian.

“Mong muốn của tôi là thế hệ trẻ người Giáy luôn biết trân trọng, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, không để bị mai một. Sau này, khi tôi có già yếu đi thì các con cháu phải có trách nhiệm gìn giữ và kế tục văn hóa truyền thống của gia đình mình, dân tộc mình” – Nghệ nhân Dân gian Giàng Thị Nòn chia sẻ.

Tuấn Ngọc – Tất Đạt

Nguồn: Dulichvn

Đặc sản Quảng Trị thơm ngon làm từ loài cây hoang dại ở đồi cát, gai chi chít

Từ loài cây mọc phổ biến ở vùng ven biển, đặc biệt là tại các đồi cát, người dân Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Trị) đã kết hợp với cá đuối để tạo nên món đặc sản canh chua ngon miệng, độc đáo.


Giai đoạn từ tháng 6 tới tháng 8 hằng năm là thời điểm rất đông du khách tìm tới Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Trị) để du lịch hè.

Không chỉ sở hữu nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hệ thống hang động bí ẩn, biển Nhật Lệ, bãi đá nhảy… tỉnh này còn có nhiều đặc sản độc đáo, hấp dẫn, trong đó có canh cá đuối xương rồng.

Cây xương rồng mọc phổ biến ở khu vực ven biển, đặc biệt là tại các vùng đồi cát chạy dọc theo bờ biển. Loại cây gai chi chít này vươn lên từ đất khô cằn, thiếu nước, chịu được nắng, gió khắc nghiệt của miền Trung.

Trước đây, xương rồng từng là món rau cứu đói. Bà con sinh sống quanh các làng chài ven biển dùng chúng làm món ăn dự trữ trong những ngày biển động, khi không thể căng buồm ra khơi đánh bắt tôm cá.

Xương rồng mọc phổ biến ở Quảng Bình cũ và được bày bán ở trong chợ Đồng Hới. Ảnh: Ngọc Trâm/Hoàng Yến

Từ nguyên liệu độc đáo này, người dân địa phương đã chế biến thành nhiều món ăn ngon như gỏi xương rồng, xương rồng xào thịt bò, xương rồng xào tỏi, salad xương rồng, canh chua cá xương rồng…

Canh chua xương rồng có thể nấu cùng cá lóc, cá ngần, cá ngạnh, mực nhưng phổ biến hơn cả là cá đuối. Bà con ưa chuộng dùng loại xương rồng 5 cánh hay còn gọi là xương rồng ngôi sao vì ít vị chát, ngon mà đẹp mắt.

Họ chọn xương rồng non, màu xanh nhạt, thân lá mập. Xương rồng hái lúc sáng sớm được cho là sẽ mọng nước hơn. Nếu hái buổi chiều, thân xương rồng khô hơn, khi nấu không còn thanh mát và vị chát nhiều hơn.

Xương rồng được gọt sạch gai xung quanh, tách lớp màng ở ngoài cho sạch rồi thái thành lát mỏng, rửa qua nước muối. Có người sẽ chần xương rồng trong nước sôi để giảm độ nhớt và vị chua.

Nguyên liệu làm canh cá đuối xương rồng không khó kiếm. Ảnh: Quán Dì Hà

Cá đuối tươi sau khi rửa sạch, sơ chế, đem thái khúc nhỏ rồi ướp mắm muối, gia vị, xào trên chảo nóng cho thấm rồi thả xương rồng vào, đảo qua vài lượt trước khi thêm nước sôi.

Chờ nồi canh sôi được chừng vài phút, đầu bếp nêm nếm vừa ăn và cho thêm mùi tàu (ngò gai), hành lá để dậy mùi thơm.

Xương rồng có vị chua nhẹ, thanh mát dễ chịu, khác với vị chua của sấu, khế hay lá giang. Miếng xương rồng được nấu chín hơi dai, giòn, ăn lạ miệng. Thịt cá đuối đậm đà, ngọt, thơm.

Đây là món canh giải nhiệt lý tưởng sau một buổi vui chơi ở biển. Ảnh: Quán Dì Hà

Hiện các quán ăn dọc bờ biển ở Quảng Bình đều bán canh xương rồng, mỗi quán có một bí quyết riêng.

Mấy năm gần đây, xương rồng còn được một quán ở Quảng trị mới chế biến thành trà xương rồng, kết hợp với trà xanh hoa nhài, hoa quả tươi hoặc nước dừa. Xương rồng cũng được sấy lạnh làm thành món mứt ngọt dịu.

Trà xương rồng, mứt xương rồng là những món ăn mới tại Quảng Bình cũ. Ảnh: Quán Cát Quảng Bình

Linh Trang

 

Nguồn: Dulichvn

Phát huy giá trị khoa học và văn hóa của di sản bãi cọc Bạch Đằng (Quảng Ninh)

Các bãi cọc trận Bạch Đằng là những thành tố quan trọng trong hệ thống di tích chiến thắng Bạch Đằng. Việc bảo tồn di tích cần được đặt trong tổng thể không gian, địa tầng, bối cảnh lịch sử, nhằm phát huy đúng tầm giá trị khoa học và văn hóa của di sản đặc biệt này.


Một góc bãi cọc Yên Giang hiện ngập trong nước để bảo tồn và trưng bày. (Ảnh tư liệu)

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, gắn liền với nghệ thuật quân sự kiệt xuất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa – ba bãi cọc trận Bạch Đằng đã phát lộ thuộc Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng là những cứ liệu khảo cổ quan trọng phản ánh tầm vóc và cấu trúc của chiến dịch Bạch Đằng in dấu ấn lên cả vùng rộng lớn của Quảng Yên trước đây, theo các dòng sông Chanh, sông Rút, sông Kênh, sông Bạch Đằng.

Những cây cọc Bạch Đằng đầu tiên được phát hiện vào năm 1953, khi người dân đào đất, đắp đê. Thời điểm đó, nhiều cọc đã bị nhổ lên để làm xà nhà, cọc rơm, một số do bảo tàng các nơi lấy về trưng bày.

Năm 2012, khu di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Các mẫu cọc được định tuổi bằng phương pháp C14 cho kết quả tập trung vào thế kỷ 13.

Trong ba bãi cọc được phát lộ, Yên Giang là bãi cọc duy nhất đang có một ao cọc lộ thiên với diện tích khoảng 120m2. Còn hai bãi cọc Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa sau khi khai quật, đã được lấp lại để bảo tồn nguyên vẹn. Tất cả các bãi cọc đều được tư liệu hóa.

Hiện trạng bãi cọc Đồng Má Ngựa, phường Phong Cốc, tỉnh Quảng Ninh.

Từ năm 2005 đến nay, các cuộc khảo sát và nghiên cứu tiếp tục được tiến hành trong khu vực phường Nam Hòa, Yên Hải, thị xã Quảng Yên (nay là phường Phong Cốc, tỉnh Quảng Ninh) và phường Yên Giang (nay là phường Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Các phương pháp nghiên cứu mới, sử dụng các thiết bị tiên tiến như máy GPS để xác định vị trí các di tích, máy siêu âm quét cạnh và thiết bị đo từ trường để khảo sát các vật thể lạ dưới đáy sông hoặc trong lòng đất, khoan thăm dò để nghiên cứu sự biến đổi của dòng chảy, địa hình cổ… đã xác lập rõ đặc điểm địa hình, địa mạo, môi trường cảnh quan xưa, góp phần làm rõ chiến lược, chiến thuật mà Trần Hưng Đạo đã xây dựng cho trận đánh Bạch Đằng.

Từ khía cạnh nghiên cứu lâu năm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chia sẻ: Cọc gỗ Bạch Đằng tồn tại đã hơn 700 năm là nhờ môi trường trầm tích sú vẹt yếm khí nơi cửa biển. Để tiếp tục bảo tồn cọc Bạch Đằng đúng cách đòi hỏi phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt.

Những cọc đã đưa ra khỏi môi trường tự nhiên cần được ngâm tẩy muối lưu huỳnh trong môi trường nước trung hòa, sau đó ngâm trong môi trường Polyethylene Glycol (PEG) nâng cao dần. Hợp chất PEG sẽ thay thế dần nước trong gỗ. Đây là hợp chất có khả năng ổn định cấu trúc gỗ, ngăn ngừa nứt nẻ, biến dạng khi gỗ khô, duy trì hình thái ban đầu. Cuối cùng là chế độ khô chậm mới bảo đảm giữ cứng nguyên trạng. Các cọc gỗ khác cần tiếp tục để nguyên trong tình trạng tự nhiên, khoanh vùng bảo vệ, tránh xâm hại từ môi trường và con người.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phong Cốc, tỉnh Quảng Ninh Ngô Đình Dũng cho rằng, từ thực tế các hoạt động gần đây, có thể thấy việc đầu tư nhân lực, tài chính đúng tầm cho một kế hoạch nghiên cứu, khai quật, bảo tồn là rất quan trọng.

Bên cạnh sự hỗ trợ về chuyên gia, thiết bị của các tổ chức, cá nhân quốc tế thì sự quan tâm đầu tư của tỉnh Quảng Ninh cho dự án bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Bạch Đằng, trong đó có ba bãi cọc Bạch Đằng, cần sớm được triển khai. Hiện nay ba bãi cọc đã được lập hồ sơ nằm trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Di tích bãi Cọc trận Bạch Đằng 1288 tại phường Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Ông Phạm Chiến Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Di tích và Danh thắng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trước khi triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề án nghiên cứu quy hoạch, thiết kế xây dựng các hạng mục cải tạo hệ thống kè bê-tông hiện có để bãi cọc tại phường Yên Giang liên kết trực tiếp với cảnh quan tự nhiên (nước sông).

Đề án cũng đề xuất bổ sung công trình trưng bày phục vụ công tác nghiên cứu và giới thiệu tham quan, du lịch như điểm dừng chân cầu/hào đi bộ, với phần hào đi bộ âm xuống lòng sông giúp du khách hình dung rõ hơn về cấu trúc địa chất dòng sông cổ và hình thái cọc…

Quang Huy

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT