Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Đặc sản mùa hè ở Ninh Bình ăn giòn sần sật, ngon hơn vào ngày mưa

Sau những trận mưa mùa hè, người dân một số huyện ở Ninh Bình như Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan… lại lần theo các vách núi đá để “săn” đặc sản ngon lạ, vừa giòn sần sật, vừa mềm, có vị thơm của thảo mộc, lá cây.


Nhắc đến đặc sản Ninh Bình, ngoài những món ngon nức tiếng như thịt dê, cơm cháy, gỏi nhệch… còn có 1 món ăn dân dã cũng được nhiều người biết đến với mùi vị ngon lạ, thường xuất hiện vào mùa hè. Đó là ốc núi (hay còn gọi là ốc đá).

Loại ốc này có hình dạng giống ốc sên nhưng mình dẹt, dẹp và nhỏ, xoắn thành nhiều vòng. Vỏ chúng màu đen nhạt hoặc hơi ngả nâu, miệng tròn như đồng xu.

Ốc núi có nhiều ở một số tỉnh thành miền Bắc. Ảnh: Phạm Xoan

Theo người dân địa phương, khi những trận mưa rào đầu hè ập đến là thời điểm ốc núi xuất hiện nhiều nhất. Lúc ấy, bà con lại rủ nhau vào các thung lũng, lên núi, men theo các vách đá hoặc vào trong hang để tìm bắt loại ốc này.

“Sau mỗi trận mưa, ốc núi bám đầy quanh các bờ khe, hốc cây hay miệng hang trên núi. Loại ốc này chỉ cần thấy động là co đầu lại, nhả miệng, rơi lộp bộp xuống đất mà không bị vỡ, nứt vì vỏ khá dày”, chị Quỳnh Loan (ở huyện Nho Quan) chia sẻ.

Theo kinh nghiệm nhiều năm “săn” ốc núi của chị Loan, cứ những khu vực thoáng sạch, có nhiều cây thuốc quý là nơi ốc sinh trưởng tốt, dày ruột, mùi vị đặc trưng do chúng chủ yếu ăn rong rêu, rễ cây, lá, quả, thảo dược…

Những hôm trời nắng, con ốc ẩn mình trong các hang đá, gốc cây. Còn khi trời mưa hoặc đêm tối, ốc bò ra ngoài tìm kiếm thức ăn. Đặc biệt, nếu bắt vào ngày mưa, ốc núi được cho là đạt chất lượng nhất, thịt chắc mẩy và mọng, ăn giòn ngon.

Tuy nhiên, chị thừa nhận việc bắt ốc núi khá vất vả vì người dân phải đi men theo hết núi này đến núi nọ, cặm cụi quanh các vách đá cao.

“Thời điểm thuận tiện nhất để bắt ốc núi là buổi tối và ngày trời mưa nên người đi bắt ốc phải cẩn trọng vì đường đi trơn trượt, thiếu sáng. Chưa kể rừng núi ban đêm còn xuất hiện nhiều loại rắn, rết, côn trùng nguy hiểm”, chị Loan nói thêm.

Ốc núi luộc là món ăn dễ chế biến, được ưa chuộng. Ảnh: Ngọc Việt

Người phụ nữ này cho hay, ốc núi Ninh Bình được ưa chuộng vì giòn ngon, có vị thơm của lá thuốc và dễ chế biến.

Ốc mang về chỉ cần ngâm nước 15-20 phút, cho thêm chút ớt cay (hoặc lá chanh) để ốc nhả hết nhớt và bùn đất (nếu có). Sau đó, người ta rửa ốc với nước vài lần cho sạch rồi sử dụng làm thức ăn.

Món ngon và dễ làm nhất là ốc núi luộc, chấm cùng nước mắm hoặc muối tiêu chanh như các món ốc luộc quen thuộc khác. Ốc sơ chế sạch đem luộc cùng lượng nước vừa đủ, thêm sả, lá chanh để dậy mùi thơm.

Phần nước chấm ốc luộc cũng không cần quá cầu kì, chỉ cần nêm ít gia vị vào mắm như tỏi, ớt, quất, gừng và thêm tí sả, lá chanh thái nhỏ là được.

Ngoài luộc, ốc núi cũng được bà con địa phương làm chín rồi khều lấy ruột, kết hợp cùng hoa chuối rừng thành món nộm giải ngấy thơm ngon hoặc chế biến món xào sả ớt, hấp mẻ…

Ốc núi đá Ninh Bình là đặc sản dân dã hút khách vì ăn dai, giòn sần sật, vị thơm đặc trưng. Ảnh: Đi đâu cuối tuần

Chị Nguyễn Hằng (ở Hà Nội) từng thưởng thức ốc núi Ninh Bình nhiều lần nhận xét, thịt ốc giòn sần sật ở phần đầu và mềm ở phần thân, đuôi. Đặc biệt, thịt rất thơm do loại ốc này thường ăn các loại lá, rễ cây thảo dược mọc tự nhiên trên núi.

Vì loại ốc này sống khỏe, có thể vận chuyển tới một số tỉnh thành lân cận nên chị Hằng thường nhờ người quen ở Ninh Bình đặt mua giúp để mang về chế biến món ăn vặt lạ miệng cho cả gia đình thưởng thức.

“Ốc núi nhẹ nhưng thịt dày nên chế biến xong không bị hao. Món này chỉ cần đem luộc chín tới rồi chấm nước mắm sả, lá chanh là ăn khó ngừng lại được. Phần đầu dai giòn sần sật, còn thân mềm, nhạt nhưng dậy mùi thơm đặc trưng.

Thảo Trinh

 

 

Nguồn: Dulichvn

Khám phá Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn

Mỗi độ tháng Ba âm lịch, dòng suối Tló trong vắt lại sôi động với Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Lễ hội không chỉ là dịp vui chơi cộng đồng, mà còn là sự kiện văn hóa tâm linh, thể hiện đậm nét tín ngưỡng nông nghiệp đặc trưng của người Mường nơi đây.


Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Ngay từ sáng sớm ngày 23/3 năm Ất Tỵ, bà Bùi Thị Hương, 68 tuổi và đông đảo bà con xóm Tân Lập trong trang phục truyền thống dân tộc Mường ra sân khấu chính tham dự Lễ hội đánh cá suối truyền thống năm 2025. Bà Hương là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở xóm Tân Lập. Bà kể: Thời tôi còn nhỏ, lễ hội chưa được tổ chức đông vui nhưng rất trang nghiêm. Trước kia, khi vừa xong vụ cấy, dân làng lại cùng nhau xuống suối đánh cá. Không làm lễ thì người dân không yên tâm làm ăn.

Tương truyền, từ thuở xa xưa, khi mới “đẻ đất, đẻ nước” chưa thành xóm, thành mường, trong vùng có gia đình gồm hai vợ chồng và một người con có tài khai phá đất hoang, đắp đập, đào mương mở mang bản mường, dạy con dân cách trồng lúa nước, đánh cá (tương truyền ông/bà chính là người dạy cho con dân Mường biết cách làm guồng xoay nước để lấy nước từ dưới suối lên các cánh đồng). Để ghi nhớ công ơn, về sau dân trong vùng tôn 3 vị này làm Thành hoàng lập miếu thờ cúng. Xưa kia, đồ tế lễ ngoài xôi, rượu thì nhất thiết phải có 5 con cá to nhất đánh bắt được. Thầy mo thay mặt dân toàn Mường làm lễ khấn ca ngợi công lao của các vị Thành hoàng, cầu cho một năm người dân mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, bội thu…

Cùng người dân và du khách, chúng tôi hoà mình vào không khí của lễ hội. Phần lễ diễn ra tại miếu thờ với nghi thức dâng lễ vật, gồm xôi, rượu, đặc biệt là 5 con cá lớn nhất đánh bắt được trong ngày hội. Thầy mo đại diện dân làng cử hành nghi lễ, khấn mời các vị Thành hoàng phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau phần lễ là phần hội sôi nổi. Những chàng trai người Mường trẻ khoẻ thi tài các nội dung quăng chài, thi đánh cá, chèo bè mảng, thu hút đông đảo người xem reo hò, cổ vũ.

Chị Nguyễn Thị Hoa, du khách đến từ Hà Nội lần đầu tham gia lễ hội hào hứng: Lễ hội rất độc đáo và ý nghĩa. Vừa được thưởng thức các tiết mục múa, hát đậm bản sắc dân tộc Mường, chúng tôi còn được tìm hiểu kỹ thuật đánh cá suối, cảm giác này rất khác với những lễ hội ở thành phố.

Những năm gần đây, phần hội được mở rộng thêm với các môn thể thao, kết hợp giới thiệu ẩm thực, sản phẩm đặc trưng của người Mường các xóm: Úi, Nghẹ, Chiềng Đồi, Tân Lập, Đồi Bẹ, Đá như rượu cần, cơm lam, thịt nướng, các loại cá, cua suối hấp… tạo nên không gian văn hóa – du lịch hấp dẫn.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn chia sẻ: Chúng tôi xem đây là di sản văn hóa phi vật thể quý giá, không chỉ giữ gìn mà còn phải phát huy. Năm 2011, lễ hội chính thức được khôi phục, từ đó tổ chức thường xuyên hàng năm. Năm nay, được sự chỉ đạo của huyện, xã đã tổ chức lễ hội với quy mô lớn hơn, có sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể. Không chỉ là lễ hội, sự kiện còn mang thông điệp bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Chính quyền địa phương phối hợp các tổ chức văn hóa, truyền thông tuyên truyền người dân không đánh bắt tận diệt, sử dụng phương pháp thân thiện với môi trường để gìn giữ nguồn thủy sản quý giá. Lễ hội cũng là dịp gắn bó cộng đồng, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong xây dựng đời sống văn hóa mới. Đối với du khách, đây là cơ hội để khám phá nét văn hóa Mường đặc sắc còn vẹn nguyên qua thời gian.

Giữa nhịp sống hiện đại, Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn đưa con người trở về với thiên nhiên. Đó không chỉ là lễ hội của người Mường mà còn là một phần văn hóa Việt, không gian để con người tìm về cội nguồn.

Hương Lan

 

Nguồn: Dulichvn

Đặc sắc các món ăn chay Huế mùa Phật đản

Đến TP. Huế vào những ngày Phật đản hay những ngày chay giới (rằm, mùng 1), du khách sẽ có dịp thưởng thức những món ăn chay thanh tịnh, rất ngon miệng và vô cùng tinh tế.


Với bàn tay tài hoa, những người phụ nữ cố đô đã chế biến nên những món ăn chay ngon miệng, đẹp mắt từ những nguyên liệu bình dị, giản đơn như đậu hũ, măng khô, nấm đông cô, nấm hương, mì căn, cải bắp thảo, cải ngọt…, đặc biệt là các nguyên liệu từ sen – loài cây quý của xứ Huế.

Cơm hấp lá sen là một món ăn rất gần gũi với người ăn chay xứ Huế. Nhìn vào món cơm hấp lá sen, thực khách tưởng như đang được thưởng thức một “bông hoa” ẩm thực. Nhụy hoa là hỗn hợp cơm, hạt sen, tai nấm đông cô, củ cải, cà rốt, khuôn đậu…, phủ chung quanh là những cánh sen hồng và những lá sen xanh không chỉ điểm tô cho món ăn thêm đẹp mà còn có tác dụng lưu giữ cho hương vị tuyệt vời của món ăn. Bên cạnh đó, chè hạt sen cũng là một món ăn chay rất ngon, và có tác dụng giải nhiệt rất tốt cho cơ thể.

Cơm hấp lá sen.

Bình dân hơn, du khách có thể tìm đến các quán ăn chay dọc các con đường khắp thành phố hoặc các khu chợ của Huế trong những ngày rằm hoặc mùng 1. Các món chay phổ biến thường được bán ở các địa điểm này là bún, cháo, cơm, bánh canh, bánh bột lọc, bánh nậm… với giá cả rất bình dân nhưng vẫn rất ngon và lạ miệng.

Cách chế biến món bún chay Huế khá tinh tế như đậu hũ phải cắt lát chiên vàng, nấm đông cô thì phải thái nhỏ, mì căn phải cắt lát vừa ăn… Khi khách gọi, trước hết người bán sẽ bỏ bún vào tô, múc nước soup có măng, nấm, đậu hũ vào; rồi rắc tiêu, ngò, cần tây xắt khúc, múc chao cùng vài lát ớt đỏ bỏ vào tô.

Bún trộn chay ở Huế có nguyên liệu chính là miến, mít non (hoặc vả), đậu phộng, khuôn đậu, cà rốt, nấm mèo… Cách chế biến như sau: miến trụng nước sôi và xào với ớt, gia vị; mít non (hoặc vả) cắt lát rồi xào với các loại gia vị; nấm mèo, cà rốt thái sợi dài và nhỏ rồi cho vào chảo xào thật đều, nêm gia vị sao cho thấm tháp. Món bún trộn ngon hay không là ở khâu xào các loại nguyên vật liệu này.

Riêng khuôn đậu thì phải rán vàng rồi xắt thành sợi nhỏ. Khi múc ra tô, người ăn thường được hỏi có thích ăn kèm với rau sống và bánh tráng, thêm chút đậu phộng rang giã đôi không? Nếu ai thích cay thì có thể gọi cho chút tương ớt chứ người bán sẽ không tự tiện thêm vào. Món bún trộn chay quả thực là sự tổng hòa của tất cả các hương vị: giòn của bánh tráng, bùi và béo của đậu phộng và mè, cuối cùng là cảm giác vừa mềm vừa mát của miến và rau sống.

Món chè hạt sen.

Bánh bột lọc chay ngon nhất là bánh bột lọc gói trong lá chuối rồi hấp chín, khi ăn mùi lá chuối sẽ giúp tăng hương vị thơm ngon của bánh. Tuy nhiên, bánh bột lọc chay được làm theo cách làm bánh trần cũng rất ngon. Nhân bánh bột lọc chay thường được làm từ nấm mèo, cà rốt, khuôn đậu… kết hợp với nước chấm thơm ngon làm từ xì dầu và ớt tươi.

Đến Huế, du khách còn có thể đến các chùa để thưởng thức các món chay. Hằng tháng nhà chùa thường làm cỗ chay đãi phật tử bốn phương. Những món chay của chùa tuy không cầu kỳ nhưng luôn thu hút rất nhiều thiện nam tín nữ và các du khách. Quả thực, trong khung cảnh thanh tịnh của chùa chiền mà thưởng thức được những món ăn ngon thì quả thật không gì thú vị bằng!

Văn Toàn

 

Nguồn: Dulichvn

Nghề làm muối Thụy Hải trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề làm muối truyền thống hàng trăm năm tuổi ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc danh mục nghề thủ công truyền thống.


Ngày 11/5 (tức 14/4 Âm lịch), hàng nghìn người dân và du khách đã tham dự Lễ hội Bà Chúa Muối tổ chức tại xã Thụy Hải. Sự kiện năm nay mang ý nghĩa đặc biệt khi nghề làm muối truyền thống tại đây đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nghề làm muối biển truyền thống ở xã Thụy Hải đã tồn tại hàng trăm năm, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn được cộng đồng gìn giữ. Ảnh: TBTV

Lễ hội Bà Chúa Muối là hoạt động văn hóa – tâm linh thường niên nhằm tưởng nhớ người có công truyền bá nghề muối ở vùng biển Thụy Hải. Phủ thờ Bà Chúa Muối – nơi diễn ra lễ chính – được xây dựng từ cuối thế kỷ XII, là trung tâm sinh hoạt tinh thần của người dân địa phương.

Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi thức cổ truyền. Phần hội sôi động với nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, giới thiệu sản vật địa phương và trải nghiệm nghề làm muối. Du khách còn có dịp thưởng thức các món ăn đặc sắc từ muối Thụy Hải – nổi tiếng với hạt muối tinh khiết, “không mặn chát” nhờ phương pháp lọc qua cát độc đáo.

Nghề làm muối ở Thụy Hải không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn gắn bó mật thiết với văn hóa địa phương. Đây là xã duy nhất tại Thái Bình còn giữ được phương pháp sản xuất muối theo kiểu phơi cát truyền thống. Toàn xã hiện có khoảng 60 hộ diêm dân canh tác trên diện tích 4 ha, sản lượng đạt gần 200 tấn mỗi năm.

Theo chính quyền địa phương, việc được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo động lực để bảo tồn và phát triển làng nghề muối, đồng thời thúc đẩy du lịch trải nghiệm, giới thiệu văn hóa vùng biển đến du khách trong và ngoài nước.

Thái Bình hiện định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, gắn với bảo tồn di sản. Tỉnh đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch tâm linh, sinh thái, trải nghiệm làng nghề. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ đón trên 4,5 triệu lượt khách mỗi năm, trong đó khoảng 10.000 lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.

Bảo Ngọc

Nguồn: Dulichvn

Bình Phước: Tiên phong bảo tồn nghề truyền thống

Theo dòng thời gian, cuộc sống phát triển len lỏi đến từng ngõ nhỏ của vùng sâu, vùng xa huyện biên giới Lộc Ninh. Đời sống, diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng thay đổi. Tuy nhiên, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc gùi vẫn đong đưa trên lưng theo bước chân của người S’tiêng lên rẫy, ra đồng. Nét văn hóa ấy được gìn giữ đến ngày nay nhờ sự đóng góp của các già làng, người có uy tín nơi đây.


Phát huy giá trị văn hóa  truyền thống

Lộc Ninh là huyện biên giới, có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, với 24.840 người, chiếm 21,73% dân số toàn huyện, trong đó dân tộc S’tiêng và Khmer chiếm khoảng 80%. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc. Trong đó, đồng bào dân tộc S’tiêng chiếm tỷ lệ cao. Việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là kỹ thuật đan lát góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc S’tiêng trong thời kỳ mới. Việc bảo tồn này được đặt lên vai các già làng, người có uy tín trong cộng đồng.

Trên địa bàn huyện Lộc Ninh hiện có 64 già làng, người có uy tín. Các già làng, người có uy tín đều am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào mình, có kinh nghiệm sống, là tấm gương sáng, đi đầu trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và gìn giữ nét văn hóa truyền thống. Trong số đó có ông Điểu Phun, người có uy tín ở ấp 8B, xã Lộc Hòa, là tấm gương đi đầu trong gìn giữ nghề đan lát truyền thống của người S’tiêng. Dù bận rộn đến đâu ông vẫn luôn giữ thói quen đan lát hằng ngày. Những ngày lên nương rẫy ông thường tranh thủ chặt tre, phơi, lấy cây trâm làm nguyên liệu đan lát. Những ngày rảnh rỗi ông cùng các già làng, người có uy tín, bà con nhân dân tập trung quây quần bên nhau, mỗi người một công đoạn chung tay hoàn thành các sản phẩm đan lát.

Ông Điểu Phun cho biết: Trước kia, người dân trong ấp sống chủ yếu nhờ vào ruộng, rẫy nên rất cần những dụng cụ cho lao động, sản xuất và sinh hoạt bằng mây, tre đan. Từ nhỏ, tôi thường theo cha vào rừng kiếm vật liệu về đan gùi, nia, rổ… Thấy tôi ham học nghề nên cha chỉ dạy tường tận từng cách đan. Theo kinh nghiệm, muốn có sản phẩm tốt, người làm nghề phải biết chọn nguyên liệu là những cây thẳng, dài, ít nhất 1 năm tuổi trở lên. Cây non quá thì giòn, dễ gãy, khó làm được những sản phẩm bền chắc. Những cây già quá thì cứng, khó uốn.

Trong vô những phẩm đan lát của đồng bào S’tiêng, thì chiếc gùi là sản phẩm thông dụng và có mặt ở hầu hết hoạt động, sinh hoạt của người dân. Nó vừa là dụng cụ hữu ích vừa là đặc trưng văn hóa của đồng bào. Vì vậy, việc duy trì nghề truyền thống này được ông Điểu Phun và những người có uy tín ở xã Lộc Hòa đặc biệt quan tâm.

Ông Điểu Vem (bìa phải) cùng các già làng, người có uy tín chuẩn bị nguyên liệu đan lát

Cũng là người có uy tín ở ấp 8B, xã Lộc Hòa, ông Điểu Vem đã duy trì nghề đan lát theo kiểu cha truyền con nối. Ngày nay, ông muốn truyền dạy cho thanh niên trong ấp có niềm đam mê với nghề. Ông Điểu Vem cho biết: Việc sử dụng nguyên liệu phải phù hợp từng sản phẩm, tiết kiệm được nguyên liệu là thể hiện trình độ của người đan. Những đoạn nan tre ngắn thừa ra phải khéo léo tận dụng để đan những vật dụng nhỏ xinh, giúp tiết kiệm tối đa nguyên liệu. Đây là kinh nghiệm của những người làm nghề, thể hiện sự trân trọng với tài nguyên thiên nhiên và sự tận tâm với sản phẩm. Chẻ nan, chuốt nan là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn và kinh nghiệm. Dao chuốt nan không được quá sắc cũng không quá cùn, phải vừa đủ để tạo ra những sợi nan mềm mại, nhẵn nhụi, đều nhau thì khi đan không để lại kẽ hở, sản phẩm sẽ chắc chắn, đẹp và hoàn hảo hơn.

Muốn níu giữ “hơi thở của núi rừng”

Những sản phẩm đan lát như rổ rá, giỏ, gùi, nia… không chỉ là đồ dùng mà còn là “hơi thở của núi rừng”, là tiếng vọng của truyền thuyết xưa. Mỗi sợi nan, mỗi thanh tre uốn lượn dưới bàn tay người thợ là cả một câu chuyện được kể bằng chất liệu tự nhiên. Đó là sự kiên trì bền bỉ, sự khéo léo, tinh tế, là tình yêu quê hương thắm đượm. Giữ gìn nghề đan lát là giữ gìn hồn cốt văn hóa, những giá trị tinh thần quý báu. Thổi hồn vào từng sản phẩm để nét văn hóa truyền thống sống mãi cùng năm tháng, gắn kết con người với thiên nhiên, với cội nguồn dân tộc. Và những già làng, người có uy tín ngày đêm gắn bó với nghề đan lát, với đôi bàn tay khéo léo, họ đang góp phần thổi hồn vào từng sản phẩm, để nghề truyền thống sống mãi với thời gian.

“Chúng tôi phải gìn giữ nghề đan lát này theo cách truyền thống, từ đường nét đan, hoa văn đến nguyên liệu tạo ra sản phẩm, màu nhuộm để cho ra sản phẩm bền, đẹp, mang đặc trưng riêng có của đồng bào”. – Ông Điểu Phun, người có uy tín ở ấp 8B, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh

Lo lắng nét văn hóa truyền thống sẽ bị mai một theo vòng quay cuộc sống hiện đại; những lúc xong việc đồng áng, các già làng, người có uy tín trong ấp ở huyện Lộc Ninh lại tranh thủ kiếm tre, đan gùi với mong muốn lưu giữ những sản phẩm thủ công truyền thống hiện hữu trong đời sống, cũng như lưu giữ nghề đan lát này cho thế hệ mai sau. Vừa chuốt từng nan tre, ông Điểu Vem vừa chia sẻ: Ngày xưa các thế hệ thanh niên đồng bào S’tiêng đều được tiếp xúc từ sớm với nghề đan lát truyền thống. Bởi đồng bào S’tiêng quan niệm: Thanh niên muốn lấy vợ trước tiên phải biết đan gùi để cho vợ mình mang trên vai đi hái rau, lấy nước, gùi gạo… phục vụ sinh hoạt, sản xuất của gia đình. Thứ hai, phải biết đan tranh để lợp nhà. Ngày nay, nhiều thanh niên trẻ không còn biết đến phong tục này nên bỏ qua nghề đan lát. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy các vật dụng được tạo ra từ nan tre như gùi, rổ, nia, đơm cá… tất cả vẫn còn hiện hữu trong đời sống hằng ngày của người S’tiêng hiện nay. Giá trị sử dụng của sản phẩm này vẫn trường tồn theo thời gian. Và nó được nâng tầm lên thành nét văn hóa truyền thống có giá trị của đồng bào S’tiêng giữa cuộc sống hiện đại.

Ông Điểu Phun ở giữa cùng các già làng, người có uy tín trong xã thường xuyên tập trung đan lát

Ông Điểu Phun mong muốn bảo tồn và phát huy nghề đan lát trong thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn

Cùng chung quan điểm với ông Điểu Vem, ông Điểu Phun cho biết: Những năm qua, chúng tôi duy trì nghề đan lát và ngày càng tập hợp được nhiều người dân, người có uy tín chung tay thực hiện tạo ra phong trào đan lát trong ấp và trên địa bàn xã. Qua đó, để truyền dạy cho lớp thanh niên trong xã biết đan lát, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bà Dương Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa cho biết: Các già làng, người có uy tín ở ấp 8B nói riêng và trên địa bàn xã Lộc Hòa nói chung rất tâm huyết trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Họ có những hành động thực tế, tạo được sự quan tâm của cộng đồng, từ đó tập hợp được nhiều người cùng chung tay thực hiện. Từ hiệu quả thực tế này, sắp tới xã có định hướng thành lập tổ hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực đan lát để tạo sự liên kết trong cộng đồng; giúp họ có thêm thu nhập từ chính nghề truyền thống, đồng thời phát huy được nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình.

Ngọc Bích

Nguồn: Dulichvn

Đình cổ Đông Thành – ngôi đình 200 năm tuổi giữa lòng Hà Nội

Có một ngôi đình cổ, tọa lạc giữa 36 phố phường Hà Nội xưa, nơi lưu giữ hồn thiêng của mảnh đất kinh kỳ, đó là đình Đông Thành. Đình xưa vốn là một đạo quán thờ các vị thần tiên, nay đã trở thành nơi thờ vị Thần Hoàng làng che chở cho người dân ở phía Đông Hoàng thành Thăng Long.


Tọa lạc trên con phố Hàng Vải thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đình Đông Thành xưa vốn là ngôi đình chung của hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị. Vào thời vua Minh Mạng (1820-1841), hai thôn Đông Thành và Đông Thành Thị sáp nhập thành làng Đông Thành.

Nói về lịch sử ngôi đình, bản hương ước sửa lại năm 1944 cho biết, đình được xây dựng đã lâu đời. Hai bên tam quan có cặp bia đá với dòng chữ “Đông Thành bi ký” ghi niên hiệu Minh Mạng, nói về những người cúng tiến; theo đó, ngôi đình đã tồn tại khoảng 200 năm. Ngoài ra, đình còn có 8 tấm bia khác do người trong thôn cúng tiến.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Thủ từ đình Đông Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Xưa kia, đình Đông Thành có tên chữ là Chân Thiên Quán, là một trong những đạo quán trên mảnh đất Thăng Long, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII. Sang thế kỷ thứ XIX, theo các phả tích còn ghi lại, Chân Thiên Quán sau đổi thành đình Đông Thành hay còn gọi là đình Hàng Vải.

Có một thời kỳ, nơi đây gọi là Chân Thiên Quán Tự, tức là kết hợp cả thờ Phật; một thời kỳ thì gọi là đền Chân Thiên, đền Hàng Vải, đình Hàng Vải và đến ngày nay thì gọi là đình Đông Thành. Trải qua biến thiên của lịch sử, khi đạo quán mất dần công năng, chức năng cũng như nhiệm vụ, đó là thờ các bậc thần tiên của đạo giáo, thì chuyển sang một dạng thức khác, đó là đình”.

Đình Đông Thành đã tồn tại khoảng 200 năm.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, vị thần được thờ phụng chính tại đình Đông Thành hiện nay là Đức Huyền Thiên Thượng Đế. Trong tâm thức dân gian, Ngài là vị thần hiển linh ở phương Bắc, được các triều đại phong kiến thỉnh về nước ta để phụng thờ, giúp các vị vua giữ gìn non sông đất nước, nhân dân được bình an, không bị ma tà quấy nhiễu. Ngoài ra, đình Đông Thành còn phối thờ các vị Phật, Thánh trong tín ngưỡng dân gian.

Về kiến trúc, đình được xây dựng theo lối truyền thống. Kết cấu ngôi đình có tam quan, có sân. Kiến trúc theo thể thức nội công ngoại quốc, có ống muống, hậu cung, nghi môn, bái đường, thiêu hương, tất cả nằm trong khuôn viên diện tích gần 460m2. Mái đình lợp ngói ta, hai bên xây trụ cao, trên đắp hình nghê. Góc sân bên trái tòa bái đường ba gian hai dĩ có đôi bia đá gắn vào tường. Bên phải có một cây đa cổ thụ.

Đến nay, đình làng Đông Thành còn giữ được 9 đạo sắc phong thần của các vua Nguyễn từ đời Thiệu Trị nguyên niên (1841) đến Khải Định thứ 9 (1925). Trong đình có nhiều cổ vật như hoành phi, câu đối, ngai rồng, bài vị, nhang án, cửa võng; tất cả đều được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Ngoài ra, trong đình còn có nhiều đồ thờ cúng khác như: Mâm bồng, lọ hoa, cây nến lớn, bình thiên hương, choé có nắp thời Nguyễn, bốn ngai thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, tượng Thổ thần, hai tượng Hộ pháp, một tượng Phật Thích Ca, hai pho tượng thị nữ đứng chầu.

Đặc biệt, trong hậu cung đình có pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng gỗ sơn cao 1,5m, bề rộng 0,8m. Tôn tượng vị thần được tạc ở tư thế ngồi oai nghiêm trên ngai rồng, bên ngoài khoác áo, mắt mở to, đầu trần, chân đất, tóc xõa sau lưng; tay phải thần chống kiếm Tam thái thất tinh có rắn quấn quanh, mũi kiếm đặt trên lưng rùa; còn tay trái giơ lên ngang ngực, ngón trỏ và ngón út chỉ thẳng lên trời làm phép kiểu “an ủy ấn”. Ngón cái và ngón giữa tạo thành ấn quyết kiểu “vô thủy vô chung”. Kiểu ngồi niệm chú như vậy, Đạo giáo gọi là “giả tọa”.

Ngoài ra, đình  Đông  Thành  còn  sở  hữu  một  “báu  vật”  giữa  lòng  phố  cổ, đó là giếng nước đã tồn tại khoảng 200 năm. Nằm  khiêm  tốn  bên  hậu  cung,  chiếc giếng này đã từng là nguồn sống của cả khu phố, là nơi gắn kết cộng  đồng, là chứng nhân của những biến thiên lịch sử.

Bà Nguyễn Thị Mười, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kể lại: “Tôi sống ngay đất đình này. Giếng này rất có ý nghĩa. Ngày xưa, nước khan hiếm, bà con khối phố, tất cả các nơi về đây lấy nước dùng. Ngày xưa chiến tranh, có trạm cứu hộ, dân quân bị thương vào đây dùng nước giếng rửa vết thương. Giếng này ngày xưa mạch nước cứ hết lại đầy. Ngày nay có nước máy rồi nên nước giếng ít được dùng hơn!”

Trong lịch sử, đình Đông Thành đã từng là nơi cất giấu vũ khí, che chở cho cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Vào mùa Đông năm 1946, quân dân Hà Nội đã sử dụng đình làm một trạm cứu thương của Liên khu I, góp phần làm nên chiến công 60 ngày đêm, mở đầu cho toàn quốc kháng chiến.

 Hiện nay, đình đã xuống cấp. Do đó, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa khu phố cổ, tháng 10-2011, chính quyền TP Hà Nội quyết định trùng tu, tôn tạo và khôi phục nhiều hạng mục. Trong quá trình trùng tu, kiến trúc gốc mang tính truyền thống của đình được giữ gần như nguyên vẹn nhằm phát huy bản sắc văn hóa, cũng như đời sống tinh thần của người dân phố cổ Hà Nội. Công trình được khởi công chính thức vào cuối tháng 4-2013, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 6-2014. Tháng 10-2014, đình Đông Thành đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Năm 2024, đình Đông Thành long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm đón nhận bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp thành phố. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự ghi nhận của chính quyền và nhân dân đối với những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đình. Lễ kỷ niệm diễn ra đúng vào ngày hóa của Đức Thánh Tổ Huyền Thiên Thượng đế (ngày 9-9 Âm lịch).

Lễ hội càng thêm phần đặc biệt với nhiều hoạt động ý nghĩa, thu hút đông đảo người dân tham gia, nổi bật là lễ cấp thủy hay còn gọi là lễ rước nước, một nghi thức quan trọng trong nhiều lễ hội truyền thống của Việt Nam và lễ rước Thánh. Các nghi thức trong lễ hội đều được thực hiện đúng lề lối, trang nghiêm và linh thiêng.

Bà Đặng Thị Hồng, phường Hàng Bồ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi làm dâu ở Hàng vải mấy chục năm rồi nhưng đó là lần đầu tiên đình có lễ hội to như thế.

Lễ hội đình Đông Thành không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Tổ, cầu mong sự che chở, bảo vệ cho muôn dân, mà còn là dịp để cộng đồng gắn kết, cùng nhau gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Bài và ảnh: Quỳnh Anh

 

Nguồn: Dulichvn

Lễ hội Chăm lịch ở làng Bỉnh Nghĩa (Ninh Thuận)

Những ngày đầu tháng 5 này, các làng Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận rộn ràng tổ chức đón mừng năm mới Chăm lịch 2025. Bỉnh Nghĩa là làng Chăm duy nhất của tỉnh tổ chức nhiều lễ hội, các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ năm mới an lành, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi…


Phụ nữ thôn Bỉnh Nghĩa bày lễ vật cúng thần linh trong nghi lễ Rija Harei.

Cả sư Đổng Bạ – Phó Chủ tịch Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận, trụ trì tháp Pô Klong Garai cho biết, tháng diễn ra các lễ hội đầu năm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có tên gọi là Rija Nưgar. Rija Nưgar là nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Chăm diễn ra vào đầu năm mới. Nghi lễ gắn với các hoạt động văn hóa dân gian, nghệ thuật diễn xướng.

Tùy theo điều kiện của mỗi làng sẽ tổ chức Rija Nưgar trong những tuấn đầu tháng giêng Chăm lịch sao cho phù hợp với điều kiện địa phương. Chủ trì nghi thức cúng đầu năm mới do các ông: Maduen (thầy vỗ), Kadhar (thầy đàn kéo), Kaing (vũ công); Camanei (thủ đền) và Pajau (bà bóng). Lễ diễn ra vào ngày thứ Năm, thứ Sáu của tháng giêng Chăm lịch. Ông Maduen và ông Kadhar hát ca ngợi công ơn của thần linh, tổ tiên trên nền trống baranưng, trống ghi năng, đàn kanhi, kèn saranai hòa nhịp ông Kaing múa roi, múa chèo thuyền, múa đạp lửa tạo nên không khí vui tươi những ngày đầu năm mới.

Chúng tôi về thăm làng Chăm Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, cách trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm gần 20 cây số. Gặp người đứng đầu Ban Phong tục làng Bỉnh Nghĩa tại sân lễ đền thờ Pô Bin Thuen, ông Lượng Thị vui mừng chia sẻ: “Năm nay lúa được mùa, giá cả ổn định, làng xóm phấn khởi đón mừng năm mới 2025 đầm ấm, vui tươi. Bà con mua sắm đầy đủ lễ vật dâng cúng tạ ơn thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình bình an và cộng đồng thịnh vượng, gọi là lễ hội Rija Hrei. Đây là nghi lễ mở đầu chuỗi 8 lễ hội đón mừng năm mới 2025 ở Bỉnh Nghĩa, kết thúc vào ngày 21/5.

Trước khi diễn ra Rija Harei, từ sáng sớm các vị chức sắc và dân làng đưa lễ vật đến dâng cúng thần linh, lễ vật chủ yếu là trứng gà, trái cây, hoa quả, trầu cau, trà rượu, cơm canh. Ông Sầm Tánh vừa vỗ trống baranưng vừa hát ngợi ca công lao của các vị thần linh phù hộ dân làng năm mới an vui, no ấm, hạnh phúc. Ông Tà ing Lượng Văn Chối hóa trang các vị thần với các điệu múa cùng mái chèo tượng trưng đưa dân làng vượt qua sóng gió về đến bến đỗ bình an…

Tiếp theo Rija Harei là lễ hội Rija Nagar – lễ mừng năm mới, diễn ra vào ngày 10/5 tại nhà văn hóa thôn Bỉnh Nghĩa. Lễ hội Raja Nagar có tiết mục hát, múa do các nghệ nhân dân gian đảm nhận, cầu cho trời đất giao hòa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nẩy nở, mùa màng thắng lợi. Kế đó là lễ cúng Pô Bin Thuen vào ngày 14/5 diễn ra tại thôn Mỹ Tường, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải…

Chuỗi hoạt động nghi lễ đầu năm kết thúc vào ngày 21/5 với lễ hội Palao Yang diễn ra tại kênh Bắc, thôn Bỉnh Nghĩa. Chuỗi hoạt động nghi lễ đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2021.

Thuận Minh

 

 

Nguồn: Dulichvn

Trải nghiệm mới ở làng du lịch cộng đồng A Nôr – Huế

Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) là nơi níu chân du khách bởi thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa bản địa đặc sắc. Nơi đây đang mở ra hướng đi mới cho du lịch gắn với chứng tích lịch sử, sức khỏe và trị liệu.


Động Tiên Công

Trải nghiệm du lịch lịch sử

A Lưới không chỉ là điểm đến với thiên nhiên kỳ thú mà còn là “bảo tàng sống” của ký ức chiến tranh. Trong hành trình đến A Nôr, chúng tôi ghé qua những địa danh đã đi vào lịch sử: đồi A Bia (Hamburger Hill), động Tiên Công… Mỗi nơi là một câu chuyện về quá khứ bi tráng nhưng cũng đầy hy vọng hồi sinh.

Đứng giữa đồi A Bia, nơi từng chứng kiến những trận đánh dữ dội, cảm xúc trong tôi đan xen giữa niềm kính trọng với sự bình yên của hiện tại. Động Tiên Công lại mang một dáng vẻ hùng tráng và không kém phần huyền bí. Theo người dân địa phương kể lại, nơi đây từng là chốn trú ẩn của bộ đội và đồng bào trong những năm chiến tranh, nay trở thành điểm dừng chân trong hành trình khám phá A Lưới.

Trên cung đường về, chúng tôi dừng lại thác A Nôr,  điểm nhấn nổi bật nhất của làng du lịch cộng đồng. Tại đây, du khách có thể tắm thác, gội đầu bằng nước lá rừng, ăn cơm bản với các món đặc trưng như cá suối nướng, cơm lam, rau rừng… Mọi thứ giản dị nhưng đậm đà bản sắc vùng cao.

Bên cạnh thiên nhiên và lịch sử, văn hóa bản địa là yếu tố giúp du lịch A Nôr giữ chân du khách. Chiều đến, chúng tôi hòa mình vào đời sống của bà con Pa Cô, cùng họ trải nghiệm làm bánh A quát, giã gạo, xem biểu diễn dân ca, dân vũ, cùng nhảy múa bên ánh lửa. Trẻ em háo hức, người lớn thân thiện, còn chúng tôi chỉ mong thời gian trôi chậm lại.

Trị liệu giữa rừng xanh

Điều khiến chúng tôi bất ngờ là dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa đại ngàn – một điểm mới trong sản phẩm du lịch cộng đồng ở A Nôr. Sau một ngày di chuyển và trải nghiệm, chúng tôi được hướng dẫn đến khu trị liệu: xoa bóp bấm huyệt và ngâm chân bằng thảo dược.

Chị Hồ Thị Sa, một người dân bản địa, nhẹ nhàng thao tác trên cổ, vai, cánh tay… giúp du khách thư giãn sau chuyến tham quan cả ngày dài. “Chúng em học nghề từ các đợt tập huấn của huyện, rồi kết hợp với kinh nghiệm dân gian. Lá xông, lá gội, nước ngâm đều hái từ rừng”, chị Sa giới thiệu, tay vẫn miệt mài thao tác.

Ngâm chân trong nước nóng pha cùng các loại thảo mộc bản địa khiến cơ thể như được tiếp thêm sinh lực. Mùi hương từ lá cây rừng cùng sự yên tĩnh của đêm A Lưới là một loại thuốc bổ đặc biệt cho tinh thần.

Anh Laurent Renaud, du khách đến từ Pháp, chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi ở châu Á, nhưng đây là lần đầu tôi được massage bằng phương pháp truyền thống kết hợp với các loại thảo mộc bản địa. Không gian giữa rừng, tiếng suối chảy và bàn tay của người trị liệu, tất cả tạo nên một cảm giác rất đặc biệt. Tôi thấy mình như đang được chữa lành từ bên trong”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Huyện xác định du lịch cộng đồng là ăn, ở, trải nghiệm kết hợp với chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các phương pháp truyền thống. Dịch vụ bấm huyệt, ngâm chân ở A Nôr là mô hình mới nhưng được du khách đánh giá cao, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân. Đây là hướng đi bền vững, vừa giữ được văn hóa bản địa, vừa nâng cao thu nhập cho cộng đồng”.

Rời ANôr, chúng tôi ghé chợ A Lưới, mang theo ít quà là muối mè, chuối già lùn, bánh a quát… Nhưng có lẽ món quà lớn nhất là sự phục hồi cả thể chất lẫn tinh thần sau một hành trình không dài nhưng đủ để thấy rõ tiềm năng của vùng cao A Lưới. Với cách làm bài bản, sáng tạo và gắn chặt với cộng đồng, A Nôr đang khẳng định mình là điểm đến thú vị, đầy bản sắc.

Bài, ảnh: Bạch Châu

Nguồn: Dulichvn

Hà Giang: Giữ nghề làm khèn như giữ hơi thở

Trong gian nhà bằng gỗ pơ mu giữa thôn Tả Cồ Ván (xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang), tiếng khèn H’Mông của nghệ nhân Mua Sính Pó lại vang lên như gọi cả núi rừng thức giấc. Ở tuổi 75, bàn tay ông vẫn rắn rỏi giữ nhịp dao, gọt những ống trúc già thành từng thanh âm của núi, âm sắc của bản làng. Bên bếp lửa đỏ, ông khẽ lầm rầm câu nói bằng tiếng của dân tộc mình, âm thanh trầm khan như phát ra từ đá: “Cây khèn là máu thịt, là cuộc đời người H’Mông”.


Nghe kể chuyện khèn bên bếp lửa.

Giữa những sườn đá tai mèo xám lạnh và lớp mây trắng bảng lảng trôi ngang trời Hố Quáng Phìn (huyện Đồng Văn, Hà Giang), tiếng khèn H’Mông vẫn vọng lên – khi rộn rã như suối chảy, lúc trầm sâu như tiếng núi vọng về. Trong âm thanh ấy là linh hồn của người H’Mông – những con người bền bỉ sống trên đá, dựng bản dưới trời cao, nỗ lực gìn giữ bản sắc của mình.

Một thời khèn làm xong gác vào xó bếp

Nghệ nhân Mua Sính Pó (sinh năm 1950) cùng nhiều nghệ nhân khác như ông Giàng Dũng Sò (sinh năm 1951), ông Lầu Sính Dia (sinh năm 1959) là những người cao tuổi nhất ở xã Hố Quáng Phìn hiện giờ còn đang giữ nghề chế tác khèn H’Mông. Từ khi 12 – 13 tuổi, những “trai H’Mông” trẻ đã được cha truyền cho bộ dao, cái đục và bí quyết chọn trúc, nghe âm, gắn đồng. Cây khèn H’Mông nhìn đơn sơ chỉ làm từ mấy thanh trúc già, gỗ thông đá, lưỡi đồng đỏ, nhưng để thành hình phải qua hàng chục công đoạn. “Khèn đúng chất là phải trầm như đá, réo rắt như gió, ngân như núi vọng. Làm không khéo, khèn chỉ còn là đồ trang trí, treo trên tường cho đẹp”, ông Mua Sính Pó nói rồi đưa khèn lên thử tiếng.

Cây khèn đi theo người H’Mông từ khi lọt lòng đến lúc về với tổ tiên. Vì thế, đàn ông H’Mông từ nhỏ đã phải biết thổi khèn, múa khèn. Nhưng để làm ra một cây khèn hay thì không phải ai cũng làm được. Ông Pó chậm rãi kể: “Có một thời, tiếng khèn thưa vắng. Trai trẻ không mặn mà với việc học múa, học thổi. Người ta cũng không mua khèn nhiều như trước. Nhiều người trong bản gác dao, bỏ đục”.

Nghề làm khèn mai một vào giai đoạn 2010 – 2015, khi làn sóng đô thị hóa cùng cuộc mưu sinh khắc nghiệt đẩy lớp trẻ rời bản, còn những đôi tay tạc khèn gạo cội thì dần xế bóng. Làng nghề xuống dốc nhưng chưa kịp có cơ chế bảo tồn bài bản, lâu dài. Hệ quả là số lượng người biết làm khèn giảm sút báo động, có thời điểm cả làng chỉ còn 2, 3 người lay lay lắt giữ nghề.

Chủ tịch UBND xã Hố Quáng Phìn, anh Vàng Mí Và, chia sẻ: “Sự mai một của nghề bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Ngoài việc đầu ra chững lại, thì nguyên liệu làm khèn là trúc, gỗ thông cũng là vấn đề lớn. Chúng tôi phải mua nguyên liệu tỉnh khác về, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi đó, giá bán mỗi cây khèn chỉ từ 400.000 đến 500.000 đồng, quá thấp so với công sức và thời gian bỏ ra, khiến nhiều người không thể duy trì nghề”. Từng là niềm tự hào, nhưng khi ấy nghề làm khèn không còn là chỗ dựa về kinh tế cho bà con nữa.

Bắt đá cất lời khèn

Trong quãng thời gian khó khăn đó, những nghệ nhân lớn tuổi như ông Mua Sính Pó, ông Giàng Dũng Sò, ông Lầu Sính Dia cùng một số nghệ nhân khác vẫn bền bỉ làm khèn. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, nhiều hộ dân đã tự khai hoang, cải tạo đất trên những triền núi đá để trồng trúc. Nghệ nhân Giàng Dũng Sò cho biết: “Cây trúc ở cao nguyên đá tuy chậm lớn hơn những vùng khác nhưng thân dày chắc, rất hợp để làm khèn. Có trúc mới làm được khèn”.

Ông Lầu Sính Dia thì tâm niệm: “Làm khèn ngoài việc để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình thì còn để cho thế hệ trẻ người H’Mông biết mình là ai”. Mỗi chiều, tiếng khèn vẫn vang lên từ nhà ông Pó, ông Sò, ông Dia. Lũ trẻ ngồi vây quanh, học thổi từng làn hơi đầu tiên. Sau đó tập cầm dao, cầm đục làm ra những chiếc khèn cho chính mình. “Dạy cho tụi nhỏ làm được một cây khèn không dễ. Nhưng dạy chúng yêu khèn, hiểu vì sao phải giữ, thì mới lâu bền. Tôi không lấy tiền, chỉ cần chúng nó đừng quên”, ông Dia nói.

Đầu ra sản phẩm từng là nút thắt khiến nhiều hộ làm khèn chùn bước. Để tháo gỡ, nhiều người liên kết thành các nhóm thợ, cùng nhau chia sẻ kỹ thuật, mang sản phẩm xuống chợ phiên giới thiệu, kết nối thị trường. Năm 2014, thôn Tả Cồ Ván được công nhận là làng nghề truyền thống chế tác khèn H’Mông – dấu mốc mở ra hướng đi mới. Các chính sách hỗ trợ từ tỉnh và xã dần được triển khai như: Cung cấp dụng cụ, vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật, xúc tiến quảng bá.

Làng nghề khởi sắc. Các thế hệ thợ trẻ dần trưởng thành. Mua Mí Nô (sinh năm 2000), là một trong những thợ trẻ làm việc chăm chỉ. Có tháng Nô làm được 10 – 12 cây khèn, thu nhập gần 30 triệu đồng – con số từng là giấc mơ ở mảnh đất quanh năm nghèo khó.

Khèn H’Mông từ làng bản ra thế giới

Không chỉ hồi sinh trong cộng đồng, khèn H’Mông đang từng bước vượt ra khỏi bản làng, bước vào đời sống hiện đại. Để phát huy tốt danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu do UNESCO công nhận vào năm 2010, tỉnh Hà Giang đã chú trọng phát triển du lịch gắn liền với văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa H’Mông và cây khèn.

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: “Tiếng khèn giờ đây đã trở thành một điểm nhấn đặc sắc tại các lễ hội truyền thống của người H’Mông, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước”. Các tour du lịch trải nghiệm được đưa vào khai thác, mang đến cho du khách cơ hội tự tay học làm khèn, lắng nghe những màn trình diễn khèn độc đáo. Sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và du lịch đã tạo nên một sức hút mạnh mẽ cho du lịch Hà Giang.

Giờ đây, về Hố Quáng Phìn, không khó để bắt gặp hình ảnh những người đàn ông H’Mông vui vẻ chế tác khèn. Âm thanh làng nghề rộn rã trở lại, đưa cây khèn đi đến khắp các miền núi cao có người H’Mông sinh sống. Khèn không còn là vật trưng bày. Nó là niềm tự hào, là tài sản tinh thần và sinh kế của người H’Mông. Sự hồi sinh của làng nghề không chỉ là kết quả từ quyết tâm bám nghề của người H’Mông, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của cộng đồng trong công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài và ảnh: Đỗ Hiên

Nguồn: Dulichvn

Hòa Bình: Đẩy nhanh dự án khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường

Ngày 7/5, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong về kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và dự án Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường.


Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long (giữa) chỉ đạo thúc đẩy nhanh dự án Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường.

Theo báo cáo của huyện Cao Phong, quý I/2025, huyện đã triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ước đạt 136 tỷ đồng, bằng 110,5% so với cùng kỳ năm 2024; mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ, thương mại ước đạt 422 tỷ đồng, bằng 105% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 101 tỷ đồng, tăng 11 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chương trình xây dựng nông thôn mới có 8/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Cao Phong có 188 hộ thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (xây mới 149 nhà; sửa chữa 39 nhà).

Đến nay, về nhà xây mới, huyện đã hoàn thành 115/149 nhà, đang xây dựng 39 nhà; về nhà sửa chữa, huyện hoàn thành 37/39 nhà, đang xây dựng 2 nhà. Huyện sẽ hoàn thành vượt kế hoạch, trước ngày 30/5/2025.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, thời gian tới, đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, huyện cần thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, tinh thần, thái độ và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm công việc không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân; làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Lãnh đạo hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bố trí cán bộ, công chức, viên chức khi không tổ chức cấp huyện và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy; tăng cường công tác quản lý đất đai, trụ sở, tài chính, tài sản nhà nước, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy; chỉ đạo hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát theo kế hoạch đề ra; đặc biệt, đẩy nhanh thực hiện dự án Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường.

Trần Hảo

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT