Du lịch Việt hiện giữ vị trí quan trọng với nền kinh tế, nhưng nguồn nhân lực lại đang là điểm yếu khi hầu hết nhân sự cao cấp phải thuê của nước ngoài.
“Tôi đang nắm giữ 2.000 cơ hội việc làm trong lĩnh vực du lịch nhưng không tìm được nhân sự phù hợp”, đó là kết luận của ông Miquel Àngel, thành viên hội đồng tư vấn du lịch trong chương trình tọa đàm quốc tế về du lịch Việt Nam thế kỷ 21 vừa diễn ra tại trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (British University Vietnam-BUV).
Các đại biểu tham dự tọa đàm quốc tế về du lịch Việt Nam thế kỷ 21. |
Nhân lực du lịch thiếu và yếu
Chia sẻ bên lề tọa đàm, ông Kenneth M. Atkinson, nhà sáng lập và cố vấn cấp cao Grant Thornton cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bởi sở hữu các bãi biển đẹp, hệ thống di sản phong phú và văn hóa bản địa đặc sắc.
Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa. Tính đến hết tháng 11, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sở hữu nhiều tiềm năng, nhưng ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn, một trong số đó chính là chất lượng nguồn nhân lực. “Nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt cần tập trung phát triển để Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, cũng như trên thế giới”, ông Kenneth nhấn mạnh.
Ông Kenneth M.Atkinson – nhà sáng lập và cố vấn cấp cao Grant Thornton trao đổi về du lịch tại Việt Nam, cơ hội và thử thách. |
Đồng quan điểm trên, bà Hương Bùi – giảng viên khoa Du lịch của Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, một trong những diễn giả của buổi tọa đàm, chia sẻ: “Thị trường khách quốc tế và nội địa ở Việt Nam tăng trưởng nhanh trong 5 năm gần đây, nhưng chính điều đó lại đang tạo áp lực cho ngành du lịch trong khi các yếu tố đi kèm, đặc biệt là yếu tố về nhân lực lại chưa đáp ứng được”.
TS Hương Bùi – giảng viên Đại học Ritsumeikan Asia Pacific trình bày tham luận tại sự kiện. |
Trên thực tế, Việt Nam hiện có hơn 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước, trong đó chỉ có 43% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Báo cáo về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, hơn một nửa lao động trong ngành du lịch Việt Nam không biết ngoại ngữ và năng suất lao động chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 của Nhật Bản và 1/5 của Malaysia… Nội bộ ngành du lịch cũng đang tồn tại một nghịch lý là số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu lại vừa yếu, trong khi số lao động chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa.
Với tốc độ tăng trưởng 25-35%/năm, đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam dự kiến cần trên 2 triệu lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo nhân lực ngành du lịch cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn khi có khoảng 20.000 sinh viên ngành du lịch ra trường mỗi năm nhưng vẫn phải học thêm nghiệp vụ hoặc doanh nghiệp phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng.
Phát triển nguồn nhân lực bền vững
Để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn cách thức tạm thời như chấp nhận đào tạo lại sau khi tuyển dụng, hay tuyển thêm nhân viên thời vụ có chuyên môn vào mùa cao điểm du lịch.
Một số doanh nghiệp lại chọn giải pháp đường dài nhưng an toàn hơn bằng cách mở trường đào tạo hoặc hợp tác với các cơ sở đào tạo du lịch để tìm nguồn, nhận sinh viên sắp tốt nghiệp về đào tạo thực tế thông qua các kỳ thực tập. Tuy vậy, những hoạt động này vẫn ở phạm vi nhỏ, chưa thể khỏa lấp được “lỗ hổng” lớn về nhân lực du lịch hiện nay.
Theo thống kê của Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có 192 cơ sở tham gia giảng dạy liên quan đến lĩnh vực du lịch, nhưng phần lớn cơ sở này đều có những hạn chế về cơ sở vật chất, thời gian thực hành ít và chương trình đào tạo cũng chưa hoàn toàn sát với nhu cầu thực tế. Chính vì thế, việc tìm kiếm và phát triển các môi trường đào tạo du lịch với chất lượng tiệm cận quốc tế được xem là giải pháp cần thiết để khắc phục cơn khát về nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam hiện nay.
Là trường đại học quốc tế ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành Quản trị du lịch cấp bằng bởi Đại học Staffordshire danh tiếng của Vương quốc Anh, trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) là một trong những môi trường đào tạo hiện đại về lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Sinh viên theo học ngành Quản trị du lịch tại BUV sẽ được trang bị ngoại ngữ, kỹ năng mềm và có cơ hội trải nghiệm những kiến thức thực tiễn phong phú trong lĩnh vực du lịch nhờ sự song hành liên tục giữa các chương trình lý thuyết và thực hành. Đặc biệt, sinh viên tại BUV được đi thực tập từ năm nhất.
Lý Minh Anh, sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản trị du lịch tại BUV tự tin trình bày về “Du lịch bền vững” trong tọa đàm. |
Lý Minh Anh, sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản trị du lịch cho biết: “BUV đã mang tới cho em cơ hội trải nghiệm về học thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Chúng em luôn được khuyến khích và tạo cơ hội thực tập tại các đối tác của trường trong lĩnh vực du lịch trong nước. Ngay từ khi còn học năm nhất, em đã có cơ hội thực tập tại khách sạn 5 sao InterContinental Hanoi Landmark 72. Điều này giúp em có thêm nhiều trải nghiệm phong phú về lĩnh vực du lịch tại Việt Nam”.
Không chỉ chú trọng vào lĩnh vực đào tạo, BUV cũng rất quan tâm đến thách thức và cơ hội của ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch quốc tế nói chung. Theo GS.TS Raymond Gordon, Hiệu trưởng trường Đại học Anh Quốc Việt Nam, tọa đàm quốc tế về du lịch Việt Nam trong thế kỷ 21 là một trong nhiều chương trình do BUV tổ chức với mong muốn hỗ trợ chính phủ trong việc thu hút kiến thức, công nghệ, tài năng quốc tế cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam tương lai.
Nguồn: News.zing.vn