Là một tỉnh nhỏ, dân số chỉ hơn 1,7 triệu người, nhưng Đồng Tháp quyết tâm vươn lên trở thành “thủ phủ du lịch” khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trở lại Đồng Tháp đầu Xuân này, chúng tôi cảm nhận được những mô hình du lịch xanh, sự chuyển mình mãnh liệt trên miền đất có biểu trưng sếu đầu đỏ vươn cao giữa chuỗi cánh sen hồng.
Du khách tham quan khu du lịch Đồng sen Tháp Mười, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp)
Chuyển hướng đầu tư du lịch
Đến Đồng Tháp, gặp gỡ lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng, điều khiến chúng tôi thú vị, là ở đây hiếm gặp kiểu “báo cáo tô hồng”, cán bộ cấp, ngành nào cũng thẳng thắn nói ra “chỗ chưa làm được”, tự nhận mình còn yếu kém với quyết tâm sửa đổi, cầu tiến. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, năm 2016, Đồng Tháp thu ngân sách được hơn 5.000 tỷ đồng, tuy nhiên trong đó đã có hơn 2.000 tỷ đồng đóng góp từ kinh doanh xăng dầu, khoảng 1.000 tỷ đồng từ xổ số kiến thiết; các hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác quy mô chưa đáng kể. Tỉnh xác định nông nghiệp là thế mạnh, tuy nhiên trong điều kiện biến đổi khí hậu và môi trường bị ảnh hưởng, việc chuyển hướng đầu tư sang phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng là hướng đi tất yếu, được chọn làm mũi đột phá để tăng nhanh thu nhập cho người dân trong thời gian tới.
Về du lịch, năm 2016, Đồng Tháp đứng thứ bảy trong số 13 tỉnh, thành phố toàn vùng, và vẫn tự nhận “yếu kém” dù cũng đã thu hút được hơn 2,5 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm. Tỉnh đã mời các chuyên gia hàng đầu về du lịch đến góp ý, tư vấn, hướng dẫn cách làm cho cán bộ, người dân trên địa bàn; cùng chuyên gia đi thị sát khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước để học hỏi, tiếp thu những mô hình hay, cách làm tốt để tiếp tục chọn lọc, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế của Đồng Tháp. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhận định: “Trong đề án phát triển du lịch trách nhiệm với xã hội, môi trường, cộng đồng và du khách thì lãnh đạo tỉnh chỉ là người thiết kế, tạo điều kiện, mời những chuyên gia giỏi và giàu kinh nghiệm đến “cầm tay chỉ việc”. Còn nhà đầu tư thật sự chính là những người dân bản xứ, những nông dân tha thiết yêu quê hương, có ý thức sáng tạo, chịu khó học hỏi, thân thiện và hào phóng”.
Nông dân nhập cuộc
Trong số khách quý từ xa về tham gia lễ hội Du lịch Đồng Tháp đầu Xuân năm 2017, có đoàn váy áo trang phục thổ cẩm rực rỡ với gần 20 nam nữ trung niên thuộc các dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Mông, Mường,… chủ nhân của các khu du lịch cộng đồng đặc sắc, các homestay lịch lãm, tinh tế ở Mai Hịch, Hang Kia (Hòa Bình); Hua Tạt (Sơn La); Pù Luông (Thanh Hóa)… Đích thân các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và HĐND tỉnh Đồng Tháp dẫn các đoàn doanh nghiệp, nông dân trong tỉnh đến lễ hội gặp gỡ chủ nhân các mô hình. Chị Sùng Y Múa, nữ chủ nhân Khu du lịch Hang Kia, chị Hoàng Thị Loan, nữ chủ nhân Khu du lịch Nghĩa Lộ cùng chia sẻ trong Hội thảo du lịch tại Đồng Tháp, họ phần lớn là nông dân, sống chung quanh các vùng núi. Nhờ có các chuyên gia du lịch về hướng dẫn đồng bào mới biết cách sửa sang nhà cửa, thiết lập dịch vụ, mở các homestay sạch đẹp đón khách. Hộ nông dân nào làm du lịch đạt chuẩn cũng có thu nhập tăng gấp nhiều lần, lại được mời đi tham quan, giao lưu học hỏi, mở rộng tầm nhìn cho nên phấn khởi lắm! Được trực tiếp trải nghiệm, chứng kiến các điển hình du lịch các tỉnh vùng cao phía bắc rất thành công dù điều kiện thiên nhiên, xã hội khó khăn hơn nhiều so với tỉnh nhà, đoàn lãnh đạo, doanh nghiệp và nông dân tỉnh Đồng Tháp ai cũng hào hứng tự tin rằng “nhất định mình cũng sẽ làm được”.
Đồng Tháp vốn ít khách sạn cao cấp, nên đã tập trung hướng dẫn nông dân tự đầu tư sửa chữa nhà đón khách. Bước đầu đã có hộ tăng thu nhập gấp nhiều lần nhờ tham gia làm du lịch, như gia đình anh chị Hùng – Hoa ở khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc. Trước gia đình chỉ nuôi ếch, nay lại thêm phục vụ du khách tại nhà, được lãnh đạo tỉnh đến tận nơi hoan nghênh cổ vũ, trao biểu trưng chứng nhận “Ngôi nhà Hoa Ếch” đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch đầu tiên của tỉnh vào dịp khai mạc tuần lễ Du lịch trước sự chứng kiến của đông đảo quan khách. Là chủ vườn hoa kiểng đón nhiều khách đến tham quan nhất của thành phố Sa Đéc, ông Cao Văn Hai chủ vườn hoa Hai Cao ở phường Tân Quy Đông cho biết, thu nhập năm qua của gia đình ông và hầu hết các hộ dân trên địa bàn đã tăng lên nhờ làm thêm dịch vụ, đặt quầy giải khát dù chỉ đơn giản là những ly nước mía, nước quýt ép tươi thơm ngon mà giá cả rất “mềm”. Được chuyên gia gợi ý, ông đang chuẩn bị mở thêm nhà hàng “Ẩm thực hoa” với các món ngon, độc đáo từ hoa, du khách có thể “4-5 cùng” ngay giữa vườn hoa kiểng của gia đình bốn mùa bát ngát sắc hương. Miệng nói tay làm, ông Hai Cao khệ nệ đặt lên bàn một chậu hoa thu hải đường, bảo tôi: “Cô thoải mái ngắt lá hái bông ăn thử coi, vị chua giòn này làm món gì cũng ngon à nghe! Trộn gỏi, nấu canh chua, làm nước sốt ăn kèm gà rô-ti; hay rửa giỏ bông sạch sẽ bê vô bàn, khách tự bứt bông ăn với cá lóc nướng, ai cũng khoái!”.
Sản vật thiên nhiên phong phú, con người cởi mở thân thiện, khi mô hình homestay triển khai rộng rãi thành công ở nơi này, Đồng Tháp chắc hẳn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho đông đảo du khách trong và ngoài nước, với những ưu thế độc đáo, khác biệt.
Phương Nam phóng khoáng, chí tình
Đến chùa cổ Bảo Lâm, chúng tôi được dùng bữa trưa toàn món chay với hương vị đậm đà tinh tế nấu bằng rau, củ, quả nhà chùa tự sản xuất và tráng miệng bằng món chè xoài ngon tuyệt. Đi bộ xuyên qua những thôn, xóm xanh mát vườn cây lúc lỉu hoa trái, ai cũng cảm nhận được không khí thanh bình, tính cách hào phóng của người dân Nam Bộ với những kệ trái cây gọt sạch kèm muối ớt hay mắm ruốc kho quẹt bày sẵn bên đường mời khách nghỉ chân nếm thử; thưởng thức giọng hò mùi mẫn, tiếng đàn vọng cổ réo rắt từ những nhóm đờn ca tài tử do các anh Ba, chị Bảy là những nghệ sĩ thôn xóm rất tự nhiên kê ghế đứng, ngồi diễn với nhau, chẳng cần phấn son, sân khấu. Chúng tôi lội xuống khoảnh ruộng bên đường, nơi có đám người xúm xít cười nói rổn rảng chung quanh chiếc máy xới đất hình thù kỳ lạ đang bành bành nổ, băng băng khơi hàng, đào rãnh. Người sáng tạo ra cỗ máy này là lão nông Nguyễn Văn Cường. Vừa điều khiển máy xới đất, ông vừa cởi mở bộc bạch, mình phải mất ba tháng mày mò, tốn 11 triệu đồng mới chế tạo thành công cái máy này. Đã sử dụng gần ba năm, nhưng cũng chưa biết nên gọi tên nó là cái máy gì cho ổn, dù công suất xới đất đánh luống của nó tương đương 24 nông dân cày cuốc đắc lực. Hỏi, nếu có ai muốn đặt hàng chiếc máy y vậy, thì ông lấy bao nhiêu? Ông Cường bối rối: “Chắc cỡ 15 triệu tui mới làm được!”. Đoàn khách ồ lên bất ngờ: “Người Đồng Tháp thiệt là dễ thương!”.
Một điểm tham quan đặc biệt nữa, tiêu biểu cho tính cách Nam Bộ, là Nam Phương Linh Từ ở huyện Lấp Vò, mở cửa quanh năm cho du khách đến viếng thăm miễn phí. Địa chỉ này do một doanh nhân thành đạt đầu tư hơn 400 tỷ đồng ra mua đất, dày công thiết kế, xây dựng, chăm chút tươi đẹp để làm nơi tưởng nhớ, thờ phụng anh linh các bậc danh nhân có công mở cõi phương Nam như: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Tri Phương, Trương Công Định, Nguyễn Đình Chiểu…
Ngắm những cánh chim chấp chới về tổ trong ánh hoàng hôn ở Vườn Quốc gia Tràm Chim; ngồi trên chiếc xuồng ba lá luồn lách trên những lạch nước trong veo ở Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng – lá phổi xanh vùng Đồng Tháp Mười; chèo thuyền qua các dòng kênh yên tĩnh nghe được cả tiếng cá nhảy, tôm búng dưới bóng rừng tràm ở Khu di tích Xẻo Quýt – “thủy đạo thép” của vùng đồng bằng ngập lũ, cảm giác thật thong dong, êm ả. Không chỉ những địa danh nổi tiếng đáng nhớ, mà Đồng Tháp còn có những cảnh tượng nên thơ, hùng vĩ, hiện còn vô danh mà tạo ấn tượng bất ngờ không kém. Như cánh đồng rau nhút thủy canh nở hoa vàng rực trên mặt sông Phú Mỹ huyện Thanh Bình, nhấp nhô chai nhựa làm bè nâng từng mảng rau nổi trên mặt nước; khu lò gạch xây dựng rất kỳ công từ lâu đã trở thành hoang phế, lô xô hơn 50 vòm tháp cao ngất hùng vĩ in bóng trên nền mây quạnh quẽ, đẹp lạ lùng ở huyện Châu Thành… Một nhà báo, đạo diễn truyền hình cùng đi trong đoàn ngước mắt đứng sững kêu lên: “Y như rừng tháp ở Mandalay!”. Đồng Tháp cũng là địa danh thú vị về ẩm thực, với nhiều món ngon từ hoa trái như nem, quýt hồng, bưởi Phong Hòa ở Lai Vung, hủ tiếu bà Sẩm ở Sa Đéc, xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành… cho đến những món nấu nướng thời khẩn hoang mà tất cả nguyên liệu đều từ thiên nhiên tươi ròng như cá lóc nướng cuốn lá sen non, ốc treo giàn bếp, chuột quay lu Cao Lãnh, dồi rắn Tháp Mười, lẩu cá linh bông điên điển, bông súng mắm kho, bánh phồng tôm Sa Giang,… Ngắm những cô thôn nữ Đồng Tháp má ửng hồng, nhanh tay xào nấu thơm lừng, thoăn thoắt đơm lên đĩa, mời khách bằng giọng nói ngọt ngào âm sắc phương Nam, chúng tôi chẳng ai không mềm lòng, muốn dừng chân, ở lại mãi…
Tiềm năng du lịch của Đồng Tháp chẳng khác nào nàng tiên ngủ trong rừng vừa được đánh thức, tươi đẹp và quyến rũ.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn