Cứ mỗi độ Xuân về, hàng triệu người con đất Việt lại nô nức hành hương về với Phú Thọ, nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam để tri ân công đức tổ tiên và khám phá, trải nghiệm những giá trị di sản văn hóa…
Phú Thọ vừa là đất Tổ, vừa là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hoá Lạc Việt, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Phú Thọ ngày nay được ví như “bảo tàng” của văn hóa dân tộc Việt với những dấu ấn văn hóa đậm nét, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng gắn với thời đại Hùng Vương. Về với vùng đất này, bạn đang về với miền quê nơi có các di sản văn hóa có tuổi đời hàng ngàn năm đang được bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống và các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặc sắc, Phú Thọ vinh dự sở hữu hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của nhân loại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ đang là niềm tự hào, là bản sắc riêng có của người dân đất Việt với bạn bè quốc tế.
Chảy hội đầu xuân (Ảnh: Phương Thanh)
Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về hàng triệu người con đất Việt lại nô nức hành hương về với Phú Thọ, nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam, nơi các vua Hùng khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi, lập nên Nhà nước Văn Lang, Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, nơi thấm đượm hồn thiêng sông núi để tri ân công đức tổ tiên và các vua Hùng đã có công dựng nước và khám phá, trải nghiệm các di sản văn hóa từ thời Hùng Vương còn lưu giữ đậm đặc nơi đây. Trong tiết xuân ấm áp, đoàn con cháu lại hành hương về Khu di tích lịch sử Đền Hùng, trung tâm thờ tự các Vua Hùng đầu tiên của người Việt, về với cội nguồn dân tộc, để thêm tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi con dân đất Việt. Khu di tích lịch sử Đền Hùng được công nhận là Khu di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2009, đây vừa là một thắng cảnh đẹp của tỉnh Phú Thọ vừa là một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng đối với mỗi người Việt Nam, du khách đến đây vừa tham quan, tìm hiểu lịch sử vừa thực hành một loại hình tín ngưỡng văn hóa của người Việt – Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng, cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bắt nguồn từ thời đại các Vua Hùng – vị vua Tổ của người Việt, người có công sáng lập nước Văn Lang và mở ra thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam, với niềm tin cả dân tộc có cùng chung giống nòi “con Rồng cháu Tiên”, cùng chung một nguồn cội; là đạo lý truyền thống trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Con người có tổ, có tông”. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi núi Hy Cương, núi Hùng) thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được đặt lệ làm ngày giỗ Tổ. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà tâm điểm là giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm đã và đang chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt, có sức lan tỏa rộng khắp trong mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, trở thành điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc.
Một sản phẩm nghệ thuật tương truyền có từ thời Hùng Vương dựng nước đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm khi đến Phú Thọ đó là Hát Xoan Phú Thọ. Tại thành phố Việt Trì, kinh đô Văn Lang xưa, thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam ngày nay, du khách sẽ được thưởng thức, trải nghiệm những làn điệu hát Xoan do các nghệ nhân, đào kép của các phường Xoan gốc biểu diễn và tìm hiểu các giá trị quý báu của di sản gắn với tham quan di tích như Miếu Lãi Lèn xã Kim Đức hay Đình Hùng Lô xã Hùng Lô. Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại ngày 24/11/2011 và được ghi danh công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 08/12/2017. Hát Xoan còn gọi là Khúc môn đình, là lối hát thờ thần, thường được tổ chức vào mùa xuân để đón chào năm mới. Hát Xoan đang được các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì là Phù Đức, Thét, Kim Đái, An Thái lưu truyền, gìn giữ và phát huy một cách tự nguyện và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng rộng lớn cả về nghệ thuật diễn xướng và không gian văn hóa. Cùng với hai di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ, du khách đến Phú Thọ còn có thể trải nghiệm, thưởng thức các di sản văn hóa phi vật thể khác như hát Ca Trù và Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại các di tích lịch sử văn hóa và không gian văn hóa vùng đất Tổ.
Về Phú Thọ vào mùa xuân, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh của hàng trăm lễ hội dân gian nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam, trong đó phải kể đến những lễ hội, tín ngưỡng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Lễ hội Đình Đào Xá, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ gắn với Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ; lễ hội Trò Trám…: Ngay từ mùng 3 tháng giêng, du khách về với xã Đào Xá huyện Thanh Thủy sẽ được đắm mình trong lễ hội Đền Nam Trang với tục múa xuân ngưu cổ xưa và lễ hội làng Đào Xá đặc sắc – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phản ánh nhiều tín ngưỡng của người Việt gắn với không gian văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Một lễ hội đã nhiều năm thu hút đông đảo du khách thập phương đến với Phú Thọ trong những ngày đầu xuân bởi những giá trị lịch sử sâu sắc, phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ và bọc trăm trứng đó là Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng giêng tại làng Hiền Lương, xã Hiền Lương hàng năm, lễ hội là một điểm nhấn quan trọng trên dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân ta gắn với di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Ngày 11, 12 tháng giêng âm lịch, có một lễ hội đặc sắc, một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo của cư dân người Việt Cổ thể hiện sự tôn vinh sức sống của con người được tổ chức tại phường Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Lễ hội Trò Trám, hay còn gọi là “Linh tinh tình phộc” là biểu hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước cầu mong cho mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Tham gia lễ hội, du khách thập phương sẽ được thưởng thức trò diễn “Tứ dân chi nghiệp” – một màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống là sĩ, nông, công, thương và đặc biệt là lễ Mật diễn ra lúc nửa đêm 11 rạng ngày 12 tháng giêng… và còn rất nhiều lễ hội dân gian đặc sắc mang đậm nét tinh hoa, tinh thần nhân văn được nhân dân thực hành trên khắp các làng quê của vùng đất Tổ.
Những năm qua, tỉnh Phú Thọ rất quan tâm đến công tác bảo tồn di sản văn hóa gắn với việc phát triển kinh tế xã hội bền vững. Các di sản văn hóa đang được tỉnh Phú Thọ bảo vệ một cách hiệu quả, nhờ đó, di sản đang có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội đương đại. Tỉnh Phú Thọ cũng rất quan tâm tới việc khai thác các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch, cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà tâm điểm là giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, các chương trình “Hát Xoan làng cổ”, “du lịch về nguồn”… đã thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến Phú Thọ, nhu cầu tham quan, thực hành tín ngưỡng và thưởng thức hát Xoan Phú Thọ tăng cao, mỗi năm Phú Thọ đón từ 6-7 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt mức tăng trưởng khá, tạo công ăn việc làm cho hơn 12.000 lao động… Di sản văn hóa đang trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa phong phú, góp phần thúc đẩy du lịch Phú Thọ phát triển bền vững.
Du Xuân đất Tổ, trên hành trình khám phá, trải nghiệm những giá trị di sản văn hóa – những món ăn tinh thần đặc sắc của vùng đất này, du khách đừng quên dừng chân tại các khu du lịch nổi tiếng của Phú Thọ như Vườn quốc gia Xuân Sơn với hệ thống hang động, hệ động thực vật và cảnh quan thiên nhiên phong phú, nơi có cộng đồng bà con dân tộc Dao, Mường đang sinh sống; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy với hệ thống các khách sạn, biệt thự, khu vui chơi giải trí và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao gắn với mỏ nước khoáng nóng có trữ lượng lớn và khả năng chữa bệnh tuyệt vời; Thành phố Việt Trì – thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; các thắng cảnh đầm Ao Châu, đầm Vân Hội đẹp tựa bức tranh thủy mặc in bóng những rừng cọ đồi chè… để hòa mình vào thiên nhiên tuyệt vời nơi đây, trải nghiệm và thưởng thức các sản vật, ẩm thực hấp dẫn cùng với sự đón tiếp nồng hậu, mến khách của người dân nơi miền quê di sản.
Nguyễn Đắc Thủy
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn