Sau nhiều năm thực hiện thành công Chương trình du lịch “Hướng về cội nguồn” của 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ, các tỉnh vùng Tây Bắc đã thống nhất, liên kết, hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du khách nước ngoài chọn mua thổ cẩm tại chợ Cốc Ly (Bắc Hà)
Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang, được triển khai từ tháng 11/2008. Trong những năm qua, các tỉnh đã triển khai thực hiện tốt 4 nội dung hợp tác đã ký kết đó là: Hợp tác về cơ chế, chính sách; phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến tuyên truyền, quảng bá và hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội 8 tỉnh Tây Bắc. Nhìn chung, các tỉnh đều có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch khá tương đồng với núi non hùng vĩ, những bản làng mang đậm nét văn hóa dân tộc, tiềm năng về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh… luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhận thấy rõ tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, các tỉnh Tây Bắc đã liên kết, hợp tác nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lào Cai, từ sự chủ động và quyết tâm cao của các tỉnh thành viên trong nhóm hợp tác phát triển du lịch, chương trình đã thu được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch khu vực Tây Bắc. Năm 2016, hoạt động kinh doanh du lịch có mức tăng trưởng khá, khách du lịch đến 8 tỉnh đạt gần 18 triệu lượt, tăng 11,8% so với năm 2015; khách du lịch lưu trú trên 6,4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế trên 1,2 triệu lượt, tăng 11,5% so với năm 2015.
Một trong những điểm nhấn của chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đó là sự thành công trong hoạt động liên kết phát triển sản phẩm du lịch, tạo đà cho sự tăng trưởng về doanh thu du lịch cũng như lượng khách đến các địa phương. Từ sự liên kết đó, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh xây dựng kế hoạch khảo sát và phát triển các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng. Các sản phẩm du lịch đã gắn với các di sản văn hóa trong chương trình “Hành trình khám phá cung đường di sản văn hóa”, chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng, “Sắc hoa Tây Bắc”, chinh phục đỉnh Fansipan; công nhận 2 tuyến du lịch thử nghiệm tại huyện Bát Xát, tổ chức giải đua xe đạp vượt núi quốc tế tại Sa Pa, giải Marathon vượt núi quốc tế; khai thác thử nghiệm hoạt động du lịch sinh thái khu vực hồ thủy điện Bắc Hà; xây dựng kế hoạch khảo sát điểm du lịch sinh thái xã Liêm Phú (Văn Bàn)…
Bên cạnh đó, hoạt động thiết kế, sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch mang đậm dấu ấn của Lào Cai cũng mang lại hiệu quả. Việc tăng cường công tác vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia thiết kế, sản xuất các mặt hàng lưu niệm mang bản sắc văn hóa đặc trưng đã làm đa dạng và phong phú các sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm, làm quà tặng của khách du lịch khi đến Lào Cai.
Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017- Lào Cai – Tây Bắc, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã và đang triển khai kế hoạch liên kết phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của khu vực đó là: Du lịch cộng đồng Tây Bắc; “Hành trình khám phá cung đường di sản ruộng bậc thang Tây Bắc”; “Chợ phiên vùng cao”; “Dấu chân huyền thoại” – khám phá các cung đường hành quân trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; “Chinh phục đỉnh cao”; “Sắc hoa Tây Bắc”; du lịch tâm linh dọc sông Hồng; du lịch tâm linh dọc sông Đà; xuân về trên thảo nguyên, lễ hội hoa Sa Pa, lễ hội hoa lan, lễ hội hoa dã quỳ…
Từ thực tiễn qua nhiều năm liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, để vùng Tây Bắc xuất hiện nhiều điểm sáng mới, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới, các tỉnh cần xây dựng cơ chế liên kết hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng các thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi vùng, mỗi địa phương; coi trọng quảng bá, xúc tiến du lịch và cần đầu tư nghiên cứu quy hoạch vùng, quy hoạch các điểm, tuyến du lịch của mỗi tỉnh và toàn vùng, từ đó phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn, bản sắc riêng của mỗi địa phương, để xây dựng thế mạnh liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc – ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết thêm.
Phạm Ngọc Bộ
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn