Nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán thường hành động theo đám đông và mắc hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội. Tuy nhiên, đây là tâm lý cần tránh khi tham gia đầu tư.
Warren Buffet có câu nói kinh điển, được nhiều nhà đầu tư chứng khoán ưa thích: “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi”. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện được theo lời khuyên từ nhà đầu tư huyền thoại. Đa phần nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông và hội chứng sợ bỏ lỡ, hay còn gọi là FOMO.
Theo giới phân tích, hội chứng này diễn ra bởi bộ não sử dụng các lối tắt để xử lý dữ liệu thông tin tự động. Trong đầu tư, các lối tắt này cũng được hình thành, khiến nhà đầu tư phản xạ tâm lý một cách bản năng. Hậu quả có thể dẫn đến thua lỗ.
Bẫy tâm lý FOMO trong tài chính
FOMO viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Fear Of Missing Out”, hay còn được gọi là hội chứng sợ bỏ lỡ. Những người mắc hội chứng này thường có xu hướng bị ám ảnh bởi cảm giác lo lắng, sợ hãi rằng mình đã để lỡ cơ hội hay một điều gì đó mà bản thân có thể đạt được. Từ những suy nghĩ như vậy, họ dễ đưa ra quyết định hấp tấp, thiếu lý trí dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trên thị trường chứng khoán, tâm lý FOMO được thể thiện rõ. Có nhiều lý do khiến FOMO dễ dàng chi phối tâm lý nhà đầu tư: Kỳ vọng thái quá vào thị trường, quá tự tin vào bản thân hay quá vội vàng khi chưa phân tích kỹ về cổ phiếu…
Những cổ phiếu tăng trần và xanh nhiều phiên khiến hành vi của nhà đầu tư cá nhân chịu tác động, nảy sinh tâm lý muốn mua vào ở bất cứ giá nào. Mỗi phiên hoặc mỗi line tăng điểm cũng khiến họ lo sợ bỏ lỡ cơ hội gia tăng tài sản nhanh chóng, dễ dàng.
Tuy nhiên, việc đua lệnh thường ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của người nắm giữ nếu cổ phiếu của họ bất ngờ sụt giảm. Do vị thế của nhà đầu tư đã ở vùng giá cao, thực tế lỗ nặng là điều khó tránh khỏi.
Nhiều nhà đầu tư dễ mắc phải bẫy tâm lý FOMO khi tham gia thị trường chứng khoán. Ảnh: Unsplash. |
Nắm bắt tâm lý này, đội lái thường “thả mồi” bằng những phiên tăng mạnh để kích thích hiệu ứng, khiến nhà đầu tư cá nhân mua đuổi cổ phiếu. Các cổ phiếu được chọn thường là cổ phiếu có tính đầu cơ cao, vốn hóa nhỏ, ít minh bạch, tập trung và cô đặc nhằm hạn chế nguồn cung, để dễ điều khiển biến động giá lên xuống.
Ngoài ra, những người này thường tung các thông tin có lợi nhưng chưa rõ ràng, hoặc bắt tay với lãnh đạo doanh nghiệp nhằm kêu gọi mua vào cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư không tỉnh táo để phân tích cổ phiếu hay các loại thông tin, sẽ dễ bị cuốn theo nếu chỉ nhìn bảng điện hoặc dòng tiền.
Anh Tuấn Linh (35 tuổi, nhân viên công ty BĐS lâu năm), chia sẻ mình biết rõ hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành cũng như lợi thế và tiềm năng tương lai của các dự án. Do đó, khi nghe tin công ty về BĐS triển khai nhiều kế hoạch mới, tôi đánh giá là sẽ gặp khó khăn và cần nhiều vốn, thời gian.
“Tuy nhiên, khi nhìn cổ phiếu tăng trần liên tục, kết hợp thông tin lãnh đạo đăng ký mua vào, cổ phiếu thuộc nhóm VN30 – top đầu của thị trường chứng khoán – nhận định của tôi ít nhiều lung lay và cảm thấy những phân tích của họ rất logic. Kết quả, sau đó vị lãnh đạo này bán chui lượng lớn cổ phiếu, doanh nghiệp bị cho ra khỏi rổ chỉ số còn tôi gặp thiệt hại nặng không biết bao giờ có thể gỡ lại”, anh Linh chia sẻ.
FOMO không chỉ xảy ra với những mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, mà với bất kỳ loại cổ phiếu nào. Bởi thực chất, cổ phiếu là dạng hàng hóa phụ thuộc lớn vào cung cầu. Khi nguồn cầu với kênh tài sản này lớn, nguồn cung dù cao cũng có thể hấp thụ hết trong ngắn hạn, nhất là với những doanh nghiệp tốt, cổ phần hữu hạn.
Do đó, thanh khoản các tháng trong năm nay liên tục lập kỷ lục mới và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Khi các kênh đầu tư khác chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư chuyển sang thị trường chứng khoán kiếm lời quá dễ càng khiến tâm lý FOMO xuất hiện rõ ràng hơn.
FOMO có thể xảy ra với bất kỳ loại cổ phiếu nào. Ảnh: Unsplash. |
Điều này không có nghĩa thị trường chứng khoán không tiềm năng, khi chỉ 3% dân số có tài khoản chứng khoán và P/E toàn thị trường mới ở mức 16 lần. Điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần đối mặt và vượt qua FOMO để tìm điểm mua thích hợp cho những cổ phiếu tốt.
Đối mặt và vượt qua FOMO hiệu quả
Nếu muốn vượt qua tâm lý FOMO, nhà đầu tư cần có tư duy logic và lý trí, tránh để tâm lý và bản năng chi phối. Muốn đạt được điều đó, nhà đầu tư nên xác định cho mình những yếu tố dưới đây.
Trước tiên, nhà đầu tư cần chọn chiến lược đầu tư phù hợp. Mỗi người có độ chấp nhận rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận khác nhau, nên sẽ phù hợp phong cách đầu tư khác nhau. Đầu tư giá trị hay tăng trưởng, đầu tư hay đầu cơ lướt sóng đều có ưu và nhược điểm riêng. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần chọn được chiến lược phù hợp với tính cách và kỳ vọng lợi nhuận của mình.
Tiếp theo, nhà đầu tư cần quản trị danh mục hiệu quả. Đưa ra lời khuyên cho những nhà đầu tư cá nhân trong việc phân bổ tài sản đầu tư, TS Bùi Lê Minh – giảng viên tài chính kế toán ĐH FPT – cho rằng: “Thống kê cho thấy không nhiều quỹ đầu tư chủ động có thể đánh bại được chỉ số. Vậy nên, những nhà đầu tư cá nhân nên dành ít nhất 60% giá trị danh mục cho các quỹ ETFs, sau đó dùng 40% còn lại để mua theo phân tích bản thân, hạn chế rủi ro”.
“Hiện nay, có nhiều chỉ số mới ra đời dựa trên rổ cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt như VN Diamonds, VN Finlead và truyền thống như VN30. Nhà đầu tư cũng có thể phân bổ theo tỷ lệ 60% cổ phiếu/40% trái phiếu. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất thấp cùng việc đang phát triển ở giai đoạn đầu khiến trái phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn trong thời điểm hiện tại”, TS Minh cho biết thêm.
Nhà đầu tư cần tích hợp nhiều kỹ năng để vượt qua tâm lý FOMO. Ảnh: VNDIRECT. |
Cuối cùng, các nhà đầu tư cần tích cực học hỏi và rút kinh nghiệm. Ngay từ lúc mua nhà đầu tư cần phải biết mình sẽ bán ra khi nào. Hay nói cách khác: ”Mua bởi lý do gì thì bán khi lý do đó bị vi phạm”.
Trong trường hợp lựa chọn đầu tư ngắn hạn, dựa trên phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư nên chủ động cắt lỗ khi cổ phiếu chạm đến ngưỡng cắt lỗ đã đặt ra ban đầu, để bảo toàn vốn một cách kỷ luật, từ đó rút ra kinh nghiệm cho những lần mua bán sau. Ngược lại với nhà đầu tư tích sản, khi giá cổ phiếu giảm thì đó lại là cơ hội mua thêm cổ phiếu giá rẻ.
Nắm chắc nền tảng kiến thức tài chính cả lý thuyết lẫn thực hành, kết hợp quản lý vốn chặt chẽ, kỷ luật sẽ giúp nhà đầu tư tránh được tâm lý FOMO. Nhiều công ty chứng khoán như VNDIRECT hỗ trợ khách hàng bằng các khóa học trau dồi kỹ năng, kiến thức đầu tư. Ngoài ra, công ty cũng cập nhật liên tục các tài liệu, thông tin kinh tế vĩ mô và phân tích doanh nghiệp trên website để nhà đầu tư theo dõi sát sao.
Nguồn: News.zing.vn