Trở thành truyền thống, đường hoa Nguyễn Huệ là một nét văn hóa độc đáo của TP.HCM mỗi dịp Tết đến xuân về, thu hút đông đảo người dân thành phố và du khách mọi nơi đến tham quan.
1. Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi 2019 ở TP.HCM năm nay có chủ đề gì?
Mang chủ đề “TP.HCM – Khát vọng vươn xa”, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi 2019 dài 720 m, được tổ chức thành 3 phân đoạn chính gồm: Thành phố nghĩa tình giàu bản sắc, Thành phố thông minh (Thành phố của tương lai) và Đô thị sáng tạo. Điểm nhấn của đường hoa năm nay là linh vật gia đình Hợi với 9 thành viên cùng đi chơi, sắm Tết ở chợ Bến Thành, một biểu tượng quen thuộc của thành phố. Ảnh: BTC Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019. |
2. Đường hoa Nguyễn Huệ ở TP.HCM được tổ chức lần đầu tiên vào dịp Tết năm nào?
Tết Giáp Thân 2004, lần đầu tiên đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức ở TP.HCM, kéo dài từ đêm 29 tháng Chạp đến mùng 2 Tết năm đó. Đường hoa dài khoảng 800 m, bắt đầu từ trụ sở UBND TP.HCM đến bến Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng. Sự kiện này được người dân thành phố chào đón, ủng hộ nồng nhiệt và duy trì truyền thống đến nay. Trong ảnh là linh vật chú khỉ của đường hoa lần đầu tiên tổ chức được tái hiện nhân kỷ niệm 10 năm đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: Vũ Giang. |
3. “Vượt sóng” là chủ đề của đường hoa Nguyễn Huệ vào dịp Tết năm nào?
“Vượt sóng” là chủ đề của đường hoa Nguyễn Huệ Tết Mậu Tý 2008, diễn ra từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 4 Tết. Ý tưởng thiết kế đường hoa nhằm thể hiện nhiều câu chuyện ý nghĩa về đời người, gia đình, quê hương, thế giới… với các chủ đề nhỏ cụ thể như Sum họp, Bình minh, Phía trước là bầu trời, Ra khơi… Linh vật của đường hoa 2008 là 4 thành viên gia đình chuột. Ảnh: PM Quan. |
4. Linh vật rồng phun hoa ở đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Thìn 2012 có sử dụng chất liệu độc đáo nào?
Với chủ đề “Việt Nam – quê hương tôi”, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Thìn 2012 được trang trí nhiều hình ảnh biểu tượng của quê hương, đất nước, dân tộc như chim lạc trên trống đồng, nón quai thao, nón lá, thuyền thúng, cánh đồng lúa, giàn bầu, ao sen… Bên cạnh đó, điểm nhấn của đường hoa chính là đại cảnh rồng phun hoa – linh vật của năm với thiết kế sáng tạo. Toàn thân rồng khổng lồ được tết bằng dây lục bình độc đáo. Ảnh: Jet Huynh. |
5. Tại đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Tỵ 2013, linh vật của năm – cặp đôi rắn đã “kết đuôi” nhau tạo nên hình tượng gì?
Tết Quý Tỵ 2013, đường hoa Nguyễn Huệ kỷ niệm tuổi lên 10 với chủ đề “Trái tim Việt Nam”. Thể hiện nét đặc trưng của các vùng miền đất nước, đường hoa gồm 3 phân đoạn chính là Xuân non cao, Xuân đồng bằng và Xuân biển đảo. Linh vật của năm là cặp đôi rắn thân thiện ốp vỏ cây tràm công phu, được tạo dáng uốn đuôi vào nhau, thể hiện hình tượng trái tim. Ảnh: Prenn. |
6. Linh vật gà ở đường hoa Nguyễn Huệ Tết Đinh Dậu 2017 lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian nào?
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Đinh Dậu 2017 chào đón du khách bằng đại cảnh Xuân sum họp, khắc họa hình ảnh gia đình gà đầm ấm, sung túc, sum vầy. Linh vật gà của đường hoa 2017 lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Đông Hồ quen thuộc với màu sắc dân tộc rực rỡ, được thiết kế có thể chuyển động và cất tiếng gáy, mang đến sự bất ngờ cho du khách tham quan. Ảnh: Hải An. |
7. Một trong những cụm linh vật chính của đường hoa Nguyễn Huệ Tết Mậu Tuất 2018 lấy cảm hứng từ giống chó quý nào?
Một trong những cụm linh vật chính của đường hoa Nguyễn Huệ Tết Mậu Tuất 2018 lấy cảm hứng từ giống chó Phú Quốc nổi tiếng của Việt Nam với đặc tính nhanh nhẹn, thông minh, gan dạ… Cụm linh vật này diễn tả các chú chó Phú Quốc trong tư thế đang chuyển động, đầu ngẩng cao, dáng chạy dũng mãnh. Trang trí thêm cho các linh vật là những họa tiết tem Việt Nam độc đáo, nhiều màu sắc. Ảnh: Phạm Hồng Phúc. |
Nguồn: News.zing.vn