F0 ở TP.HCM được cách ly tại nhà cần làm gì?

0
50

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, những bệnh nhân này cần đảm bảo giảm lây nhiễm cho người xung quanh, tự chăm sóc để hồi phục, biết các triệu chứng khi cần cấp cứu.

F0 duoc dieu tri tai anh 1

Mới đây, TP.HCM chính thức thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà. Trong đó, cách ly, điều trị F0 với 2 nhóm đối tượng.

Thứ nhất là trường hợp không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp xét nghiệm rRT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.

Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.

Theo tôi, đây là hướng đi đúng đắn. Hiện nay, các ca nhiễm ở nước ta đã rất nhiều, đặc biệt là TP.HCM với hơn 1.000 bệnh nhân mới mỗi ngày. Nếu chúng ta vẫn giữ phương pháp cũ là tập trung điều trị F0, hệ thống y tế sẽ sớm quá tải, tốn kém. Hơn thế, chất lượng sinh hoạt cũng như điều trị trong khu cách ly sẽ giảm sút nghiêm trọng.

F0 duoc dieu tri tai anh 2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở quận Gò Vấp. Ảnh: Phạm Ngôn.

Với tỷ lệ người bệnh nhẹ khi mắc Covid-19 là khoảng 80% trong độ tuổi dưới 50, việc đưa F0 về nhà tự điều trị sẽ giúp giảm tải rất đáng kể cho hệ thống y tế.

Tuy nhiên, để phương án này hiệu quả và an toàn đối với cộng đồng, người nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng cần thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong việc tự điều trị ở nhà. Người bệnh cần đảm bảo 3 điểm chính đó là:

– Giảm tối đa lây khả năng nhiễm thêm cho người xung quanh.

– Tự chăm sóc cho mình để hồi phục.

– Quan sát triệu chứng bệnh để biết khi nào cần đi cấp cứu.

Nguy cơ bệnh Covid-19 diễn biến nặng theo từng độ tuổi
Độ tuổi Nguy cơ Tình trạng Thời gian khởi phát
<10 tuổi Không có triệu chứng Ủ bệnh Trung bình 5 ngày (sau 1-14 ngày)
Bệnh nhẹ (81%) – Sốt, mệt mỏi, ho khan
– Tổn thương phổi dạng kính mờ

– Viêm phổi

Trung bình 8 ngày (sau 7-14 ngày)
<50 tuổi Không có triệu chứng Ủ bệnh Trung bình 5 ngày (sau 1-14 ngày)
Bệnh nhẹ (81%) – Sốt, mệt mỏi, ho khan
– Tổn thương phổi dạng kính mờ
– Viêm phổi
Trung bình 8 ngày (sau 7-14 ngày)
>60 tuổi Bệnh nghiêm trọng (14%) – Khó thở
– Hội chứng mắc phải hoặc bệnh lý đi kèm
– ICU
Trung bình 8 ngày (sau 7-14 ngày)
>68 tuổi Nguy kịch và tử vong – Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS)
– Chấn thương tim cấp tính
– Suy đa tạng
Trung bình 16 ngày (sau 12-20 ngày)

Giảm khả năng lây nhiễm cho người xung quanh

Người tự điều trị cần sắp xếp ở tại căn phòng riêng trong thời gian tự điều trị để cách ly với người nhà (chưa bị nhiễm) và vật nuôi (có thể là trở thành vật mang virus).

Nếu có thể, bạn nên sử dụng phòng tắm riêng. Khi bạn cần tiếp xúc người nhà hoặc vật nuôi, hãy rửa tay trước đó và đeo khẩu trang.

Hãy thông báo với những người đã tiếp xúc gần với bạn trong khoảng thời gian nghi ngờ đã mắc Covid-19. Việc này giúp họ đề phòng và có kế hoạch đi kiểm tra, tránh lây nhiễm người khác. Bạn nên nhớ rằng, hầu hết F0 có thể bắt đầu lây virus từ 48 giờ sau khi nhiễm. Thời gian này thường không có triệu chứng và kết quả xét nghiệm âm tính.

Ngoài ra, chúng ta nên hạn chế đi ra khỏi phòng nếu không thật sự cần thiết. Ho hoặc xì mũi bằng khăn giấy để hạn chế dịch phát tán ra môi trường, sau đó bỏ vào thùng rác có lót nylon (để tránh thấm ra ngoài). Thùng rác nên có nắp đậy.

Rửa tay thường xuyên với xà bông và nước trong ít nhất 20 giây hoặc làm sạch tay bằng dung dịch sát trùng tay chứa cồn (nồng độ cồn tối thiểu 60%).

Cuối cùng, F0 không dùng chung đồ dùng cá nhân, chén, dĩa. Trong thời gian điều trị, bạn có thể sử dụng chén dĩa, đũa, muỗng loại dùng một lần. Hãy lau sạch tất cả các bề mặt thường xuyên chạm vào như kệ bếp, mặt bàn và tay nắm cửa bằng dung dịch tẩy trùng hoặc cồn (>60%).

F0 duoc dieu tri tai anh 3

TP.HCM chính thức thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Tự chăm sóc cho mình để hồi phục

Cũng như hầu hết loại bệnh do các virus khác, việc điều trị chủ yếu là “hỗ trợ”. Nói cách khác, bạn cố gắng làm nhẹ các triệu chứng khó chịu, để cơ thể có thời gian củng cố hệ miễn dịch, chiến đấu với virus. Đa số trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ bắt đầu hồi phục và khỏe lại sau 2 tuần.

Thời gian 2 tuần kể từ ngày nhiễm virus, những người bị Covid-19 có các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Người triệu chứng nhẹ có khả năng tự chăm sóc và phục hồi. Người có triệu chứng nặng cần sự hỗ trợ của dịch vụ y tế chuyên nghiệp.

Những triệu chứng nhẹ mà người bị mắc Covid-19 có thể tự điều trị ở nhà như ho, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau đầu, mất vị giác, nghẹt mũi, chảy nước mũi, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy..

Cách điều trị ở nhà chủ yếu là nghỉ ngơi và cung cấp đủ nước cho cơ thể. Bạn có thể sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường khi sốt cao (trên 39 độ C). Hãy bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể bằng trái cây tươi (cam, chanh, rau tươi…).

Nếu khó ăn, khó tiêu, bạn có thể ăn cháo và chia ra làm nhiều bữa ăn. Bổ sung vitamin D bằng cách phơi nắng mỗi ngày 5-10 phút, uống sữa, ăn trứng…

Phương pháp xông hơi có thể làm dịu đau họng và mở đường hô hấp, giúp bạn thở dễ dàng hơn.

Cần cấp cứu khi nào?

Tỷ lệ người bệnh bị trở nặng tỷ lệ thuận với độ tuổi, tăng nguy cơ ở người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh ung thư…). Nam giới bị nặng nhiều hơn nữ.

Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân Covid-19 rất cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế và các thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp như máy trợ thở, máy lọc máu, thuốc đặc trị…

Các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm và cần đi cấp cứu như:

– Cảm thấy rất khó thở

– Đau dai dẳng hoặc cảm giác có áp lực trong lồng ngực.

– Không thể tỉnh táo.

– Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, mất sức sống.

Ở từng giai đoạn dịch, dựa vào số lượng người nhiễm, khả năng của hệ thống y tế và ý thức cộng đồng, chúng ta cần linh hoạt trong việc điều trị để đạt được hiệu quả cao, an toàn nhất. Điều rất quan trọng là người dân cần thực hiện có trách nhiệm các quy định của Chính phủ, để đảm bảo lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn