Thời điểm biết mình nhiễm Covid-19, Quyết Thắng đã rất sợ hãi nhưng vẫn cố ăn uống, giữ tinh thần. Sau 24 ngày điều trị, anh được về nhà với tình trạng sức khỏe tốt.
Phạm Quyết Thắng (sinh năm 1991) là một F0 vừa điều trị thành công Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, TP.HCM.
Chia sẻ với Zing, Thắng cho biết mình phải nằm viện trong 24 ngày. Đó là chuỗi thời gian khá khó khăn bởi anh đã phải trải qua những trận sốt cao, khó thở và tình trạng tâm lý lo lắng kéo dài.
Thắng trên đường đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn. |
24 ngày chữa bệnh
Thắng cho rằng mình đã nhiễm Covid-19 từ ngày 10/7 khi anh đi thu tiền trọ tại đường Huỳnh Lan Khanh (phường 2, quận Tân Bình) mà lỡ quên đeo khẩu trang.
Ba ngày sau, anh bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt cao, người đau mỏi. Từ một người hạn chế dùng thuốc, Thắng đã phải uống paracetamol liên tục, việc ăn uống cũng phải nhờ đến bạn cùng nhà.
“Sau 1 đêm ngủ dậy, tôi sốt 38 độ, đau đầu khủng khiếp, nằm li bì một chỗ và đứng dậy không nổi. Bạn tôi phải nấu nước xông và cháo, dìu tôi dậy ăn. Cứ ăn được một tô là tôi lại nằm xuống ngủ tiếp.
Trong cơn sốt, tôi nhận tin báo rằng người đàn ông mà tôi thu tiền trọ hôm trước đã dương tính SARS-CoV-2. Khi đó tôi lo sợ lắm, bủn rủn chân tay”, Thắng nói.
Ngày 16/7, Thắng đến Bệnh viện Tâm Anh xét nghiệm Covid-19. Sau khi được xác định nhiễm bệnh, anh lập tức phải nhập viện cách ly.
Bốn ngày sau, Thắng tiếp tục được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn.
Lúc này, những triệu chứng bệnh của Thắng đã bắt đầu trở nặng. Cổ họng anh đau rát, khứu giác và vị giác mất hoàn toàn. Đặc biệt, Thắng khó thở, càng hít thở sâu lồng ngực anh càng đau nhói.
Anh gắng sức uống thuốc, súc miệng nước muối và vận động nhẹ theo lời khuyên của bác sĩ. May mắn, các chỉ số sức khoẻ khác của anh vẫn duy trì ở mức bình thường.
“Ngày 18/7, cổ họng tôi đau khủng khiếp, mỗi lần nuốt cơm như gai đâm vào cổ. Ngày 19, 20 và 21/7 là những ngày tôi đau nhất. Cảm giác khó thở, tức ngực mỗi lúc một nặng, tôi ngủ liên tục bị giật mình vì không thở được”, Thắng kể lại.
Phòng bệnh của Thắng cùng các bệnh nhân Covid-19. |
Đến ngày 24/7, các triệu chứng bệnh của Thắng giảm dần. Anh ăn cơm thấy ngon hơn dù khứu giác vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Có những ngày, anh xin được ưu tiên thêm một phần cơm vì cảm thấy đói, muốn ăn nhiều hơn.
Ngày 4/8, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 lần thứ 3, Thắng đủ điều kiện xuất viện. Anh ra về gần như tay không bởi lúc nhập viện không kịp mang theo bất cứ đồ dùng gì.
“Mỗi ngày, tôi liên tục ngửi dầu gió để thử khứu giác của mình, thấy có mùi là tôi vui lắm. Giờ tôi đã được về nhà rồi nhưng vẫn phải tự cách ly 14 ngày trước khi ‘tái hoà nhập cộng đồng'”, Thắng chia sẻ.
‘Tôi rất sợ’
Nhớ lại thời điểm biết mình nhiễm bệnh, Thắng đã “sợ chết”. Lý do là bởi anh chưa hiểu nhiều về căn bệnh, cũng chưa sẵn sàng tâm lý.
Mỗi ngày đọc tin tức về số ca nhiễm Covid-19 trên báo chí, anh không ngờ có ngày mình lại là một trong những bệnh nhân như vậy.
“Khi vừa biết kết quả xét nghiệm dương tính, tôi lo sợ cực độ. Nhất là ngày thứ 7 kể từ khi nhiễm bệnh, tôi nằm trên giường và rất khó thở. Tôi hoảng lắm, phải nhắn tin ngay cho bác sĩ để hỏi han.”, Thắng nói.
Cảm giác lo lắng càng tăng lên khi Thắng chứng kiến một số bệnh nhân gần mình không qua khỏi. Họ hầu hết là người cao tuổi hoặc có bệnh nền.
Thắng cố gắng trò chuyện với những người bệnh khác để nhận được sự động viên. Càng lo sợ, anh càng cố ăn uống và vận động điều độ hơn, mong sớm khỏi bệnh.
“Mỗi ngày tôi đều gọi điện về cho bạn bè hoặc người thân để nghe những câu chuyện vui. Các bác sĩ cũng nói với tôi rằng tình trạng của tôi tốt, không có gì lo ngại. Bác sĩ khuyên tôi hãy xem đây như quãng thời gian sống chậm, không nên suy nghĩ gì nhiều. Nhờ đó, tâm lý tôi vững vàng hơn”, Thắng kể.
Bữa ăn mỗi ngày của người bệnh được nhân viên y tế mang đến tận nơi. |
Sau hành trình điều trị bệnh và phải chứng kiến những mất mát trước mắt, Thắng cho rằng mỗi người đều cần thật sự thận trọng, không thể để mình bị nhiễm Covid-19.
“Sau khi vượt qua những chuỗi ngày ở viện, tôi nhận ra bệnh này không quá nguy hiểm với người trẻ, nhưng với người già, vấn đề lại nghiêm trọng hơn rất nhiều. Khi được xuất viện, tôi mừng lắm nhưng cũng cố gắng nán lại động viên từng người trong phòng bệnh của mình, đặc biệt là những cô chú lớn tuổi. Tôi mong họ cũng hồi phục như mình để được về nhà”, Thắng chia sẻ.
Nguồn: News.zing.vn