Sau 6 ngày đêm diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và du lịch, thể thao đặc sắc, Festival Huế 2018 đã thu hút gần 1,2 triệu lượt người tham gia, góp phần cho kích cầu du lịch địa phương. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Festival Huế không chỉ dừng lại ở chuỗi ngày vừa qua, mà sẽ có nhiều hoạt động, lễ hội diễn ra quanh năm.
Nhiều chương trình nghệ thuật xã hội hóa thành công
Trong số các chương trình chính của Festival Huế 2018, nhiều chương trình nghệ thuật đã được thực hiện theo hình thức xã hội hóa và đưa lại hiệu quả ngoài mong đợi, như: chương trình Âm vọng sông Hương, đêm nhạc Trịnh Công Sơn, hay đêm trình diễn áo dài Huế vàng son… Đó là khẳng định của ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức (BTC) Festival Huế 2018.
Đoàn nghệ thuật nước Nga biểu diễn tại Lễ hội đường phố của Festival Huế 2018
Ông Dung chia sẻ rằng: Chương trình trình diễn áo dài là điểm nhấn của mỗi kỳ Festival Huế, nhưng thời gian qua, BTC đã loay hoay với việc lựa chọn một đơn vị tổ chức vừa chuyên nghiệp, vừa phù hợp với những kế hoạch khai thác du lịch về sau cho địa phương. Chính vì thế, tại kỳ Festival lần này, BTC đã chọn Công ty VYK-STAR với tổng đạo diễn là một người Huế. Sau chương trình áo dài tại Festival Huế, đơn vị này sẽ tiếp tục thu hút du khách trong nước và quốc tế tham gia tour Áo dài show diễn ra hằng đêm tại TP Huế.
Theo BTC Festival Huế, cả chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc đã được thể hiện với tính chuyên nghiệp cao, có sức lan tỏa lớn đến cộng đồng và du khách. Nhiều đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế đã biểu diễn hết mình với những tinh hoa văn hóa của mỗi vùng đất để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Các kỳ Festival trước đó (năm 2012 và 2014) đều có sự tham gia của rất nhiều đoàn nghệ thuật đến từ 37-40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, nhưng kỳ Festival Huế 2018, có 24 đoàn nghệ thuật của 19 quốc gia. Thế nhưng con số ít hơn này lại đảm bảo chất lượng, bởi đây là các đoàn nghệ thuật tiêu biểu của mỗi quốc gia, trong đó có 1/2 số đoàn nghệ thuật mới lần đầu tiên đến biểu diễn tại Festival Huế. “Chúng tôi đã nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, kết hợp với sự hỗ trợ của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) để kiểm tra xác minh các thông tin về các đoàn nghệ thuật đăng ký dự Festival Huế. Qua đó, đã lựa chọn được những đoàn nghệ thuật tiêu biểu” – ông Dũng thông tin.
Theo BTC Festival Huế 2018, đã có gần 1.400 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế biểu diễn nghệ thuật tại kỳ lễ hội này (chưa tính hàng nghìn diễn viên quần chúng của nhiều hoạt động khác). Có 38 chương trình nghệ thuật tiêu biểu (với hơn 80 suất diễn), gần 50 hoạt động văn hóa cộng đồng đã góp phần làm cho kỳ lễ hội Festival Huế 2018 có sức cuốn hút và lan tỏa đến nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Những điệu múa của các cô gái đến từ Chiết Giang (Trung Quốc) làm du khách mê mẩn
Festival Huế qua các kỳ đều xác định người dân và cộng đồng là chủ thể của lễ hội, thế nên song song với các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại khu vực trung tâm TP Huế thì nhiều chương trình văn hóa – du lịch – thể thao cũng được tổ chức ở các tuyến huyện để phục vụ cộng đồng cư dân địa phương và du khách. Các hoạt động hưởng ứng này đã thu hút lượng lớn người tham gia, như: Chợ quê ngày hội có khoảng 220.000 lượt người; Hương xưa làng cổ với hơn 10.000 lượt; Liên hoan Ẩm thực quốc tế với trên 300.000 lượt…
Sẽ tổ chức nhiều hoạt động, lễ hội quanh năm
Theo thống kê của BTC, đã có gần 1,2 triệu lượt người tham dự các hoạt động của Festival Huế 2018; và có khoảng 400.000 khách đến Huế dịp này (tăng gần 150.000 người so với Festival Huế 2016). Việc tổ chức Festival Huế trùng vào dịp nghỉ lễ theo BTC là để quảng bá với du khách trong nước và quốc tế những giá trị văn hóa, đặc sản độc đáo của những lễ hội nghệ thuật tại Festival. “Sau kỳ Festival lần này, tôi hy vọng rằng nhiều du khách đến Huế sẽ giới thiệu đến những người khác nét độc đáo, sáng tạo của Festival. Và qua đó, để mọi du khách cùng biết đến Huế nhiều hơn, góp phần kích cầu du lịch” – Trưởng BTC Festival Huế 2018 bày tỏ.
Du khách chờ đến lượt để tham gia chơi bài chòi ở Chợ quê ngày hội
Trao đổi với PV Báo Văn Hóa, ông Nguyễn Dung cũng khẳng định địa phương sẽ có nhiều chương trình hoạt động, lễ hội diễn ra quanh năm chứ không chỉ dồn vào 6 ngày như kỳ Festival vừa qua. “Đối với Huế, Festival này diễn ra trong 6 ngày chỉ là điểm nhấn cho kỳ lễ hội quanh năm mà thôi. Chúng tôi đã phê duyệt cả một chương trình Festival quanh năm, với nhiều hoạt động, lễ hội nhằm kích cầu và thu hút du khách. Các hoạt động Festival này không nhất thiết phải tổ chức định kỳ hằng tháng, hằng quý mà phụ thuộc vào sự kết hợp một số chương trình của địa phương. Những lễ hội ở Huế rất nhiều, chúng tôi sẽ nâng tầm nó lên để phục vụ cộng đồng địa phương và du lịch” – ông Dung nói.
Ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau kỳ Festival Huế 2018, ngành du lịch cũng đã có kế hoạch cho việc tổ chức một số lễ hội nhằm kích cầu du lịch. Trước mắt, Sở đã có dự kiến việc tổ chức 3 lễ hội trong năm nay, gồm: Festival diều và Festival sen (diễn ra vào mùa hè); cùng Festival múa lân (vào mùa thu).
Ngoài ra, đại diện của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng thông tin rằng: Chương trình sân khấu hóa Văn hiến kinh kỳ đã được dàn dựng và biểu diễn tại Festival vừa qua, sẽ được chỉnh sửa và hoàn thiện hơn để khai thác nhằm kích cầu, thu hút du khách ở lại Huế về đêm. Đây là chương trình được xây dựng công phu, với sự kết hợp của nghệ thuật diễn xướng cung đình và hệ thống âm thanh, ánh sáng độc đáo đã thu hút rất đông khán giả trong 2 đêm diễn. BTC cũng kỳ vọng Văn hiến kinh kỳ sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo về đêm của Huế về lâu dài.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn