Ngày 11-3-2011, động đất, sóng thần khiến gần 16.000 người chết và vài nghìn người mất tích; gây ra sự cố với ít nhất 3 vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân do rò rỉ khí hydro trên địa bàn Fukushima.
Còn Thủ tướng Nhật Bản thì nói rằng, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, đây là cuộc khủng hoảng khó khăn và gay go nhất mà người Nhật Bản phải đối mặt. Trận động đất trên cũng là kỉ lục chưa từng có của cả trái đất trong suốt 120 năm qua. Nhưng giờ đây, mảnh đất này đang hồi sinh…
Như chưa hề có vụ nổ hạt nhân
8 năm kể từ khi hàng chục nghìn người thiệt mạng do thảm họa kép cộng thêm các vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đáng sợ thứ hai của lịch sử nhân loại, chỉ sau “huyền thoại” Chernobyl, tôi đã đến Fukushima.
Tất nhiên, chúng tôi không được phép và cũng không dám vào đến vùng giới nghiêm, nơi các chuyên gia đang quên mình xử lý sự cố, để vài năm nữa, mọi thứ may ra mới có thể trở lại bình thường. Chỉ biết rằng, các câu chuyện buốt lòng vẫn được nhiều nhân chứng là người trong cuộc kể lại. Rằng, sau khi hàng nghìn người được lệnh sơ tán, các khu phố gần nhà máy điện nguyên tử bị sự cố vẫn hoang tàn.
Một sự “đóng băng” u buồn, thời gian bị mắc kẹt trong hố sâu hiểm họa mà các sáng tạo “qua mặt thượng đế” của con người đã gây ra. Chỉ còn vài con lợn rừng và mấy loài hoang dã đi lại ở khu vực mà nhiều nghìn người di tản từng coi là bờ xôi ruộng mật, là quê hương máu thịt của nhiều thế hệ người Fukushima.
Vài trường học ở ven, phía ngoài vùng “cấm địa”, trẻ nhỏ trở về và được dạy các bài học sinh tử về sự nguy hiểm và cách giảm trừ tác hại khi có thảm họa hạt nhân. Tàu điện bắt đầu hoạt động trở lại ở vùng lân cận an toàn của “tâm chấn”.
Có bậc phụ huynh trả lời nhà báo, rằng con em họ đã đi học trở lại, nhưng vẫn còn quá nhiều cháu chưa sẵn sàng để trở về, thành thử, các học trò không bao giờ được chơi các trò tập thể như bóng ném hay trốn tìm.
Do quá thiếu học sinh. Nước phóng xạ vẫn còn nhiều, các chuyên gia bảo, phải 4 thập niên nữa mới xử lý xong, vùng an toàn ven nhà máy, vẫn chỉ có chừng 20% bà con rón rén hồi hương. Vợ chồng bà Tomoko trở về quê mở nhà nghỉ phục vụ khách du lịch, họ tin tưởng vào các kết luận về độ an toàn của không gian sống và thực phẩm họ ăn mỗi ngày. Suốt 8 năm qua, liên tục giám sát, các chỉ số vẫn ở ngưỡng an toàn.
“Có nhiều người nước ngoài tò mò đến trải nghiệm ở vùng này, và chúng tôi kể cho họ nghe về thảm họa và cuộc sống ở đây. Dĩ nhiên chúng tôi không bịa ra là sự trở về có chút dễ dàng nào cả. Nó là cả một sự vật vã”, bà Tomoko nói.
Đi thăm các khu bảo tàng về đêm, say sưa với màu vàng rực mê mẩn của những hàng cây bạch quả độ mùa thu chín hây hây, chúng tôi xúc động gặp hàng dài những người già tay cầm đèn bão soi đường và cúi gập người chào khách. Chúng tôi ở trong resort ở một vùng núi non xanh thắm, mặt trời lên mơ màng, sương phủ trắng ngàn cây.
Thật lòng, chúng tôi không có chút cảm nhận nào về một nơi từng được loài người biết đến với danh xưng xứ sở của “thảm họa kép kinh hoàng”. Thời gian đang xóa hết đau thương, và quan trọng hơn, nước Nhật nổi tiếng với sự minh bạch và đứng đầu thế giới về ứng dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc sức khỏe phục vụ đời sống, vài nghìn ngày qua, họ đã liên tục xét nghiệm rồi kết luận về ảnh hưởng của thảm họa hạt nhân kia lên mọi mặt. Họ đã tuyên bố vùng an toàn.
Đó cũng là lý do mà Lễ Rước đuốc tiếp sức cho Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ bắt đầu từ ngôi làng trung tâm của chiến dịch ứng phó với thảm họa kép động đất, sóng thần, thảm họa hạt nhân tại Fukushima. Ngôi làng tang thương ấy, giờ đã được làm sạch, khôi phục lại vai trò trước đây của nó: một trường đào tạo bóng đá ở xứ sở Phù Tang.
Du lãm với nhịp điệu của mùa thu chín
Một người Việt kỳ cựu sống ở Nhật, gần chục năm nay tham gia làm dịch vụ du lịch, nói rất thẳng thắn, cái thẳng thắn giúp cho người ta hiểu trực diện vào bản chất vấn đề. Ấy là, gần đây, trước sức ép suy giảm của các ngành công nghiệp tinh vi như điện tử, ô tô, người Nhật đã có xu hướng chuyển dịch thêm sang thu hút ngoại tệ từ du lịch. Khi đã quyết làm, thì họ bài bản, tinh tế và cực kỳ trọng chữ tín.
Họ lên lịch cho những ngày nào cụ thể thì bạn nên ngắm lá đỏ lá vàng, hết ngày đó, chiếc lá thu phai màu thì lại đi theo nhịp điệu mùa của sự sặc sỡ mà ngắm tiếp ở chỗ khác.
Thành thử, bảng khuyến cáo du lịch của người Nhật có danh sách điểm ngắm cảnh vào ngày nào, tính theo Tây lịch rất khoa học. Tokyo, Kyoto, Fukushima… Có cảm giác, họ trau chuốt từng cọng lá, nghiên cứu từng gam màu chuyển đỏ chuyển vàng của chúng rồi lên lịch gọi người ta đến xem vậy.
Người Nhật có cách làm du lịch rất bài bản. Họ trồng cây có màu đỏ, màu vàng trong mùa thu, họ chăm bẵm các lối đi trong mùa tuyết phủ trắng nao lòng, họ thiết kế âm nhạc bí ẩn khi xe lướt qua các cánh rừng suốt mấy chục cây số ngược núi lên các trạm ngắm cảnh của núi Phú Sỹ – một biểu tượng thiêng của đất nước mặt trời mọc.
Dọc vài tuyến đường, họ lại tạo tác ra các thăn thớ, gân guốc của bề mặt, để khi xe đi qua, nghe như có tiếng cầu kinh, tiếng vi vu vi vút bí ẩn vang lên từ các cánh rừng màu. Huyền thoại, tự du khách cứ thế tưởng tượng và kể mãi cho nhau từ đó. Để tạo nên độ du dương của chuyến phiêu bồng qua triệu triệu lá vàng lá đỏ, người Nhật đã bảo nhau trồng và chăm sóc vài cái cây bên Hồ Ngũ Sắc Goshiki-numa của Fukushima nằm cách Tokyo 300km.
Lúc chính trưa, lúc sẩm chiều hoặc khi bình minh ló rạng, mỗi khoảnh khắc thì mặt hồ trong và soi bóng núi, bóng muôn cây rạng ngời, sẽ có một màu sắc khác nhau. Nước hồ chứa ô-xít sắt, măng-gan (ra đời từ hồi núi lửa Kandai phun trào lần gần đây nhất vào năm 1888).
Lại thêm các loại tảo bí ẩn sinh sôi kì dị dưới đáy hồ, đã khiến người ta có cảm giác mình đang đứng trước một bức tranh 3D. Có cảm giác, mỗi cái lá phong vàng rực rồi chuyển sang đỏ rỡ ràng kia, nó đều là chìa khóa lung linh, mở lối vào kho tiền thu được từ phát triển du lịch bền vững.
Chúng tôi đi đắm đuối trong màu lá vàng ruộm và đỏ rực, đỏ như không phải là lá cây nữa vậy. Hồ Ngũ sắc thì lộng lẫy khuyến mại thêm rất nhiều màu, so với con số 5 của tên gọi, màu của mây vờn đỉnh núi tuyết, màu của lá đỏ đòng đọc như không gian tiệc lễ phủ nhiễu điều của một hàm hương công chúa trong cổ tích.
Hồ Ngũ sắc mênh mông kỳ ảo, đường chân trời Bandai Azuma danh bất hư truyền, công viên Hanamiyama rồi cây anh đào nghìn tuổi Mihanu lúc nào cũng có phúc thần trú ngụ và thăng hoa.
Thiên nhiên ở vùng Fukushima, với sức quyến rũ đặc biệt, với truyền thống tắm Onsen lộ thiên giữa suối nước nóng Pretecture Hot Springs mờ ảo. Xa xa, cánh rừng phủ kín lá vàng lá đỏ, cây cầu bắc qua sông cong vút, nó in bóng xuống lặng lờ, cầu dưới đáy sông và cầu trên mặt tán rừng ghép đôi thành hình tròn như một con mắt xếch khổng lồ và diễm lệ…
Sau khi xử lý, có được một môi trường an toàn cho tất cả mọi người, Nhật Bản tổ chức tour Real Fukushima, tìm đến các cảm giác đích thực về vùng đất tang thương thê thảm sau thảm họa kép.
Trả lời nhà báo, bác nông dân Kusano Tomio tự xúc động với chính lòng quả cảm và tình yêu đất mẹ vô biên của mình, khi nói rằng: đây là mùa thứ 3 chúng tôi trồng các sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu ngay trên chính vùng đất chết 8 năm về trước.
Chúng tôi được một người bạn Nhật mời đi hái táo ở khu vườn sinh thái nổi tiếng Azuma. Hương táo, hương đào, mận và lê, tất cả chung sức phả vào trong gió sớm se se.
Người nông dân ngồi vặt từng cái lá táo, tỉa từng cọng cỏ lia chia còn lại cho lối đi dưới gốc cây đỡ rườm rà, khu vườn đỏ ối một màu táo chín thơm. Du khách năm châu bốn biển đến đây, có lẽ, nhiều người cũng như tôi, quên mất mình đang ở vùng đất mãi mãi còn khiến loài người phải nhắc đến với thảm họa kép hãi hùng bậc nhất.
Nguồn: http://cstc.cand.com.vn/Muon-mau-cuoc-song/TET-Fukushima-hoi-sinh-sau-tham-hoa-kep-578586/Nguồn: http://cstc.cand.com.vn/Muon-mau-cuoc-song/TET-Fukushima-hoi-sinh-sau-tham-hoa-kep-578586/
Nguồn: 24H.COM.VN