“Như nàng công chúa ngủ quên trong rừng” được đánh thức sau giấc ngủ dài ngót 20 năm, ga Đà Lạt hiện nay bừng dậy phục vụ du khách tham quan.
Ga Đà Lạt sở hữu hàng loạt kỷ lục như nhà ga cao nhất Việt Nam do tọa lạc ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển; đẹp nhất với kiến trúc độc đáo nhất xứ Đông Dương. Ga Đà Lạt cùng với ga Hải Phòng là nhà ga cổ nhất Việt Nam và có đầu tàu duy nhất chạy bằng hơi nước.
Kiến trúc mái vòm độc đáo của ga Đà Lạt. |
Chỉ cách trung tâm thành phố 5 km, gần trường trung học Yersin, nằm trên một sườn đồi dài bằng phẳng, ga Đà Lạt trở thành địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi ghé thăm thành phố mộng mơ. Lâu nay xây dựng nhà ga người ta chỉ chú trọng yếu tố kỹ thuật, riêng ga Đà Lạt là trường hợp hiếm hoi và thú vị được đưa cả yếu tố thẩm mỹ và ý nghĩa công trình vào một thiết kế kỹ thuật.
Nhà ga dài 66 m, rộng 11,5 m, cao 11 m. Mặt đứng nhà ga tượng trưng cho mùa hè, chiếc đồng hồ đặt trên đỉnh mặt tiền nhà ga nhắc du khách nhớ lại thời gian mà vị bác sĩ mang tâm hồn lãng tử Yersin đặt bước chân đầu tiên chinh phục cao nguyên LangBiang: 15h30 ngày 21/6/1936.
Các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm ở ga. |
Ấn tượng đọng lại sâu đậm nhất là kiến trúc ba chóp mái nối liên tiếp cách điệu cho 3 đỉnh của núi Langbian hay mái nhà rông Tây Nguyên. Tương ứng ba chóp mái là 3 cửa sổ với những ô cửa kính nhỏ tạo sự thoáng đãng cho cả tòa nhà. Những ô cửa lấp lánh nhiều màu sắc khiến không gian nội thất bên trong thêm phần thơ mộng.
Kiến trúc Pháp hiện diện rõ nét ở thiết kế mái vòm hài hòa với những nét đặc trưng của phố núi Đà Lạt. Chủ nhân của thiết kế tài tình này là hai kiến trúc sư người Pháp Moncet và Reveron. Công trình khởi công năm 1932 và đưa vào sử dụng 4 năm sau đó.
Nhà ga Đà Lạt ban đầu nằm trong tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt với tổng chiều dài 84 km. Sau năm 1975, với sự lên ngôi của các phương tiện chuyên chở hành khách bằng ôtô, ga Đà Lạt dần rơi vào quên lãng và chỉ thật sự được đánh thức vào những năm 90. Đây là giai đoạn nhà ga được đưa vào danh sách khai thác phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch.
Năm 2002, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã công nhận ga hỏa xa Đà Lạt là khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ga Đà Lạt là nhà ga xe lửa duy nhất trong cả nước được công nhận danh hiệu này.
“Như nàng công chúa ngủ quên trong rừng” được đánh thức sau giấc ngủ dài ngót 20 năm, ga Đà Lạt lại bừng lên sức sống. Hàng ngày từ 8h sáng đến 18h chiều, chuyến tàu Đà Lạt – Trại Mát hoạt động, cứ một tiếng rưỡi lại có một chuyến tàu phục vụ khách du lịch ra ngoại ô ngắm cảnh và viếng chùa Linh Phước. Đoạn đường tàu chỉ dài 7 km, chạy khoảng 30 phút là đến nơi, mang lại những trải nghiệm khác biệt khi đoàn tàu men qua những cung đường thông reo và trong lành. Giá vé tàu 30.000 đồng.
Nhiều bộ ảnh cưới đã “ra lò” tại sân ga lãng mạn này. |
Ga Đà Lạt hiện nay là địa chỉ lý tưởng để chụp hình cưới của các đôi uyên ương. Các đôi muốn ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng bên cạnh đoàn tàu cổ kính, in dấu màu thời gian. Các bạn trẻ cũng từ khắp nơi tìm đến ga Đà Lạt tham quan và đem về những bức ảnh đẹp.
Khánh Ly
Nguồn: Vnexpress.net