Số dư tiền gửi thanh toán này của cá nhân đã tăng liên tục từ quý I/2020 đến nay, cùng với đà tăng của số lượng tài khoản thanh toán mà người dân mở tại các ngân hàng.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, đến cuối quý III năm nay, tổng số tài khoản thanh toán của cá nhân đã vượt mốc 110 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay.
So với quý II trước đó, số lượng tài khoản thanh toán của các cá nhân đã tăng khoảng 3,5 triệu tài khoản trong giai đoạn tháng 7-9. Nếu so với cuối năm trước, các cá nhân trong nước đã mở mới hơn 10,5 triệu tài khoản thanh toán trong 9 tháng đầu năm nay. Tương đương mỗi ngày có khoảng 38.900 tài khoản được mở mới.
Cùng với số tăng của lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng, số dư tiền gửi tại các tài khoản này cũng đạt mức kỷ lục tại thời điểm cuối tháng 9 vừa qua, với số dư 794.241 tỷ đồng.
So với quý liền trước, số dư tiền này đã tăng hơn 39.500 tỷ, còn nếu so với cuối năm trước, mức tăng là gần 127.500 tỷ đồng, tương đương mức tăng ròng lần lượt 5,2% so với quý II và 19,1% so với cuối năm 2020.
Như vậy, số dư tiền gửi thanh toán kể trên đã có quý tăng thứ 6 liên tiếp. Lần gần nhất NHNN ghi nhận số dư tiền này sụt giảm là quý I/2019 khi giảm từ 499.721 tỷ đồng cuối năm 2019 xuống còn 476.524 tỷ tại thời điểm cuối tháng 3/2020. Từ đó đến nay, số dư tiền gửi thanh toán này đã tăng thêm gần 320.000 tỷ đồng.
SỐ LIỆU TÀI KHOẢN TIỀN GỬI THANH TOÁN CỦA CÁ NHÂN | ||||||||||||||||
Nguồn: NHNN; Tổng hợp | ||||||||||||||||
Nhãn | I/2018 | II | III | IV | I/2019 | II | III | IV | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | II | III | |
Số lượng TKTT | nghìn tài khoản | 70213 | 72727 | 74985 | 79778 | 81366 | 83899 | 84991 | 88503 | 90840.42 | 93658.32 | 96109 | 100416 | 104189 | 107415 | 110920 |
Số dư | tỷ đồng | 349349 | 353000 | 347658 | 379838 | 408766 | 426602 | 436066 | 499721 | 476523.68 | 523809.82 | 566554 | 666782 | 741378 | 754702 | 794241 |
Với số dư tiền kể trên, bình quân mỗi tài khoản ngân hàng của người dân đang để khoảng 7,16 triệu đồng dùng cho mục đích thanh toán.
Đáng chú ý, gần 800.000 tỷ đồng kể trên là các khoản tiền gửi không kỳ hạn của người dân tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng (như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ). Trong đó, mức lãi suất của loại tiền gửi này chỉ phổ biến trong khoảng 0,1-0,3%/năm.
Mức lãi suất này thấp hơn rất nhiều so với lãi tiền gửi có kỳ hạn, hiện phổ biến ở mức 3-4%/năm với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng và 4,2-6,5%/năm các ngân hàng áp dụng với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng.
Cũng theo số liệu của cơ quan quản lý tiền tệ, trái ngược với số dư tiền gửi thanh toán của người dân tăng liên tục 2 năm gần đây, số dư tiền gửi có kỳ hạn đã chững lại.
Trong tháng 8 và 9 vừa qua, các ngân hàng đã ghi nhận xu hướng người dân rút ròng hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi.
SỐ DƯ TIỀN GỬI KHÁCH HÀNG TẠI CÁC TCTD | |||||||||||
Nguồn: NHNN; Tổng hợp | |||||||||||
Nhãn | T12/2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | T9/2021 | |
Tiền gửi của các TCKT | tỷ đồng | 1298269 | 1588466 | 1879679 | 2123845 | 2508964 | 2881213 | 3341470 | 3962749 | 4877985 | 5258276 |
Tiền gửi của dân cư | 1738863 | 2146102 | 2578277 | 2972238 | 3489426 | 3961809 | 4376510 | 4829900 | 5141874 | 5291875 |
Cụ thể, đến cuối tháng 9, số dư tiền gửi của dân cư là hơn 5,291 triệu tỷ đồng, giảm gần 1.500 tỷ so với cuối tháng trước. Trong tháng 8, số dư này cũng đã giảm ròng gần 1.000 tỷ đồng.
So với đầu năm, số dư tiền gửi của người dân tại các nhà băng mới tăng hơn 150.000 tỷ, tương đương 2,92%, thấp nhất trong hơn một thập niên trở lại đây. Nếu so với số tăng trưởng của tiền gửi nhóm doanh nghiệp, mức tăng tiền gửi của người dân chỉ tương đương 1/2.
Trong 2 năm trở lại đây, chênh lệch số dư tiền gửi của doanh nghiệp và người dân tại ngân hàng đã bị thu hẹp đáng kể.
Trước năm 2019, số dư tiền gửi ngân hàng của người dân luôn nhiều hơn nhóm doanh nghiệp trên 1 triệu tỷ. Tuy nhiên, số này đã giảm xuống còn hơn 867.000 tỷ trong năm 2019 và giảm tiếp trong năm 2020 xuống mức gần 264.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9 vừa qua, hai chỉ tiêu này chỉ còn chênh nhau gần 33.600 tỷ.
Hiện tại, các doanh nghiệp cũng đang gửi hơn 5,258 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Nguồn: News.zing.vn