Gia Bình là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh với các địa danh, di tích lịch sử nổi tiếng. HIện nay, huyện đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo ra bước đột phá riêng để phát triển “ngành công nghiệp không khói”.
Hồ điều hòa khu sinh thái Thiên Thai thuộc xã Đông Cứu nằm trong chiến lược phát triển du lịch ở Gia Bình
Với hệ thống di tích đậm đặc có giá trị văn hóa tâm linh độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, Gia Bình có nhiều tiềm năng để phát huy thế mạnh phát triển du lịch. Khắp các làng, xã của huyện đều có các di tích, trong đó có 10 di tích cấp quốc gia, 57 di tích cấp tỉnh; nhiều khu di tích nguyên sơ độc đáo như tượng Rồng đá và đền thờ Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, khu lăng mộ Cao Lỗ Vương, đền thờ Tam Phủ cùng hàng trăm lễ hội lớn nhỏ như: Lễ hội Thập Đình (Đông Cứu), lễ hội đền thờ Cao Lỗ Vương (Cao Đức), lễ hội chùa Đại Bi (Thái Bảo)…
Nhờ những di tích, lễ hội ấy mà mỗi năm Gia Bình thu hút hàng vạn lượt du khách về tham quan, chiêm bái, trảy hội và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng. Hoạt động du lịch tâm linh vừa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng thông qua các di tích và lễ hội vừa giúp du khách thư giãn, thư thái trong tâm hồn, vì vậy, phát triển du lịch tâm linh chính là hướng đi phù hợp với tâm lý của du khách, giúp phát triển hành vi hướng thiện, nâng cao tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn, xây dựng xã hội hài hòa, tốt đẹp.
Để phát triển du lịch tâm linh, Gia Bình đã có một số định hướng cụ thể, trong đó tập trung vào công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng công trình hồ điều hòa khu sinh thái Thiên Thai thuộc xã Đông Cứu; xây dựng các tour du lịch tại các điểm di tích lịch sử: Đền thờ Lê Văn Thịnh-Lệ Chi Viên-chùa Đại Bi-lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương-đền Tam Phủ…
Tuy nhiên hiện nay, những định hướng vẫn còn bỏ ngỏ hoặc có hoạt động nhưng chưa đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực, quản lý trong công tác du lịch vẫn còn thiếu và yếu. Các cơ sở vật chất tối thiểu chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhiều khách du lịch khi đến các điểm di tích, đền, chùa muốn ở lại nghỉ ngơi, tìm hiểu, học đạo hoặc dưỡng tâm, song không thể vì cơ sở vật chất chưa cho phép. Tại các điểm di tích cũng chưa có hướng dẫn viên chuyên nghiệp, chủ yếu là khách tự tìm hiểu hoặc hỏi thông tin qua những thủ từ của đền, chùa. Các dịch vụ ăn uống hay mua bán đồ lưu niệm, đặc sản không có nên khó tạo được ấn tượng cũng như giữ chân du khách.
Ông Nguyễn Văn Tiếp, thủ từ đền thờ Lê Văn Thịnh cho biết: “Mỗi năm đền đón tiếp vài chục đoàn khách du lịch, chủ yếu là thầy, cô giáo và học sinh các trường trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu lịch sử, truyền thống hiếu học, khoa bảng của quê hương. Địa phương giao cho tôi trông đền và tiếp đón du khách thập phương, song khách về thăm đền thường tự tìm hiểu di tích và đi ngay, hiếm khi lưu lại vì không có địa điểm nghỉ chân”.
Theo một số nhà nghiên cứu, xây dựng các tour du lịch hợp lý là một trong những điều kiện hết sức cần thiết trong phát triển du lịch. Kết hợp các loại hình du lịch (nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng, văn hóa, tôn giáo…) là hướng đi tích cực và khả quan. Bất cứ loại hình hay điểm du lịch nào, các yếu tố khác cũng cần phải tính đến, nhằm làm hài lòng du khách.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Gia Bình chia sẻ: Phát triển du lịch tâm linh đòi hỏi sự tham gia góp sức của nhiều cấp, ngành, bao gồm cả sự đầu tư của Nhà nước, chính quyền địa phương, các đơn vị lữ hành và người làm du lịch tại các điểm tâm linh. Trước mắt, Gia Bình tập trung đầu tư phát triển theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa; tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh; đầu tư vào các khu du lịch tâm linh để tạo ra sự đồng bộ; nâng cao nhận thức, tính chuyên nghiệp của đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên và những người tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ du lịch trên cơ sở gắn kết sự phát triển du lịch với lợi ích cộng đồng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển du lịch văn hóa tâm linh một cách bền vững”.
Minh Hường
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn