Việc thị trường tiền mã hóa bước vào đợt điều chỉnh sâu nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây đã khiến tài khoản của nhiều nhà đầu tư chia thành 2-3 lần hoặc cháy vì lệnh vị thế.
Bước xuống xe sau gần 2 tiếng di chuyển đường dài, Đình Tùng – 25 tuổi, nhà đầu tư tại Hà Nội – bất ngờ nhìn thấy màn hình điện thoại ngập trong thông báo. Anh không hề biết rằng giữa lúc bận lái xe, Bitcoin cùng hàng loạt đồng tiền mã hóa khác đột ngột giảm sâu hơn 20% giá trị.
“Tôi có thói quen cài thông báo biến động giá một số đồng coin ưa thích trên Binance (ứng dụng giao dịch). Vì tập trung đi đường nên hoàn toàn không để ý, đến lúc mở app ra thì thấy thị trường đỏ rực. Giá Bitcoin khi ấy tụt xuống dưới 47.000 USD/đồng, chưa bao giờ tôi lường trước viễn cảnh đó sẽ xảy ra”, anh ngậm ngùi chia sẻ.
Giá Bitcoin rớt thảm hại
Tối ngày 3/12, giá Bitcoin xuất hiện tín hiệu điều chỉnh khi giảm từ 57.304 USD/đồng xuống còn 53.380 USD/đồng. Đến trưa ngày 4/12, sau hơn 7 giờ đồng hồ duy trì ngưỡng 53.000 USD/đồng, giá Bitcoin bỗng bốc hơi gần 10.000 USD giá trị, sụt giảm còn 45.032 USD/đồng theo số liệu của CoinMarketCap.
Dù nhanh chóng hồi phục và tiến sát ngưỡng 50.000 USD/đồng vài giờ sau đó, tính đến ngày 6/12, giá Bitcoin vẫn giảm 17% so với 7 ngày qua. Đây chính là thị giá thấp nhất của Bitcoin trong vòng 2 tháng trở lại.
Bên cạnh Bitcoin, hầu hết đồng tiền mã hóa khác cũng có chung kết cục, ghi nhận mức sụt giảm từ 15-40% xét trên khung 7 ngày. Tại nhóm 10 những đồng coin có vốn hóa lớn nhất thế giới, Bitcoin, XRP, Polkadot, Cardano, Dogecoin đang là những mã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Giá Bitcoin điều chỉnh mạnh chỉ sau vài tiếng. Ảnh: CoinMarketCap. |
Lý giải vấn đề này, chuyên gia tài chính Edward Moya từ hãng tư vấn Oanda (trụ sở ở Mỹ) cho rằng áp lực lạm phát đang khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xem xét đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất.
“Thế giới tiền mã hóa đang mắc kẹt trong trạng thái ‘quan sát và chờ đợi’ của nhà đầu tư. Giới đầu tư muốn chờ xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hành động thế nào để giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao, cũng như những thay đổi trong môi trường pháp lý”, vị chuyên gia nói với Zing.
Thế giới tiền mã hóa đang mắc kẹt trong trạng thái ‘quan sát và chờ đợi’ của nhà đầu tư
Chuyên gia tài chính Edward Moya, hãng tư vấn Oanda
Trước đó, hôm 30/11, Chủ tịch FED Jerome Powell thông báo ngân hàng trung ương Mỹ có thể sớm cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế hiện nay nhằm kìm hãm lạm phát. Ông Powell đồng thời cho biết quá trình giảm mua trái phiếu hàng tháng có thể diễn ra nhanh hơn so với dự kiến.
Áp lực lạm phát tạo nhiệt lượng thúc đẩy giới đầu tư tăng cường tích trữ tiền mã hóa. Song, các biện pháp giảm thiểu lạm phát từ chính phủ Mỹ, theo nhận định của chuyên gia tài chính Craig Erlam, có thể khiến tài sản số trở thành kênh đầu tư rủi ro và đậm tính đầu cơ.
Ở một diễn biến khác, việc 6 lãnh đạo từ các công ty tiền mã hóa lớn tại Mỹ tham gia điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện hay sự xuất hiện của biến thể Covid-19 mới Omicron cũng được xem như yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.
Hơn 2 tỷ USD lệnh vị thế bị thanh lý
Theo ghi nhận của Zing, giới đầu tư tại Việt Nam hiện đặt nhiều kỳ vọng vào tiến độ tăng trưởng của thị trường tiền mã hóa vào tháng cuối cùng trong năm.
Điều này tương đối dễ hiểu khi dữ liệu thu thập biến động giá của Bybt cho thấy tháng 12 luôn là giai đoạn cao điểm của Bitcoin. Tháng 12 năm ngoái, giá trị của Bitcoin tăng trưởng tới 46,92%. Đồng tiền số lớn nhất thế giới cũng có xu hướng tương tự vào các năm 2016 và 2017.
Bên cạnh đó, những dự đoán tích cực về giá trị tương lai của Bitcoin đã góp phần duy trì tâm lý FOMO trên thị trường.
Đối với giới trader, với mong muốn gia tăng lợi nhuận, đây là căn cứ hợp lý để đẩy mạnh các lệnh vị thế sử dụng đòn bẩy. Tuy nhiên, không phải trader nào cũng thu về thành quả như mong muốn.
Khoảng 2,09 tỷ USD lệnh vị thế mua đã bị thanh lý từ ngày 3-4/12. Ảnh: Coinglass. |
Việt Dũng – một nhà đầu tư khác tại Hà Nội – đang lỗ gần 7.000 USD sau khi đánh lệnh vị thế mua Polkadot (DOT) với đòn bẩy gấp 20 lần.
“Tôi vào lệnh khoảng 1.000 USD thời điểm giá DOT dao động quanh ngưỡng 40 USD/đồng. Vì nghĩ DOT chỉ giảm tối đa xuống khoảng 30 USD nên thả cửa, quyết định không cài lệnh cắt lỗ. Kết quả DOT tụt xuống dưới 30 USD, tài khoản suýt soát bị cháy”, anh bộc bạch.
Dù có sẵn kiến thức phân tích kỹ thuật, anh Dũng cho biết bản thân không hề lường trước cú sập này của thị trường. “Thị trường có chơi có chịu, lúc lên thì mình hốt, giờ nó xuống phải trả bớt thôi. Khi nào thị trường bước vào giai đoạn tôi sẽ đánh lệnh vị thế tiếp, chứ giờ có lẽ tạm nghỉ, tập trung vào lệnh giao ngay”, anh nói tiếp.
Nhiều nhà đầu tư khác có chung tình cảnh như anh Dũng. Có người mất vài trăm USD nhưng cũng có người thiệt hại hàng nghìn USD. Chia sẻ với phóng viên, các nhà đầu tư cho biết việc Bitcoin tụt thẳng xuống ngưỡng dưới 45.000 USD đều nằm ngoài kịch bản dự kiến.
Theo dữ liệu từ Bybt, trong vòng 1 giờ kể từ thời điểm thị trường lao dốc, hơn 376.000 trader cùng 1,36 tỷ USD lệnh vị thế đã bị thanh lý. Số lệnh vị thế mua trên các sàn lớn như Binance, Bitfinex, Huobi… bị thanh lý chiếm từ 82-99,2%.
“Cực kỳ sợ hãi”
Mặt khác, nhiều nhà đầu tư dài hạn cũng rơi vào trạng thái thấp thỏm lo âu khi giá trị tài khoản liên tục xuống thấp, thậm chí tiến sát ngưỡng chia 2, chia 3 lần.
Thông thường, việc thị trường điều chỉnh là cơ hội cho giới đầu tư tiếp tục mua vào để trung bình giá (DCA) hay làm mới danh mục. Song, nhiều người chơi đã tranh thủ dốc tiền vào thị trường khi giá Bitcoin giảm xuống dưới 60.000 USD cách đây không lâu.
Tùng Lâm – nhà đầu tư tại Bình Thuận từng gọi vốn 50 triệu đồng từ bạn bè và gia đình để đầu tư tiền mã hóa – cho biết anh không còn đủ tiềm lực để DCA. Nếu thị trường không nhanh chóng đảo chiều vào đầu tháng 2 năm sau, Lâm sẽ phải bỏ tiền túi bù lại số vốn từng kêu gọi.
Hết tiền “đi chợ”, danh mục thua lỗ, nhà đầu tư dài hạn không có nhiều lựa chọn ngoài việc chờ đợi thị trường phục hồi.
“Tôi đầu tư khoảng 1.500 USD vào các coin như BAT, FTM, FTT, FIO… Hiện chỉ có BAT là đang lãi, còn lại toàn bộ danh mục lỗ từ 15-25%. Cắt đi thì tiếc, giờ tôi chỉ mong về bờ, lỗ một chút cũng không sao”, Đình Tùng chia sẻ.
Giống như vụ nổ bong bóng đầu năm 2018, thị trường tiền mã hóa có thể bước vào giai đoạn ngủ đông từ 2-3 năm
Đình Tùng, nhà đầu tư mã hóa tại Hà Nội
Ngay cả khi đầu tư bằng tiền nhàn rỗi, anh Tùng vẫn tỏ ra sốt ruột khi thấy danh mục đồng loạt đi xuống. Ở góc độ tiêu cực hơn, nhà đầu tư này e ngại nếu thị trường tiền mã hóa không đón thêm tin vui, rất có thể “mùa đông Bitcoin” (ám chỉ giai đoạn bong bong tiền mã hóa đổ vỡ) sẽ đến sớm.
“Giống như vụ nổ bong bóng đầu năm 2018, thị trường tiền mã hóa có thể bước vào giai đoạn ngủ đông từ 2-3 năm”, anh Tùng cho biết.
Theo trang đo lường tâm lý nhà đầu tư tiền mã hóa Alternative.me, chỉ số Fear and Greed (sợ hãi và tham lam) nay chỉ còn 16 điểm, tức ngưỡng “cực kỳ sợ hãi”. Trong khi một tháng trước đó, trang đo lường này xác định tâm lý nhà đầu tư trên thế giới đang ở mức “cực kỳ tham lam”.
Nguồn: News.zing.vn