Gia đình dựng nhà, làm vườn khi kẹt ở Mộc Châu 3 tháng vì dịch

0
63

Chưa thể trở về Hà Nội vì chỉ thị giãn cách, gia đình chị Phương tận hưởng cuộc sống chậm, yên bình ở bản vùng cao của tỉnh Sơn La. Con gái của chị trở nên dạn dĩ, khỏe mạnh hơn.

Đến Mộc Châu vào giữa tháng 7, gia đình chị Nguyễn Thu Phương (40 tuổi) chỉ định ở lại thời gian ngắn để du lịch, nghỉ dưỡng trước khi con kết thúc kỳ nghỉ hè.

Tuy nhiên, 3 tháng sau, họ vẫn chưa thể trở lại Hà Nội vì thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Trong thời gian mắc kẹt lại đây, vợ chồng chị Phương quyết định dựng nhà, làm vườn trên mảnh đất 3.600 m2 ở bản Chiềng Đi 1, xã Vân Hồ, cách thị trấn Mộc Châu 2 km để trải nghiệm cuộc sống vùng cao.

Dung nha lam vuon khi ket o Moc Chau anh 1

Căn nhà giữa núi đồi của chị Phương được dựng lên khi cả nhà mắc kẹt ở Sơn La vì dịch.

“Làm việc trong lĩnh vực du lịch, vợ chồng tôi nhiều lần tới Mộc Châu, Vân Hồ và phải lòng vẻ đẹp, sự yên bình của những vùng đất này. Năm ngoái, chúng tôi mua mảnh vườn trồng mận lâu năm trong bản với dự định dựng ngôi nhà nhỏ để gia đình lên chơi vào mùa mận chín hàng năm. Nhờ mắc kẹt, cả nhà sớm thực hiện được mong muốn này”, chị nói với Zing.

Căn nhà giữa núi đồi

Trên mảnh đất được bao quanh bởi đồi chè, vườn mận, cam xanh mướt, vợ chồng chị Phương thuê thợ dựng căn nhà 50 m2 với tiện nghi cơ bản, đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

Trong một tháng chờ tổ ấm hoàn thiện, hai người cải tạo 200 m2 đất thành khu vườn để trồng trọt.

Chị Phương phân chia các ô để trồng rau thơm, rau ngắn ngày, hoa tươi, chủ yếu là hoa hồng. Vườn có 200 gốc mận, đào lâu năm, chị giữ nguyên và gieo cải ở gốc.

Trước đây, người mẹ từng làm vườn mặt đất và sân thượng nên có chút kinh nghiệm. Gặp gì chưa biết, chị lại lên mạng đọc kiến thức, tìm hiểu thêm.

Nhằm phục vụ bữa ăn của gia đình, chị Phương trồng rau theo phương pháp thuận tự nhiên. Chị mua phân bò của dân bản để chăm bón.

“Đây là bản nhỏ, chủ yếu là người Mông và Dao sinh sống. Ở độ cao khoảng 1.200 m so với mực nước biển, thời tiết luôn mát mẻ, trưa chiều có nắng vàng. Bản rất gần thị trấn Mộc Châu nên đường dễ đi, mua bán thuận lợi, gia đình tôi không thiếu thốn gì. Khó khăn duy nhất là ở đây chưa có nước máy, phải dùng nước mó trong núi chảy ra và phụ thuộc vào mưa”, chị kể.

Mùa hè đáng nhớ

Gần 3 tháng qua, nhịp sống của gia đình chị Phương thay đổi hoàn toàn.

Buổi sáng, thay vì vội vã chuẩn bị cho con đến trường rồi chen chúc giữa dòng xe cộ để đi làm, vợ chồng chị được đánh thức bởi tiếng chim hót quanh nhà.

Sau bữa ăn nhẹ, con học online, bố pha trà hái từ vườn rồi bắt đầu làm việc. Trong khi đó, người mẹ tưới rau, chăm hoa và đọc tài liệu chuyên môn chờ ngày đi làm trở lại.

Bữa ăn hàng ngày của gia đình cũng đậm chất dân dã với nhiều món như rau rừng, tầm bóp, su su bao tử, sữa chua Mộc Châu.

Ngoài giờ học tập và làm việc, cả nhà chị Phương ra vườn, hít thở không khí trong lành. Cuối tuần, họ cùng nhau khám phá các địa điểm gần nhà như bản Bó Nhàng có cánh đồng xanh rì, xã Xuân Nha với ruộng bậc thang của người dân tộc Thái, xã Tô Múa có cung đường núi nhìn ra những nương ngô trải dài tầm mắt.

“Gia đình tôi đi du lịch nhiều, mỗi nơi tùy theo tiêu chí muốn trải nghiệm sẽ chọn loại hình lưu trú thích hợp. Với bản vùng cao, cả nhà tập trung trải nghiệm hoạt động ngoài trời. Bản là nơi rất tuyệt để đạp xe, đi trekking những cung đường ngắn với cảnh sắc thiên nhiên thú vị. Những đồi chè, vườn mận, nương lúa, nương ngô cùng khí hậu trong lành là thứ không thể tìm thấy tại thành phố. Con người cùng văn hóa bản địa cũng rất đáng để khám phá”, chị nói.

Trải qua mùa hè đáng nhớ, cả nhà chị Phương đón mùa Trung thu đặc biệt khi được ngắm trăng sáng trong vườn, cùng nói chuyện phiếm.

“3 tháng qua là khoảng thời gian đầy cảm xúc với rất nhiều trải nghiệm thú vị. Với tôi, đó là câu chuyện của sự lựa chọn nếu rơi vào tình huống mắc kẹt”.

Vui khi thấy con dạn dĩ hơn

Một trong những điều khiến chị Phương hạnh phúc trong thời gian ở Mộc Châu là con gái 7 tuổi được trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.

Sau giờ học, cô bé ra vườn giúp mẹ tưới cây, bắt sâu, nhổ cỏ. Em cũng thích thú mỗi khi được theo chân bố mẹ leo đồi, lội suối để khám phá xung quanh.

“Với con gái tôi, nơi đâu có bố mẹ đều là nhà nên không hỏi khi nào về thành phố. Bé chỉ muốn biết khi nào được đi học lại vì thích đến trường hơn học online”, chị kể.

Con gái chị Phương cũng xây dựng tình bạn đẹp với các em nhỏ trong bản. Hàng ngày, đám trẻ rủ nhau chạy nhảy quanh đồi chè, nương mận.

Trong khi trẻ em ở bản dạy con gái chị về các loài hoa, con vật tự nhiên và trò chơi dân gian, cô bé hướng dẫn lại các bạn về công nghệ, nói tiếng Anh. Sự tiếp xúc và trao đổi thông tin này khiến các em rất hạnh phúc.

Trong những lần cùng bố mẹ đi mua sắm, con gái chị Phương xin mua thêm cho các bạn đồ chơi, vợt cầu lông hay pizza.

“Sau những ngày hè, con tôi khỏe hơn, lớn bổng vì hoạt động ngoài trời nhiều. Con cũng dạn dĩ, biết chia sẻ từ đồ chơi đến đồ ăn ngon với các bạn mới”, người mẹ nói.

Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, chị Phương mong được về nhà vì còn công việc và cho con đi học.

“Lúc rảnh rỗi, gia đình tôi vẫn sẽ về bản. Đó là nơi vợ chồng tôi chọn cho tuổi già và quan trọng hơn là cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Ai đến đó cũng sẽ nạp đầy năng lượng tích cực cho tâm hồn. Khi về phố, tôi sẽ nhớ núi rừng, nhớ gương mặt trẻ thơ, trong veo tiếng cười lưng chừng chiều”, chị nói.

Về mảnh đất ở bản Chiềng Đi 1, vợ chồng chị Phương mong muốn làm khu glamping (cắm trại xa xỉ) để góp phần tăng sinh kế cho bà con địa phương.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn