Mùa xuân luôn có sự thôi thúc bí mật khiến người ta muốn đi, phải đi. Nhất là khi nghe tiếng cồng chiêng vang xa trong các buôn làng trong “mùa ăn năm uống tháng” của người bản địa Tây Nguyên tới gần. Chỉ cần nhắm mắt hình dung đến sắc màu rực rỡ, âm thanh náo nức ở các lễ hội trong mùa ong say mật này, tôi đã không thể cưỡng được niềm khao khát muốn hòa vào những cuộc vui bất tận ấy. Hãy xách ba lô ngay và lên đường, mùa xuân Tây Nguyên đang chờ bạn bằng những điều thú vị, không ngờ ở khắp các ngôi làng.
Lễ bỏ mả ở làng Kôn, xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro. Ảnh: H.N
Nếu không có nhiều thời gian để đi xa, bạn có thể chọn một điểm tương đối gần Phố núi Pleiku về phía Bắc, đó là huyện Chư Pah cách thành phố chừng 12 km. Hàng năm, đây vẫn là địa phương có những lễ hội lớn của người Jrai, Bahnar mà chúng tôi vài lần tình cờ được tham dự. Nếu không may mắn gặp được lễ hội, thì ở xã Hà Tây của huyện này, bạn hãy bỏ chút thời gian để ngắm nhìn những ngôi nhà rông sừng sững kiêu hãnh vút vào trời xanh. Đây là địa phương còn giữ được những nhà rông với kiến trúc truyền thống nguyên bản nhất với mái tranh, cột gỗ. Những hoa văn mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa trên vách nhà, điêu khắc trên cầu thang lên, xuống cũng gợi mở những suy tưởng trong suốt hành trình.
Mùa xuân Tây Nguyên cũng là mùa đẹp nhất trong năm, vì thế, mọi nơi chốn bạn qua sẽ không bao giờ là lãng phí. Nếu đi dọc đường lên biên giới huyện Ia Grai, ở các ngôi làng của xã Ia O, Ia Chía vào thời gian này hàng năm thường có lễ bỏ mả rất lớn của người Jrai. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần từ bỏ những cuộc vui nơi phố thị để hòa vào cuộc vui này. Một đồng nghiệp của chúng tôi khi tham dự lễ bỏ mả ở đây nói rằng, đám đông ở thành phố đôi khi khiến con người cô đơn, nhưng hòa mình vào đám đông trong lễ hội ở đây, bạn sẽ cảm nhận trọn vẹn sự ấm áp, ân cần. Lễ hội của người Jrai vùng này thường có rất nhiều trâu, bò và rượu cần thì không thể đếm hết. Sự nhiệt thành mến khách của chủ nhân lễ hội đôi khi khiến khách mất kiểm soát mà quá chén trong cuộc vui. Bạn hãy giữ chút tỉnh táo để khi về còn có thể tận hưởng hương xuân dịu dàng thoang thoảng trong mùi hoa điều, mùi ngai ngái của cao su mùa thay lá suốt dọc đường biên giới.
Những ai muốn tìm về với lễ hội nguyên sơ có thể đến với vùng trầm tích văn hóa Kông Chro ở phía Đông, cách thành phố chừng 85 km nếu đi đường Trường Sơn. Nhưng ngay cả cung đường xa này cũng trở nên đáng giá trong hành trình của bạn bởi những thú vị dọc đường thiên lý. Đường Trường Sơn phẳng lì vắt qua những cánh đồng mía, mì ngút mắt, dẫn đưa bạn qua những ngôi làng nằm khiêm cung dưới chân những ngọn núi hay dọc đường đi. Thảng hoặc bắt gặp những giàn bắp được dựng lên ngay ngắn, thẳng tắp ngay trên những ruộng nương vừa thu hoạch. Đó thường là những trái bắp nếp được thu hái cẩn thận, người bản địa xếp chúng trên những chiếc giá cao dựng lên từ những thân cây trước khi mang về nhà.
Người ta gọi Kông Chro là vùng trầm tích văn hóa không chỉ bởi kiến trúc truyền thống dày đặc ở khắp các làng, mà còn bởi người bản địa vẫn tổ chức lễ hội khắp mọi nơi trong “tháng ning nơng” kéo dài từ sau Tết đến hết tháng 3 này. Đó là những lễ hội rộn ràng, náo nức, tràn ngập sắc màu và âm thanh, luôn khơi dậy những khát vọng mãnh liệt về hạnh phúc và tình yêu. Mùa xuân Tây Nguyên sẽ khiến bước chân kẻ lữ hành “như những con ong say mật ngã vào lòng bông hoa”, đến đâu cũng dùng dằng không muốn dời chân đi. Nhưng có điều chắc chắn rằng, khi đã hòa vào những cuộc vui mà ở đó, tất cả là một, một là tất cả, bạn sẽ trở về với tâm hồn được tái sinh để bắt đầu mùa xuân mới đầy ắp những dự định tốt đẹp.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn