Gần 100 chợ phải đóng cửa, chợ đầu mối Hóc Môn tạm dừng thêm 11 ngày, các tỉnh yêu cầu nghiêm ngặt đối với xe chở nông sản đi, đến TP.HCM khiến giá rau, củ tiếp tục tăng.
Ngày 2/7, khảo sát tại một số chợ ở TP.HCM như: Xóm Chiếu (quận 4), Tân Mỹ, Tân Quy (quận 7), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… lượng hàng hóa không khan hiếm nhưng một số mặt hàng rau, củ tiếp tục tăng giá so với tuần trước.
Cụ thể, giá rau cải xanh, cải ngọt tăng lên 25.000-30.000 đồng/kg, tăng 5.000-10.000 đồng/kg so với tuần trước; khổ qua, dưa leo 35.000 đồng/kg, xà lách tăng 5.000 đồng lên 50.000 đồng/kg; cà chua Đà Lạt 30.000-35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; bắp cải 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg…
Như vậy, giá rau, củ đã tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg so với giá bán tuần trước, và tăng gấp 2 – 3 lần so với thời điểm tháng 5. Theo một số tiểu thương, nhiều loại rau về các chợ đầu mối gần đây ít hơn mọi khi. Để bảo đảm đủ lượng rau họ phải mua gom từ nhiều mối thay vì 1, 2 mối quen như thường ngày.
Tại chợ Tân Mỹ, Tân Quy (quận 7), hiện khu vực trong chợ đã bị phong toả chỉ còn các sạp bán rau nhỏ, lẻ tự phát xung quanh chợ. Bán rau trước cổng chợ Tân Mỹ gần một tuần nay, anh Minh, người chuyên bán rau dạo (chở hàng trên xe và di chuyển qua nhiều điểm khác nhau) cho biết nhiều người không biết chợ đóng cửa nên vẫn ghé qua mua.
Nguồn cung rau giảm, khiến giá rau củ liên tục tăng. Ảnh: T.T |
“Chợ đóng cửa, bán rau dạo đông khách hơn, rau tôi nhập từ sáng sớm ở chợ đầu mối, giá nhập cao, xe bán dạo mất thêm phí xăng xe nên phải bán cao”, anh nói.
Một tiểu thương kinh doanh rau, củ tại chợ Xóm Chiếu (quận 4) cũng cho biết do dịch bệnh, tài xế đều yêu cầu có giấy xét nghiệm nên họ yêu cầu tăng chi phí, việc vận chuyển cũng khó khăn, nguồn hàng cung ứng giảm dẫn đến giá rau tăng đều trong tuần qua.
Trong thời gian giãn cách xã hội, thu nhập giảm, thực phẩm tăng giá khiến người tiêu dùng lo lắng tính toán thu chi phù hợp. “Đi chợ chỉ mua 2, 3 loại rau, củ mỗi loại từ 200 – 400 gram mà hết gần 100.000 đồng”, chị Khánh Linh (quận 7, TP.HCM) nói.
Trong khi đó, rau, củ, thịt tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm có giá bán ổn định. Chẳng hạn, tại siêu thị Bách Hoá Xanh, rau cải ngồng, cải ngọt ở mức 25.000 đồng/kg, rau ngót 44.000 đồng/kg, xà lách 40.000 đồng/kg, rau bí 44.000 đồng/kg,…
Nhiều nơi như Vissan, Bách Hóa Xanh, VinMart+, SatraFood… lượng khách chỉ đông trong khung giờ cao điểm từ 9-11h và 16-18h. Hiện, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm này đều yêu cầu khách ra vào khai báo y tế, thực hiện giãn cách, quy định 10 người trong cửa hàng.
Trong khi đó, thịt heo tại chợ giá vẫn ổn định, thậm chí tại một quầy thịt tại chợ Xóm Chiếu (quận 4) giá thịt có xu hướng rẻ hơn như: Nạc vai có giá 100.000 đồng/kg, sườn non 130.000 đồng/kg, ba rọi 110.000 đồng/kg…
“Thịt heo tôi bán giá rẻ nhưng vẫn rất ít khách mua, họ chủ yếu mua buổi sáng, còn chiều hầu như không có ai. Lượng khách giảm mạnh nên các quầy thịt heo ở chợ cũng ít, hiện chỉ có 4, 5 quầy bán”, chị Hoà, tiểu thương bán thịt nói.
Theo thống kê lượng hàng hóa về 3 chợ đầu mối ngày 1/7, đạt gần 4.600 tấn, giảm 11% so với ngày trước đó, sản lượng rau củ, thịt, hải sản… đều giảm nhẹ nhưng giá bán không tăng nhiều.
Theo Sở Công Thương, do tình hình dịch bệnh tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp, đến nay đã có 93/234 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố phải tạm ngưng hoạt động.
Trong đó, chợ đầu mối Hóc Môn phải tiếp tục tạm ngưng hoạt động thêm 11 ngày. Quận Bình Tân, 3 xã 1 thị trấn của huyện Móc Môn cũng dừng hoạt động chợ truyền thống từ 0h ngày 1/7.
Theo Sở Công Thương, hững chợ đang tạm ngưng hoạt động cần được thống kê rõ số lượng tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống, thời điểm, lý do ngưng hoạt động và dự kiến thời gian hoạt động trở lại. Đặc biệt, phải triển khai nhanh các biện pháp để đưa các chợ này hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: News.zing.vn