Việc giá vàng trong nước tăng trái chiều thế giới một lần nữa khiến chênh lệch giữa 2 thị trường bị nới rộng lên gần 11 triệu đồng/lượng sau hơn một tuần thu hẹp.
Đúng với dự báo của các chuyên gia cuối tuần trước, vàng thế giới đã rơi vào vùng giá tiêu cực từ đầu tuần này khi không thể giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.850 USD/ounce cuối tuần trước.
Sau phiên lao dốc hơn 40 USD phiên 22/11 (giờ Mỹ) vừa qua, giá kim quý một lần nữa giảm sâu trong phiên 23/11. Cụ thể, giá vàng giao ngay trên sàn New York đêm qua tiếp tục giảm thêm 14,8 USD, đóng cửa ở mức 1.789,7 USD/ounce, vùng giá thấp nhất trong 3 tuần trở lại đây.
So với 1 tuần trước, giá vàng hiện tại đã giảm hơn 84 USD, tương đương mức giảm ròng 4,5% sau một tuần.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận trên sàn Kitco khi giá vàng giao ngay tại đây đã giảm xuống dưới vùng 1.800 USD/ounce, thấp hơn gần 10 USD so với phiên liền trước. Trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 đã giảm xuống mức 1.786,5 USD/ounce, thấp hơn 1% so với phiên liền trước.
Giá vàng thế giới đã giảm 84 USD chỉ trong vòng một tuần gần nhất. Ảnh: Bloomberg. |
Theo các chuyên gia phân tích, giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi áp lực lạm phát tăng trên toàn cầu, nhưng mặt hàng này lại đang suy yếu trước việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ngày càng tăng cao. Trong đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Mỹ hiện ở mức 1,66%/năm, cao nhất từ đầu tháng 11 đến nay.
Ngoài ra, ông Daniel Briesmann, chuyên gia phân tích giá vàng tại Commerzbank còn cho rằng lo ngại về hành động chính sách tiền tệ từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng khiến giá vàng giảm.
Trước đó, nhiều thành viên của FED đã bày tỏ quan điểm cần đẩy nhanh tốc độ giảm lượng mua tài sản hàng tháng để kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, biện pháp nâng lãi suất cũng cần được tính đến.
Đây là nguyên nhân chính khiến giá vàng giảm một mạch hơn 80 USD chỉ trong một tuần vừa qua.
Trong bối cảnh vàng thế giới ngày càng xấu đi, thị trường trong nước sau nhiều phiên giảm sâu đã ghi nhận xu hướng phân hóa trong phiên sáng nay (24/11).
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sau 4 phiên giảm giá vàng miếng liên tiếp đến hôm nay đã điều chỉnh tăng trở lại, hiện phổ biến ở mức 59,4 – 60,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với phiên liền trước, giá hiện tại đã tăng 250.000 đồng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC 9999 lại diễn biến cùng chiều với thế giới, ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp, hiện giao dịch ở 51,7 triệu/lượng (mua) và 52,4 triệu/lượng (bán), thấp hơn 400.000 đồng so với hôm qua.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Sau phiên giảm xuống dưới 60 triệu đồng hôm qua, đến nay PNJ đã điều chỉnh tăng giá vàng miếng trở lại mốc 59,3 triệu/lượng (mua) và 60,1 triệu đồng (bán), cao hơn 700.000 đồng so với ngày 23/11.
Tuy nhiên, so với ngày 18/11, giá hiện tại PNJ đưa ra vẫn thấp hơn 2 triệu đồng.
Tương tự SJC, giá vàng nhẫn tại PNJ cũng có phiên giao dịch trái chiều so với vàng miếng, hiện phổ biến giao dịch ở 51,6 – 52,4 triệu/lượng (mua vào – bán ra), thấp hơn 600.000 đồng so với một ngày trước. Nếu so với ngày 18/11, giá vàng nhẫn tại đây đã giảm tới 1,6 triệu đồng.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hôm nay cũng nâng giá bán vàng miếng trở lại mốc 60,2 triệu/lượng, cao hơn 350.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Giá mua vào cũng được điều chỉnh tăng tương ứng, hiện phổ biến ở 59,2 triệu đồng.
Với việc giá vàng miếng tại hầu hết doanh nghiệp đã trở lại mốc trên 60 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt chỉ vào khoảng 49,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa 2 thị trường này một lần nữa bị nới lên gần 11 triệu đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Nếu so với giá vàng nhẫn, vàng thế giới hiện cũng thấp hơn 3 triệu đồng, tương đương 6%.
Nguồn: News.zing.vn