Italy – Tây Ban Nha là trận hấp dẫn của Euro 2020. Cùng với trận Bỉ – Italy trước đó, đây xứng đáng được liệt vào số ít trận hay nhất ở cấp độ tuyển quốc gia trong mấy năm gần đây.
Bình luận
Italy xuất hiện rực rỡ ở Euro 2020 với 2 diện mạo khá tương đồng nhau. Đầu tiên, đó là một Azzurri với bộ 3 Locatelli – Jorginho – Barella ở tuyến giữa.
Trong khi đó, kể từ khi Verratti trở lại và thay thế vị trí Locatelli, Italy lại giới thiệu một gương mặt khác, với lối tổ chức tuyến giữa cũng khác.
Federico Chiesa ghi bàn mở tỷ số cho Italy trước Tây Ban Nha sau một pha lên bóng rất nhanh. Ảnh: Reuters. |
Italy chuyển đổi trạng thái tấn công nhanh
Với Locatelli, Italy sử dụng một mình Jorginho ở vị trí tiền vệ trụ và Locatelli, Barella chơi như hai mezzala quán xuyến hai nội biên (half-space) một cách hiệu quả, như thể hai quả piston của hai động cơ song song nhau. Còn với Verratti, Italy chơi với 2 tiền vệ trụ (Jorginho – Verratti), và Barella chơi như một hộ công cầu nối giữa tiền vệ và hàng tiền đạo.
Nhưng dù là diện mạo nào đi nữa, Italy luôn chọn vùng hoạt động là khoảng 30 m ở phần sân đối phương tính từ vạch vôi giữa sân. Mục đích của Mancini là chơi chuyển đổi trạng thái nhanh ở khu vực giữa sân (middle zone transition) nhằm tiết kiệm thời gian và quãng đường lên bóng hãm thành. Chính vì lựa chọn này, chúng ta nhận thấy Italy luôn có vẻ tấn công dồn dập như thể họ là một tập thể không phổi vậy.
Luis Enrique nắm rõ bản chất của Italy, và ông quyết tạo ra một Tây Ban Nha ép Italy chơi không được như ý. Và có thể nói, ở trận bán kết này, hàng tiền vệ Tây Ban Nha đã thể hiện xuất sắc để đẩy Italy vào thế khó nhất, vất vả nhất mà họ chưa từng phải trải qua từ đầu giải tới giờ.
Tây Ban Nha chọn chiến trường ở ngay khoảng 2/3 sân phía nửa sân của Italy, đẩy Italy rời xa khu vực ưa chuộng của họ. Song song đó, bộ 3 Pedri – Busquets – Koke chơi cực gần nhau với một “dây” Alba – Garcia – Laporte – Azpilicueta chăng sẵn phía sau lưng để đảm bảo các điểm luân chuyển bóng an toàn.
Bóng được chuyền chủ yếu giữa 7 nhân tố này và điều đó làm cho Italy mất sức đề kháng khi vừa không có bóng, vừa không được chơi ở chỗ mà họ đã quen thuộc suốt nhiều tháng qua.
Daniel Olmo khiến các hậu vệ Italy gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Olmo hoạt động rất rộng, chủ yếu khai thác không gian sau lưng hàng tiền vệ Italy và tạo các áp lực săn đuổi khiến dàn tiền vệ Italy không thể rảnh rỗi tiếp bóng 1, xử lý bóng và chuyền bóng chuẩn xác.
Italy gồng mình cố gắng lấy lại thế trận hòng chiếm lại vùng “chiến địa” ưa thích, nhưng gần như họ không thể chống lại khả năng cầm bóng và pressing quá tốt của Tây Ban Nha. Có thể nói, Tây Ban Nha đã chơi một trận xuất sắc kể từ đầu giải tới giờ.
Nhưng Tây Ban Nha cũng phải mệt mỏi mỗi khi Italy có đủ thời gian để cầm bóng và từ từ đẩy đội hình lên khu vực quen thuộc. Mỗi lần Italy làm được điều đó, hình bóng của một Azzurri sát thủ lại được thể hiện và nó buộc Tây Ban Nha phải tăng tốc hơn, chính xác hơn để vô hiệu hóa.
Sự giằng co này đẩy trận cầu lên đến đỉnh điểm của sức hấp dẫn. Mọi việc diễn ra mãn nhãn, dồn dập, nghẹt thở ở tốc độ cao và do đó, nó xứng đáng là trận cầu cống hiến nhất nhưng cũng khoa học nhất của Euro 2020 này.
Phải thừa nhận, trình độ cầm bóng của các cầu thủ Tây Ban Nha đúng là bậc thầy. Kiểm soát bóng là triết lý của Enrique nhưng thực tế, nó đã là văn hóa chơi bóng của người Tây Ban Nha, nên họ thực hiện nó một cách nhuần nhuyễn.
Italy buộc phải đẩy Di Lorenzo vào giữa sân để tăng cường cho hàng tiền vệ, đặc biệt là trong một đêm mà Barella chơi dưới sức mình và cặp trụ Jorginho – Verratti gần như bị người Tây Ban Nha vô hiệu hóa.
Italy xứng đáng vào chung kết Euro 2020. Ảnh: Reuters. |
Phát huy sở trường
Bàn thắng của Italy diễn ra cũng không theo cách Italy đã làm ở giải này, mà nó trở về đúng bản thể của Italy nhiều thập niên qua: Phản công và tận dụng hiệu quả tối đa tình huống.
Chiesa xứng đáng là tiền đạo tốt nhất của Italy ở thời hiện đại khi cú dứt điểm lạnh lùng của anh mới là thứ xóa tan giấc mơ Tây Ban Nha. Giả sử, nếu Italy không có bàn mở tỷ số ấy, rất có thể Tây Ban Nha sẽ giải quyết trận cầu trong 90 phút, hoặc 120 phút, chứ không phải đợi chờ loạt luân lưu định mệnh.
Khá tiếc cho Tây Ban Nha là họ không có một chân sút tầm cỡ châu lục như họ từng có Torres hay Villa trong quá khứ. Nhược bằng không, có lẽ Italy đã không thể đi nổi đến loạt luân lưu thót tim và buộc lòng phải thỏa mãn với thành tích lọt vào tới bán kết.
Như vậy, cách đối phó Italy đã ngày càng lộ rõ và khả năng đối thủ của họ ở chung kết tiếp tục áp dụng cách này sẽ rất cao. Bóng đá là cuộc chơi mà ai “chơi được bóng” người ấy sẽ làm chủ thế trận.
Do đó, nhiệm vụ không để đối phương được chơi bóng cũng quan trọng không kém nhiệm vụ “chúng ta sẽ chơi bóng như thế nào”. Và Anh hay Đan Mạch đều có những ưu điểm đủ để làm cái việc “không cho Italy chơi bóng” trước tiên đã, dù cho họ không có được các tiền vệ thượng thừa như Tây Ban Nha.
Còn Mancini, có lẽ lúc này là lúc ông phải suy nghĩ nhiều nhất để Italy phải có thêm “chiêu độc” cho trận chung kết. Dù sao đi nữa, với những gì mà Italy thể hiện từ đầu giải tới nay, họ nên là nhà vô địch hơn ai hết. Nhưng vô địch được hay không, điều đó còn phụ thuộc vào 90 (hoặc 120) phút trước mắt mà các biến cố có thể xảy ra đều khó lường.
Nguồn: News.zing.vn