Giải pháp an toàn cho Việt Nam khi mở đường bay nội địa

0
34

Do vẫn tồn tại nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, người dân và nhà quản lý đều phải chủ động đảm bảo những biện pháp phòng dịch nhưng cần phù hợp với tình hình thực tế.

phong dich covid-19 khi bay noi dia anh 1

Từ ngày 10 đến 20/10 là thời gian Việt Nam thí điểm mở lại một số đường bay nội địa sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh tình hình dịch tại mỗi địa phương có những điểm khác nhau, người dân khi di chuyển sẽ phải tuân thủ những quy định riêng của từng địa phương.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cho rằng nguy cơ lây nhiễm trong quá trình di chuyển trên máy bay vẫn luôn hiện hữu. Do đó, người dân cũng cần chủ động phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2 khi quyết định rời nơi sinh sống.

Trách nhiệm phòng dịch của người dân

Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định dịch Covid-19 tại cộng đồng hiện nay vẫn còn. Trong khi đó, với người đi từ vùng có dịch về, việc xét nghiệm cũng không thể lọc được 100% F0.

“Một số trường hợp đã nhiễm SARS-CoV-2 từ trước nhưng xét nghiệm chưa cho thấy kết quả dương tính. Lúc này, F0 vẫn có thể xuất hiện trên máy bay hoặc khi về đến địa phương”, ông Phu cảnh báo.

phong dich covid-19 khi bay noi dia anh 2

Nhân viên tại Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) kiểm tra giấy tờ của một hành khách sáng 10/10. Ảnh: Chí Hùng.

Do đó, người dân khi di chuyển giữa các tỉnh phải thực hiện đúng các quy định về xét nghiệm, cách ly của Bộ Y tế, đặc biệt là khai báo y tế. Từ đây, trong trường hợp xuất hiện F0, địa phương có thể khoanh vùng, truy vết và dập dịch sớm nhất.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, chú ý đeo khẩu trang, khử khuẩn tay và thực hiện giãn cách ở sân bay cũng như trên máy bay.

Ông nói thêm: “Chúng ta không phải mặc quần áo bảo hộ y tế khi ra sân bay bởi như vậy gây lãng phí cho y bác sĩ và cũng không cần thiết. Sau khi hạ cánh và xuống sân bay, mọi người cần thay khẩu trang ngay và rửa tay bằng nước sát khuẩn. Khi trở về nhà, người dân lưu ý cũng không bắt tay hay ôm ấp người khác và phải thay quần áo, tắm rửa luôn”.

Bên cạnh việc phòng tránh lây nhiễm và bảo vệ sức khỏe của bản thân, việc đảm bảo thực hiện tốt quy định của Bộ Y tế còn giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng nếu chúng ta không may trở thành F0.

“Người từ vùng có nguy cơ cao cần đặc biệt lưu ý vì dù đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 vẫn có thể bị lây nhiễm SARS-CoV-2. Song thường không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ nhưng vẫn lây virus cho người khác. Nếu không cẩn thận và lây nhiễm virus cho người già, người có bệnh nền, trẻ em hay trường hợp chưa tiêm vaccine, từ đó mang đến nguy cơ lớn”, PGS Phu khuyến cáo.

Ngoài ra, vị chuyên gia này còn nhấn mạnh việc lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người chưa tiêm chủng tại những địa phương có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp có thể gây bùng phát dịch tại nơi đó.

Các địa phương cần có chính sách đón người dân trở về phù hợp hơn

Vừa qua, một số địa phương đã nêu ý kiến và bày tỏ mong muốn chưa tiếp nhận người dân từ vùng nguy cơ cao trở về. Tuy nhiên, PGS Trần Đắc Phu cho rằng các địa phương này nên tính toán để làm theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải cũng như Chính phủ.

“Chúng ta đã chấp nhận từ bỏ mục tiêu ‘Zero Covid-19’ và tiến tới phát triển kinh tế trong thời gian tới. Do đó, các địa phương có thể kết hợp những biện pháp phòng, chống dịch khác như 5K, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe người dân khi trở về, cách ly và tăng cường tiêm chủng”, vị chuyên gia này cho biết.

phong dich covid-19 khi bay noi dia anh 3

Hành khách xếp hàng tại Sân bay Nội Bài (Hà Nội) để trở về TP.HCM. Ảnh: Việt Linh.

Theo ông Phu, việc người dân chủ động khai báo y tế là rất quan trọng bởi trong trường hợp dịch xảy ra, các địa phương có thể nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch, phong tỏa theo nguy cơ để dập dịch, tránh ảnh hưởng đến kinh tế cũng như an sinh xã hội.

Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, khẳng định việc mở cửa cho phương tiện giao thông hoạt động, từ đó tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp hay những chủ thể khác đi lại giữa các tỉnh, thành phố là cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, vị chuyên gia này nhấn mạnh việc di chuyển giữa các tỉnh, thành phố cần đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ khái niệm về an toàn trong dịch Covid-19.

“Lúc này, an toàn không có nghĩa là tuyệt đối không để dịch xảy ra. An toàn là hạn chế thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm cũng như trường hợp nhiễm virus diễn biến nặng và tử vong. Theo mục tiêu này, những quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế liên quan việc di chuyển của người dân là hoàn toàn phù hợp”, PGS Hùng nói.

Theo ông, nếu xác định không để xảy ra dịch, tất cả tỉnh, thành phố sẽ phải cách ly tập trung người trở về từ vùng nguy cơ cao thay vì một địa phương như Hà Nội vừa qua. Trong trường hợp đó, việc mở đường bay sẽ không còn nhiều ý nghĩa, người dân không thể đi công tác, làm việc hay gặp gỡ đối tác…

phong dich covid-19 khi bay noi dia anh 4

Một người dân vận chuyển hành lý tại Sân bay Nội Bài trước khi trở về TP.HCM. Ảnh: Việt Linh.

Bên cạnh đó, việc cách ly toàn bộ người dân từ vùng nguy cơ cao trở về sẽ khiến địa phương nhanh chóng quá tải về cơ sở cách ly tập trung cũng như nhân lực hỗ trợ.

“Chúng ta có thể hình dung một chuyến bay mang theo rất nhiều người. Với nhu cầu phát triển kinh tế, mỗi ngày, thành phố lại đón khoảng 10-20 chuyến bay. Điều này khiến địa phương khó có thể đáp ứng nhu cầu cách ly”, ông Hùng nêu ví dụ.

Theo Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, thành phố nên cân nhắc lợi ích của cả nước thay vì chỉ riêng địa phương mình. Ông gợi ý các địa phương nên chọn lọc nhóm có nguy cơ nhiễm nCoV thấp, đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi Covid-19 được phép đi lại thông qua những phương tiện giao thông công cộng.

“Trong tương lai, khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine của cả nước cao hơn, các tiêu chí chọn lọc này vẫn còn thể giữ lại để đảm bảo an toàn”, PGS Hùng nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng người dân sau khi trở về địa phương chỉ cần áp dụng biện pháp tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú, khai báo y tế để kiểm soát lây nhiễm, đồng thời thường xuyên đeo khẩu trang, vệ sinh tay, tránh đến nơi đông người. Những cá nhân không tuân thủ quy định nếu làm dịch lan rộng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Hùng nói: “Trong quá trình thích ứng với tình hình mới, chúng ta phải tăng cường kiểm soát và giám sát việc tuân thủ quy định phòng,chống dịch của người dân, nhất là người đến từ vùng dịch. Ví dụ, những người từ TP.HCM vừa trở về không được vào những khu vực đông người thay vì để họ đi khắp nơi. Thậm chí, chúng ta có thể phạt các trường hợp không đeo khẩu trang, không khai báo y tế…”.

Ông nhận định các hãng hàng không cũng phải có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ 5K của hành khách khi lên máy bay. Những trường hợp ho, sốt, dù đã tiêm đủ vaccine vẫn phải giữ lại xét nghiệm, kiểm tra.

Về phía người dân, mọi người phải thực hành giữ khoảng cách trong sân bay cũng như trên máy bay, xếp hàng trật tự, hạn chế cười đùa, nói chuyện ở khu vực phòng chờ, khi ăn, uống.

Người dân từ TP.HCM về quê cần làm gì để tránh lây nhiễm nCoV? Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng, những người từ vùng dịch về quê cần tuân thủ quy định của địa phương, nghiêm túc khai báo y tế.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn