Giải pháp phục hồi kinh tế, tránh lỡ nhịp với thế giới

0
Giải pháp phục hồi kinh tế, tránh lỡ nhịp với thế giới

Theo Chủ tịch Quốc hội, chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và tính toán nguồn lực…

Thảo luận tại tổ ngày 21/10 về tình hình kinh tế – xã hội và công tác phòng chống dịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy, đặt trọng tâm vào thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết 30 của Quốc hội, cả nước có cơ sở để tiếp tục triển khai phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội bài bản.

“Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn thời gian tới; đặc biệt, phải tránh nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

thao luan tinh hinh kinh te xa hoi anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Doãn Tấn.

Về chương trình phục hồi kinh tế – xã hội trong và sau đại dịch, ông Vương Đình Huệ cho biết Trung ương đã bàn và Chính phủ, Quốc hội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng. Theo ông, chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và tính toán nguồn lực cụ thể…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tính đến việc báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp chuyên đề bất thường cuối năm để quyết định sớm vấn đề trên, không chờ đến kỳ họp thứ 3 vì sẽ lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới.

Lưu ý việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các biện pháp điều hành phải trên cơ sở dữ liệu khoa học, dữ liệu dịch tễ học, khi quyết định rồi phải thực hiện nhất quán.

Cùng tổ thảo luận, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin về quá trình triển khai các chính sách an sinh.

Ông Dung cho biết khi dịch bệnh bùng phát, chỉ trong thời gian ngắn, gói hỗ trợ về an sinh xã hội đã được ban hành. Trong đó, Nghị quyết 68 được thực hiện khẩn trương với 25,12 triệu lượt người (23.000 tỷ đồng) được hưởng thụ.

thao luan tinh hinh kinh te xa hoi anh 2

Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Đ.C.

Về gói 38.000 tỷ đồng (Nghị quyết 116), Bộ trưởng Dung cho hay đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ. Sau khi có nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Lao động đã giải ngân ngay cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

“Ai có tài khoản thì được chuyển tiền ngay, ai chưa có thì mở tài khoản, trường hợp không có thì thông qua doanh nghiệp. Về cơ bản đến nay đã thực hiện xong”, ông Dung nói.

Song, lãnh đạo Bộ Lao động thừa nhận do rất nhiều áp lực nên có một bộ phận người dân chưa được hưởng thụ chính sách hỗ trợ.

Cũng do tác động của dịch, Bộ trưởng Lao động cho biết có 2.580 trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi, trong đó 2.500 cháu mồ côi cha hoặc mẹ, 80 cháu mất cả cha lẫn mẹ.

Ông cho hay vừa qua có một số tổ chức quốc tế đăng ký với Bộ trưởng xin đỡ đầu toàn bộ 80 cháu này. Song, quan điểm của ông là rất khuyến khích hỗ trợ tiền, vật chất cho các cháu, Nhà nước đứng ra nhận.

“Để tổ chức quốc tế đứng ra đỡ đầu thì tôi không đồng ý. Vì đất nước này không đến mức độ không lo nổi cho các cháu”, Bộ trưởng nói.

Dự kiến trong ngày mai, 22/10, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam dành tiền mặt hỗ trợ trực tiếp. Cháu còn cha hoặc mẹ thì nhận hỗ trợ 5 triệu đồng; không còn cha mẹ thì nhận hỗ trợ 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm để hỗ trợ ăn học.

Nguồn: News.zing.vn