Các ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và sự thiếu kết nối xã hội là nguyên nhân dẫn đến rối loạn ăn uống. Tình trạng này ngày càng trầm trọng khi thời kỳ giãn cách kéo dài.
Các ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và sự thiếu kết nối xã hội là nguyên nhân dẫn đến rối loạn ăn uống. Tình trạng này ngày càng trầm trọng khi thời kỳ giãn cách kéo dài.
Theo Verywell Health, đây là một dạng bệnh có nguồn gốc tâm lý, liên quan đến thói quen ăn uống bất thường với những nỗi lo lắng về vóc dáng, hình ảnh cơ thể.
Người mắc bệnh này thường có sự thay đổi liên tục về cân nặng, hay chóng mặt, mệt mỏi, ngủ không ngon, cảm thấy mất kiểm soát về thực phẩm và nhiều biểu hiện khác.
Điều này tác động không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nhận diện vấn đề
Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ với hàng triệu người trên thế giới. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2021 cho thấy căng thẳng, lo âu, trầm cảm, khó khăn tài chính là những lý do gây ra rối loạn ăn uống.
Trong thời gian giãn cách xã hội, tình trạng này có xu hướng gia tăng khi nhiều người dùng thức ăn để lấp đầy khoảng trống trong thói quen sinh hoạt hàng ngày. Họ xem đó là một cơ chế để đối phó với sức ép của dịch bệnh.
Tại Anh, Mỹ, đường dây nóng gọi đến các trung tâm hỗ trợ gần như quá tải vì số người mắc chứng biếng ăn hoặc ăn uống thiếu kiểm soát tăng lên nhanh chóng. Không ít trường hợp trong số đó nói rằng các triệu chứng ngày càng tồi tệ hơn khi virus SARS-CoV-2 lan rộng.
Ngoài ra, sự khan hiếm và tích trữ hàng hóa, lương thực cũng góp phần gây ra tình trạng này.
Claire Mysko, giám đốc điều hành của Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia (NEDA) tại Mỹ, nói rằng chứng bệnh này có tỷ lệ tử vong cao thứ hai trong số các chẩn đoán tâm thần, chỉ xếp sau rối loạn sử dụng opioid.
“Những người tham gia nghiên cứu của chúng tôi cho biết họ lo ngại các triệu chứng sẽ nặng hơn vì thiếu liệu pháp điều trị, sự hỗ trợ từ xã hội và sống trong một môi trường căng thẳng”, Mysko nói với NPR.
Giải pháp
Đầu tiên, hãy xây dựng lại mối quan hệ lành mạnh với thực phẩm. Không bỏ qua các bữa chính và đồ ăn nhẹ thông thường. Rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến tất cả hệ thống thể chất của cơ thể. Việc suy dinh dưỡng sẽ khiến chúng ta dễ mắc thêm một số bệnh khác.
Bạn nên lập kế hoạch ăn uống đều đặn, tích hợp chế độ dinh dưỡng một cách hợp lý và cố gắng thực hiện theo. Nếu cảm thấy khó khăn trong việc tuân thủ lịch trình, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của người thân.
Tùy theo thể trạng của bản thân, hãy tính toán lượng thực phẩm nạp vào theo ngày và tuần để mua vừa đủ thức ăn. Nên chú ý đến hành vi ăn uống để hạn chế tình trạng mất kiểm soát khi dùng bữa.
Sarah Anzlovar, chuyên gia dinh dưỡng đến từ Boston (Mỹ), cho biết thói quen ăn uống có quan hệ mật thiết với sức khỏe tinh thần và môi trường sống. Ngoài nuôi dưỡng bản thân với nhiều loại thực phẩm, ngủ đủ giấc và thư giãn cũng có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tổng quát và tăng khả năng miễn dịch.
Việc hạn chế đi lại, tiếp xúc cộng đồng và ở nhà quá lâu sẽ dẫn đến tâm trạng lo âu, bồn chồn và khiến chúng ta ăn uống vô độ để khỏa lấp cảm giác thiếu thốn.
Để giảm thiểu tình trạng này, hãy nuôi dưỡng những cảm xúc và suy nghĩ tích cực để quản lý mức độ căng thẳng của bản thân.
Giấc ngủ cũng nên được chú trọng. Theo Anzlovar, thiếu ngủ sẽ dẫn đến sự gia tăng ghrelin – một loại hormone được sản xuất ở đường ruột hay còn gọi là “gây đói”. Bạn có thể thiền, nghe nhạc để thả lỏng đầu óc trước khi ngủ.
Vận động cơ thể cũng giúp giảm stress, đồng thời tăng cảm giác vui vẻ, giữ vững tinh thần. Thực hiện các động tác giãn cơ đơn giản, đi bộ với khoảng cách ngắn cũng là cách hay để đạt được hiệu quả mà không kích thích hành vi rối loạn.
Rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai và không phải tất cả đều có tình trạng giống nhau. Nếu các triệu chứng trầm trọng hơn, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn các liệu pháp phù hợp.
Nguồn: News.zing.vn