Nhiều năm nay, giải thưởng lớn nhất của ngành xuất bản không chỉ tôn vinh những cuốn sách có giá trị, mà còn là tiền đề giúp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Một trong những mục tiêu Giải thưởng Sách quốc gia (do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức) hướng đến là lựa chọn và trao giải cho những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí và lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng.
Đến nay, giải thưởng này sắp bước sang mùa thứ tư. Trong điều kiện dịch bệnh, nhiều đơn vị vẫn tham gia dự giải. Cụ thể, 284 tên sách và bộ sách (bao gồm 365 cuốn) của 47 nhà xuất bản đã gửi chấm giải, hứa hẹn đem lại nhiều kỳ vọng cho sứ mệnh lan tỏa tri thức, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.
Giải thưởng Sách quốc gia là dịp để tôn vinh những cuốn sách có giá trị, từ đó lan tỏa tri thức, thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Có nguồn gốc từ Giải thưởng Sách Việt Nam, bốn năm trở lại đây, Giải thưởng Sách quốc gia đã thực sự tạo nên tiếng vang không chỉ trong ngành xuất bản, mà còn lan rộng ra cả cộng đồng.
Theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, trong số tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia, bên cạnh những cuốn có giá trị hàm lượng học thuật, tư tưởng cao, phục vụ cho giới chuyên môn, cũng có nhiều ấn phẩm cung cấp kiến thức khoa học, văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng sống cho giới trẻ.
Vừa là người làm công tác phát triển văn hóa đọc, vừa là thành viên Hội đồng chấm giải mảng sách thiếu nhi, ông Lê Hoàng nhận thấy những cuốn sách ở mảng này sẽ hình thành trong độc giả trẻ tình yêu thương gia đình, quê hương, đất nước và thiên nhiên. Qua đó, các em biết trân quý hơn sức lao động, giá trị bình đẳng, công bằng xã hội.
“Nhiều cuốn sách đoạt giải góp phần định hướng nhận thức tình cảm của số đông bạn đọc. Chúng có số lượng độc giả phần lớn là thanh, thiếu niên. Đối tượng này sẽ giúp lan tỏa rộng hơn văn hóa đọc trong cộng đồng”, ông Lê Hoàng nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc Thái Hà Books, bên cạnh việc tôn vinh những cuốn sách có giá trị và người làm sách, nhiều năm nay, giải thưởng này còn gánh trên vai một trọng trách rất ý nghĩa, đó là lan tỏa văn hóa đọc.
“Đây là lần thứ tư giải thưởng này được tiến hành và tôi thấy các kênh truyền thông đang đưa tin rầm rộ. Trên trang mạng xã hội cũng tràn ngập tin tức và hình ảnh. Nhiều bạn đọc của chúng tôi nói rằng giải thưởng đã đánh thức họ dậy, khiến họ giật mình, quay lại đọc và quan tâm đến sách nhiều hơn”, bà Hương chia sẻ.
Tại lễ trao giải hàng năm, các cuốn sách được bày ở vị trí trang trọng. Điều này khiến tác giả, dịch giả, người hiệu đính, biên tập viên, họa sĩ và cả nhà in cũng cảm thấy tự hào. Sức hút ấy là chất xúc tác giúp bản thân người làm sách muốn tự lan tỏa, quảng bá sản phẩm của mình.
Một cuốn sách được gửi tham dự Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021. Ảnh: Việt Linh. |
Đưa sách đoạt giải đến gần bạn đọc hơn
“Không chỉ là dịp tôn vinh giá trị các cuốn sách tốt, Giải thưởng Sách quốc gia còn tạo nên hiệu ứng, sự quan tâm, chú ý của người đọc thông qua công luận”, ông Lê Hoàng nhận định.
Song, để các tác phẩm đoạt giải đến tay bạn đọc một cách rộng rãi, phải có sự vận động, chung tay của tác giả và đơn vị xuất bản. Cụ thể, cần tuyên truyền, quảng bá sách đoạt giải dưới hình thức giao lưu, bài viết và đẩy mạnh các kênh phát hành, làm cho người đọc hứng thú tìm đọc những tác phẩm đó.
“Có như vậy, những cuốn sách tốt mới đến rộng hơn với độc giả. Nếu chỉ dừng lại ở sự nổi tiếng thông qua giải thưởng mà không có những nỗ lực quảng bá thì tác phẩm sẽ khó lòng được công chúng đón nhận”, ông Lê Hoàng nói thêm.
Giải thưởng Sách quốc gia tạo nên hiệu ứng, sự quan tâm, chú ý của người đọc thông qua công luận.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam
TS Ngọc Minh – chủ dự án “Sách ơi, mở ra” – cho rằng xét về phía người đọc, những cuốn sách được trao giải góp phần định hướng văn hóa đọc, giúp độc giả sàng lọc “thế giới sách” để tiếp cận nhanh hơn những ấn phẩm thực sự có giá trị.
Ngành sách vốn mang đặc thù. Hơn nữa, không phải độc giả nào cũng có “gu” đọc giống nhau. Theo chủ dự án “Sách ơi, mở ra”, cần truyền thông tích cực hơn nữa những cuốn sách được trao giải.
“Truyền thông trước hết là công việc của nhà xuất bản, vì chính họ là người kinh doanh sản phẩm của tác giả. Sau đó là các cơ quan báo chí và tác giả. Chúng ta nên tổ chức các buổi giới thiệu sách đoạt giải ở trường học, tập trung hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên”, TS Ngọc Minh nêu quan điểm.
Mỗi loại sách cần có nhiều cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với người đọc. Chẳng hạn, sách thiên về học thuật, nên có những tọa đàm theo hình thức đối thoại, tranh biện với tác giả trong không gian các trường đại học, viện nghiên cứu. Những cuốn sách hướng tới đối tượng người trẻ có thể được quảng bá trên mạng xã hội. Sách tri thức phổ thông nên được chuyển một phần sang audio book…
TS Minh cho rằng thông qua các hoạt động quảng bá này, cần hình thành nên những không gian văn hóa đọc bởi “đó mới là con đường lâu dài, bền vững của việc phát triển văn hóa đọc và Giải thưởng Sách quốc gia mới có thể trở thành một sự kiện văn hóa có ý nghĩa”.
Một trong những hành động cụ thể đưa sách đoạt giải đến với công chúng rộng hơn là giới thiệu chúng tại các hội sách lớn trên thế giới, cũng như các phiên họp, hội nghị, tọa đàm của ngành xuất bản.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, bằng cách làm đó, từ khi có Giải thưởng Sách quốc gia, ngành công nghiệp xuất bản thế giới đã có sự quan tâm đến Việt Nam hơn. Họ nhìn ra rằng đây là một vùng đất tốt cho xuất bản.
Nguồn: News.zing.vn