Theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, người cầm bút khi nhận được giải thưởng, sẽ có thêm tinh thần để tập trung dịch, biên soạn và lao động văn chương.
Từ lâu, nhà văn Lê Phương Liên được độc giả biết đến là cây bút của truyện ngắn, ký và tiểu thuyết. Ở thể loại nào, ngòi bút của bà cũng luôn hướng tới thiếu nhi, đặc biệt là đời sống học đường.
Tháng tư vừa qua, bà cho ra mắt tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi, kể về cuộc đời của nữ sĩ tài hoa Đoàn Thị Điểm. Người đọc không khỏi ngạc nhiên trước ngã rẽ bất ngờ trong định hướng sáng tác của bà.
Chia sẻ với Zing về sự “thử sức” trong hướng đi mới này, nhà văn Lê Phương Liên nói: “Sau khi nhận được Giải thưởng Sách quốc gia cho cuốn Tranh truyện lịch sử Việt Nam năm 2019, niềm vui lớn ấy đã khiến tôi có thêm cảm hứng trong việc đi sâu vào khai thác các vấn đề liên quan lịch sử dân tộc. Tôi đã mạnh dạn hơn với mảng đề tài này và khẳng định khả năng cầm bút của mình”.
Nhà văn Lê Phương Liên (trái) tại lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khích lệ người cầm bút
Giải B của Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ hai trao cho nhiều cuốn sách có giá trị, trong đó có bộ Tranh truyện lịch sử Việt Nam gồm 10 tập (Nhà xuất bản Kim Đồng). Đây là kết quả lao động nghiêm túc giữa các họa sĩ và người viết lời, trong đó có nhà văn Lê Phương Liên.
“Sau nhiều năm, bộ sách này đoạt giải thưởng và nhanh chóng được công chúng yêu thích. Giải thưởng đã thu hút rất nhiều cây bút, là tiền đề để họ phát triển, nâng cao tinh thần sáng tác. Bản thân tôi đã dám thử hướng đi mới trong đề tài, hay như một số họa sĩ khác cũng tích cực thực hiện những bộ tranh truyện hơn”, nhà văn Lê Phương Liên bày tỏ.
Cũng trong lễ trao giải lần thứ hai, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh nhận được giải B với cuốn Một Điểm tinh hoa – Thơ văn Hồng Hà nữ sĩ (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam).
Giải thưởng Sách quốc gia đã thu hút rất nhiều cây bút, là tiền đề để họ phát triển, nâng cao tinh thần sáng tác.
Nhà văn Lê Phương Liên
“Bất kỳ lao động trong ngành nghề nào, khi nhận giải thưởng cũng đều cảm thấy như được khích lệ. Quá trình thực hiện cuốn sách này, tôi không nghĩ rằng mục đích là để tham gia dự giải. Tôi và những biên tập viên đơn vị xuất bản đã làm việc nghiêm túc để có được cuốn sách dày dặn, có tính thẩm mỹ. Thành quả được ghi nhận bằng một giải thưởng uy tín của toàn ngành, điều này khích lệ tôi rất nhiều”, PGS.TS Băng Thanh nói.
Tác giả của Một Điểm tinh hoa – Thơ văn Hồng Hà nữ sĩ cho rằng việc trao giải thưởng là điều nên làm đối với giới cầm bút. Cả cuộc đời nghiên cứu, viết lách không phải lúc nào cũng gặt hái thành công. Song, sự ghi nhận qua các giải thưởng sẽ ngay lập tức khích lệ tinh thần sáng tác, lao động nghiêm túc của giới của người cầm bút.
Đối với bản thân người làm nghiên cứu như bà, giải thưởng còn mang giá trị cổ vũ rất lớn: “Giải thưởng mang tính quốc gia này cho chúng ta thấy được sự hưởng ứng của đông đảo độc giả và người cầm bút. Sau khi nhận giải, tôi hăng say hơn trong công việc nghiên cứu, làm sách”.
Không chỉ vinh danh tác giả, Giải thưởng Sách quốc gia còn là dịp tôn vinh những dịch giả có tác phẩm dịch giàu giá trị. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nguồn động viên tới dịch giả
Nhiều người quan niệm rằng dịch giả là người nên đứng sau tác giả, nên khi Giải thưởng Sách quốc gia trao giải cho cả tác phẩm dịch, tôn vinh dịch giả, đối với bà Nguyễn Bích Lan (người đoạt giải C năm 2020 với cuốn Được học) là một điều đáng mừng.
Hơn một thập kỷ qua, tủ sách Khoa học & Khám phá được duy trì và phát triển từ những viên gạch nền móng đầu tiên của GS Nguyễn Văn Liễn, TS Vũ Công Lập và dịch giả Phạm Văn Thiều. Trong đó, nhà vật lý, dịch giả Phạm Văn Thiều đã tiên phong đưa những cuốn sách tinh hoa, phổ biến kiến thức khoa học từ thế giới về Việt Nam. Nổi bật trong số đó là cuốn sách lớn nhất của Stephen Hawking – Lược sử thời gian (ông dịch cùng Cao Chi).
Năm 2019, cuốn sách Vũ trụ toàn ảnh (Nhà xuất bản Trẻ) do ông chuyển ngữ giành được giải C – Giải thưởng Sách quốc gia. Trao đổi với Zing, ông Thiều cho biết những năm qua, các cuốn sách dịch ít được giải thưởng. Sách về mảng khoa học tự nhiên lại càng hiếm. Vũ trụ toàn ảnh là cuốn sách khó.
“Khi nhận được giải thưởng này, chúng tôi rất phấn khởi. Đây là nguồn động viên lớn giúp chúng tôi tiếp tục sự nghiệp dịch thuật của mình”, ông Thiều nói.
Theo ông, giải thưởng là sự khích lệ về cả mặt tinh thần và vật chất. Buổi lễ trao giải diễn ra rất long trọng, bài bản, mang đúng nghĩa một giải thưởng mang tầm quốc gia.
“Từ giải thưởng đó, đội ngũ dịch thuật chúng tôi luôn cố gắng trong công việc của mình để chuyển ngữ những ấn phẩm có giá trị hơn nữa. Mong một ngày nào đó lại có cơ hội nhận được giải thưởng cao quý này”, dịch giả Phạm Văn Thiều bày tỏ.
Nguồn: News.zing.vn