Giải thưởng Sách quốc gia tôn vinh những tác giả thầm lặng

0
26

Những cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu mang giá trị lý luận, thực tiễn cao nhưng ít được biết đến. Giải thưởng Sách quốc gia đã tôn vinh các tác giả, công trình chuyên biệt ấy.

Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ hai (năm 2019) đã trao giải A cho hai bộ sách Động vật chíThực vật chí. Hai bộ sách là công trình của nhóm tác giả Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Mỗi bộ sách là tài liệu nghiên cứu và tra cứu cơ bản về hệ động, thực vật Việt Nam, được xem như tài liệu khoa học chính thống trong nghiên cứu và giảng dạy, phục vụ cho mục tiêu khai thác hợp lý, bảo vệ nguồn lợi sinh vật của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Khắc Khôi – cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Việt Nam – cho biết ông và các đồng nghiệp đã lặn lội mười năm, lên rừng, xuống biển đi thực địa để nghiên cứu các loại động, thực vật. Kết quả của hơn mười năm ấy được đưa vào bộ sách đồ sộ có chất lượng nội dung khoa học cao, tính ứng dụng và giá trị thực tiễn lớn.

Giống PGS.TS Nguyễn Khắc Khôi, những nhà khoa học, nghiên cứu đã chắt lọc tâm huyết, trí tuệ của mình để đưa vào các cuốn sách có giá trị lý luận, ứng dụng thực tế. Công việc của họ chưa được đông đảo công chúng biết tới do tính chất chuyên môn sâu của lĩnh vực nghiên cứu. Việc Giải thưởng Sách quốc gia tôn vinh những công trình khoa học là sự khích lệ với những tác giả thầm lặng nghiên cứu chuyên sâu.

Năm nay, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư cũng tôn vinh những công trình, những tác giả như vậy.

Cong trinh nghien cuu gia tri anh 1

Sách Triệu chứng học nội khoa. Ảnh: Việt Linh.

Những công trình khoa học công nghệ có giá trị thực tiễn

Ở mảng sách khoa học tự nhiên và công nghệ, giải thưởng năm nay đề cử những cuốn về y học giàu giá trị thực tiễn.

Sách Triệu chứng học nội khoa (hai tập) do GS.TS Ngô Quý Châu (chủ biên). Tập thể biên soạn là những nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm trong giảng dạy và thực hành lâm sàng của chuyên ngành.

Sách cung cấp những hình ảnh lâm sàng, cận lâm sàng của các bệnh nội khoa cơ bản giúp người đọc dễ theo dõi, dễ học, dễ thực hành trong chẩn đoán bệnh. Công trình tổng hợp và khái quát hóa kiến thức cơ bản, cốt lõi của từng bệnh trong toàn bộ các bệnh nội khoa cơ bản hiện nay theo trình tự logic, khoa học.

Bộ sách cập nhật nội dung về nguyên tắc phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong thực hành khám chữa bệnh trong bối cảnh bệnh đường hô hấp SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn thế giới.

Bộ sách được coi là giáo trình về triệu chứng học nội khoa, đáp ứng nhu cầu chẩn đoán bệnh ở các vùng miền, nhất là ở tuyến y tế cơ sở, nơi còn thiếu nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe.

Một cuốn sách y học khác được đề cử tại giải thưởng năm nay là Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu. Sách do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, GS.TS Mai Trọng Khoa (đồng chủ biên).

Đây là cuốn sách đầu tiên ở nước ta về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu trên nhiều lĩnh vực: Cấp cứu nội khoa, một số bệnh ung thư thường gặp, điều trị ung thư ở người lớn và trẻ em, y học hạt nhân điều trị ung bướu. Sách được viết dưới dạng hướng dẫn, có tính thực hành dễ sử dụng.

Cuốn sách hữu ích với nhân viên y tế về ung thư học, y học hạt nhân và một số chuyên ngành liên quan khác, được áp dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Công trình cũng giúp cho sinh viên sử dụng trong học tập, nghiên cứu, giúp giảng viên sử dụng để hướng dẫn thực hành lâm sàng.

Cong trinh nghien cuu gia tri anh 2

Sách Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu. Ảnh: Việt Linh.

Các công trình khoa học xã hội và nhân văn

Bên cạnh sách y học, các công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cung cấp nhiều tri thức văn hóa, xã hội tới bạn đọc.

Năm 2016, thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ hàng chục năm trước, Maurice Durand, một học giả nước ngoài, đã đi thực địa, nghiên cứu và viết công trình Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam. Sách được xuất bản tiếng Pháp năm 1959. Tuy vậy, người Pháp ít quan tâm tới lĩnh vực này, trong khi đó không nhiều nhà nghiên cứu Việt tiếp cận được bằng tiếng Pháp.

Bởi vậy, khi sách được TS Nguyễn Thị Hiệp dịch, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, Viện Viễn Đông Bác cổ, dự án châu Âu – Vietnamica xuất bản tiếng Việt, công trình có ý nghĩa lớn với cả giới nghiên cứu lẫn tín đồ đạo Mẫu.

Sách cung cấp thông tin về điện thờ, nhân vật thờ, thanh đồng, các bài chầu văn, ảnh chụp những buổi hầu đồng ở nhà riêng hoặc ở đền phủ vào những năm 40-50 của thế kỷ 20.

Với bộ sách này, giới nghiên cứu có thể khai thác khía cạnh lịch sử tôn giáo, nghi lễ, văn bản (chầu văn bằng chữ Nôm)… tín ngưỡng thờ Mẫu. Bạn đọc phổ thông hiểu nguồn gốc sâu xa của hiện tượng hầu đồng và có thể sẽ thay đổi cách nhìn về hoạt động này. Với tín đồ đạo Mẫu và tầng lớp thanh đồng, cuốn sách cung cấp thông tin về cách thức, nghi lễ của hoạt động hầu đồng truyền thống.

Công trình nghiên cứu Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu của tác giả Trịnh Khắc Mạnh (chủ biên), Dương Văn Hoàn cho thấy cái nhìn toàn cảnh về hệ thống Văn Miếu và ý nghĩa trong đời sống văn hóa, xã hội.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Văn Miếu ở Việt Nam được xuất bản. Song Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu là cuốn sách chuyên khảo đầu tiên có tính bao quát về hệ thống Văn Miếu ở Việt Nam.

Các tác giả làm rõ vấn đề mang tính lý luận về khái niệm “Văn Miếu”, so sánh với một số nước ở Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Trong khi trình bày về hệ thống Văn Miếu, các tác giả cho rằng văn hóa Việt Nam được hình thành dựa trên những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong chiều dài lịch sử cùng sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn