Giám đốc CDC Mỹ tại VN đánh giá cao mô hình “tháp 4 tầng” mà TP.HCM sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng ông nhấn mạnh chưa thể biết trước diễn biến những tuần sắp tới.
TP.HCM triển khai nâng cấp hệ thống điều trị Covid-19 từ mô hình tháp 3 tầng lên 4 tầng: Tầng 1 gồm 30.000 giường điều trị sẽ theo dõi F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tầng 2 chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng, với 2.500 giường.
Tầng 3 được dành để điều trị F0 có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm nặng, nguy kịch. Tầng 4 dành cho bệnh nhân nặng, nguy kịch với 1.200 giường hồi sức.
Bác sĩ Eric Dziuban, giám đốc Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Việt Nam, nhận định mô hình này mang tính “đột phá”, vì nó cho phép tập trung nguồn lực y tế cho những người cần chăm sóc nhất, song song với cách ly những người mà tình trạng bệnh không nghiêm trọng bằng.
“Mỗi quốc gia đều có giới hạn nhất định về nguồn lực y tế và chỉ nên dùng chúng ở nơi cần thiết. Hệ thống cách ly phân cấp như vậy là một cách rất tốt để áp dụng nguyên tắc này”, ông Dziuban trả lời Zing.
Mô hình điều trị “tháp 4 tầng” được TP.HCM đưa ra trong bối cảnh thành phố vẫn đang là tâm dịch của cả nước với số ca mắc mỗi ngày ở mức cao, vào khoảng 1.000 ca những ngày gần đây.
Nhiều ca mắc ở TP.HCM xảy ra trong cộng đồng nhưng không rõ nguồn gốc. Số ca mắc tại thành phố trong giai đoạn này chiếm hơn 40% tổng số ca nhiễm của Việt Nam.
Ngày 14/7, Việt Nam ghi nhận 2.924 ca mắc mới, trong đó số ca nhiễm ở TP.HCM là 2.229, chiếm hơn 75% cả nước.
Đồ họa: Lê Ý. |
Khó dự đoán diễn biến dịch
Sự xuất hiện và lây lan rộng của biến chủng Delta gây ra làn sóng dịch mới ở nhiều nước với những diễn biến khó lường.
Nhiều phương pháp chống dịch từng thành công ở một số nơi, nay đang bộc lộ hạn chế trước biến chủng. Hàng phòng ngự của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ từng được coi là hình mẫu chống dịch lần lượt bị xuyên thủng.
Bác sĩ Eric Dziuban, giám đốc Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Việt Nam. Ảnh: Twitter/Đại sứ quán Mỹ tại Namibia. |
Trước đợt bùng dịch hồi tháng 5, Covid-19 như không tồn tại đối với người dân trên đảo Đài Loan (Trung Quốc) trong hơn một năm, nhờ kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.
Ngày 15/5, hòn đảo ghi nhận 180 ca mắc mới trong cộng đồng, gấp 6 lần so với ngày hôm trước.
Chưa đầy 2 tuần, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở đây lập đỉnh với 597 trường hợp được ghi nhận ngày 28/5, theo Our World in Data.
Ông Dziuban cho biết bản thân khó dự đoán làn sóng Covid-19 hiện tại ở Việt Nam đã gần chạm đỉnh hay chưa. “Chúng ta chưa thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra tại TP.HCM trong những tuần tiếp theo. Nhiều thành phố trên khắp thế giới đã đạt đỉnh cao hơn nhiều so với con số hiện tại của TP.HCM”.
“Đó là lý do tại sao những biện pháp chống lây nhiễm mạnh mẽ đang được áp dụng (tại TP.HCM) lại quan trọng đến vậy, trong lúc nhà chức trách nỗ lực tìm thêm vaccine cho người dân thành phố”, vị giám đốc CDC Mỹ nói.
Theo báo cáo tuần 5-11/7 của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đa số người mắc Covid-19 trong giai đoạn này thuộc nhóm tuổi 20-39.
Trước việc này, bác sĩ Dziuban nhận định rằng sự lây lan Covid-19 như trên không thể nói là do sự bất cẩn của bất cứ nhóm người nào.
“Số ca mắc trong độ tuổi thanh niên tới là do nhiều yếu tố kết hợp, trong đó bao gồm khả năng họ có mặt ở những nơi tổ chức xét nghiệm nhiều nhất, chẳng hạn như một số nơi làm việc nào đó”, ông Dziuban nói.
Cách ly F0 tại nhà: Nguyên tắc là cách ly tuyệt đối với người nhà
Tuy đối mặt nhiều áp lực, diễn biến dịch hiện nay vẫn có một số điểm khả quan. “Đại đa số người dương tính Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nên chăm sóc y tế có thể ưu tiên cho những người bệnh nặng nhất”, theo bác sĩ Dziuban.
Theo Bộ Y tế, khoảng hơn 80% bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Thậm chí, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Trong bối cảnh số lượng F0 vẫn có xu hướng tăng, TP.HCM sẽ cần khoảng 1.500 bác sĩ cùng 5.500 điều dưỡng và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị theo 2 đợt.
Lực lượng nhân sự hỗ trợ dự kiến được bố trí tham gia công tác chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện dã chiến, điều trị Covid-19. Họ cũng tham gia điều trị cho F0 có triệu chứng, ca bệnh nặng, nguy kịch tại các cơ sở y tế chuyên sâu.
Theo ông Dziuban, năng lực điều trị tại TP.HCM chưa đến ngưỡng giới hạn. Ảnh: Duy Hiệu. |
Không thể chủ quan ngay cả với ca bệnh nhẹ
Nhận định về năng lực điều trị của TP.HCM, theo quan sát của ông Dziuban, TP.HCM chưa chạm đến ngưỡng giới hạn.
“Kế hoạch của thành phố sẽ cho phép những người có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được chữa trị tại các bệnh viện dã chiến – nơi không cần chăm sóc y tế cao độ nhưng vẫn có thể duy trì cách ly”, ông nói.
Ngay cả với những người bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng, việc theo dõi sức khỏe liên tục vẫn là điều quan trọng. Bác sĩ Dziuban nhấn mạnh “đôi lúc tình trạng bệnh nhân có thể xấu đi rất nhanh”.
“Mọi người nên mau chóng tới gặp bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng, không nên đợi tới khi bệnh trở nặng, vì lúc ấy khả năng hoàn toàn bình phục sẽ thấp hơn”, ông nói.
Trước mắt, TP.HCM đưa ra nhiều biện pháp chống dịch để ứng phó với tình hình thực tiễn. Ngày 13/7, TP.HCM chính thức triển khai cách ly một số nhóm F1 tại nhà để giảm tải cho hệ thống y tế.
“Chi tiết của kế hoạch thí điểm này nhằm đảm bảo quá trình tự cách ly tại nhà có thể diễn ra an toàn. Chính vì thế, việc người cách ly tuân thủ hướng dẫn và cách xa người cùng nhà là rất quan trọng”, ông Dziuban nhận định.
Cùng ngày 13/7, TP.HCM thí điểm cách ly tại nhà với 2 nhóm F0: Thứ nhất là người không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện nhưng xét nghiệm PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp).
Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.
TP.HCM thí điểm triển khai cách ly tại nhà với một số F0 và F1. Ảnh: Duy Hiệu. |
Về chương trình thí điểm với F0, bác sĩ Dziuban cũng chỉ ra rằng điểm then chốt là cần tìm cách để tách biệt người bệnh với người sống cùng nhà để tránh khả năng lây lan.
Khi được hỏi về việc liệu Việt Nam có nên cho người dân mua bộ kit xét nghiệm nhanh để tự xét nghiệm ở nhà hay không, ông Dziuban cho rằng việc quyết định nằm ở cơ quan y tế.
“Mọi phương pháp xét nghiệm sẽ cần phải cân nhắc tới chiến thuật phát hiện ca mắc của cả nước và chỉ nên được dùng khi phù hợp”, ông Dziuban nói.
Bác sĩ Dziuban cũng đánh giá cao khả năng phân phối vaccine của Việt Nam.
“Việt Nam đã làm tốt khi có thể nhanh chóng phân phối số lượng vaccine nhận được để không lãng phí thời gian. Chúng tôi mong đợi Việt Nam tiếp tục phát huy điều này khi tiếp nhận thêm nhiều lô vaccine trong tương lai”, ông nhận định.
“Chúng tôi ủng hộ việc chích ngừa Covid-19 cho càng nhiều người Việt Nam càng tốt. Thật là tuyệt khi được chứng kiến vaccine đang được chuyển Việt Nam nhiều hơn, như lô vaccine 2 triệu liều Moderna ngày 10/7 vừa qua”, bác sĩ Dziuban nói.
Nguồn: News.zing.vn