Giám đốc Moderna: Vaccine ít hiệu quả trước Omicron như với Delta

0
Giám đốc Moderna: Vaccine ít hiệu quả trước Omicron như với Delta

Giám đốc điều hành của Moderna cho biết hiệu quả của vaccine đối với chủng Omicron thấp hơn so với chủng Delta và các nhà sản xuất vaccine đang nghiên cứu cải tiến vaccine hiện có.

Trả lời phỏng vấn với Financial Times, Giám đốc điều hành của Moderna Stéphane Bancel dự đoán rằng các loại vaccine hiện có trên thị trường sẽ có hiệu quả thấp hơn nhiều trong việc phòng ngừa chủng Omicron so với các chủng virus SARS-CoV-2 trước đó. Ông cảnh báo rằng các công ty dược phẩm sẽ mất nhiều tháng để có thể sản xuất vaccine quy mô lớn cho loại biến chủng mới này.

Vì chủng Omicron có số lượng lớn đột biến trên protein gai – thành phần giúp virus bám chắc vào tế bào người – cùng với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng này ở Nam Phi, ông Bancel cho biết kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vaccine sẽ phải được điều chỉnh vào năm sau, theo Financial Times.

Vaccine kem hieu qua truoc chung Omicron anh 1

Stéphane Bancel cho biết sẽ mất vài tháng để có thể sản xuất vaccine quy mô lớn để ngăn chặn biến chủng Omicron. Ảnh: Finacial Times.

Hiệu quả vaccine phòng ngừa chủng Omicron chưa rõ

“Theo tôi, hiệu quả của vaccine hiện nay đối với biến chủng mới không thể nào đạt mức độ tương đương so với chủng Delta”, Bancel chia sẻ. “Tôi nghĩ sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến sự sụt giảm thấy rõ (về độ hiệu quả – PV). Tôi không biết sẽ tiêu tốn bao nhiêu vì chưa đủ dữ liệu. Nhưng khi trao đổi cùng các nhà khoa học, họ đều nói rằng tình hình trước mắt không hề khả quan”.

Trong khi đó, hôm 29/11, Scott Gottlieb – Giám đốc của Pfizer và là cựu ủy viên của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, chia sẻ với CNBC: “Chúng tôi tương đối tự tin rằng khi được tiêm ít nhất ba liều, bệnh nhân sẽ được bảo vệ khá tốt để chống lại biến chủng này”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chủng Omicron là “tác nhân gây lo ngại, không phải lý do để hoảng loạn”. Ông nói thêm rằng các chuyên gia y tế của chính phủ “tin rằng vaccine vẫn có tác dụng bảo vệ chống lại các ca bệnh nghiêm trọng”.

Theo văn bản đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến chủng Omicron có số đột biến cao “chưa có tiền lệ” trên gai protein. Tuy nhiên, WHO tuyên bố một cách thận trọng rằng cho đến nay các đánh giá vẫn chỉ dựa trên dữ liệu hạn chế.

“Hiện chưa có thông tin cho thấy các triệu chứng của các ca bệnh do biến chủng Omicron khác với những triệu chứng liên quan đến các biến chủng khác”, WHO cho biết.

Sẽ cần một vài tuần nữa để các nhà khoa học có đánh giá cụ thể hơn về mức độ lây nhiễm, độc lực cũng như khả năng kháng vaccine của biến chủng Omicron.

Các loại vaccine hiện có đều được nghiên cứu tập trung trên protein gai để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể chống lại Covid-19. Tuy nhiên, ông Bancel cho biết các nhà khoa học lo ngại bởi vì 32 trong số 50 đột biến trong biến chủng mới nằm trên protein gai. Ông cho biết thêm hầu hết chuyên gia đều nghĩ rằng một biến chủng có mức đột biến cao như vậy sẽ không xuất hiện trong ít nhất một hoặc hai năm nữa.

Moderna và Pfizer được chọn để trở thành nhà cung cấp vaccine bởi hầu hết nước phát triển do hiệu quả cao của các liều tiêm dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA).

Vào tháng 8, Moderna công bố những người được tiêm hai liều có thể “duy trì kháng thể trong suốt sáu tháng, bao gồm chống lại các biến chủng đáng lo ngại như Delta”. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy vaccine của công ty này có hiệu quả thấp hơn trong việc ngăn chặn sự bùng phát của Delta so với các chủng trước đó.

Một nghiên cứu của Đại học Stanford về đợt bùng phát dịch bệnh Delta tại một nhà tù ở California được công bố vào tháng trước cho thấy rằng liều vaccine Moderna có hiệu quả phòng ngừa nhiễm bệnh là 56,6%. Các nhà nghiên cứu cho biết con số này thấp hơn đáng kể so với hiệu quả của nó trong các nghiên cứu được thực hiện trước khi xuất hiện chủng Delta.

Moderna và Pfizer đang nghiên cứu vaccine mới

Moderna và Pfizer hiện nghiên cứu các loại vaccine mới để ngăn chặn biến chủng Omicron và WHO cho biết việc này có “rủi ro rất cao”.

Vaccine kem hieu qua truoc chung Omicron anh 2

Một người đàn ông được tiêm liều vaccine Moderna ở Madrid hôm 29/11. Ảnh: AP.

Giám đốc điều hành Moderna nói: “Moderna và Pfizer không thể sản xuất hơn 1 tỷ liều trong tuần tới. Nhưng liệu chúng tôi có thể sản xuất hàng tỷ liều trước mùa hè năm sau? Đây là điều chắc chắn”. Ông dự đoán rằng Moderna có thể sản xuất 2-3 tỷ liều vào năm 2022. Tuy nhiên, ông cho biết việc chuyển toàn bộ nguồn lực sản xuất của Moderna để nhắm vào mục tiêu là biến chủng Omicron vào thời điểm các biến thể khác vẫn đang được lưu hành sẽ mang lại nhiều rủi ro.

Nhiều người cáo buộc các nhà sản xuất vaccine không sản xuất đủ để hỗ trợ chương trình tiêm chủng ở các nước đang phát triển như Nam Phi. Theo Đại học Johns Hopkins, Nam Phi là khu vực chỉ một phần tư dân số được tiêm phòng đầy đủ.

“Đó không phải là quyết định của Moderna, mà là quyết định của chính phủ Mỹ”, giám đốc điều hành Moderna nói.

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết

Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021

Ca nhiễm

Hôm nay

Tỉnh Hôm nay Tổng số ca

Nguồn: News.zing.vn