Giảng viên ở TP.HCM dạy online tại bếp ăn từ thiện

0
92

Khi nhiều người đang tất bật nấu nướng, các thầy cô còn lại ôm máy tính lên lớp với sinh viên. Công việc này lặp lại hơn 2 tháng nay với các giảng viên của ĐH Nguyễn Tất Thành.

Anh Phạm Phúc Lợi, nhiếp ảnh gia thời trang, đồng thời là giảng viên doanh nghiệp của khoa Du lịch – Việt Nam học, ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), cho biết dự định ban đầu thành lập bếp ăn dã chiến ngay tại trường là để cung cấp thực phẩm cho những sinh viên đang mắc kẹt tại TP.HCM.

Nhưng dần dần nhận thấy các bệnh nhân, bác sĩ tuyến đầu cũng cần được hỗ trợ, nhóm giảng viên ĐH Nguyễn Tất Thành tăng năng suất, cung cấp hàng trăm suất ăn đến bệnh viện dã chiến.

Bep an tu thien anh 1

Giảng viên tranh thủ lên lớp ngay tại căn bếp. Ảnh: NVCC.

Nấu bếp nhưng phải đi nhẹ, nói khẽ

Bếp ăn thiện nguyện của Khoa Du lịch – Việt Nam học đã hoạt động được hơn 2 tháng, còn anh Phạm Phúc Lợi tham gia vào căn bếp được gần một tháng.

“Ban đầu, bếp hoạt động chỉ có 7 người. Thầy cô quen với con chữ, giáo án, nghiệp vụ chuyên môn. Việc đứng bếp nấu cả trăm phần ăn mỗi ngày rất áp lực, vất vả. Thấy việc làm ý nghĩa của mọi người, tôi đã xin tham gia và rủ thêm 7 thành viên của gia đình mình vào bếp. Từ đó, năng suất của bếp tăng lên khoảng 300 suất ăn/ngày”, anh Lợi kể.

Trong thời gian thành phố giãn cách, tình hình dịch bệnh phức tạp, để đảm bảo an toàn cho các thành viên, bếp phải hoạt động khép kín. Thầy, cô đem theo tư trang, chấp nhận xa gia đình, đóng quân sinh hoạt tại trường.

Bep an tu thien anh 2

Các giảng viên phải dậy từ 6h sáng để chuẩn bị nấu ăn. Ảnh: NVCC.

“Việc nấu ăn cho một gia đình đã không dễ dàng, 15 con người phải nấu 200-300 suất ăn mỗi ngày, trong suốt hơn 2 tháng qua rất vất vả. Nhưng các thầy cô chưa từng than vãn, ai cũng một lòng muốn góp sức mình giúp bệnh nhân, bác sĩ có những bữa ăn ngon, yên tâm điều trị”, giảng viên trẻ nói.

Để kịp chuyển cơm đến các bệnh viện vào cuối giờ chiều, các thành viên phải chuẩn bị từ 6h sáng, phân công người nấu cơm, chuẩn bị thức ăn, đóng hộp, giao cơm.

Từ sáng đến trưa, mọi người nấu nướng, chuẩn bị xong thức ăn. Buổi chiều là thời gian đóng hộp, giao cơm, dọn dẹp, vệ sinh bếp. Cuối giờ chiều, mọi người cùng chơi cầu lông, tập thể dục thể thao. Tối đến, các thành viên ngồi lại gọt rau, củ, sơ chế nguyên liệu, đóng gói nước tương, nước mắm cho sáng hôm sau.

Ngoài việc nấu bếp, các giảng viên đều phải đảm bảo công việc chính của mình là giảng dạy. Mỗi ngày, thầy cô phân công với nhau, ai có lịch dạy trực tuyến buổi sáng thì phụ bếp vào buổi chiều và ngược lại.

“Công việc nấu bếp tất bật nhưng mọi người đều nhắc nhau đi nhẹ, nói khẽ để thầy cô khác còn giảng dạy”, giảng viên trẻ nói.

Tinh thần tích cực giúp con người vượt qua bạo bệnh

Trong thời gian sinh hoạt, nấu bếp cùng với các thầy cô của trường, anh Lợi thường xuyên nghĩ ra những hoạt động vui chơi, gắn kết tình cảm mọi người như cùng nghe đài, tâm sự đêm khuya. Anh cũng nghĩ ra việc in sẵn lời chúc, động viên mọi người lạc qua, mau khỏe, mạnh mẽ vượt qua khó khăn trên những hộp cơm.

Nhận được phản hồi tích cực từ bệnh nhân và các y bác sĩ, anh nảy ra ý định tự tay viết những thông điệp vui tươi, dí dỏm hơn lên hộp cơm.

Buổi trưa, mọi người có khoảng 45 phút nghỉ ngơi. Tranh thủ thời gian này, anh Lợi ngồi viết từng dòng chữ lên hộp. Anh chế lại những câu ca dao, câu nói “trend” sao cho hài hước, vui tươi: “Thương nhau mấy núi cũng đèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng giao cơm”; “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm san sẻ tháng ngày Cô – Vy”, “Người nấu chưa có gấu, người ăn còn độc thân, hẹn nhau hết dịch…”.

“Mỗi ngày phát 300 phần cơm, tôi viết khoảng 30 hộp, chia vào từng túi lớn. Mỗi túi 20 phần, trong đó có ít nhất hai hộp có lời chúc. Nhiều người thích thú, mong tăng thêm số hộp cơm có lời chúc dí dỏm nhưng thời gian không cho phép nên tôi cũng khá tiếc”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Chứng kiến quá nhiều đau thương, mất mát của thành phố trong dịch bệnh tàn khốc, anh Lợi luôn suy nghĩ làm sao để tạo năng lượng tích cực, chia sẻ yêu thương đến mọi người. Anh tâm niệm của cho không bằng cách cho, chỉ cần gửi gắm thêm một chút quan tâm chân thành cũng đã là nguồn động viên rất lớn với những người đang hàng ngày chống chọi với bệnh tật.

“Khi nhận những thông điệp trên hộp cơm, nhiều bệnh nhân, bác sỹ đã nhắn lời cảm ơn rất xúc động. Tôi nhận ra tinh thần tích cực có thể giúp con người vực dậy ý chí chiến đấu, góp phần vượt qua bạo bệnh”, anh Lợi cho hay.

Khi thành phố nới lỏng giãn cách, bữa ăn của các bệnh viện dã chiến được đảm bảo, những đầu bếp bất đắc dĩ của Khoa Du lịch – Việt Nam học sẽ về nhà, nghỉ ngơi một thời gian. Các thầy cô dự định quay lại bếp làm những phần lương khô gửi đến sinh viên.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn