‘Giáo dục đại học Việt Nam chưa thoát khỏi ngưỡng thấp của thế giới’

0
47

“Gần đây, một số trường được đưa vào top bảng xếp hạng nhưng về cơ bản, giáo dục đại học nước ta vẫn chưa thoát khỏi ngưỡng thấp của giáo dục thế giới”, TS Lê Đông Phương cho hay.

Tại hội thảo Giáo dục Việt Nam 2011-2020 diễn ra vào ngày 14/7, GS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đánh giá 10 năm qua, nước ta làm được nhiều việc như đẩy mạnh tự chủ đại học, kiểm định chất lượng.

Điều đó thể hiện qua việc Việt Nam có trường lọt vào các bảng xếp hạng uy tín của QS, Times Higher Education. Hiệu suất công bố quốc tế tăng mạnh.

“Tuy nhiên, nhìn chung, các kết quả này vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực như Trung quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, cả về các trường đại học lọt vào bảng xếp hạng lẫn năng lực nghiên cứu”, GS.TS Lê Anh Vinh đánh giá.

Giao duc dai hoc chua thoat khoi nguong thap anh 1

GS.TS Lê Anh Vinh tại hội thảo Giáo dục Việt Nam 2011-2020. Ảnh: N.S.

Giáo dục đại học tụt hậu nhiều

Đây cũng là nhận định của TS Lê Đông Phương, người có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, khi báo cáo về giáo dục đại học tại hội thảo.

Ông Phương cho rằng chất lượng giáo dục đại học còn nhiều vấn đề cần bàn thảo. Giáo dục đại học nói chung có sự tăng trưởng đáng kể nhưng so với các nước xung quanh, còn tụt hậu nhiều. Chất lượng giáo dục đại học và nghiên cứu của các trường có tiến bộ nhất định nhưng chưa đạt mức mong muốn.

Theo ông Đông Phương, căn cứ xếp hạng toàn cầu như thước đo gián tiếp chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Song điều đáng buồn, nước ta vẫn đứng phía dưới của các bảng xếp hạng.

“Gần đây, một số trường được đưa vào top bảng xếp hạng nhưng về cơ bản, giáo dục đại học nước ta vẫn chưa thoát khỏi ngưỡng thấp của giáo dục thế giới”, TS Lê Đông Phương cho hay.

Ở khía cạnh nghiên cứu trong trường đại học, chỉ số xuất bản quốc tế của Việt Nam tăng nhiều nhưng vẫn đứng cuối ở hầu hết chỉ số so với nước khác.

Ở một góc độ nào đó, việc làm của sinh viên cũng phản ánh chất lượng giáo dục đại học. Ông Phương đánh giá nước ta có bức tranh việc làm tốt đẹp, tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn, sinh viên được đặt vào vị trí việc làm đòi hỏi kỹ năng, kiến thức mà họ được đào tạo, cao hơn các người lao động có trình độ dưới.

Sinh viên tốt nghiệp đại học không xuất hiện nhiều ở vị trí việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp. Điều này phản ánh giáo dục đại học dần dần đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

“Tuy vậy, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cho rằng có khoảng cách giữa đào tạo và việc làm, còn nhiều điều cần cải thiện”, ông Phương nói.

Trong khi đó, khi nói về nhận diện giáo dục đại học Việt Nam, GS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, đánh giá năng suất lao động nước ta rất thấp và trách nhiệm lớn nhất thuộc về giáo dục đại học.

Ông cũng nói giáo dục đại học nước ta được ví như “vị thành niên, ai nói gì nói theo nấy”.

Giao duc dai hoc chua thoat khoi nguong thap anh 2

GS Nguyễn Hữu Đức đánh giá giáo dục đại học còn loay hoay, quan tâm đến đầu vào tuyển sinh rất nặng nề. Ảnh minh họa: Nam Anh.

Các vấn đề của giáo dục đại học

Đương nhiên, giáo dục đại học nước ta 10 năm qua cũng có những điểm sáng. Theo TS Lê Anh Vinh, giáo dục đại học Việt Nam được đánh giá có hiệu quả đầu tư cao. Dù vẫn còn nhiều vấn đề như câu chuyện đào tạo thích ứng với nhu cầu thị rường, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ hoàn vốn của giáo dục đại học đạt 15%, con số ở mức cao trên thế giới.

“Nó khẳng định chất lượng giá trị của bằng đại học và bằng đại học vẫn rất cần thiết”, ông Vinh nhận định.

TS Lê Đông Phương báo cáo thêm mức thu nhập của người có trình độ đại học dẫn đầu, ngay cả mức dưới của đại học vẫn cao hơn người có trình độ khác. Ông cho rằng điều này phản ánh đầu tư của người dân vào giáo dục đại học mang lại hiệu quả nhất định.

Song ông Phương thừa nhận giáo dục đại học nước ta vẫn còn nhiều vấn đề như tỷ lệ người học đại học thấp hơn so với các nước trong khu vực, chênh lệch giữa nhóm dân tộc đa số và thiểu số hay giữa các nhóm có thu nhập khác nhau.

Bên cạnh đó, ông đánh giá việc quản lý còn phân mảnh, không có hệ thống thông tin quan lý thống nhất. Bộ GD&ĐT chỉ trực tiếp quản lý 40 trường. Khoảng 200 trường khác thuộc quản lý của các bộ khác, địa phương, hai đại học quốc gia.

Trong khi đó, GS Nguyễn Hữu Đức đánh giá giáo dục đại học còn loay hoay, quan tâm đến đầu vào tuyển sinh rất nặng nề mà không tuân theo nguyên lý là cứ học hết cấp này được học lên cấp khác.

Theo ông, nước ta có một số đại học nghiên cứu nhưng còn nằm ở giai đoạn đầu tiên – quan tâm đến số bài báo quốc tế – chứ chưa bước đến các giai đoạn sau.

Tương tự, giáo dục đại học chưa có văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệm, mới chỉ dạy kiến thức để biết, “như một bồ sách còn làm sao biến nghiên cứu thành sở hữu trí tuệ, thành của cải cho xã hội thì còn rất thiếu”.

TS Lê Đông Phương cũng lo ngại về chương trình đào tạo. Theo ông, hiện tại, sự tham gia của doanh nghiệp, các bên khác của xã hội vào phát triển chương trình giáo dục đại học vẫn còn thiếu.

Các trường đại học, cơ quan quản lý hay Bộ GD&ĐT chưa có hệ thống thông tin về thị trường lao động thích hợp để cung cấp thông tin cho sinh viên sau tốt nghiệp về cơ hội việc làm và thông tin phản hồi về khả năng thích ứng của sinh viên với công việc.

TS Lê Đông Phương nhận định đây là điểm yếu lớn nhất của cả thị trường lao động và giáo dục đại học vì không biết thực chất, sinh viên đang làm gì.

Ông cũng cho rằng phương thức giảng dạy truyền thống đang thống trị giáo dục đại học Việt Nam. Chúng ta cố gắng chuyển từ truyền đạt kiến thức sang học qua thực hành, nghiên cứu nhưng chưa đạt mục đích mong muốn.

Trong khoảng 20 năm gần đây, Việt Nam bắt đầu “quốc tế hóa” chương trình giảng dạy, bắt đầu với chương trình tiên tiến, “nhập khẩu” chương trình từ các đại học được xếp hạng 200 trường hàng đầu thế giới. Nhưng theo ông Phương, các trường mang được chương trình nước ngoài về nhưng chưa mang được văn hóa đào tạo về nên chưa có kết quả như kỳ vọng.

Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, lo ngại khi 10 năm qua, hệ thống giáo dục công lập vẫn là trụ côt. Số lượng sinh viên ngoài công lập chỉ ở mức 5%, thấp hơn so với nhiều nước. Hệ thống ngoài công lập gần như không phát triển.

Ông cũng băn khoăn khi hệ thống giáo dục đại học chủ yếu sử dụng tiếng Việt để giảng dạy – trở ngại rất lớn trong việc tận dụng nguồn tri thức từ các nước, sự hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng. Tiếng Anh kém là một trong những yếu tố ảnh hưởng chất lượng đầu ra.

Ông cho rằng khi các trường vẫn coi tiếng Anh như một môn học, chắc chắn không bao giờ, tiếng Anh trở thành công cụ, dẫn đến 10 năm qua, nước ta không giải quyết được vấn đề dù có nhiều chương trình liên quan đến ngoại ngữ.

Học phí và câu chuyện tự chủ

Bên cạnh đó, theo TS Lê Đông Phương, đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học còn hạn chế, tính tỷ lệ theo GDP, Việt Nam gần như ở mức thấp nhất thế giới. Đầu tư của xã hội, đặc biệt là người học, tăng nhưng chưa đạt mức kỳ vọng.

“Tỷ lệ đầu tư của Nhà nước giảm, học phí tăng, ở mức độ nào đó, giáo dục đại học đang trở gánh nặng cho những gia đình không có điều kiện kinh tế”, TS Lê Đông Phương nói.

Ông nói thêm Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người yếu thế thông qua miễn giảm học phí nhưng tỷ lệ này trong 10 năm qua ko thay đổi nhiều, loanh quanh 7-8%. Tín hiệu tích cực là Chính phủ đã hỗ trợ giáo dục đại học thông qua các dự án.

Tài chính cũng là mối bận tâm của TS Lê Trường Tùng. Với xu hướng tự chủ, các trường công tự túc kinh phí hoạt động, dẫn đến tình trạng các trường hoạt động chủ yếu dựa trên học phí của người học. Điều này khác với trường ở các nước như Australia, Anh, Mỹ khi học phí chỉ chiếm một nửa, nửa còn lại đến từ ngân sách Nhà nước, tài trợ, đóng góp xã hội.

Theo quy định mới, mỗi giảng viên dành ít nhất 30% thời gian để nghiên cứu khoa học. Ông Tùng đặt câu hỏi kinh phí nghiên cứu lấy từ đâu.

“Việc lấy học phí của sinh viên để chi cho hoạt động nghiên cứu của giảng viên là không hợp lý nhưng đại học nước ta đang làm như vậy. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều khi còn cạnh tranh với trường nước ngoài, mô hình hoạt động trên học phí của người học là hệ lụy, ảnh hưởng lâu dài”, ông Tùng nêu quan điểm.

Trong khi đó, GS Nguyễn Hữu Đức cho rằng giáo dục đại học đã bước sang giai đoạn 3, tức không quan tâm bao nhiêu sinh viên tốt nghiếp có việc làm mà là bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp sẽ tạo được việc làm cho mình và bạn bè. Về khoa học, vấn đề chủ chốt không phải đếm bao nhiêu bài báo mà có hàng hóa hóa được tri thức đó không.

“Thách thức của giáo dục đại học Việt Nam là làm thế nào để khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh. Không ai thực hiện được việc sánh vai với cường quốc mà không làm gì cả. Các trường cứ tuyển sinh với tăng học phí thật nhiều, có người học nhưng không đổi mới thì làm sao đến năm 2045, nước ta thành nước có thu nhập cao, bình quân 12.000 USD/người”, GS Nguyễn Hữu Đức trăn trở.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn