Gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng

0
Gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng

VTV.vn – Để gìn giữ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, cộng đồng các dân tộc đang nỗ lực để bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản này.

Cách đây 20 năm, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Để gìn giữ nét văn hóa này, cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên đang nỗ lực để bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản.

Hàng tuần, các bạn trẻ ở tại ngôi làng dưới chân núi LangBiang lại được học về cồng chiêng. Một lớp học bình dân nhưng được duy trì thường xuyên. Với những người trẻ như Jun Guy, những buổi truyền dạy như thế này rất bổ ích. Bởi nó giúp anh hiểu hơn về nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình.

Gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng - Ảnh 1.

Theo Jun Guy (Thị trấn LangBiang, Lạc Dương, Lâm Đồng), anh học chiêng bắt đầu từ học về cấu tạo, học về cách đánh, học về ý nghĩa của cồng chiêng. Cồng chiêng đối với Guy và nhiều bạn trẻ thú vị ở chỗ, đây là di sản, là vật có thể kết nối đến buôn làng và thần linh.

Giai đoạn 2021 – 2025, từ nguồn vốn của dự án 6, thuộc chương trình MTQG Phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Lâm Đồng đã dành hơn 20 tỷ đồng cho công tác bảo tồn, truyền dạy cồng chiêng. Qua đó đã có 23 lớp truyền dạy được tổ chức, 72 bộ cồng chiêng được cấp cho các địa phương. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập 102 đội cồng chiêng, nhiều nhất khu vực Tây Nguyên.

Ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, thông qua cồng chiêng đã có hơn 3.000 lượt nghệ nhân trẻ được đào tạo, hơn 100 bộ trang phục được trao tặng. Đây là cách thức truyền cảm hứng và lan tỏa giá trị. Lâm Đồng đã được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo âm nhạc thế giới cũng bắt đầu từ việc mình gìn giữ được các giá trị của văn hóa dân gian, đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.

Sau 20 năm được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã đi vào đời sống của người dân và trở thành sản phẩm du lịch khác biệt của vùng đất cao nguyên.

Nguồn: Vtv