Giới khoa học gấp rút chạy đua phân tích biến chủng Omicron

0
Giới khoa học gấp rút chạy đua phân tích biến chủng Omicron

Một số loại thuốc sử dụng công nghệ kháng thể được xác nhận mất hiệu quả trước biến chủng Omicron, trong khi giới khoa học cho biết cần nhiều thời gian để hiểu rõ biến chủng mới.

Với những thông tin ban đầu về biến chủng Omicron, giới chức nhiều quốc gia nhanh chóng báo động trước khả năng lây lan của chủng virus mới. Phản ứng quyết liệt vừa qua trái ngược hoàn toàn với cách nhiều quốc gia ứng phó với các chủng virus trước đây – kể cả Delta, theo Wall Street Journal.

Cần thời gian để hiểu rõ biến chủng Omicron

Hàng chục quốc gia đã nhanh chóng cấm nhập cảnh với người đến từ miền Nam châu Phi. Quan chức các nước cho biết hạn chế di chuyển là biện pháp “câu giờ” trong lúc giới khoa học nghiên cứu và chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh do biến chủng Omicron gây ra.

Một số chuyên gia y tế nhận định quyết định cấm nhập cảnh, dù đưa ra gần như ngay sau khi thông tin biến chủng Omicron được công bố, cũng đã muộn và vẫn có những lỗ hổng để virus xâm nhập.

“Các biện pháp cấm di chuyển sẽ không thể ngăn biến chủng lây lan trên phạm vi toàn cầu, thay vào đó tạo ra gánh nặng cho cuộc sống của người dân”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hôm 30/11.

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để hiểu rõ hơn về Omicron. Các ca nhiễm biến chủng mới được xác định đầu tiên ở Nam Phi, thuộc về một mẫu bệnh phẩm lấy ngày 9/11.

bien chung omicron anh 1

Số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh ở Nam Phi. Ảnh: Reuters.

Biến chủng mới với hơn 50 đột biến bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà khoa học từ tuần trước. Dựa trên những quan sát ban đầu, các chuyên gia y tế cho biết vẫn chưa có đủ thời gian để Omicron mở rộng phạm vi lây lan, hoặc gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng nhất cho những người đã nhiễm virus.

“Tìm hiểu về biến chủng mới sẽ là một quá trình lâu dài”, Richard Lessells, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm nghiên cứu KwaZulu-​Natal của Nam Phi, cho biết.

Hôm 30/11, Nam Phi ghi nhận 4.373 ca mắc Covid-19, tăng gấp 20 lần so với 9/11 – ngày các nhà khoa học bắt đầu chú ý tới ca mắc biến chủng mới.

Salim Abdool Karim, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Nam Phi, cho biết số ca mắc Covid-19 mỗi ngày có thể sớm lên tới 10.000.

Trong 4.373 ca dương tính Covid-19 hôm 30/11, hơn 3.140 ca được ghi nhận ở tỉnh Gauteng, nơi các chuyên gia ước tính biến chủng Omicron là thủ phạm của 90% ca mắc Covid-19 mỗi ngày.

Làn sóng ca mắc tăng nhanh cũng đang được ghi nhận ở một số tỉnh khác.

Trong vòng 2 tuần qua, số ca Covid-19 diễn tiến nặng phải nhập viện cũng gia tăng đáng lo ngại, dù hiện tượng này cũng từng xảy ra khi các biến chủng trước đây bắt đầu xuất hiện.

Các bác sĩ cho biết hiện còn quá sớm để nhận định về mức độ tình trạng bệnh mà biến chủng Omicron gây ra, bởi thường cần từ 1-2 tuần sau khi nhiễm virus để các triệu chứng nặng bắt đầu phát triển.

Tại Nam Phi, một trong các dấu hiệu khiến các nhà khoa học lo ngại là số người từng mắc Covid-19 do biến chủng Delta tái nhiễm virus tăng cao bất thường.

Theo công ty bảo hiểm Discovery Health, khoảng 70% dân số Nam Phi đã từng mắc Covid-19. Khoảng 24% dân số đã chủng ngừa Covid-19 đầy đủ. Discovery Health cho biết chưa thể kết luận biến chủng Omicron làm tăng tỷ lệ tái nhiễm Covid-19 ở Nam Phi.

Lúc này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phối hợp chặt chẽ với Nam Phi để xác định các đặc tính của biến chủng Omicron.

“Khi số ca lây nhiễm thấp, rất khó để biết chính xác một loại biến chủng cụ thể có gây ra tình trạng bệnh nặng hay không”, bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế cao cấp của Tổng thống Biden, nói.

Một số thuốc trị Covid-19 bó tay trước Omicron

Các tập đoàn dược phẩm hiện tập trung nghiên cứu mức độ hiệu quả của các loại vaccine và thuốc điều trị Covid-19 đối với biến chủng mới. Pfizer và Moderna cho hay vaccine dành riêng cho biến chủng Omicron có thể được tung ra trong vài tháng tới nếu cần thiết.

Trong hơn 50 đột biến có trên Omicron, một số từng xuất hiện trên các biến thể khác, giúp làm tăng khả năng lây lan hoặc qua mặt hệ thống miễn dịch con người có được qua lây nhiễm tự nhiên hoặc tiêm chủng.

Các nhà khoa học cho biết cần có thêm các nghiên cứu để hiểu rõ những đột biến này tác động như thế nào tới khả năng lây nhiễm cũng như kháng vaccine, kháng thuốc của Omicron.

Ngay cả nếu khả năng qua mặt hệ miễn dịch con người của Omicron thực sự mạnh hơn các biến chủng trước đây, bác sĩ Fauci cho rằng tiêm mũi vaccine bổ sung tăng cường hệ miễn dịch vẫn phát huy hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong.

bien chung omicron anh 2

Thuốc trị Covid-19 bằng công nghệ kháng thể của Regeneron và Eli Lilly mất tác dụng trước biến chủng Omicron. Ảnh: Getty.

Hôm 29/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ra khuyến cáo kêu gọi tất cả người đủ 18 tuổi tiêm mũi vaccine bổ sung.

Trong một thông báo mới được công bố, hãng dược phẩm Regeneron xác nhận kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy phương pháp điều trị Covid-19 của hãng sử dụng hỗn hợp kháng thể mất hiệu quả trước Omicron.

Kết quả tương tự đối với thuốc trị Covid-19 của hãng dược phẩm Eli Lilly sau đó cũng được xác nhận.

Điều này đồng nghĩa ít nhất một số phương pháp điều trị Covid-19 tương đối phổ biến hiện nay sẽ cần được nâng cấp để đối phó với làn sóng bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron trong thời gian tới.

Trong khi đó, một số loại thuốc điều trị Covid-19 đang được nhà chức trách Mỹ xem xét của Pfizer và Merck có khả năng không bị ảnh hưởng trước biến chủng Omicron. Nguyên nhân bởi chúng không nhắm vào các bộ phận virus tập trung nhiều đột biến xuất hiện trên biến chủng mới, các nhà dịch tễ học cho hay.

“Dựa trên những gì đã biết về biến chủng Omicron, chúng tôi tin rằng thuốc molnupiravir sẽ phát huy hiệu quả”, Nick Kartsonis, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lâm sàng thuốc của Merck, cho biết.

Cập nhật tình hình Covid-19 (từ 29/4/2021)

Xem chi tiết

<!– Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021 –>

Ca nhiễm

Hôm nay

Tỉnh Hôm nay Tổng số ca

Nguồn: News.zing.vn