Biết đến dự án đường sắt trên cao từ lúc là học sinh cấp 2, Thanh Trúc vui mừng khi cuối cùng đã được bước chân lên tàu trải nghiệm sau nhiều năm chờ đợi.
Trái ngược với cảnh dòng người chen chúc, xếp hàng dài đợi lên tàu Cát Linh – Hà Đông cuối tuần trước, ga Cát Linh lúc 8h30 khá vắng vẻ, lác đác khách đến trải nghiệm trong ngày thứ 4 đi vào hoạt động.
Nhân ngày nắng đẹp, chị em Hoàng Anh (21 tuổi) và Vân Anh (18 tuổi) dậy từ 7h, đi xe máy từ nhà ở huyện Thanh Trì lên ga Cát Linh chơi.
Đến nơi, 2 cô gái thấy bất ngờ khi không phải chờ đợi lâu. Trên các khoang tàu, người cao tuổi, trung niên còn nhiều hơn giới trẻ.
“Từ vài hôm trước, mình háo hức khi thấy mọi người thi nhau check-in đi tàu trên cao. Mình biết đây là điểm đến đang hot vì 10 năm mới xây xong nhưng khi xem hình ảnh chật kín người ở ga, mình cũng sợ vì dịch bệnh còn phức tạp. Bởi vậy, mình chờ qua cuối tuần mới tới trải nghiệm để tránh tụ tập và chụp ảnh thoải mái hơn”, Hoàng Anh nói với Zing.
So với cuối tuần trước (ảnh trái), lượng người đi tàu Cát Linh – Hà Đông vào sáng 9/11 thưa thớt hơn hẳn. Ảnh: Hoàng Hà – Thiên Nhi. |
Lần đầu đi tàu trên cao, chị em Hoàng Anh ngồi trọn 12 ga để ngắm cảnh thành phố. Ở điểm cuối, họ xuống và tìm các góc để “sống ảo”.
“Mình thấy tàu ưu điểm là đi nhanh nhưng chắc chưa quen nên cảm giác hơi say. Từ nay, nếu cần đi chơi, chụp ảnh hay mang nhiều đồ đạc, mình sẽ chọn di chuyển bằng tàu vì tiện hơn xe máy. Lần tới, mình sẽ rủ thêm bạn bè đến check-in”, Vân Anh nói.
Giống Hoàng Anh và Vân Anh, nhiều bạn trẻ chọn trải nghiệm tàu trên cao Cát Linh – Hà Đông vào ngày trong tuần để tránh cảnh chen chúc, đồng thời tha hồ lựa góc chụp để có bức hình ưng ý.
Đeo 2 khẩu trang để đảm bảo an toàn
Tranh thủ buổi sáng không phải học online, Mai Lan và Đăng Dương (18 tuổi, ở huyện Thanh Oai) rủ nhau đi tàu trên cao. Dù nhà gần ga Yên Nghĩa nhất, đôi bạn vẫn chọn ga Cát Linh là điểm khởi đầu.
Di chuyển gần 1 tiếng, cộng thêm khoảng 15 phút để lấy vé và chờ tàu, hai người bắt đầu hành trình lúc 9h.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, Mai Lan đeo 2 khẩu trang và giữ khoảng cách với hành khách khác trên tàu.
“Trước khi đi, mình cũng xem review vì xuất hiện quá nhiều. Mình thấy đi tàu mới lạ, thích hơn đi xe buýt. Tuy nhiên, nếu đông thì cũng khá mệt. Hơi tiếc vì lộ trình không qua trường nên mình không thể chọn đây làm phương tiện đi học”, cô nói.
Mai Lan và Đăng Dương đánh giá đi tàu sắt trên cao mới lạ, thích hơn đi xe buýt. Ảnh: Thiên Nhi. |
Hào hứng, mong chờ là cảm giác chung của Khánh Huyền (21 tuổi, vlogger) và Thu Hòa (25 tuổi, thợ trang điểm) khi đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động.
Dậy từ 7h, hai cô gái trang điểm, diện đồ để có nhiều ảnh đẹp trong chuyến đi chơi. Trước khi vào ga Cát Linh, họ ghé quán cà phê gần đó mua đồ uống làm đạo cụ check-in “sống ảo”.
“Ban đầu, mình sợ tàu mùi, dễ say nhưng trải nghiệm rồi mới thấy không sao, người già, trẻ em đều đi được. Chọn đúng ngày không đông nên chị em mình thấy thoải mái, chụp được rất nhiều hình đẹp. Dù háo hức, mình không quên tuân thủ 5K vì tình hình dịch còn phức tạp”, Thu Hòa cho biết.
Do công việc tự do, phải di chuyển nhiều, thợ trang điểm 25 tuổi không thể dùng tàu điện làm phương tiện đi làm. Tuy nhiên, khi có dịp đi chơi, chụp hình, đây sẽ là lựa chọn đầu tiên của cô.
Thu Hòa và Khánh Huyền vui vì chụp được nhiều hình ưng ý khi lượng người đến ga không quá đông. Ảnh: Trà My. |
Bõ công chờ đợi
Với Trang và Hoàng (18 tuổi, sinh viên ĐH Đại Nam), tàu điện Cát Linh – Hà Đông là cái tên quen thuộc từ những ngày mới học lớp 1-2.
“Biết đến dự án từ khi mới khởi công nên mình rất háo hức muốn đi thử khi nghe thông tin tàu chạy chính thức”, Hoàng kể.
Ban đầu, đôi bạn lên kế hoạch đi vào cuối tuần đầu tiên mở cửa. Tuy nhiên, nhìn ảnh trên mạng thấy mọi người đổ xô tới đây, cả hai quyết định lùi thêm vài hôm cho vắng vẻ.
Sau khi đi hết một chiều, Trang nhận xét tàu chạy khá êm, thời gian đi từ đầu bến đến cuối bến nhanh hơn cô nghĩ.
Trang và Hoàng háo hức đi thử khi nghe thông tin tàu chạy chính thức sau nhiều năm chờ đợi. Ảnh: Trà My. |
“Mình chưa có cơ hội đi tàu trên cao ở nước ngoài bao giờ nên đây là lần đầu mình được ngắm khung cảnh nhà cửa, phố xá từ góc độ mới. Trải nghiệm lần này khá thú vị vì cảnh trên cao nhìn rất khác so với bình thường”, nữ sinh viên bày tỏ.
Cả Trang và Hoàng cho biết sẽ sử dụng tàu điện trên cao làm phương tiện đi học hàng ngày khi quay lại trường học.
“Cả hai cơ sở của trường mình đều nằm gần các ga tàu điện. Đi học bằng tàu cũng tiết kiệm thời gian đáng kể so với đi xe máy hay xe buýt”, Hoàng nói thêm.
Thanh Trúc (24 tuổi, nhân viên văn phòng) lần đầu biết đến dự án đường sắt trên cao khi đang là học sinh cấp 2.
“Trước kia, mình chỉ nhìn thấy tàu hay đường sắt trên cao từ dưới mặt đất, khi di chuyển bằng xe máy trên đường. Giờ, cuối cùng cũng được bước chân lên tàu, mình thấy bõ công chờ đợi suốt 10 năm qua”, cô nói.
Tranh thủ trời đẹp và vắng vẻ, nhiều người chụp hình cho nhau ở ga Yên Nghĩa. Ảnh: Thiên Nhi. |
Trúc cho hay dù tuyến đường của tàu điện không thuộc trục đường hay di chuyển, cô vẫn sẽ cân nhắc sử dụng phương tiện này thường xuyên hơn.
“Nhà mình nằm cách xa các địa điểm như Hà Đông, Văn Quán. Trước kia, khi phải tự chạy xe đến những khu vực đó, mình rất ngại vì sợ tắc đường, tốn xăng. Tàu điện giờ giúp mình có thể đi chơi quanh khu đó nhiều hơn”, Trúc nói.
Nguồn: News.zing.vn