Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số thời gian qua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao dân trí, giảm nghèo… trên địa bàn tỉnh.
Học sinh xã Tràng Lương (TX Đông Triều) mặc trang phục dân tộc vào các ngày thứ 2 hằng tuần và các ngày lễ lớn của đất nước.
Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương quán triệt, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác văn hóa đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thời kỳ mới. Từ đó, các địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật quần chúng mang tính cộng đồng, thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên tham gia, góp phần phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống…
Là xã miền núi có tới 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, xã Tràng Lương (TX Đông Triều) rất chú trọng, quan tâm công tác giữ gìn di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Xã xây dựng kế hoạch duy trì, phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật hát then, đàn tính, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Xã chủ động phối hợp với Trung tâm TT-VH thị xã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát then, đàn tính cho người dân trên địa bàn. Các lớp bồi dưỡng diễn ra trong không khí sôi nổi, háo hức, nhận được sự ủng hộ của người dân. Tham gia lớp học, các học viên được nghệ nhân hát then, đàn tính của tỉnh truyền dạy những kỹ năng cơ bản về nghệ thuật đàn tính, hát then lời cổ, lời mới.
Đồng thời, để khôi phục nét văn hóa đặc sắc này, Tràng Lương đã thành lập CLB Hát then, đàn tính với sự tham gia của 70 học viên là người dân trên địa bàn xã. Ông Trần Văn Khánh, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Từ khi CLB được thành lập đã vận động được những người cao tuổi, người trung niên, học sinh trên địa bàn tham gia tập luyện. Cố định, CLB sinh hoạt 2 buổi vào ngày 15 và 30 hằng tháng. Những ngày trong tuần, nếu sắp xếp được thời gian, bà con vẫn có thể tham gia sinh hoạt thêm tại Nhà văn hóa thôn Trung Lương. Với mục đích duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của địa phương, CLB tiếp tục là cầu nối mang hát then, đàn tính đến với đông đảo tầng lớp nhân dân.
Theo ông Tạ Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Tràng Lương: Việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là rất cần thiết, nên từ năm học 2018-2019, các trường mầm non, tiểu học, THCS ở Tràng Lương đã sử dụng trang phục dân tộc làm đồng phục học sinh; là một trong điểm nhấn tạo bản sắc riêng của học sinh xã. Cùng với đó là đưa nghệ thuật hát then, đàn tính của dân tộc Tày, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu vào các hoạt động của xã, làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Qua đó, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bảo tồn, phát huy những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống đã tồn tại từ lâu đời.
Quảng bá ẩm thực của người Dao Thanh Y (xã Thượng Yên Công) tại chợ Cảnh, TP Uông Bí.
Hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, TP Uông Bí cũng là địa phương chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; điển hình là bảo tồn văn hóa của dân tộc người Dao Thanh Y ở xã Thượng Yên Công. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã dành gần 100 triệu đồng phục vụ công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào người Dao Thanh Y. Thực hiện dự án bảo tồn, truyền dạy nghề thêu thổ cẩm thủ công, hát múa dân ca dân vũ và ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao. Hoạt động này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo bà con, góp phần quảng bá những nét đẹp của nghề thêu dân tộc, cũng như là một nét đặc sắc để thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của các ngành, các cấp chính quyền trong tỉnh, hầu hết những di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, như phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật dân gian, nghề thủ công truyền thống…được bảo tồn và ngày càng phát huy giá trị, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Vân Anh
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn