![Giữ nghề bánh tráng trăm năm Giữ nghề bánh tráng trăm năm](https://dulichmuonphuong.net/wp-content/uploads/2025/02/banh-45115543816441824968587-39026439035494161540600-768x403.png)
VTV.vn – Bánh tráng, bánh phồng từ lâu đã trở thành loại quà bánh quen thuộc, thân thương đối với người dân miền Tây.
Cuộc sống ngày càng phát triển, nhưng những loại bánh dân dã này vẫn tồn tại, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả. Có thể, vì nghề làm bánh tráng truyền thống dễ làm, cũng có thể vì người dân cố gắng giữ nghề đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Ông Nguyễn Thanh Tùng (Xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã ngoài 70 tuổi, nhưng đã có trên 50 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng tại quê hương. Ông cũng như nhiều bà con khác luôn tự hào vì là người dân “làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng” nổi tiếng trứ danh, nhưng cũng trải qua không ít những thăng trầm.
Năm nào cũng vậy, đến Tết, bánh tráng đều lên giá, nhưng năm nay lợi nhuận không cao do nguyên liệu lên cao. Giống như nhiều nghề truyền thống khác, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng cũng đứng trước nhiều thử thách, khó khăn. Hiện nay, số hộ còn làm bánh đã giảm khoảng 50 -60% so với trước, chỉ còn khoảng hơn 200 hộ. Tuy nhiên, với những người trót yêu nghề thì vẫn nặng tình với chiếc bánh đã tồn tại trên vùng đất này trong suốt 100 năm qua.
Nghề này thức khuya, canh bánh, muốn ra cái bánh cũng mất đến 2-3 ngày… Từ bột gạo, nước cốt dừa, mè, đường, sữa, trứng gà… qua bàn tay khéo léo của những người thợ đã làm ra nhiều loại bánh tráng với hương vị thơm ngon, béo, xốp đặc trưng được nhiều người tiêu dùng yêu thích.
Để nâng cao chất lượng bánh tráng Mỹ Lồng và đảm bảo nguồn cung nhiều hộ sản xuất đã chuyển sang dùng máy tráng bánh. Mỗi năm, làng nghề sản xuất khoảng 120.000 thiên bánh tráng các loại cho thị trường.
Bánh quê bình dị đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong và ngoài nước… Ngoài việc đa dạng sản phẩm, tìm được đầu ra thì gắn với du lịch cũng là hướng đi hiệu quả được nhiều bà con tại đây lan tỏa.
Nguồn: Vtv