Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, các lực lượng tuyến đầu đều bày tỏ quyết tâm và giữ vững tinh thần đoàn kết dân tộc để chiến thắng đại dịch.
“Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết; toàn dân tộc muôn người như một” là nội dung xuyên suốt được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm trong Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Đây là lần thứ hai, người đứng đầu Đảng có lời kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương chống dịch.
Giữa những ngày đại dịch căng thẳng, các lực lượng ở tuyến đầu đều cho rằng lời kêu gọi của Tổng bí thư không chỉ hiệu triệu toàn dân chung tay chống dịch mà còn là sự khích lệ lớn, động viên lực lượng ở “tiền tuyến” vượt lên mọi khó khăn.
“Sự cố gắng hết mình ngày hôm nay, tôi ý thức rằng không chỉ dành riêng cho bản thân, cho gia đình mà còn vì tổ quốc”, đại úy Bùi Đức Minh, Chốt trưởng chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội), chia sẻ.
Sẵn sàng lên đường tới tâm dịch
Bước qua đợt giãn cách thứ 2 (theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng), cửa ngõ phía nam Hà Nội có phần trầm lắng hơn trước. Tiếng còi inh ỏi từ dòng xe ùn ứ được thay bằng bằng đôi lời chào hỏi chớp nhoáng của lực lượng tại chốt kiểm soát với cánh tài xế chở hàng đã được cấp chứng nhận luồng xanh vận tải.
Đại úy Bùi Đức Minh, Chốt trưởng chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội). Ảnh: Phạm Thắng. |
“Đỡ vất vả hơn trước nhưng vẫn phải cẩn trọng”, đại úy Bùi Đức Minh nói. Anh cho biết Hà Nội bắt đầu cách ly toàn xã hội từ 24/7, tuy nhiên trước đó 10 ngày, TP đã lập 22 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ để kiểm soát người và phương tiện, phục vụ chống dịch.
Chừng ấy thời gian cắm chốt, đại úy CSGT cho rằng không quá dài nhưng anh có nhiều câu chuyện để nói về đồng đội và các lực lượng khác như y tế, quân đội…
Những ngày mưa tối trời do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão, gió, mưa khiến chiếc lều dã chiến như muốn bung ra. Những hôm nắng nóng đỉnh điểm, hơi nóng từ lều bạt, từ mặt đường nhựa bốc lên khiến cán bộ tư pháp huyện ngồi tổng hợp hàng nghìn tờ khai y tế phải đứng lên hong khô người liên tục bởi sợ mồ hơi rơi xuống làm ướt giấy, nhòe chữ.
“Đó chỉ là thử thách mà chúng tôi cần vượt qua. Còn những khó khăn, vất vả nhất, tôi nghĩ rằng nên để chia sẻ về lực lượng đang ngày đêm chiến đấu tại tâm dịch, các y, bác sĩ, điều dưỡng đang từng giờ, từng phút giành giật mạng sống cho các bệnh nhân”, nam đại úy CSGT nói.
Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên (Phó chánh văn phòng, Phó ban chỉ đạo phòng, chống Covid -19 Bộ Công an) cho biết toàn lực lượng công an luôn sẵn sàng ở mức cao hơn một cấp độ dịch, với tinh thần “mỗi cán bộ chiến sĩ công an là một chiến sĩ tiên phong tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, mỗi đơn vị, tổ chức trong công an là pháo đài vững chắc, không bị lây nhiễm dịch Covid-19”.
Với tinh thần đoàn kết dân tộc, “muôn người như một” được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm trong Lời kêu gọi về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, 100 cán bộ y tế thuộc các bệnh viện của Bộ Công an; hàng trăm lượt cán bộ, y bác sĩ thuộc các bệnh viện, bệnh xá của công an các tỉnh, thành phố; hơn 2.000 chiến sĩ CSCĐ, sinh viên các trường công an nhân dân được tăng cường hỗ trợ Công an TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Đại tá Hồng Nguyên cũng cho biết phần đông cán bộ, chiến sĩ đã gác lại công việc gia đình, thường trực bám chốt không kể ngày đêm, thời tiết để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa đảm bảo an ninh, trật tự trên các địa bàn.
Ngay giữa những ngày chống dịch cam go vừa qua, thượng úy Phan Tấn Tài (Công an quận 6, TP.HCM) và trung uý Nguyễn Văn Chiến (Công an huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ trên tuyến đầu.
“Có thể thấy, càng trong những lúc dịch bệnh, khó khăn, tinh thần đoàn kết dân tộc của người Việt Nam càng tỏa sáng. Lực lượng công an cả nước sẽ tuân thủ nguyên tắc ‘thượng tôn pháp luật, kỷ luật nghiêm minh’ trong tất cả khâu chống dịch; vận động, lan tỏa tới quần chúng nhân dân để đồng sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất”, đại tá Nguyễn Hồng Nguyên nói.
“TP.HCM cần được hồi phục để tiếp tục nuôi dưỡng cho câu chuyện của những người trẻ tiếp theo”
Gần 3 tháng tháng nay, kể từ lúc dịch bệnh tái bùng phát tại TP.HCM, nhóm thiện nguyện của Lê Quang Long vẫn miệt mài hỗ trợ những suất ăn và vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ cho người vô gia cư ở thành phố.
Chàng trai sinh năm 1993 với vóc người nhỏ nhắn, mồ hôi ướt đẫm dưới tấm đồ bảo hộ, hàng ngày miệt mài cùng lực lược chức năng đi tới khắp các con hẻm tại Bình Tân, Nhà Bè, quận 10, Gò Vấp… để mang hàng nghìn suất quà, đồ ăn tới các địa điểm phong tỏa.
“Bọn mình đều không sinh ra ở TP.HCM, nhưng mang ơn mảnh đất này khi vào đời. Giờ là cơ hội để đóng góp. Biết là không dễ dàng, nhưng vì không dễ mới cần phải cố”, Long chia sẻ.
Từ những ngày đầu của cuộc hành trình, Long hay nói với các bạn trong nhóm rằng ngoài sức trẻ, họ không hề có thêm một sự miễn dịch siêu phàm nào khác. Nhớ không khí náo nhiệt đầy sức sống của Sài Gòn và để cảm giác đó sớm được trở về, Long và nhóm luôn tự nhủ phải làm tốt trách nhiệm trong những ngày này.
Hoạt động hỗ trợ của Lê Quang Long và nhóm bạn. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trước lời kêu gọi chống dịch của người lãnh đạo Đảng về tinh thần đoàn kết dân tộc trong đại dịch, Long cho biết anh và những người trong nhóm như thấy rõ ý nghĩa những việc mình làm và càng có thêm động lực và quyết tâm cao hơn.
“Nhóm sẽ cố gắng cho đến khi nào dịch bệnh ổn định hoặc khi sức khỏe không cho phép nữa mới thôi. Thời nào cũng vậy, tuổi trẻ là tuyến đầu mà xã hội luôn đặt kỳ vọng cao nhất. Sài Gòn là thành phố mà mình trót yêu, mà đã yêu là nguyện ý, không vì cái gì mà mặc cả hay đòi hỏi. TP cần sớm được hồi phục để tiếp tục cỗ vũ và nuôi dưỡng cho những câu chuyện của những người trẻ tiếp theo tại nơi này”, Long chia sẻ.
Ở đầu kia đất nước những ngày đầu tháng 8, nhiều bạn trẻ hàng ngày cùng các lực lượng vận chuyển nhu yếu phẩm để “tiếp tế” cho người dân phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – nơi đang bị phong tỏa.
“Lấy hộ em nốt con gà cho kịp chuyến này, nhà họ còn thắp hương mùng 1”, Nguyễn Quỳnh Anh (sinh năm 2006, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) vừa nói vừa đưa nốt túi hàng lên xe. Đã nhiều ngày nay, sáng nào cô gái 15 tuổi cũng tất bật từ sớm. Mỗi người một tay, họ còn được chính quyền huy động cả xe điện chuyên phục vụ khách du lịch quanh hồ Gươm để vận chuyển đồ từ chốt kiểm soát vào cho 22.000 người dân sống trong khu phong tỏa.
Công việc có phần vất vả dưới cái nóng kỷ lục của tháng 8 nhưng ai nấy cũng hào hứng. Quỳnh Anh cho biết cô đã kết thúc năm học nên dành thời gian để giúp đỡ những người xung quanh mình.
“Ở đây đa phần là các cô chú lao động hoàn cảnh khó khăn, lại không có chợ. Em cảm thấy tự hào và có ích hơn khi mình giúp đỡ được nhiều người như thế”, cô gái 15 tuổi nói.
Cô gái trẻ tham gia vận chuyển hàng hỗ trợ cho người dân phường Chương Dương. Ảnh: Phạm Thắng. |
Có mặt tại khu phong tỏa đều đặn vào sáng và chiều, ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn bộ lãnh đạo và nhân dân Hoàn Kiếm đều coi chống dịch như chống giặc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với phương châm 4 tại chỗ.
“Từ nhân dân tới Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh đều tình nguyện tham gia thực hiện chống dịch tùy theo khả năng và nhiệm vụ cho phép. Chúng tôi sẽ biến quyết tâm thành hành động, từ hành động sẽ tác động đến nhận thức để toàn bộ nhân dân quận Hoàn Kiếm cùng đồng lòng vượt qua đại dịch”, ông Quân nói.
Sức mạnh của sự đồng lòng
Kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát cuối tháng 5, TP.HCM có trung bình trên 4.000 ca mắc mỗi ngày. Tức là, nếu mỗi ngày thành phố xây được một bệnh viện điều trị Covid-19 cỡ 6.000 giường như tại Thủ Thiêm, cơ sở này sẽ lập tức bị lấp đầy sau chưa đầy 2 ngày. Đầu tàu kinh tế đứng trước nhiều thách thức khi trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước.
Có mặt tại tổ hợp bệnh viện dã chiến thu dung F0 ở TP Thủ Đức, phóng viên chứng kiến các y bác sĩ và tình nguyện viên đã trải qua một tháng tiếp nhận và điều trị khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân mắc Covid-19. PGS.TS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kiêm Tổng phụ trách Đoàn cán bộ tăng cường cho Bệnh viện dã chiến số 8, nhận định việc phụ trách một bệnh viện dã chiến với 5.000 giường là rất vất vả cho các nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện và cho cả người bệnh.
Để vượt qua khó khăn, lãnh đạo bệnh viện nhận định tinh thần “đồng lòng” như lời kêu gọi của Tổng bí thư là rất đúng đắn và cần thiết.
“Nếu mình phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi người thì quá tốt. Nhưng phải có người chỉ huy giỏi, dám xông vào tuyến đầu, dám đi cùng anh em thì mới làm được”, bác sĩ Quế chia sẻ.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông nhận định điều quan trọng nhất để đạt được sự đồng lòng là phải có người tổ chức thực hiện hiệu quả.
PGS.TS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kiêm Tổng phụ trách Đoàn cán bộ tăng cường cho Bệnh viện dã chiến số 8. Ảnh: Ngọc Tân. |
Bác sĩ Quế nhận định tinh thần chung sức của các lực lượng phải được đặt đúng chỗ, người nào việc nấy. Bác sĩ giỏi bố trí ở nơi bệnh nhân nặng, bác sĩ ít kinh nghiệm hơn lo bệnh nhân nhẹ, điều dưỡng lo chăm sóc bệnh nhân. Bộ đội công nhân lo đảm bảo hậu cần, vệ sinh… Đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 9.560 bệnh nhân với gần 6.000 người đã được điều trị khỏi và ra viện.
“Tôi luôn dặn nhân viên của mình phải giữ sức khỏe, không được cố quá. Một nhân viên y tế của tôi bị kiệt sức thì 100 bệnh nhân bị thiệt thòi vì không có người chăm sóc”, người phụ trách bệnh viện phân tích.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn người gom rác, ông đã lên từng phòng, vận động bệnh nhân giữ vệ sinh, xả rác ít lại. Ông dẫn chứng câu chuyện một bệnh nhân 16 tuổi và một ông cụ xung phong đi gom rác cho bệnh viện.
“Tôi cám ơn tinh thần của ông cụ nhưng bảo ông lớn tuổi rồi nên phải nghỉ ngơi. Cháu thiếu niên có sức khỏe và nhiệt tình nên tôi cho tham gia. Cháu được phát khẩu trang N95 và găng tay bảo hộ để làm công việc tình nguyện của mình. Tôi dặn cháu chỉ được phép làm đủ sức, mệt phải nghỉ”, bác sĩ Quế kể.
Tro cốt của người mất vì Covid-19 được quân đội đưa về tận nhà. Ảnh: Chí Hùng. |
Còn theo đại tá Phạm Văn Tuyến, Phó cục trưởng Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), những ngày qua bộ đội vận tải luôn nêu cao tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong việc vận chuyển vaccine, trang thiết bị y tế và hàng hóa nông sản phục vụ TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Thời gian qua, các kíp xe của quân khu 7 đã vận chuyển hàng triệu liều vaccine từ sân bay Tân Sơn Nhất về các kho chứa và điểm tiêm chủng trên địa bàn quân khu. Quân đội cũng trực tiếp tham gia vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân trong các vùng cách ly, phong tỏa.
“Khó khăn thì rất nhiều, các đơn vị đều đang gồng mình. Tuy nhiên, với tinh thần dập dịch nhanh nhất, chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”, đại tá Tuyến chia sẻ.
Nguồn: News.zing.vn