Đọc “Trộm”, độc giả cảm nhận được mọi góc khuất của tuổi thiếu niên cận trưởng thành, để rồi từ đó, hồi tưởng lại chính tuổi trẻ của mình.
Với lối viết truyện chồng truyện, tác phẩm Trộm (hay Lời thú tội của chiếc gai) của tác giả Kim Ryeo Ryeong lột tả thực trạng đa chiều trong xã hội Hàn Quốc thông qua việc xây dựng câu chuyện cuộc đời của 4 nhân vật: Hae-il, Ji-ran, Jin-oh và Da-yeong.
Các nhân vật có ngã rẽ khác nhau, nhưng đều mang trong lòng nỗi tổn thương nhất định. Hành trình 4 vết thương lòng được xoa dịu bởi niềm yêu thương chân thành từ cha mẹ, từ những bữa cơm ấp cúng và cả sự thấu hiểu của những đứa trẻ lạc lõng trong truyện tạo nên sự hấp dẫn với người đọc.
Truyện Trộm (hay Lời thú tội của chiếc gai) của tác giả Hàn Quốc Kim Ryeo Ryeong. Ảnh: NXB Phụ nữ. |
Cấy gai
Tiêu đề cuốn sách lột tả đúng nội dung cốt truyện, hay nói cách khác, thói quen của nhân vật chính Hae-il. Cậu bé có tật ăn trộm vặt, nhưng không phải vì ham tiền, túng thiếu, mà đơn giản, cậu sở hữu đôi bàn tay “linh hoạt đến không ngờ”, không nghe theo sự chỉ đạo của bộ não.
Câu chuyện được đẩy lên cao trào hơn khi Hae-il trộm chiếc kim từ điển của một cô bạn trong lớp, lấy tiền để ấp và nuôi hai chú gà con. Những tò mò nhen nhóm xung quanh câu chuyện nuôi gà của cậu bé đã kéo cả đám bạn 4 người lại với nhau và bộc bạch những nỗi lòng riêng.
Tác giả xây dựng 4 nhân vật với những hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau. Cô cậu nào trong truyện cũng mang trong lòng một, hai, thậm chí là rất nhiều “chiếc gai”; phần lớn trong số những “chiếc gai” đó do tổn thương gia đình và môi trường sống xung quanh gây ra.
Hae-il có tật ăn trộm vặt từ năm lên 7. Cậu bé ý thức đó là hành vi không tốt nhưng lại mất kiểm soát vì tâm lý luôn muốn thó một món đồ mọi lúc mọi nơi. Cũng vì thế, lòng Hae-il càng lúc càng nặng nề, không thể tâm sự với ai vấn đề của mình.
Ji-ran là đứa trẻ bị giằng xé giữa cha ruột và dượng. Bố mẹ ly hôn, Ji-ran sớm mang trong mình niềm căm hận cha ruột, thậm chí còn muốn rủ bè bạn đến nhà ông để phá phách, khiến ông phải đau khổ. Cô bé không sao tha thứ được cho cha mình. Trong khi đó, cha của Ji-ran vẫn rất thương yêu cô. Thế nhưng dù cố gắng đến đâu, hai cha con cứ gặp là lại cố “cấy” thêm những chiếc gai nhọn trong lòng nhau.
Trong truyện, có những tình yêu luôn hiện hữu trong tim, nhưng chúng ta lại không biểu đạt nó đúng cách để đối phương cảm thấy mình yêu người ấy vô vàn. Đó là chiếc gai mà cha con Ji-ran đều găm phải.
Nhân vật thiếu niên thứ ba là Jin-oh – một cậu bé sỗ sàng, thường xuyên đập phá, la hét như thể muốn mọi người xung quanh phải chú ý đến cậu.
Da-yeong là nhân vật cuối cùng, được biết đến với tên gọi “con nhà người ta”. Cô bé lanh lẹ và bí ẩn, nhưng lại đem lòng thầm thương thầy giáo chủ nhiệm.
Nhổ gai
Câu chuyện về những chiếc gai của 4 học sinh hiện lên chủ yếu qua những câu thoại. Đó là những chiếc gai găm sâu trong lòng sinh ra từ góc khuất tâm hồn mà cả 4 nhân vật không thể tỏ bày cùng ai. Chúng ghim chặt từ ngày này qua ngày khác một cách đau đớn, khổ sở.
Kim Ryeo Ryeong là cây bút chuyên viết về đề tài thanh thiếu niên, tâm lý học đường Hàn Quốc. Ảnh: HANCINEMA. |
Ngòi bút của tác giả thả sức “tung hoành” khi “cấy” vào lòng nhân vật nhiều lớp gai, nhưng cũng dày công tìm cách gỡ rối, nhổ gai để nhân vật giải quyết vấn đề bằng cách thú nhận câu chuyện của mình, xây dựng những kết nối tình thân, tình bạn, để từ đó chữa lành vết thương.
Từng chiếc gai lần lượt được gỡ bỏ, đỉnh điểm là lời thú tội từ chính miệng Hae-il: “Mình là một tên trộm! Không phải tên trộm lãng mạn đã đánh cắp trái tim của một ai đó, cũng chẳng phải một tên trộm cảm thấy cắn rứt lương tâm hay buộc phải lấy trộm cắp làm kế sinh nhai bởi đã đến bước đường cùng… Mình đã lấy trộm một thứ, mình là tên trộm như vậy”.
Điểm nhấn trong cách viết của tác giả là không đặt ra những chuẩn mực, thước đo đạo đức cho lớp trẻ cận tuổi trưởng thành; thay vào đó, cô gieo rắc vào lòng đọc giả lớn tuổi hy vọng bóc tách dần những nút thắt trong lòng con trẻ thiếu niên.
Lời văn sắc bén không làm mờ đi sự chân thành của ngòi bút Kim Ryeo Ryeong., đặc biệt là khi tác giả viết về tình yêu, tình cảm gia đình. Khung cảnh giản dị nhưng rất đỗi ấm áp hiện lên khi anh em Hae-il giúp bố mẹ hòa giải, cả nhà kéo nhau đi ăn cháo sườn trong nụ cười hạnh phúc. Cũng nhờ tình cảm ấy, con người ta đủ can đảm để sống tiếp và sống tốt.
Trộm (hay Lời thú tội của chiếc gai) để lại cho người đọc bài học quý giá về tình cảm gia đình, bè bạn. Mọi tổn thương đều được chữa lành và trái tim ấm áp chính là nguồn dược liệu nhiệm màu nhất để “gỡ những chiếc gai của sự trưởng thành”.
Nguồn: News.zing.vn