Góc khuất của những người đàn ông bịt mặt đánh giày ở Bolivia

0
223

7 năm hành nghề đánh giày, Rubin lúc nào cũng bịt mặt vì không muốn người khác nhận ra anh.

Fliss Lloyd đến Bolivia du lịch với mong muốn tìm hiểu cặn kẽ cuộc sống của người dân nơi đây. Do vậy, cô đã thuê Roger, một Lustrabota (người đánh giày), làm hướng dẫn viên cho riêng mình với giá 80 Boliviano (khoảng 260.000 đồng).

Chuyến đi của Fliss bắt đầu từ 14h ở thủ đô hành chính La Paz. Cô được dẫn tới khu chợ Witches trên đường Sagarnaga, khám phá các điểm tham quan dọc phố đi bộ Prado, phố ăn uống Mercado Uruguay. Với lợi thế làm thợ đánh giày, Roger biết mọi ngóc ngách ở thủ đô Bolivia, cũng như các quán ăn nhà hàng giá rẻ hoặc tiệm ăn ngon. Điều đó khiến nữ du khách rất thích thú. 

Những người đánh giày ở Bolivia. Ảnh: Culture.

Những người đánh giày bịt mặt ở Bolivia. Ảnh: NeilsPhotography/Flickr.

Roger có hai công việc. Công việc chính của anh là đánh giày, và nghề tay trái là hướng dẫn viên du lịch. Anh là một thành viên của Hormigon Armadon, một tổ chức được thành lập để hỗ trợ cuộc sống cho những người đánh giày, được biết đến với tên gọi chung là Lustrabota.

Roger đã làm hướng dẫn viên được 3,5 năm, tính đến thời điểm anh gặp Fliss vào năm 2013. Vài năm trước đó, Roger sống ở một làng quê nghèo cùng gia đình. Để phụ giúp cha mẹ, anh đã thoát ly lên thành phố và đi đánh giày.

Rubin, một người đánh giày năm nay 28 tuổi. Ảnh: Culturetrip.

Rubin, một người đánh giày năm nay 28 tuổi. Ảnh: Harry Stewart.

Mỗi ngày, trung tâm thành phố La Paz thường có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thanh niên tụ tập. Họ mặc quần áo tối màu, và bịt mặt. Nhiều người lần đầu đến đây từng hiểu nhầm đó là một băng nhóm mafia ở Bolivia. Nhưng sự thực, đó là những người đánh giày – nghề bị đánh giá thấp và coi là “nghề không được mong muốn nhất ở đất nước”, theo Culture Trip.

Những người đánh giày xuất hiện lần đầu vào những năm 1980. Đó là thời điểm Bolivia đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Nhiều người ở Aymara và Quechua đã rời nhà lên phố để kiếm sống, thoát cảnh nghèo đói đến cùng cực ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, họ lại không có kỹ năng, trình độ để tìm kiếm “việc nhẹ, lương cao”. Do đó, họ đi đánh giày cho tầng lớp thượng lưu để tồn tại.

Phần lớn những người lao động này là trẻ vị thành niên, trẻ mồ côi hoặc bỏ trốn khỏi nhà vì bị ngược đãi. Họ chuyển sang đánh giày trên đường phố để kiếm sống.. Ảnh: Culture.

Phần lớn những người lao động này là trẻ vị thành niên, trẻ mồ côi hoặc bỏ trốn khỏi nhà vì bị ngược đãi. Họ chuyển sang đánh giày trên đường phố để kiếm sống.. Ảnh: Culture.

Vào những năm 1990, số lượng người đánh giày đã tăng một cách chóng mặt. Dù công việc vất vả, hầu hết Lustrabota lại không có tiếng tốt. Họ bị coi là những người nghiện rượu, nghiện ma túy, trộm cắp. Nhiều người đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử từ xã hội, đôi khi còn bị tẩy chay. Đó là lý do mà những người này đã chọn cho mình cách đeo khăn che kín mặt để không ai biết mình là ai.

Rubin, 28 tuổi, là một Lustrabota. Anh thường đi làm ở Plaza Murillo, thuộc La Paz, nhưng cũng di chuyển khắp nơi để kiếm sống. Anh bắt đầu nghề đánh giày khi mới 21 tuổi. Anh cho biết, ngày nay có hai dạng thợ đánh giày. Một là hành nghề tự do, hai là tham gia vào một tổ chức. Những người này sẽ được phát áo đồng phục, có vị trí “đẹp” để kiếm sống. Bù lại, họ phải trả phí hàng tháng. Rubin không tham gia vào nhóm này vì anh không thích.

Nói về việc bịt mặt, anh cho biết một phần vì không muốn người khác nhìn thấy gương mặt của mình. Lý do thứ hai là việc bịt mặt khiến anh không phải ngửi thấy mùi khó chịu của hóa chất dùng để đánh giày mỗi ngày.

Vào năm 2005, Quỹ Nghệ thuật và Văn hóa ở Bolivia đã lập ra báo Hormigo Armado. Tờ báo này do những người đánh giày điều hành, phát hành hai số báo hàng tháng. Nội dung của các tờ báo này là cung cấp cho người dân và du khách cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của những người nghèo ở Bolivia. Họ cũng được giữ lại một phần lợi nhuận của việc bán báo.

Bolivia là một quốc gia nằm kín trong lục địa ở Nam Mỹ, có biên giới với Brazil, Paraguay, Argentina, Chile và Peru.

Một nét độc đáo khiến du khách khi tìm hiểu về Bolivia cảm thấy thú vị chính là quốc gia này có hai thủ đô: Sucre và La Paz. Về mặt hành chính, Sucre là thủ đô chính thức từ năm 1825. Tuy nhiên sau đó, La Paz nổi lên như trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước với những mỏ quặng, hệ thống ngân hàng, các văn phòng chính phủ và đại sứ quán. 

Đó cũng là lý do người dân Sucre hay La Paz đều cho rằng thành phố của mình mới xứng đáng là thủ đô, và cuộc tranh luận đến nay vẫn “bất phân thắng bại”.

Một số điểm du lịch được du khách ưa thích khi tới quốc gia Nam Mỹ này là: Con đường nguy hiểm nhất thế giới” Yungas Road, công viên quốc gia Madidi, thành phố La Paz, lễ hội carnaval ở Oruro, hồ Titicaca và cánh đồng muối Uyuni.

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn