Các cô gái Kalaidzhi trong độ tuổi 15 trở thành món hàng để mua bán. Tuy nhiên, nếu không còn trinh tiết, các cô sẽ bị gọi là gái điếm đáng hổ thẹn và bị cả cộng đồng xa lánh.
Kalaidzhi (người Romani) là tộc người thiểu số ở miền trung Bulgaria, nơi được thế giới biết đến với một truyền thống hôn nhân kỳ lạ – “chợ cô dâu trinh nữ” được tổ chức 4 lần một năm. Theo đó, các gia đình sẽ tụ tập lại thị trấn Stara Zagora và tiến hành rao bán những cô gái chưa chồng, còn trinh để đàn ông tới mua làm vợ.
Chợ cô dâu. Video: RT
Người dân tộc Kalaidzhi đa số làm nghề thợ mỏ và nằm ở một trong số những vùng nghèo nhất cả nước. Họ đem bán con gái nhằm kiếm thêm khoản tiền trang trải nợ nần, đồng thời bớt đi một miệng ăn cũng như không cần cho con đi học. Các bậc phụ huynh tại đây sẽ cho con gái nghỉ học ngay khi có kỳ kinh đầu tiên nhằm tránh xa cám dỗ, đồng thời hy vọng con sẽ có cuộc sống tương lai khấm khá hơn khi đi lấy chồng.
Những thiếu nữ trong độ tuổi 15-18 là “mặt hàng” được ưa chuộng nhất. Họ ăn mặc gợi cảm với váy ngắn, trang điểm cầu kỳ để thu hút nhà chồng tương lai. Các cô gái càng xinh đẹp thì càng bán được giá cao. Nếu thống nhất được giá cả và thanh toán xong xuôi, cô dâu sẽ thuộc về chú rể, nhờ thế, khu chợ trở thành nơi tìm bạn đời nhanh nhất thế giới.
Các cô gái ăn vận xinh đẹp để thu hút đàn ông. Ảnh: DNES. |
Điều quan trọng nhất trong chợ cô dâu là các cô gái nhất định phải còn trinh tiết. Giá của một cô dâu rơi vào khoảng 5.000-10.000 BGN (2.800-5.600 USD). Mặc dù giá đã giảm dần trong vài năm gần đây do công việc khan hiếm và các gia đình không dư dả tiền bạc, nhưng những cô gái có nhan sắc vượt trội vẫn được trả giá cao. “Tuy nhiên, nếu cô dâu không còn trinh, gia đình cô phải trả lại tiền, cô bị gọi là gái điếm đáng hổ thẹn và bị cả cộng đồng xa lánh”, Kosta Kostov, một du khách tới tham dự hội chợ cho biết.
Hình thức mua bán này từng bị xã hội châu Âu lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, cộng đồng người Kalaidzhi với 18.000 dân nổi tiếng về sự bảo thủ và tuân theo các giá trị truyền thống. Nhiều cô gái có tư tưởng tự do muốn thoát khỏi sự ràng buộc khi bị đem đi bán, nhưng phần lớn còn lại đều cho rằng họ chỉ cần một cuộc hôn nhân phù hợp và sự ủng hộ của gia đình. “Chúng tôi không hạnh phúc, nhưng chúng tôi có thể làm gì?”, một thiếu nữ chia sẻ.
Các cô gái, chàng trai tìm hiểu nhau trong phiên chợ. Ảnh: AFP. |
Chợ cô dâu là bản sắc của người Kalaidzhi và đó là lý do phong tục này vẫn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, điều đó không thể biện minh cho sự thật phụ nữ là tài sản để mua bán và mặc cả. Họ được nuôi nấng không phải để khám phá bản thân hay tìm kiếm đường đi cho riêng mình, thay vì thế là sự phục tùng và tận tuỵ vì nhà chồng tương lai. Một số cô gái thậm chí thừa nhận khu chợ là một thị trường “đáng sợ”, khi mà cha mẹ có thể quyết định bán cô cho một người có nhiều tiền hơn, dù trong tim cô đã hướng về người khác.
Nguồn: Vnexpress.net