Góc tối đằng sau đế chế thời trang giá rẻ của Trung Quốc

0
28

Thương hiệu thời trang nhanh Shein được nhiều thị trường đón nhận. Tuy nhiên, ở “quê hương” Trung Quốc, Shein được cho là đang vắt kiệt sức người lao động.

Bên trong một khu xưởng chật chội và tồi tàn, hàng chục công nhân đang ngồi lom khom bên những chiếc máy may, dưới các dãy đèn huỳnh quang phát ánh sáng màu xanh lục.

Đã hơn 21h và nhiệt độ trong xưởng ngột ngạt, thế nhưng những người phụ nữ vẫn miệt mài làm việc với tốc độ cao. Sau khi hoàn thành mỗi bộ quần áo, họ nhét chúng vào một chiếc túi nhựa màu ngọc lam và ném lên đống đồ cao ngất ngưởng để sẵn sàng vận chuyển.

Mỗi túi hàng đều có dòng chữ cái in hoa giống nhau: “SHEIN”.

Shein boc lot nguoi lao dong anh 1

Công nhân xử lý đơn hàng tại một xưởng may ở Làng Tây Tangbu, tỉnh Quảng Đông vào tháng 7/2021. Ảnh: Sixth Tone.

Nhà xưởng nói trên là một trong hàng trăm cơ sở nhỏ lẻ không được đăng ký kinh doanh nằm ở Quảng Châu – một siêu đô thị phía nam Trung Quốc – chuyên sản xuất hàng may mặc cho hãng thời trang nhanh Shein.

Thời gian gần đây, Shein đã trở thành sự lựa chọn yêu thích của rất nhiều người mua sắm Gen Z ở phương Tây. Hãng cho ra mắt hàng nghìn kiểu dáng mới mỗi tuần với mức giá cực thấp.

Thậm chí, thương hiệu này đang được định giá khoảng 15 tỷ USD và mới đây đã vượt qua cả H&M và Zara để trở thành nhà bán lẻ thời trang nhanh bán chạy nhất nước Mỹ.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra của Sixth Tone cho thấy Shein đã sử dụng hàng loạt mánh khóe để đảm bảo công đoạn sản xuất quần áo nhanh hơn và rẻ hơn so với đối thủ – một chiến thuật khiến hàng nghìn công nhân Trung Quốc trở thành đối tượng bị bóc lột.

Vào tháng 7, Sixth Tone đã đến Quảng Châu – nơi sản xuất chính của Shein ở Trung Quốc – và nói chuyện với hàng chục công nhân, chủ nhà xưởng có liên quan đến chuỗi cung ứng của Shein. Cuộc điều tra này đã làm lộ ra một mô hình giám sát lỏng lẻo và điều kiện làm việc tồi tệ đối với các công nhân.

Nhiều nhà sản xuất của Shein đã cắt giảm chi phí bằng cách thuê nhà xưởng nhỏ nằm bên trong những khu “cao ốc chạm tay”, nơi các tòa nhà được xây dày san sát, dân cư tập trung rất đông đúc. Người dân địa phương nói đùa rằng những người làm việc ở đây gần như có thể chạm tay vào người hàng xóm ở tòa nhà bên cạnh.

Chủ xưởng địa phương và chuyên gia lao động cho biết các nhà xưởng này thường xuyên lách luật lao động của Trung Quốc và tiềm ẩn vô số nguy cơ cháy nổ. Nhiều người lao động còn không có hợp đồng chính thức với Shein, khiến chuyên gia khó xác minh xem họ có được đối xử đúng luật hay không.

Shein boc lot nguoi lao dong anh 2

Khách tham dự sự kiện của Shein ở London ngày 23/5/2019. Ảnh: David M. Benett/People Visual.

Huang Yan, giáo sư tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc (Quảng Châu), người có nghiên cứu tập trung vào điều kiện lao động ở Trung Quốc, cho biết: “Hoạt động của Shein là một bước thụt lùi trong vấn đề bảo vệ quyền của người lao động. Lợi ích của người lao động đã bị Shein bỏ qua”.

Công ty tỷ USD bí ẩn nhất Trung Quốc

Shein đã che giấu chuỗi cung ứng của mình với thế giới. Mặc dù thành công ngoạn mục ở các thị trường, công ty này nổi tiếng luôn giữ bí mật về hậu trường, khiến một nhà đầu tư gọi đây là “công ty tỷ USD bí ẩn nhất Trung Quốc”.

Năm 2009, Shein khởi đầu là một trang thương mại điện tử có trụ sở tại Nam Kinh, tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu váy cưới sản xuất tại Trung Quốc sang thị trường phương Tây. Vào năm 2012, trang thương mại điện tử đổi tên thành SheInside.com và mở rộng kinh doanh đa dạng loại quần áo phụ nữ hơn.

Bước ngoặt đối của công ty đến 3 năm sau đó, khi người sáng lập Xu Yangtian quyết định tái tạo lại hoạt động kinh doanh thành một thương hiệu thời trang nhanh. Ông rút ngắn tên công ty thành Shein và chuyển trụ sở chính từ Nam Kinh sang Quảng Châu – trung tâm sản xuất quần áo hàng đầu của Trung Quốc.

Tại đây, Xu đã thuê một đội thiết kế nội bộ và xây dựng mạng lưới cung ứng rộng lớn giữa các nhà máy địa phương. Shein xác định xu hướng thiết kế thời trang ở phương Tây và sản xuất các mặt hàng tương tự, sẵn sàng xuất khẩu chỉ trong vài ngày – một mô hình hiện được gọi là “thời trang siêu nhanh”.

Đó chính là công thức chiến thắng của Shein. Từ năm 2017, doanh số bán hàng của công ty đã tăng vọt. Tháng 5/2021, Shein đã vượt qua Amazon để trở thành ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất trên App Store tại Mỹ.

Tuy nhiên, Shein đã từ chối tiết lộ nguồn hàng của mình. Không giống như các thương hiệu thời trang nhanh toàn cầu khác đã dần trở nên minh bạch hơn về chuỗi cung ứng của họ trong những năm gần đây, Shein – theo cách nói của một hãng truyền thông Trung Quốc – vẫn là một “hộp đen”.

Vào tháng 7, Reuters đưa tin rằng Shein đã không công khai về các điều kiện lao động trong chuỗi cung ứng của mình. Báo cáo Chỉ số minh bạch thời trang mới nhất do Tổ chức Cách mạng Thời trang phi lợi nhuận công bố, Shein có số điểm là 1/100, kém xa những thương hiệu như H&M, Gap và Nike. Về truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng, Shein nằm trong số các công ty đạt điểm 0.

Tuy vậy, Shein vẫn rất quyết tâm duy trì lai lịch bí ẩn, nhiều lần yêu cầu nhân viên của mình xóa các bài đăng trên mạng xã hội về kỷ niệm thành công của công ty, một nhân viên của Shein cho biết. Người này cũng yêu cầu được giấu tên bởi công ty cấm nói chuyện với truyền thông.

Đột kích ‘làng đô thị’

Tại Quảng Châu, Shein không hề có xưởng sản xuất cố định của riêng mình.

Sau hơn 10 lần thất bại trong việc thuyết phục các nhà xưởng nói chuyện về mối quan hệ với Shein, Sixth Tone đã tìm đến một nhà máy chưa được đăng ký kinh doanh nằm bên trong khu công nghiệp đổ nát ở ngoại ô Quảng Châu.

Bên trong, Chen, chủ sở hữu của nhà máy, xác nhận mình sản xuất hàng may mặc cho Shein, nhưng nói rằng anh ta không giao dịch trực tiếp với công ty. Thay vào đó, anh nhận đơn đặt hàng qua một nhà máy khác của bạn mình.

Chen gọi Shein là Zoetop Business Co. Ltd., một công ty có đăng ký tại Hong Kong do người sáng lập Shein là Xu Yangtian làm chủ.

Khi có đơn đặt hàng gấp gáp từ Shein, Chen cho biết nhân viên của mình thường phải làm ca 15 tiếng để có thể hoàn thành. Anh nói thêm thời gian thực hiện các đơn đặt hàng của Shein thường chỉ là 7 ngày, trong khi các khách hàng khác thường cho phép 2 tuần lễ.

Chen không ký hợp đồng với nhà máy của bạn mình, tất nhiên cũng không ký với Shein. Anh được bạn thanh toán sau khi họ nhận được tiền từ Shein. Chen từ chối cung cấp thêm thông tin về công ty của bạn.

“Tại sao anh chị không đến Làng Nam và Làng Tây Tangbu? Hầu như tất cả nhà máy ở đó đều làm việc cho Zoetop Business”, Chen nói.

Làng Nam hay Làng Tây Tangbu đều là “làng đô thị” – những khu dân cư đông đúc mọc lên trong thời kỳ bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc.

Mỗi ngôi làng này đều là một mê cung với những con ngõ hẹp và những “tòa nhà bắt tay” cao tầng với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau, phần nhiều trong số đó được xây dựng trái phép.

Hiện nay, nhiều xưởng tại đây đang sản xuất trang phục cho Shein. Khi Sixth Tone đến thăm các ngôi làng, có thể thấy công nhân bên trong hàng chục cơ sở kinh doanh bên đường đang may quần áo giữa đống túi nilon mang logo Shein.

Nhưng giống như Chen, các cơ sở này thường không có hợp đồng hoặc thậm chí là liên hệ trực tiếp với Shein.

“Gần đây, Shein đã gọi cho chúng tôi và nhắc lại rằng chúng tôi không nên chia sẻ bất kỳ thông tin nào của công ty với người ngoài, vì rất nhiều đối thủ đang gửi gián điệp đến để cố gắng bắt chước Shein”, một chủ nhà máy cho biết.

Trả giá

Kang Jianmei, chủ một cơ sở kinh doanh quần áo trẻ em làm việc với Shein, cho biết 2 lợi ích chính khi các công ty thời trang làm việc cùng các nhà xưởng nhỏ lẻ tại Quảng Châu.

Thứ nhất: nhanh chóng. Và thứ 2: rẻ.

Giá thuê nhà ở các “ngôi làng đô thị” tại Quảng Châu rẻ như bèo và các doanh nghiệp nhỏ thường có thể lách luật lao động. Người phải trả giá đắt cho những biện pháp cắt giảm chi phí này chỉ là công nhân mà thôi.

Kang cho biết các chủ xưởng thường lấp đầy lực lượng lao động của họ bằng các thành viên gia đình và công nhân thời vụ, những người có ít quyền lao động hơn so với nhân viên chính thức. Điều này cho phép các ông chủ tránh phải trả các khoản an sinh xã hội đắt đỏ.

Môi trường làm việc ở các làng quê thường rất hạn chế. Bất chấp cái nóng và độ ẩm khắc nghiệt, nhiều xưởng mà Sixth Tone ghé thăm không có máy lạnh và chỉ được cung cấp một chiếc quạt treo để thông gió.

Giáo sư Huang Yan từ Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc cho biết điều kiện làm việc này không hề an toàn.

Tỉnh Quảng Đông đã chứng kiến ​​một số vụ hỏa hoạn chết người từ các xưởng may bên trong các “làng đô thị”, bao gồm vụ cháy năm 2014 ở thành phố Puning khiến 11 người thiệt mạng.

Bất chấp

Bên cạnh con đường cao tốc 8 làn xe ở thành phố Phật Sơn là 2 cơ sở hậu cần rộng lớn, mỗi nơi có hàng chục nhà kho khổng lồ.

Đây là các nhà kho có tên Dongbai và Anbo, là nơi kết nối hàng chính giữa chuỗi cung ứng của Shein Trung Quốc với khách hàng trên khắp thế giới. Những chiếc xe tải màu tím chất đầy những bộ trang phục mới liên tục chạy qua cổng. Bên trong, hàng nghìn công nhân nhận đơn hàng hối hả xếp đồ để giao cho khách.

Tại đây, các công nhân chia ca để làm việc 24 tiếng một ngày. Người lao động Trung Quốc gọi đó là “Thử thách Shein”, nơi không dành cho những kẻ yếu tim. Nếu cố gắng chịu đựng được công việc cường độ cao, họ có thể nhận được mức lương tương đối hấp dẫn.

Trên Kuaishou, một nền tảng video ngắn tại Trung Quốc, nhiều người chia sẻ câu chuyện của mình khi phải bỏ việc tại Shein do khối lượng công việc quá lớn. Một người ví việc lao động tại các nhà kho của Shein giống như “chui vào một cái lò”.

Trên diễn đàn Baidu Tieba, một người dùng khác còn cho biết những người xếp đơn hàng tại các kho của Shein phải đi bộ 50 km mỗi ngày.

Thế nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chấp nhận “thử thách Shein”. Zhang Xiaojun (đã thay đổi họ tên) nói với Sixth Tone rằng anh kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng khi làm công việc xếp đơn hàng tại kho Dongbai, mức thu nhập được anh cho là tốt. Nhưng anh cũng nói thêm rằng những yêu cầu khắc nghiệt của công việc đã ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.

Người đàn ông 30 tuổi nói anh đã bị giảm cân do phải hoạt động thể lực trong nhà kho. Anh cũng gặp tình trạng khó ngủ do sự thay đổi luân phiên của các ca trực: cứ 2 tuần một lần, anh phải chuyển giờ làm từ 8h sang 20h, làm liên tục đến 6h hôm sau.

“Tôi không có thời gian để ngồi và nghỉ ngơi. Tôi cảm thấy kiệt sức vào cuối ngày”, Zhang nói.

Zhang cho biết sau 2 năm nữa, anh có lẽ không còn đủ sức để đáp ứng công việc. Tuy nhiên, anh vẫn muốn duy trì việc làm này càng lâu càng tốt để cố gắng trả hết khoản thế chấp mua nhà.

Khi Sixth Tone đến nhà kho Dongbai, 2 cô gái trẻ từ tỉnh An Huy đang mang hành lý của mình đến ký túc xá nhân viên. Họ cho biết đã được thuê để làm công việc nhận đơn đặt hàng tại nhà kho chỉ vài ngày trước đó.

Hai cô gái vẫn còn ở tuổi vị thành niên đã nhận được công việc thông qua một đại lý tuyển dụng. Họ không có kinh nghiệm làm việc kho trước đó, nhưng bị thu hút bởi mức lương hứa hẹn.

“Nhân sự cho biết công nhân được trả lương theo mức công việc và những người mới bắt đầu như chúng tôi có thể kiếm được 7.000 nhân dân tệ một tháng. Chúng tôi muốn thử công việc này”, một trong 2 cô gái nói.

Shein dường như phụ thuộc nhiều vào các đơn vị tuyển dụng trung gian để tìm kiếm công nhân cho các kho hàng. Theo một người quản lý tại kho Dongbai (yêu cầu giấu tên), Shein đã ngừng tuyển dụng trực tiếp từ 2 năm trước và hiện có đến hàng chục đơn vị tuyển dụng trung gian để thuê nhân viên mới.

Hoạt động như trên đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc bởi cho phép người sử dụng lao động không cần thực hiện trách nhiệm về xử lý tiền lương, thuế thu nhập, phúc lợi và các khoản thanh toán an sinh xã hội của nhân viên.

Li Qiang, một chuyên gia về quyền lao động, nói với Sixth Tone: “Vấn đề lớn nhất của các đơn vị tuyển dụng trung gian là họ không trả được mức lương đã hứa với người lao động. Tuy nhiên, các cơ quan này đôi khi quá nhỏ, không thể chịu trách nhiệm, khiến người lao động càng khó được bảo vệ quyền lợi của mình.

Điều này lại giúp các nhà sản xuất và các công ty lớn giảm thiểu trách nhiệm pháp lý của mình. Khi có vấn đề về lao động, họ đều đổ lỗi do các đơn vị trung gian”.

Sixth Tone đã có một số cuộc gọi đến Cục Giám sát An ninh Lao động và Thực thi Pháp luật Tam Hợp, cơ quan địa phương giám sát hoạt động các kho hàng, tuy nhiên không được trả lời.

Luật lao động Trung Quốc quy định rằng công nhân được tuyển dụng từ đơn vị trung gian không được chiếm quá 10% tổng số người lao động của một công ty. Tuy nhiên, nhiều công ty đã bị cáo buộc vượt quá giới hạn này tại các cơ sở của mình. Không rõ liệu Shein có vi phạm điều này hay không?

Sixth Tone đã gửi nhiều yêu cầu đến Shein để hỏi về việc sử dụng các đơn vị tuyển dụng lao động trung gian cũng như nhiều vấn đề khác được nêu trong bài báo này. Tuy nhiên, công ty đã không trả lời vào thời điểm xuất bản.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn