Great Zimbabwe

0
220

Hiếm có di chỉ khảo cổ nào tạo ra một nguồn tài liệu văn học lớn hơn Great Zimbabwe. Khi lần đầu tiên thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài vào cuối thế kỷ 19, những công trình bằng đá ngoạn mục này có vẻ như là một nơi định cư của người nước ngoài ở nam và trung Phi.

a

Di chỉ Great Zimbabwe.

Công trình tưởng niệm

Great Zimbabwe nằm gần rìa tây cao nguyên giữa các sông Zambezi và Limpopo, ngày nay thuộc Cộng hoà Zimbabwe. Theo tiếng Shona, tên Zimbabwe có nghĩa là những căn nhà đá hay ngôi nhà thiêng. Mặc dù hay gây nhầm lẫn (nhất là thời thực dân), hiện nay di chỉ được gọi chính xác là Great Zimbabwe.

Vào thời hoàng kim, Great Zimbabwe là một thành phố lớn, chiếm diện tích khoảng 78 hecta, với số dân ước tính khoảng 18.000 người. Di chỉ bao gồm hai công trình đá chính đã đổ nát, có một khu trung tâm bao phủ các công trình khác quy mô nhỏ hơn. Trên một đồi đầy đá, sườn dốc đứng, chiều dài của vật liệu xây tường theo lớp, trộn với đá cuội để tạo thành một loạt các tường bao. Ở thung lũng kế cận có một loạt tường bao lớn hơn, xây vách không có giá đỡ. Bên trong có nhiều ngôi nhà hình tròn xây bằng bùn, cột chống, mái liên kết bằng những đoạn tường ngắn. Một tường bao trội hẳn về kích thước, cho thấy có nhiều lần sửa chữa và mở rộng. Vòng ngoài của tường có độ cao hơn 10 m, như một tháp đá rắn chắc sừng sững.

Bất chấp quy mô đồ sộ và thi công hoàn hảo, công trình kiến trúc đá Great Zimbabwe về cơ bản rất đơn giản, xây đá granite vận chuyển dễ dàng, đẽo vuông sơ sài, không cần trát vữa. Đá này có lẽ khai thác từ sự phân lớp tự nhiên của các ngọn đồi granite mái bát úp, kopes, vốn là đặc điểm nổi bật trong cảnh quan địa phương. Các ô cửa ra vào hẹp, với lớp mái có rầm đỡ làm bằng đá, hoặc bằng gỗ. Các lối vào được tạo dáng thông thoáng. Tường bao lớn, là kết quả của sự tái tạo thiếu chính xác vào đầu thế kỷ 20, thay thế các ô cửa ra vào có rầm đỡ đã đổ sụp. Không có chứng cứ nào về việc sử dụng sơ đồ chi tiết, đo đạc hay đo bằng dây dọi, không hề có mái bát úp hay mái vòm. Các công trình khác đều được xây thật khéo léo bằng bùn nhão, phơi nắng cho thật cứng và bền. Great Zimbabwe có đặc điểm xây dựng và kiểu dáng tương tự như nhiều công trình đá khác ở miền nam châu Phi.

Nghiên cứu gần đây cho chúng ta cái nhìn về Great Zimbabwe trong bối cảnh lịch sử miền nam châu Phi trong hai thiên niên kỷ qua. Các minh hoạ lâu đời nhất về vật liệu xây dựng đá đơn giản có lẽ có niên đại từ thế kỷ 10 sau CN. Giai đoạn xây dựng chính từ cuối thế kỷ 13 và giữa thế kỷ 15, lúc đó người ta dựng lên tất cả các công trình chính chúng ta nhìn thấy ở Great Zimbabwe ngày nay.

Mục đích xây dựng

Không có mấy người hoài nghi về việc cư dân Great Zimbabwe là tổ tiên trực hệ của người Shona ngày nay. Mối quan hệ này khuyến khích nhiều nỗ lực xác định mục đích sử dụng nhiều bộ phận khác nhau của khu phức hợp Great Zimbabwe, nhất là các công trình đá. Vẫn còn tranh luận về những lời xác nhận, phần lớn căn cứ vào tài liệu khẩu truyền, không rõ xuất xứ và thông tin ghi nhận sơ sài trong thời gian gần đây. Hiện nay, nếu căn cứ vào các giả định cho rằng tường bao xây đá là nơi làm lễ khai tâm cho phụ nữ, hay một nơi có các phu nhân trong hoàng tộc cư ngụ, thì sẽ thấy đó là nhận xét không sáng suốt.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Great Zimbabwe là thủ đô của những người cai trị kiểm soát các lãnh thổ, nguồn tài nguyên và thương mại quan trọng. Đồ vật nhập khẩu như hạt chuỗi, đồ gốm Trung Hoa và Ba Tư, thuỷ tinh Cận Đông và một loại tiền đúc ở các cảng biển thuộc Đông Phi cũng thường gặp ở đây hơn các di chỉ đương đại khác thuộc Zimbabwe. Các đồ vật bằng vàng và mạ đồng tìm thấy ở các bộ phận khác bên trong cho thấy sản phẩm từ các khu vực xa xôi hẻo lánh đều tập hợp ở Great Zimbabwe, nơi tổ chức trao đổi hàng nhập khẩu ở vùng ven biển.

Thời kỳ thịnh vượng nhất của Great Zimbabwe không những xảy ra trùng hợp với thành tựu rực rỡ về kiến trúc mà còn là đỉnh cao trong việc xuất khẩu vàng qua lối Ấn Độ Dương. Đây chính là trung tâm một hệ thống gồm các di chỉ liên quan trải rộng từ miền bắc Zimbabwe cho đến vùng đồng bằng ven biển ở miền nam Mozambique.

Như vậy, Great Zimbabwe là một nơi định cư quan trọng trùng hợp hầu như chính xác với sự suy tàn của một trung tâm trước đó nằm xa về phía nam ở Mapungubwe thuộc thung lũng Limpopo, gần nơi các đường biên giới giữa Zimbabwe, Nam Phi và Botswana gặp nhau. Ttrung tâm kinh tế – chính trị này có vẻ như dời từ thung lũng Limpopo đến cao nguyên phía Bắc vào cuối thế kỷ 13. Địa điểm mới ở Great Zimbabwe là nơi thích hợp vừa khai thác các mỏ vàng, vừa là điểm tiếp cận vùng bờ biển Ấn Độ Dương qua sông Sabi.

Suy tàn và sụp đổ

Sự suy tàn của Great Zimbabwe vào thế kỷ 15 xảy ra vào thời điểm quyền lực chính trị được chuyển giao nhiều hơn đến một địa điểm về phía bắc, gần thung lũng Zambezi, sau đó thay thế Sabi như một tuyến đường chính giữa nội địa và bờ biển. Vào giữa thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha đi qua thung lũng Zambezi vào trong nội địa. Ở miền trung và tây nam Zimbabwe, việc xây dựng bằng đá và buôn bán với người Bồ Đào Nha diễn ra trong các thế kỷ 17 và 18. Vì thế khảo cổ học khẳng định chứng cứ khẩu truyền đối với tính liên tục quan trọng giữa các cư dân Great Zimbabwe và các dân tộc nổi tiếng Shona.

Công sự

Việc tìm kiếm sự an toàn là động lực chính trong các vấn đề con người và khi kỹ xảo công nghệ phát triển, giải pháp thực hiện dưới hình thức tinh vi hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc xây dựng những pháo đài đồ sộ và hệ thống phòng thủ không đơn thuần là quan tâm thiết thực, các vách tường nhô cao của các cổng vào chuyển tải một thông điệp quyền lực có tác dụng hơn bất kỳ mục tiêu quân sự đơn thuần. Vì thế công sự không chỉ là để bảo vệ chống lại kẻ thù mà còn là biểu tượng của thân thế và sự thống trị.

Nhu cầu xây dựng các công trình phòng thủ vĩnh cửu có lẽ đầu tiên phát sinh trong số các cộng đồng định cư lâu đời nhất, vốn đã phát triển ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới khi dân số phát triển và nông nghiệp trở thành chỗ dựa chính trong đời sống. Những thành phố lâu đời nhất ở Mesopotamia có thể không phòng thủ, nhưng trong thiên niên kỷ thứ ba TCN, đòi hỏi phải xây dựng nhiều hệ thống tường thành bằng gạch bùn thật ấn tượng và kéo dài. Ở Cận Đông, truyền thống này đạt đến sự diễn đạt hoàn hảo nhất qua các tường thành nổi tiếng do Nebuchadnezzar xây dựng quanh thành Babylon vào thế kỷ 6 TCN. Trong nhiều tư liệu thời cổ đại, những tường thành này được liệt vào hạng bảy kỳ quan thế giới cổ đại.

Tường thành Babylon là công trình phòng thủ cho cả thành phố, thủ đô của một đế quốc. Vì thế có rất nhiều tường thành ở Syracuse, thành phố Hy Lạp hàng đầu trên đảo Sicil, do Dionysius xây dựng trong thế kỷ 4 TCN, không những bao quanh khu vực thành phố mà còn là một cao nguyên Epipolate chiến lược về phía bắc. Bên trong hoặc dọc theo các công trình phòng thủ thành phố như thế, giới cai trị thường xây dựng lâu đài – pháo đài, để bảo vệ chính mình, không chỉ chống giặc ngoại xâm mà còn thống trị thần dân trong nước. Thành Van ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những pháo đài như thế trong vùng, sừng sững bên rìa khu thành cổ, vừa để tạo thêm sự an toàn đối với người thống trị trong trường hợp bị ngoại xâm, vừa để tách riêng ông ta với quần chúng. Mycenae và Tiryas, những thành trì thời đại đồ đồng ở miền nam Hy Lạp, cũng tương tự, thường đi kèm với một thành phố nằm phía dưới nơi thường dân sinh sống. Nói chung, thành trì bề thế cứ vươn cao khỏi nơi định cư của thần dân, như muốn diễn đạt cụ thể hệ thống tôn ty đang hiện hữu trong xã hội.

Pháo đài Masada trong sa mạc Judaean tượng trưng cho nhiều giải pháp mới trước nhu cầu an toàn. Vì ở đây vua Herod đã đặt niềm tin của mình ở nơi xa xôi hẻo lánh, Masada không phải là một thành trì vươn cao phía trên nơi cư trú của thần dân mà là một pháo đài trong sa mạc cách biệt, một nơi ẩn náu trong trường hợp khẩn cấp. Địa điểm được chọn do có khả năng phòng thủ tự nhiên nên ít xây dựng các công trình phòng thủ mà chỉ xây dựng nơi cư trú cho hoàng gia.

Hiểu theo nghĩa quy mô, không có pháo đài thời cổ đại nào có thể sánh với các công trình tuyến thành khổng lồ do các thế lực đế quốc cổ đại tạo ra. Đế quốc La Mã vào thế kỷ 2 thường củng cố những đường biên giới, một số nằm dọc theo rào chắn tự nhiên như sông ngòi, số khác đựa theo hình dáng thành luỹ hay tường thành. Minh hoạ ấn tượng nhất về khả năng này không phải nghi vấn là Vạn Lý Trường Thành. Liệu những công trình vô cùng tốn kém như thế có tỏ ra hiệu quả về mặt quân sự hay không vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ, nhưng chúng tuyên bố quyền kiểm soát của đế quốc theo cách không thể phủ nhận. Khộng có một bộ tộc du mục phương Bắc nào khi đặt chân đến Vạn Lý Trường Thành lại có thể hoài nghi về sức mạnh của đế quốc có thể quản lý công việc với nhiều con người lao động qua nhiều năm như thế.

Tính chất quá tốn kém của các đường biên đồ sộ như thế có lúc khiến chúng ta nghĩ đến chức năng kép của các công sự lớn: thống trị và bảo vệ. Sự mơ hồ về diện mạo như vậy đôi lúc có thể nhầm lẫn: “pháo đài” Inca của Sacsawaman thực ra là một ngôi đền. Nhiều người tranh luận rằng đỉnh đồi có hào luỹ bao quanh ở miền nam nước Anh, như Maiden Castle, là lời tuyên bố quyền lực của các lãnh đạo hay cộng đồng địa phương, chứ không phải là nơi ẩn náu hay nơi cư trú. Không có tư liệu thành văn, người ta khó quả quyết. Và quả thật, có thể sự thiếu vắng chứng cứ như thế lại là bằng chứng hùng hồn nhất đối với tính hiệu quả của công trình, độ an toàn phía sau hào quang quyền lực mà chúng thể hiện cũng như độ cao của các thành luỹ và chiều rộng của các chiến hào.

(Theo 70 kỳ quan thế giới cổ đại)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn