Guốc gỗ là một bộ phận quan trọng cấu thành phục trang dân tộc của Hà Lan. Cách ăn mặc điển hình của họ là váy nhiều tầng hoặc quần ống rộng, chân đi guốc gỗ.
Hà Lan là nước thấp hơn mực nước biển, mùa đông giá rét, độ ẩm cao, mặt đất tích nước. Ngày xưa, nông dân ở đây rất nghèo khổ, đến nỗi không thể mua nổi đôi giày nhưng cũng không thể đi chân không trên băng giá. Thế là họ khoét rộng miếng gỗ, tạo thành một cái đế chắc chắn, mũi guốc vểnh lên như chiếc thuyền. Trong lòng guốc thêm rơm nên đi vào vừa êm vừa ấm áp. Từ đó guốc gỗ được lưu hành rộng rãi ở Hà Lan.
Ngày nay, mặc dù ngành sản xuất giày dép rất phát triển, song nhiều người Hà Lan vẫn có thói quen đi guốc gỗ, đặc biệt là nông dân và ngư dân. Ở nhiều gia đình, nông dân vẫn có những “chỗ để guốc gỗ”. Người nào vào trong nhà cũng phải tháo guốc để vào đó.
Ở Hà Lan, guốc gỗ còn là tín vật đính ước. Nam nữ khi đính hôn, người con trai phải tặng người con gái một đôi guốc gỗ. Có đám cưới còn tặng guốc cho những người đến dự. Ở thành phố, ít thấy người nào đi, nhưng guốc gỗ vẫn được bày bán cho khách du lịch.
Mũ gió màu trắng
Đảo Macan, Hà Lan, cách thủ đô Amsterdam cả một vùng trời biển. Đó là một hòn đảo phì nhiêu mỹ lệ, thu hút rất nhiều khách du lịch tới tham quan. Nhưng điều làm du khách chú ý hơn cả là trang phục độc đáo và chiếc mũ gió màu trắng của cư dân ở đây. Quần áo của đàn ông trên đảo chỉ độc một màu trắng, áo thân đối (cài khuy giữa), quần ống rộng như chiếc đèn lồng. Quần áo phụ nữ có màu sắc sinh động hơn đàn ông. Họ mặc váy đen, áo có vạch màu xanh, đỏ xen lẫn, bên ngoài mặc áo gile dày có thêu nhiều hoa văn. Điều đặc biệt hấp dẫn khách du lịch là phụ nữ trên đảo thích đội mũ gió trắng, dưới mũ thò ra hai bím tóc nhỏ rất xinh xắn. Trẻ em trai gái đều mặc quần áo hoa rộng. Dấu hiệu khác nhau là bé trai có một đường may trắng trước vạt áo, còn bé gái trước ngực có thêu bông hoa hồng.
(Theo Phong tục tập quán các nước)
Nguồn: Vnexpress.net