Từ thành phố Điện Biên đi Mường Lay chừng 50km theo quốc lộ 12 qua ngã ba Mường Chà rồi đi tiếp qua đèo Cò Chạy, đèo Ma Thì Hồ tới ngã ba giao lộ giữa quốc lộ 12 và tỉnh lộ 127 chính là trung tâm của thị xã Mường Lay.
Mường Lay ngày nay từng được biết đến với tên gọi thị xã Lai Châu, bởi trước năm 2005, đây chính là thị xã thủ phủ của tỉnh Lai Châu. Sau tách tỉnh vào năm 2005, thị xã Lai Châu được đổi tên thành thị xã Mường Lay, huyện Mường Lay còn huyện Mường Lay cũ được đổi tên thành huyện Mường Chà.
Thị xã Mường Lay trong những năm trở lại đây đã thay đổi mạnh mẽ do quá trình di dân phục vụ công trình Thủy điện Sơn La. Những bản làng mới, những con đường mới và cả những khu nhà mới xây ở trung tâm thị xã đã mang lại cho vùng đất này một bộ mặt hoàn toàn khác, một Mường Lay không buồn lay lắt như những năm trước nhưng cũng không xô bồ chật chội, một Mường Lay đẹp rực rỡ bên màu xanh mênh mông vùng hồ.
Trước kia, đèo Ma Thì Hồ và đèo Cò Chạy là hai con đèo hiểm trở, khó đi. Đèo Cò Chạy khó đi như đúng tên của nó, bởi theo những người dân bản địa chia sẻ thì đèo Cò Chạy xưa còn “cao hơn cả những cánh cò”, bởi vậy ngay cả loài chim di cư này cũng không thể bay qua mà chỉ có thể chạy qua đèo để sang phía bên kia. Còn đèo Ma Thì Hồ ở gần thị xã Mường Lay lại vô cùng nguy hiểm bởi thường xuyên sạt lở vào mùa mưa lũ. Cũng bởi vậy mà lâu nay “cánh phượt” vẫn thường nhắc đến cung đường này bằng những cái lắc đầu ngao ngán.
Thị xã Mường Lay ngày hôm nay đẹp rực rỡ và được ví như một “Hạ Long trên cạn” của núi rừng Tây Bắc. Thị xã hai bên bờ sông Đà được nối liền bởi những cây cầu dài, bên dưới là lòng hồ thủy điện rộng lớn, tất cả hài hòa trong thiên nhiên như trong một bức tranh thủy mặc. Mường Lay chưa phải là địa điểm thu hút khách du lịch, tuy nhiên, đến nơi đây, du khách có thể chọn một chuyến tham quan bằng du thuyền trên lòng hồ, để được đắm mình với mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về Đà giang hung dữ xưa kia. Đứng trên núi cao, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh những di tích còn lại và tìm hiểu về dinh thự Đèo Văn Long. Đi thuyền dưới lòng hồ thăm mô hình nuôi cá lồng của người dân bản địa, cùng thư giãn câu cá trên sông Đà và thưởng thức những đặc sản của vùng lòng hồ trù phú.
Đến nơi này, du khách có thể leo núi khám phá hang Bản Bắc hay đi bộ xuyên rừng tới thăm các bản làng xa xa nằm ẩn mình bên vách núi. Từ đó có thể ngắm nhìn một Mường Lay trong màn sương bao phủ mỗi sớm mai. Đêm Mường Lay ấm lòng bên chén rượu cần, say lòng trước bước đi uyển chuyển cùng điệu xòe của cô gái Thái trong điệu múa nón, múa chai, múa quạt duyên dáng. Có nhà thơ từng viết: “Nơi sông Đà vặn mình rung núi/ Lối Ma Ly Pho là sợi chỉ xuyên qua xống váy mèo/ Thị xã nhỏ như chiếc cúc áo cài trên ngực đất nước/ Núi hai đầu mây đến đá lông nheo” để nói về vẻ đẹp của thị xã nhỏ xíu nơi vùng hồ thủy điện bên Sông Đà này. Đến Mường Lay hôm nay, lên đỉnh đồi Dốc Cao ngắm nhìn toàn cảnh, du khách sẽ hoàn toàn mãn nguyện trước một điểm đến còn mới mẻ nhưng vô cùng hấp dẫn với thiên nhiên sơn thủy hữu tình.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn