Hà Nội bỏ quy định 14 ngày không có F0 mới được mở trường

0
Hà Nội bỏ quy định 14 ngày không có F0 mới được mở trường

UBND TP Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp cho học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Công văn bỏ quy định: “Xã, phường, thị trấn tại 30 quận, huyện, thị xã trải qua 14 ngày tính đến thời điểm 30/11 không có F0 trong cộng đồng cho phép học sinh đi học”.

Công văn nêu rõ các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã/phường/thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 cho phép học sinh một số khối lớp trở lại trường.

Cụ thể, đối với các huyện, thị xã, học sinh khối 10, 11, 12 của các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và học sinh khối 9 được triển khai học trực tiếp.

Học sinh cấp tiểu học và khối 6, 7, 8 của cấp THCS tiếp tục học trực tuyến. Riêng trẻ mầm non nghỉ học tại nhà.

Đối với các quận trên địa bàn thành phố Hà Nội, chỉ học sinh khối 10, 11, 12 của các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên được học trực tiếp. Học sinh tiểu học và THCS tiếp tục học trực tuyến. Trẻ mầm non nghỉ học.

Kể từ ngày 6/12, các trường trên địa bàn thực hiện công văn này của UBND thành phố Hà Nội.

hoc sinh Ha Noi tro lai truong anh 1

Học sinh một số khối lớp tại các địa phương được trở lại trường từ 6/12. Ảnh: Nhật Sinh.

Bên cạnh kế hoạch cho trẻ trở lại trường, UBND TP đưa ra những nguyên tắc thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh.

Thứ nhất, trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại hướng dẫn liên ngành do Sở GD&ĐT và Sở Y tế đặt ra.

Thứ hai, giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 chỉ được dạy trực tuyến, không được đến trường dạy trực tiếp. Nhà trường chỉ tổ chức dạy học một buổi mỗi ngày, không tổ chức ăn bán trú, mở căn tin ăn uống. Học sinh được nhắc nhở tự mang nước uống cá nhân.

Thứ ba, những trường có học sinh cư trú trên nhiều địa bàn cần nắm rõ thông tin của học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học lại của từng địa phương nơi trẻ cư trú để bố trí linh hoạt giữa học trực tiếp và học trực tuyến. Đối với các học sinh cư trú ở địa bàn nguy cơ (cấp độ dịch 3, 4), nhà trường nên bố trí cho trẻ học trực tuyến.

Thứ tư, trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, dừng việc dạy học trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Thứ năm, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp, phối hợp với cơ quan y tế địa phương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn trường, lớp và báo cáo UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt trước khi đón học sinh trở lại trường.

UBND TP Hà Nội nhắc các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã căn cứ mức độ an toàn để quyết định, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, đồng thời có các biện pháp ứng phó với tình huống cụ thể để phòng, chống dịch. Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm trước thành phố về việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường.

Sau thời gian thực hiện, căn cứ tình hình thực tiễn, diễn biến dịch bệnh tại địa phương và đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở Y tế để báo cáo và trình UBND thành phố lộ trình tiếp theo việc cho học sinh trở lại trường.

Nguồn: News.zing.vn